KTS Nguyễn Tùng (Toam Studio) chia sẻ: "Có một lần chủ nhà ưng ý chi tiền mà tôi vui không nổi". Kinh nghiệm “đau đớn” đó khiến KTS Nguyễn Tùng nhận ra 2 sai lầm của chủ nhà trong quá trình làm việc với đơn vị thiết kế, và tầm quan trọng của việc xây dựng “đề bài” giữa chủ nhà và KTS sau này.
Công trình Capital Garden House được thiết kế dựa trên sự làm việc ăn ý giữa chủ nhà và KTS
Sai lầm thứ nhất: Chủ nhà thường tự tìm giải pháp cho đề bài của mình trước khi chia sẻ với KTS
Theo KTS Nguyễn Tùng, đây là sai lầm nhiều chủ nhà mắc phải khiến họ không có được ngôi nhà đúng ý muốn. Thực tế, nhiều gia chủ thường tự giới hạn khả năng thiết kế nhà của mình, cho rằng suy nghĩ của mình đúng, không chia sẻ hết mong muốn với KTS. Điều này khiến KTS thiếu thông tin về phong cách sống, sở thích hay ước muốn của khách hàng để tạo nên một bản thiết kế đáp ứng đầy đủ nhu cầu nhất.
Một ví dụ cho thấy chủ nhà đã tự tìm giải pháp cho một vấn đề mà lẽ ra nên là nhiệm vụ của KTS như sau: chủ nhà rất thích bể bơi và một mảnh vườn, nhưng lại ở chung cư. Thay vì chia sẻ điều này với KTS, chủ nhà lại tự kết luận chung cư thì không thể có bể bơi, và KTS sẽ không thể làm gì với sở thích đó. Vậy là KTS không bao giờ biết đến mong muốn này và đã bị mất một thông tin thú vị để hiểu hơn về lifestyle của chủ nhà.
Bởi vậy, tất cả những chia sẻ của chủ nhà đều hữu ích đối với KTS, đặc biệt là những mong muốn không thực tế. Các chủ nhà đừng ngần ngại chia sẻ mong muốn của mình với KTS để KTS hiểu hơn về tính cách, lối sống của bạn. Từ đó, KTS sẽ tìm ra những ý tưởng gần nhất với mong muốn của bạn nhưng vẫn khả thi để triển khai.
Tổ ấm đầy yêu thương trong Capital Garden House
Góc thư giãn hoàn hảo được thiết kế theo nhu cầu của gia chủ trong Biệt Thự Parkriver - Ecopark
Không gian đậm chất cổ điển và tinh tế bên trong Biệt Thự Parkriver - Ecopark
Sai lầm thứ hai: KTS và chủ nhà không thống nhất được “đề bài” ngay từ bước đầu
Đề bài đóng vai trò rất quan trọng trong việc lên ý tưởng thiết kế và kết quả công trình sau này. Nếu đề bài rõ ràng, chắc chắn thì chủ nhà sẽ vừa có được một ngôi nhà như ý, vừa tiết kiệm chi phí, thời gian. Ngược lại, nếu đề bài không rõ ràng, chủ nhà sẽ tốn thêm khoản phát sinh sửa chữa và tâm trạng cũng không vui vẻ khi nhận kết quả không đúng ý.
Do đó, các gia chủ cần cung cấp đủ những thông tin để KTS nắm bắt được nhu cầu, lối sống lâu dài của mình chứ không phải chỉ là những ý thích nhất thời. KTS cũng cần có kinh nghiệm đánh giá đề bài một cách tổng thể và quy trình làm việc để cùng chủ nhà thống nhất những thông tin đó.
