Thông gió tự nhiên, hiệu ứng ống khói và những yếu tố gia tăng khả năng lưu thông không khí trong nhà

    28/12/2018 16:5936.643 lượt xem

    Thông gió tự nhiên luôn là mối quan tâm hàng đầu trong xây dựng nhà ở. Đặc biệt, ở Việt Nam, nhà ống là loại hình nhà phổ biến. Loại nhà này thường gặp phải các vấn đề về thiếu nắng, thiếu gió. Bên cạnh đó, khí hậu nhiệt đới gió mùa cũng gây ảnh hưởng không nhỏ. Vì thế, để nâng cao chất lượng cuộc sống, thông gió tự nhiên là yếu tố cần quan tâm hàng đầu.  

     

    Thông gió là yếu tố được các kiến trúc sư đặc biệt quan tâm khi thiết kế

    Thông gió tự nhiên là sự điều hướng có chủ đích không khí tự nhiên vào không gian nhà, chủ yếu là để kiểm soát chất lượng không khí trong nhà bằng cách pha loãng, thay thế không khí ô nhiễm trong nhà và làm mát ngôi nhà. 

    Dù là chủ nhà hay kiến trúc sư thì đây là những phương pháp thông gió nên biết. 

    Những phương pháp thông gió phổ biến

    Thông gió tự nhiên

    Là cách làm cho không khí được lưu chuyển từ ngoài vào trong không gian một cách tự nhiên mà không cần sử dụng bất kỳ một thiết bị cơ khí nào, ví dụ như quạt. 

    Thông gió tự nhiên cũng được chia thành 2 dạng: thông gió từ áp lực nhiệt và thông gió từ áp lực gió.

    - Thông gió từ áp lực nhiệt (Thermal force): Lợi dụng sự lưu thông gió tạo nên bởi áp suất của không khí. Cách làm này dựa trên sự chênh lệch mật độ của không khí giữa các vùng ở trong phòng. Các phần tử không khí nóng và khô nhẹ hơn nên thường bốc lên cao, các phần tử không khí lạnh, ẩm nặng hơn nên chìm xuống dưới. Chỉ cần mở “đúng chỗ” sẽ khiến không khí lạnh đi vào và đẩy khí nóng lên trên tầng cao nhất rồi đi ra ngoài cửa ô thoát. 

     

    Thông gió tự nhiên sử dụng áp lực nhiệt được sử dụng phổ biến trong nhà ống

    - Thông gió từ áp lực gió (Wind force): Là giải pháp mở cửa thoát gió nằm ở hai mặt nhà khác nhau, tốt nhất là ở mặt đối diện. Cách làm này cho phép gió đi xuyên phòng, kết hợp với khí nóng rồi được đẩy ra ngoài qua cửa thoát. 

     

    Thông gió từ áp lực gió khiến ngôi nhà được làm mát theo chiều ngang

    Hiệu ứng ống khói

    Cách điều chỉnh không khí này thường được sử dụng trong các tòa nhà cao tầng. Cũng giống như phương pháp thông gió từ áp lực nhiệt, trong phương pháp này khí lạnh cũng gây áp lực với không khí nóng buộc nó phải di chuyển lên trên. Tuy nhiên, khi khí nóng bay lên tạo sẽ tạo ra áp lực kéo khí tươi (khí lạnh mới) từ bên ngoài vào thế chỗ cho khí nóng mới bay lên. 

     

    Hiệu ứng ống khói dựa trên sự chênh lệch nhiệt độ để lưu thông không khí

    Điều quan trọng nhất khi áp dụng phương pháp này đó là sự chênh lệch độ cao giữa cửa gió vào và ra. Chênh lệch càng lớn thì thông gió càng hiệu quả. 

    “Ống khói” ở các nhà cao tầng là khu vực sảnh lớn theo chiều dọc, còn với những công trình nhà ở thường là khoảng thông tầng, giếng trời theo phương đứng

    Một ví dụ điển hình cho giải pháp này đó là tòa nhà Quốc hội Đức, được thiết kế bởi Norman Foster. Toàn bộ không gian bên ngoài tòa nhà sử dụng lớp kính có khả năng đóng – mở, lõi là một hình nón ngược cho phép không khí dễ dàng lưu thông. 

     

    Tòa nhà Quốc hội Đức là minh chứng rõ ràng nhất cho phương pháp thông gió ống khói

    Hiệu ứng Bernoulli

    Hiệu ứng này sử dụng sự chênh lệch tốc độ gió để giúp lưu thông không khí. Theo đó, không khí chuyển động càng nhanh, áp suất của nó càng thấp. Dựa trên ngôn ngữ của kiến trúc, không khí càng ở trên cao, cách xa mặt đất thì càng ít bị cản trở bởi cây cối và các công trình khác, do đó chuyển động sẽ nhanh hơn và có áp suất thấp hơn. Vì thế, gió thổi trên mái nhà có áp suất thấp hơn sẽ tạo ra áp lực âm và thu hút khí tươi đi qua, làm mát công trình. 

    Trong nhiều trường hợp, kiến trúc sư sử dụng cả hiệu ứng ống khói và hiệu ứng Bernoulli để gia tăng hiệu quả thông gió.

     

    Một vài lỗ thông gió trên mái nhà: ống khỏi mở, tuabin hay thông gió đầu hồi tận dụng hiệu ứng Bernoulli

    Một số yếu tố giúp gia tăng hiệu quả thông gió

    Yếu tố hỗ trợ hiệu quả thông gió đầu tiên không thể không kể đến vật liệu. Những loại vật liệu có khoảng trống, ô rỗng ngoài việc kiểm soát ánh nắng mặt trời còn có thể cho phép gió lưu thông dễ dàng. Tuy nhiên, sử dụng loại vật liệu nào, khoảng hở là bao nhiêu thì cần phải tính toán kỹ.

     

    Mỗi loại vật liệu khác nhau lại mang đến hiệu quả thông gió khác nhau

    Tiếp theo, chúng ta cần lựa chọn cách mở cửa đón – thoát gió, cụ thể là loại cửa sổ. Với những loại cửa sổ kính trượt, khi mở ra bạn sẽ chỉ đón nhận được 50% gió nhưng với cửa cánh mở 2 bên hoặc một bên thì tới 100%. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu, điều kiện của người sử dụng. 

     

    Lựa chọn đúng loại cửa sổ để gia tăng hiệu quả thông gió

    Rào cản cũng là một trong những yếu tố cần được xem xét, ở đây đó chính là vách ngăn. Một vách ngăn cao, lớn, vững chắc sẽ khiến gió bị cản trở khi lưu thông. Vậy thì, thay vì lựa chọn một vách ngăn bằng bê tông, gỗ tấm thì một vách ngăn CNC, gỗ ghép thanh, lưới thép… sẽ khiến gió lưu thông tốt hơn nhiều. Lưu ý, độ cao của vách ngăn cũng cần được cân đối để mang lại hiệu quả thông gió tốt nhất. 

     

    Đừng để những bức tường bê tông cản trở luồng gió tự nhiên ghé thăm nhà bạn

    Gió - nguồn năng lượng vô tận của tự nhiên và các giải pháp thông gió mang đến một không gian sống thoải mái, luôn tươi mới và tràn đầy năng lượng. Hiểu sao cho đúng và vận dụng cho không gian sống của chính bạn là điều quan trọng nhất.

    Bài viết: Khánh An

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Happynest Story

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0