Nhiều người ham gửi tiết kiệm vì lãi suất cao, nhưng tôi chọn đầu tư dài hạn vào bất động sản như một kênh trú ẩn trước lạm phát.
Trải nghiệm bài viết và hình ảnh mượt mà hơn với ứng dụng Happynest tại đây. |
Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của tác giả Viet QT trong bài viết Đầu tư 15 tỷ đồng vào đất nông nghiệp. Đó là một hướng đi rất đúng đắn. Ai cũng nghe đến lạm phát nhưng ít người hiểu lạm phát thực sự là gì. Ở đây, cần phải hiểu rằng tiền nhiều và mất giá, còn tài sản vẫn vậy, nhưng tài sản quy ra tiền thì sẽ có giá cao hơn. Do đó, lúc lạm phát thì nắm tài sản là điều cần thiết và đúng đắn để giá trị của tài sản bạn không bị giảm, bất kể loại tài sản nào, như: hàng hóa, vàng, bất động sản...
Hiện nay, nhiều người thấy lãi suất ngân hàng cao thì ham gửi tiết kiệm, nhưng thực chất lạm phát cao thì bạn cũng chẳng có lợi. Sau này, bạn cầm số tiền đó (đã cộng thêm lãi suất cao hiện giờ) cũng chẳng mua nổi tài sản so với trước khi bạn gửi ngân hàng. Do lạm phát đẩy mọi thứ giá hàng hóa đều lên cao hết, nên tốt nhất là không nên gửi quá nhiều tiền trong ngân hàng.
>>> Xem thêm: Gia chủ hối hận khi đầu tư mua nhà phố, lãi không bằng gửi tiết kiệm
Những ai học kinh tế vĩ mô đều biết, khi lạm phát tăng cao, chính phủ đều phải tăng lãi suất ngân hàng để kiềm chế lạm phát. Nhưng bạn nào đang cần đất hay nhà mà gửi tiền ngân hàng sẽ là một sai lầm vô cùng lớn. Bất động sản như một cái lò xo, tất cả những ai chịu đựng được qua thời điểm khó khăn thì nó sẽ lại bùng nổ, và giúp những người có tài sản dạng này lấy lại hết những gì họ đã lỗ hay chịu đựng những năm qua. Người cuối cùng thiệt nhất vẫn là người mua sau cùng.
Làm gì cũng phải có sự kiên trì thì mới thành công. Bạn gặp thất bại lần đầu đã phán là nó tệ, thì mãi là người thất bại, chạy trốn. Bạn tham gia thị trường lúc thanh khoản đang khó khăn rồi buông là do bạn chưa đủ bản lĩnh, không có kiến thức. Còn có tiền dư, không phải vay ngân hàng, dùng đòn bẩy tài chính, thì sở hữu bất động sản luôn có lời, không bán lúc này thì có thể đợi khi thị trường sôi động mới ra hàng.
Bản thân tôi kinh doanh nhà đất hơn tám năm nay. Tôi làm xây dựng những năm 2015, làm xong một cái nhà là đủ tiền lời để mua một mảnh đất nhỏ và tôi luôn làm vậy thay vì gửi tiết kiệm ngân hàng. Từ đó đến nay, thị trường bất động sản lên xuống rất nhiều, nhưng chung quy, mức lãi suất 12% của ngân hàng cũng không phải thứ gì quá to tát. Quan trọng là bạn có trụ nổi qua đợt khó khăn hay không mà thôi.
>>> Xem thêm: Đầu tư 2 tỷ để 'bỏ phố về rừng', sau 2 năm, cặp vợ chồng trẻ khốn đốn vì 'đời không như mơ'
Cũng như khi bạn chơi chứng khoán vậy, những người vay mượn để chơi thì mới bị áp lực bán tháo trong lúc giá thấp. Còn người có tiền nhàn rỗi thì lúc thấy thị trường đi xuống vẫn ung dung mà ngồi đợi nó lên. Chỉ có những người ít tiền đi vay mới bị áp lực bán lỗ trong lúc giá thấp mà đem về nguồn lợi cho kẻ khác.
Theo quan điểm của tôi, nếu bạn mua một bất động sản, rồi đem cho thuê, số tiền thu lại được đảm bảo trả lãi dần cho ngân hàng được thì bạn nên mua ngay.