Bàn thêm về vấn đề này, KTS Nguyễn Tùng cũng chia sẻ một kinh nghiệm “để đời” của anh khi được yêu cầu cải tạo lại một căn nhà với kinh phí 300 triệu đồng. "Thời điểm đó cách đây khá lâu, khoảng năm 2009, lúc đó việc làm nghề còn khá đơn giản. Tôi nhận công trình này vì nghĩ rằng 300 triệu là khả thi. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, chủ nhà đột nhiên phát sinh thêm nhu cầu, dẫn đến việc chỉnh sửa thiết kế, phát sinh chi phí thi công ngoài dự kiến… Khi quyết toán, tổng chi phí thiết kế và thi công đã đội lên hơn 800 triệu đồng. Tôi nhớ mãi không quên cái hôm thanh toán tiền, chủ nhà vừa đi vừa hát, anh ấy rất vui vì có 1 ngôi nhà đẹp như ý. Thanh toán tiền mà chủ nhà vui vẻ thế thì lẽ ra tôi phải mãn nguyện mới đúng. Thế nhưng tôi lại đau đớn vô cùng, vì với 800 triệu đồng thì hoàn toàn có thể xây hẳn một nhà mới khang trang hơn nhiều."
Một góc tĩnh lặng của căn chung cư S3 Vinhomes Skylake Phạm Hùng
Căn hộ thể hiện gu thẩm mỹ tinh tế của chủ nhà và thiết kế khéo léo của KTS
Điểm mấu chốt khi làm việc với KTS mà chủ nhà cần lưu ý là phải thẳng thắn và chia sẻ chi tiết thông tin với KTS. Nếu bạn chia sẻ càng chi tiết, bạn càng có lợi. Ngoài những mong muốn, chủ nhà nên chia sẻ thêm về cách thức sẽ vận hành ngôi nhà, về những tương tác của những thành viên trong gia đình với ngôi nhà, thậm chí cả những điều nằm ngoài phạm vi nhiệm vụ của việc thiết kế một căn nhà. Có thể là kế hoạch tài chính cho việc đầu tư xây dựng hoàn thiện hay kế hoạch để gắn kết hơn những thành viên trong gia đình... Nếu chủ nhà càng cởi mở và hợp tác, KTS càng có không gian để sáng tạo và thiết kế. Khi đó, ngôi nhà hoàn thiện sẽ thực sự là ngôi nhà dành riêng cho bạn và gia đình.
Nếu bạn không biết nên bắt đầu từ đâu, nên cung cấp những thông tin gì thì lúc này, KTS sẽ là người hướng dẫn, giúp bạn dần dần đưa ra một đề bài hoàn chỉnh. KTS Nguyễn Tùng chia sẻ: "Ví dụ, tôi có sử dụng một bảng câu hỏi khảo sát khách hàng, trong đó tôi hỏi họ đủ thứ. Có thể khi tìm đến đơn vị thiết kế, họ chưa biết nên đưa ra đề bài như nào, nhưng sau khi trả lời xong số câu hỏi đó, ít nhất họ đã hình dung được rõ ràng về con đường xây nhà và biết bước tiếp theo sẽ cần phải làm những gì."
Có thể thấy, đề bài và cách tạo đề bài thiết kế thi công rất quan trọng với kết quả hoàn thiện của một ngôi nhà. Hy vọng những chia sẻ về sai lầm trong quá trình làm việc giữa chủ nhà và đơn vị thiết kế của KTS Nguyễn Tùng đã giúp ích được cho các chủ nhà đang có kế hoạch xây sửa trong tương lai.
Bài viết: Phương Thảo (thực hiện)
Ảnh: TOAM Studio
Cẩm nang sửa nhà được bảo trợ nội dung bởi HAPPYNEST, đồng hành cùng LÀ NHÀ trên những chuyến chu du "Gõ cửa - Sửa nhà" và được truyền thông trên hệ thống các kênh VCCorp. Là Nhà - Chương trình truyền hình thực tế "làm mới" căn nhà thân quen của khán giả, biến từng khoảng không gian sống thành chốn nghỉ ngơi, vỗ về xúc cảm và chứa đựng câu chuyện ý nghĩa của chính gia chủ. Không chỉ là một chương trình về kiến trúc thông thường, Là Nhà lồng ghép kiến thức chuyên môn với câu chuyện cá nhân của mỗi chủ nhà để tạo nên chương trình đầy xúc cảm và nhân văn. Là Nhà sẽ phát sóng lúc 15 giờ Chủ Nhật hàng tuần trên VTV3; 20 giờ cùng ngày trên Megalivestream của VCCorp, và Fanpage & Website Happynest. |