Gia chủ Hà Nội nhận “trái đắng”, hối hận vì tiếc tiền không làm chống thấm cẩn thận ngay từ đầu

    19/05/2024 22:158.719 lượt xem

    Khu vườn trên mái giống như “lá phổi” của ngôi nhà bởi nó giúp làm sạch không khí, kết nối con người với thiên nhiên trong lành. Chính bởi vậy, nhiều gia chủ đã đầu tư công sức và tiền bạc để làm vườn trên mái. Nhưng cuối cùng đành phải đập bỏ khi phần nước đọng ở đất thấm xuống trần và sàn tầng dưới.

    *Tham khảo Hướng dẫn đăng bài trên website Happynest tại đây để kết nối với cộng đồng Happynest nhé.

    Vườn trên mái còn mang đến sự tươi mát cho không gian sống (ảnh minh hoạ)

    Hai trường hợp sau đây là ví dụ điển hình về việc làm vườn trên mái nhưng không thi công chống thấm tốt, dẫn đến phải dỡ toàn bộ.

    Đầu tiên là trường hợp của chị Nga (Đống Đa, Hà Nội) xây ngôi nhà 4 tầng khang trang trên mảnh đất 70m2. Vì rất yêu thích trồng cây nên khi xây nhà, chị đã lên kế hoạch làm một khu vườn trên mái. Trước đây, ở nhà cũ, chị sử dụng thùng xốp, khay nhựa để trồng cây là chủ yếu nên khu vườn không được ngăn nắp và quy củ.

    Khi chuyển lên nhà mới, chị Nga “chuyên nghiệp hơn” bằng cách sử dụng một lớp bạt trải lên sàn tầng thượng, xây gạch chia ô và đổ đất trồng cây lên. Chị còn lên mạng tham khảo cách bố trí vườn trên sân thượng vừa có luống trồng rau, hồ cá và bồn trồng hoa. Chị đầu tư hàng chục triệu mua cây cảnh, cây giống và thuê người chuyển đất lên sân thượng. Sau khi hoàn thành khu vườn tốn nhiều công sức và tiền bạc, chị Nga rất hài lòng bởi những bồn hoa rực rỡ, những khóm cây bụi, hồ cá sống động. 

    Chưa vui mừng được bao lâu, ngay mùa mưa bão cùng năm, những cơn mưa kéo dài khiến nước trên sân thượng nhà chị Nga không thoát kịp. Hàng trăm kg đất trên trần nhà tích tụ nước mưa suốt nhiều ngày, nước thấm qua bạt và ngấm xuống tầng dưới. Trước tiên là các vết ố loang lổ xuất hiện ở một số khu vực trên trần nhà rồi nước chảy thành giọt rơi xuống sàn nhà tầng 4.

    Để khắc phục tình trạng trên, chị Nga đã cho thợ trát vữa vào các chỗ ngấm nhưng không hiệu quả. Vì thế, gia đình chị phải di chuyển hết đồ dùng nhỏ ở các phòng tầng 4 và phủ bạt che kín đồ đạc lớn mà vẫn lo ẩm mốc. Trên sàn nhà cũng có nhiều nước đọng khiến anh chị thường xuyên phải dùng giẻ để thấm nước. 

    Khi đợt mưa kết thúc, chị Nga liên hệ với đội thợ xây nhà và yêu cầu họ có trách nhiệm sửa chữa nhà thấm. Tuy nhiên, đội thợ xây không nhận trách nhiệm bởi họ cho rằng, trước khi xây dựng, chị Nga không hề đề cập đến việc sẽ làm vườn trên mái nhà và đổ khối lượng đất lớn như vậy trên mái. Không “cãi” lại được với những lý lẽ thuyết phục của đội thi công, gia đình chị đã phải chi tiền cải tạo nhà đồng thời dỡ toàn bộ khu vườn trên mái. Bồn cây bị đập bỏ, cây được đào lên, đất dồn vào bao tải và được vận chuyển đến một khu vực khác. Sau đó, đội thi công bắt đầu tiến hành chống thấm, sơn bả lại trần tầng 4.

    >>> Xem thêm: Kiến trúc sư tiết lộ cách làm vườn rau trên mái và chống thấm sân thượng hiệu quả

    Tương tự trường hợp của chị Nga, chị Loan (Hai Bà Trưng, Hà Nội) ban đầu trồng hai cây lộc vừng ở sân thượng rộng 15m2 trước nhà thờ. Do nghĩ rằng diện tích trồng cây (80x80cm) không quá rộng nên chị đổ trực tiếp đất lên sàn mà không làm chống thấm. Một năm sau, khi cây ra lá vàng và những chùm hoa rực rỡ cũng là lúc trần tầng dưới tương ứng với vị trí trồng cây bị thấm nước. Chị Loan buộc phải phá gạch, di chuyển lộc vừng ra để tiến hành chống thấm cho khu vực trồng cây, đồng thời sơn bả lại toàn bộ phần trần tầng 4 do nước loang rộng.

    Theo ý kiến của các kiến trúc sư, khi làm vườn trên mái, gia chủ cần thi công chống thấm kỹ càng để tránh thấm dột về sau. Dưới đây là quy trình thi công vườn trên mái của KTS Võ Trọng Nghĩa mà bạn đọc có thể tham khảo:

    Quy trình thi công vườn trên mái

    1. Lớp bê tông ở dưới cùng cũng chính là sàn bê tông sân thượng của nhà.

    2. Lớp sơn chống thấm ngăn không cho nước thấm xuống tần dưới.

    3. Lớp Drain Cell cho phép nước thoát ra để không gây ngập úng.

    4. Lớp vải địa kỹ thuật giữ cho lớp cát phía trên không rơi xuống lớp thoát nước.

    5. Lớp cát sông ở giữa đất trồng và lớp vải địa, ngăn không cho đất từ phía trên bịt kín các lỗ thoát nước của vải địa.

    6. Lớp đất trồng được trộn theo công thức: 2 phần cát sông, 2 phần đất, 1 phần hỗn hợp tro trấu, xơ dừa đã hoại mục. Độ dày của lớp đất trồng tùy thuộc vào loại cây trồng.

    7. Lớp cây trồng phù hợp, tùy thuộc khí hậu, ánh sáng và sở thích của chủ nhà.

    >>> Xem thêm: Vườn trên mái: Giải pháp giúp gia chủ vừa có góc thư giãn giữa thành phố vừa là nguồn cung cấp rau sạch hàng ngày

    Có thể nói, xử lý chống thấm là khâu quan trọng nhất khi làm vườn trên mái. Gia chủ không nên tiết kiệm chi phí ở khâu này, tránh trường hợp mất tiền làm vườn sau lại phải đập bỏ.

    Nguồn: dothi.net

     
    *Để lại thông tin trong box dưới đây nếu bạn có nhu cầu tìm kiếm đơn vị thiết kế - thi công nhà ở nhé.

    Ngân AnhTheo dõi

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Happynest Story

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 1