Kiến Trúc Sư thường là những người bận rộn với các dự án mang tính kiến tạo. Để duy trì sự sáng tạo và tích cực là thách thức không nhỏ với các KTS. Họ cũng là những người phải chịu nhiều áp lực khi liên tục phải chứng minh năng lực (kiến thức và kinh nghiệm), độ hiệu quả (tính khả thi và kết quả trong công việc), sự thích nghi (sự kiên nhẫn, chịu áp lực tốt và phải luôn giữ được sự ổn định về tinh thần).
KTS cũng là những người chịu nhiều áp lực và cần động lực để đi tới thành công
Một trong những yếu tố tác động đến nguồn cảm hứng sáng tạo của Kiến trúc sư là thói quen trong nhịp sống hằng ngày. Thành công trong công việc cũng đến từ lối sống của họ. Một người KTS có tâm và có tầm, chắc hẳn cũng có nhịp sống riêng cho mình để điều hòa những stress trong công việc và cuộc sống. Dưới đây là một vài lời khuyên hữu ích mang tính chất tham khảo giúp KTS tạo được thói quen và tư tưởng thoải mái trong việc sáng tạo những bản vẽ mang trải nghiệm đầy thú vị.
1. Liệt kê ra những công việc cần phải làm và thực hiện chúng theo đúng kế hoạch một cách khoa học và hợp lý
Danh sách việc cần làm tốt nhất được thực hiện vào buổi sáng, trước khi bạn bắt đầu làm bất cứ việc gì. Nó sẽ giúp bạn quản lý công việc chặt chẽ và giảm thiểu sự trì hoãn.
Hãy cố gắng sắp xếp khối lượng công việc bằng việc chia nhỏ thời gian biểu của bạn. Điều ấy sẽ giúp bạn có những quãng nghỉ hợp lý, khiến tâm trạng được thoải mái và giảm bớt áp lực từ công việc. Bạn nên tránh tình trạng làm việc một cách rườm rà vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian và khối lượng công việc cần hoàn thành.
Ngoài ra, bạn nên bổ sung các hoạt động giải trí hằng ngày như: luyện tập thể thao, hoạt động cộng đồng hay thậm chí là giúp đỡ những người xung quanh. Những hoạt động này cũng giúp bạn mở mang về kiến thức thực tế cũng như kinh nghiệm sống để áp dụng vào công việc vào lúc mà bạn không ngờ tới.
2. Xây dựng tiến độ công việc và hệ thống hóa thành một kế hoạch cụ thể
Mỗi dự án lại có quá trình hoàn thành khác nhau. Vì vậy, khi bắt đầu thực hiện bất kỳ dự án nào, bạn hãy lưu ý rà soát lại những công việc cần làm và xây dựng một kế hoạch hợp lý.
Quá trình hoàn thành công việc luôn cần bám sát mục tiêu đã đặt ra
Một kế hoạch cụ thể phải có sự chuẩn bị thật kĩ càng qua các bước.
Bước 1: Vision of Development: người thực hiện kế hoạch phải có tầm nhìn và bao quát được hết về năng lực cũng khả năng dự đoán về sự việc.
Bước 2: Goal Setting: Việc đặt ra mục tiêu sẽ là cái đích để hướng đến.
Bước 3: Workplan: kế hoạch luôn là yếu tố quan trọng, là kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động trong quá trình thực hiện.
Bước 4: Workingprogress: Cần sát sao với tiến độ công việc để tránh lãng phí thời gian và trì hoãn công việc tiếp theo.
3. Giữ khoảng cách với những trang mạng xã hội và internet nếu cần
Hãy gác lại những trang mạng xã hội để quan tâm hơn về cuộc sống đi nào
Chúng là những tác nhân làm bạn xao lãng, lấy đi những khoảng thời gian quý báu cũng như năng lượng dồi dào của bạn mà bạn không hề hay biết. Hãy cố gắng tập trung vào công việc, hãy để điện thoại của mình ở chế độ tránh bị làm phiền và tận hưởng 1 đến 2 giờ bận rộn hoặc thư giãn, lúc đó bạn sẽ cảm thấy có nhiều năng lượng tích cực hơn cả.
4. Sử dụng thông minh quỹ thời gian mà bạn có
Thời gian là điều hết sức cần thiết trong lĩnh vực kiến trúc. Nếu bạn quá bận rộn với các công việc phát sinh, bạn sẽ có ít thời gian cho sáng tạo. Đừng khiến một vài công việc dài hơn dự kiến, và cố gắng đừng mắc sai lầm vì điều đó sẽ khiến tiến độ chung bị kéo dài. Chính khoảng thời gian bị lãng phí đó có thể được chuyển hóa thành những khoảng thời gian tuyệt vời cho việc giải trí, nghỉ ngơi và sáng tạo.
Việc phân bổ thời gian hợp lý cũng là chất xúc tác để bạn có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn
Sử dụng và thông thạo những công cụ tiện ích và đầu tư quỹ thời gian vào cập nhật những phần mềm mới hữu ích, sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian trong quá trình làm việc. Ví dụ như Blender, đang là phần mềm đồ họa được ưa chuộng do cộng đồng thiết kế bình chọn với số lượng người sử dụng sôi nổi nhất hiện nay. Ưu điểm của phần mềm này là sử dụng mã nguồn mở, cùng nhiều tính năng vượt trội về bao quát mọi thiết kế từ nhà ở, cầu, cao ốc,... Nhưng đi kèm theo đó, việc làm quen và sử dụng thành thạo là vấn đề về thời gian.