Nếu bạn hiện có tiền nhàn rỗi, khoảng 70% giá trị bất động sản, bạn hoàn toàn có thể vay thêm ngân hàng để mua rồi đem cho thuê và lấy tiền đó trả lãi dần trong 10 năm, 20 năm, bài toán đó hoàn toàn khả thi. Sau 20 năm nhìn lại, bạn sẽ thấy hành động đó ý nghĩa thế nào?
Theo Phat (Nguồn VNE)
Tôi đầu tư 15 tỷ đồng vào đất nông nghiệp Lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng liên tục tăng cao nhưng đi kèm là rủi ro lạm phát, tôi quyết định dồn toàn bộ 15 tỷ đồng vào đất. "Nên gửi tiền ngân hàng hay đầu tư bất động sản?" là câu hỏi chung của nhiều người trong thời điểm lãi suất ngân hàng liên tục tăng cao, trong khi thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại. Hiện nay và có thể là trong vòng ba năm tới, lãi suất ngân hàng sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa, nhưng đi kèm với đó là tình trạng lạm phát cũng leo thang. Điều đó khiến phương án gửi tiết kiệm ngân hàng trở nên không khả thi. Còn đầu tư bất động sản thì sao, nên nhắm tới phân khúc nào? Tôi cho rằng, phân khúc nhà liền thổ tương đối an toàn nhưng bù lại, lợi nhuận thường không cao, chỉ ngang bằng hoặc thậm chí là thấp hơn cả lãi suất ngân hàng. Trong khi đó, phân khúc căn hộ chung cư lại đang "chết yểu" với quy định thời hạn sở hữu ngắn (50 năm), giá trị căn hộ còn lại khi hết thời gian sở hữu rất thấp, tình trạng thiếu an toàn trong phòng chống cháy nổ, chi phí dịch vụ khá cao... Tất cả những yếu tố trên dẫn tới tính thanh khoản và lợi nhuận của nhà chung cư bị giảm đi đáng kể, không nên đầu tư. Còn với phân khúc đất nền dự án, một điểm dễ thấy là tính thanh khoản không cao, độ an toàn cũng thấp nếu chủ đầu tư không thể ra sổ được. Khi số lượng người về ở không có nhiều, dự án trở thành khu đô thị chết thì cái kết cho khoản đầu tư của bạn cũng là thua lỗ. Cuối cùng, tôi quyết định dồn khoảng 15 tỷ đồng của mình vào đầu tư đất nông nghiệp (đất phải có đường đi riêng). Tôi chủ yếu tìm những lô đất càng nhiều yếu tố tiềm năng càng tốt, như: giá mua thấp hơn giá thị trường; đường đi vào rộng, thông thoáng, đã có hoặc sắp trải thảm nhựa; có hệ thống giao thông kết nối vùng; vị trí đất giáp sông hồ, hoặc gần chợ (như người xưa thường có câu "Nhất cận thị, nhị cận giang"); vị trí đất cách thành phố, trung tâm kinh tế khoảng 150km trở xuống (ví dụ mua đất ở Đồng Nai, Long An... vì gần TP HCM và Bình Dương). Ngoài ra, khi mua đất, tôi luôn chọn những mảnh có pháp lý rõ ràng (không phải có sổ đỏ là đã an toàn; ngược lại, nhiều đất chưa sổ nhưng có chính quyền xã xác nhận và sau này được cấp sổ thì cũng là an toàn). Nguồn gốc đất cũng cần phải được lưu tâm (đất được giao, được cấp, không thu tiền, không phải đất cho thuê hay đất lâm nghiệp). Cuối cùng, tôi sẽ không mua đất đặc thù như đất trồng lúa nước, nuôi thủy sản vì sẽ khó chuyển đổi hoặc phân lô, tách thửa... Với định hướng đầu tư như vậy, ít nhất đến giờ tôi vẫn đi đúng đường, không những bảo toàn được số vốn mà còn từng bước thu được lợi nhuận bền vững. Hy vọng đây sẽ là một gợi ý có ích cho những bạn đang lăn tăn lựa chọn phương án đầu tư phù hợp cho riêng mình. Viet QT |