5. Điều chỉnh chế độ ăn uống
Bạn hãy tránh ăn những thực phẩm giàu chất béo và chứa nhiều tinh bột trước khi làm việc. Bởi chất béo và tinh bột là tác nhân của việc khiến bạn mệt mỏi và buồn ngủ. Thay vào đó, hãy lựa chọn những thực phẩm tốt cho sức khỏe như là rau củ, hoa quả và thịt tươi. Uống nước thường xuyên sẽ giúp bạn tập trung hơn khi làm việc. Nếu bạn đã thực hiện những điều này mà vẫn cảm thấy mệt mỏi, khó khăn trong việc tập trung thì hãy gặp và trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng để kiểm tra về sức khỏe của mình.
Kiến trúc sư cũng cần có một chế độ ăn uống hợp lý để làm việc hiệu quả
6. Hạn chế sử dụng các chất kích thích
Hãy thỉnh thoảng hoặc tốt hơn là hạn chế tối đa việc sử dụng chất kích thích vì nó sẽ khiến bạn trở nên bị phụ thuộc. Đó có thể là cafe hay đồ uống có cồn...
Hạn chế sử dụng caffein sẽ làm bạn không phụ thuộc vào nó mỗi khi làm việc
7. Chăm sóc bản thân bằng việc chăm chỉ tập luyện thể thao
Luyện tập thể thao sẽ rất tốt cho bạn, về sức khỏe, thẩm mỹ, trí lực và tinh thần. Luyện tập giúp bạn cải thiện được tâm trạng hằng ngày và có một giấc ngủ tuyệt vời sau một ngày làm việc vất vả.
Hãy quan tâm đến sức khỏe của chính mình để vững vàng hơn về cơ thể cũng như trí lực
Hơn thế nữa, thể thao còn giúp xua tan đi những lo lắng, cải thiện về trí nhớ. Đơn giản nhất, bạn chỉ cần thức giấc và đi bộ hằng ngày vào buổi sáng để hít thở bầu không khí trong lành hoặc đạp xe để nâng cao độ dẻo dai.
8. Thay đổi phong cảnh nơi làm việc
Phải làm việc trong một không gian thường nhật khiến bạn mất đi sự sáng tạo. Vậy khi nào cảm thấy bí bách hoặc chán nản trong suy nghĩ, hãy thay đổi chỗ ngồi làm việc. Không biết đã có nơi nào đã được ghim trong tâm trí của bạn chưa? Có thể là công viên, nơi mà bạn có thể hít thở bầu không khí trong lành, tận hưởng và cảm nhận trong những khoảng xanh của cây cối hay một góc quán quen thuộc.
Không gian làm việc với cây xanh sẽ giúp bạn có thêm năng lượng sáng tạo hơn trong công việc
9. Cập nhật thông tin hằng ngày và giao lưu với bạn bè
Không phải lúc nào gặp gỡ và giao lưu bạn bè cũng là tốt. Nếu bạn cảm thấy không thoải mái khi nói chuyện với bạn bè, thì đọc báo, tạp chí hay xem phim sẽ giúp ích cho tâm trạng của bạn tốt hơn.
Vậy hãy thường xuyên đọc báo và tạp chí giới thiệu về công trình hay xu hướng kiến trúc của thế giới vì đó chính là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận và vừa là cách để bạn cập nhật kiến thức. Không chỉ đọc báo, tạp chí về kiến trúc, bạn có thể tìm hiểu về những lĩnh vực khác để đa dạng góc nhìn của chính mình. Hãy thử đọc sách về tiểu thuyết hay những mẹo hay trong cuộc sống hoặc cũng có thể là một lĩnh vực mà bạn muốn quan tâm khác ngoài Kiến Trúc.
Sách sẽ luôn là người bạn tinh thần cho mỗi chúng ta và cũng mang lại nguồn kiến thức rất lớn
10. Hãy thư giãn và ngủ đủ giấc
Mỗi khi bạn cảm thấy bế tắc trong suy nghĩ, hãy nghỉ ngơi một chút, ngồi xuống và thư giãn cùng với những bản nhạc mà bạn yêu thích. Trong trường hợp bạn bị căng thẳng quá mức, hãy massage nhẹ nhàng cơ thể để thư giãn và thoải mái. Massage có tác dụng đẩy mạnh lưu thông máu, giảm bớt sự căng thẳng, tăng cường sự tập trung và giúp cơ thể tái tạo nguồn năng lượng tích cực tốt hơn.
Giấc ngủ cũng rất quan trọng để phục hồi về sức khỏe cũng như tinh thần làm việc
Hầu hết những KTS đều phải trải qua những đêm dài khó ngủ, thậm chí thức khuya để hoàn thành công việc. Nhưng hãy ghi nhớ rằng, giấc ngủ rất quan trọng, nó giúp bạn cải thiện rõ rệt về trí nhớ, tăng cường tính sáng tạo và sự tập trung cũng như sự tỉ mỉ trong công việc. Chính vì vậy, hãy cố gắng ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi ngày, điều đó sẽ giúp bạn có một cuộc sống khỏe mạnh và minh mẫn để làm việc.
Không thể phủ nhận rằng, sức khỏe và tinh thần làm việc luôn là 2 yếu tố cần thiết để có thể phát huy được hết năng lực cũng như khả năng của bản thân. Hi vọng rằng, với 10 lời khuyên hữu ích này sẽ là hành trang vững chắc sát cánh lâu dài cùng với các Kiến trúc sư.
Nguồn: Arch2o.com
Tác giả: Yosra M. Ahmed
Biên dịch: Đức Tú