Nhà mái tôn có nên làm trần thạch cao không?

    21/03/2024 22:1522.690 lượt xem

    Nhiều người nhận định nhà mái tôn dễ thấm dột, nếu làm trần thạch cao sẽ nhanh hỏng, gây tốn kém chi phí. Trong khi đó, có ý kiến khác cho rằng chỉ cần xử lý hiệu quả mái tôn và kiểm tra kỹ trước khi đóng trần thạch cao sẽ không sao. Hãy cùng mình tìm hiểu câu trả lời cho vấn đề này trong bài viết sau. 

    *Tham khảo Hướng dẫn đăng bài trên website Happynest tại đây để kết nối với cộng đồng Happynest nhé.

    Trần thạch cao là gì?

    Trần thạch cao là trần được làm từ tấm thạch cao, được cố định bằng hệ khung xương vững chắc liên kết vào kết cấu chính của tầng trên. Loại trần này còn được gọi là trần giả, là lớp trần thứ hai nằm dưới trần nhà nguyên thủy.

    Kết cấu của trần thạch cao bao gồm:

    - Khung xương thạch cao: Làm khung trụ, chỗ bám để treo các mảnh thạch cao giúp gia cố, tăng tính chịu lực và kéo dài tuổi thọ của công trình

    - Tấm trần thạch cao: tạo mặt phẳng cho trần. Các tấm này được liên kết trực tiếp với hệ khung thông qua vít chuyên dụng

    - Lớp sơn bả: tạo độ nhẵn mịn, đều màu cho bề mặt trần

    - Các vật tư liên quan khác

        >>> Xem thêm: Tấm dán chống dột mái tôn là gì? Ưu - Nhược điểm và Giá thành của tấm dán chống dột mái tôn

    Ưu điểm khi làm trần thạch cao cho nhà mái tôn

    Mái tôn có nhược điểm rất nóng vào mùa hè. Vào những ngày thời tiết xấu, ngồi trong nhà mái tôn có thể nghe rất rõ tiếng mưa lớn. Sử dụng trần thạch cao dưới mái tôn là giải pháp giúp chống nóng và chống ồn rất tốt. Người ta có thể đóng trần bằng gỗ, bằng ván ép… nhưng hiệu quả không cao bằng trần thạch cao.

    Với khả năng cách nhiệt, chống nóng, chống ồn tốt, trần thạch cao là lựa chọn được nhiều người lắp đặt khi làm nhà mái tôn

    Không chỉ có vậy, sử dụng trần thạch cao cho nhà mái tôn còn sở hữu ưu điểm là thân thiện với môi trường, thi công nhanh, tiết kiệm thời gian và nhân công, từ đó giúp giảm chi phí trong quá trình hoàn thiện. Bên cạnh đó, trần thạch cao mang lại tính thẩm mỹ cao phù hợp với nhiều không gian và nhiều phong cách thiết kế nội thất khác nhau. 

    Nhược điểm khi làm trần thạch cao cho nhà mái tôn

    Nhược điểm của trần thạch cao chính là kỵ nước còn mái tôn lại dễ thấm dột. Đây là lý do khiến cho nhiều người ngần ngại cho rằng không nên sử dụng trần thạch cao cho mái tôn mà chọn các loại trần khác để tránh hỏng trần sau một thời gian sử dụng. 

    Thạch cao là vật liệu kỵ nước, khi bị thấm sẽ gây ố vàng hoặc nứt vỡ, ảnh hưởng tới độ bền, tính thẩm mỹ và tuổi thọ của trần

    Ngoài ra, khung xương của trần thạch cao thường được treo vào khung sắt mái tôn. Khi mái tôn bị rung động do mưa to, gió lớn thì trần thạch cao cũng rung theo, khiến trần dễ bị nứt mối nối thạch cao, ảnh hưởng đến mất thẩm mỹ. Bên cạnh đó, nếu phần trống giữa trần thạch cao và mái không được vệ sinh sạch sẽ, động vật gậm nhấm như chuột, bọ sẽ làm ổ, gây ồn, ảnh hưởng đến giấc ngủ và cuộc sống sinh hoạt thường ngày của gia chủ.

        >>> Xem thêm: Hướng dẫn chi tiết cách xử lý khe hở giữa mái tôn và tường, giúp căn nhà chống thấm hiệu quả

    Nhà mái tôn có nên làm trần thạch cao không? Nên làm trần nổi hay trần chìm?

    Nhà mái tôn hoàn toàn có thể làm trần thạch cao. Trước khi lắp đặt cần kiểm tra kỹ lưỡng toàn bộ mái tôn xem có bị thấm dột hay có chuột, động vật gặm nhấm ở góc nào hay không. Nên vệ sinh mái tôn rồi mới đóng trần thạch cao. Sau một thời gian sử dụng cần kiểm tra định kỳ và nhanh chóng khắc phục ngay những vấn đề phát sinh, giúp nâng cao tuổi thọ cho trần thạch cao.

    Có 2 loại trần để thi công trần thạch cao cho mái tôn, đó là trần nổi và trần chìm. 

    Trần thạch cao nổi

    Ưu điểm

    - Thi công nhanh chóng, dễ lắp đặt, sửa chữa. Khi cần thiết, có thể dễ dàng tháo tấm thạch cao hỏng ra và thay bằng tấm mới 

    - Độ bền cao, chống chịu với các yếu tố ngoại cảnh tốt, ít bị cong võng sau khi thi công hoặc sau thời gian sử dụng, thậm chí có thể lắp thêm quạt trần

    - Được ứng dụng nhiều trong những văn phòng, nhà xưởng, bệnh viện quy mô lớn

    - Thuận tiện cho việc lắp đặt đường dây hoặc các thiết bị, hệ thống thông gió. Việc bảo trì, sửa chữa thiết bị này định kỳ cũng trở nên dễ dàng hơn

    Nhược điểm

    - Mẫu mã hạn chế, kém hấp dẫn hơn trần chìm

    - Các tấm thạch cao có kích thước nhỏ, thường là 60x60cm hoặc 60x120cm dễ chia vụn không gian gây cảm giác chật chội khi dùng trong không gian hẹp. Theo đó, dùng dạng trần thạch cao nổi cho văn phòng, nhà xưởng lớn sẽ phù hợp hơn.

    Trần thạch cao chìm

    Ưu điểm

    - Là loại trần có tính thẩm mỹ cao. Dễ trang trí theo sở thích và yêu cầu của gia chủ

    - Trần chìm tối ưu không gian mang lại cảm giác thông thoáng

    - Trọng lượng nhẹ, an toàn 

    - Cách âm cách nhiệt tốt hơn trần nổi

    Nhược điểm

    - Chi phí lắp đặt cao

    - Quá trình thi công tốn nhiều thời gian, cần sự khéo léo

    - Quá trình bảo trì, kiểm tra tương tốn nhiều thời gian và công sức. Khi cần sửa chữa, đơn vị thi công phải tháo dỡ toàn bộ trần

    Theo đó, nhà mái tôn nên làm trần thạch cao nổi sẽ dễ sửa chữa, kiểm tra, thay thế và tiết kiệm hơn so với trần thạch cao chìm. Nếu vẫn thích trần thạch cao chìm, gia chủ vẫn có thể lắp đặt nhưng cần chú ý gia cố, thiết kế phần khung chắc chắn để tăng khả năng chịu lực của trần.

    Với nhà mái tôn, nên làm trần thạch cao có khung chịu lực chắc chắn 

    Lưu ý khi làm trần thạch cao cho nhà mái tôn

    Nhược điểm của nhà mái tôn là truyền dẫn nhiệt tốt nên rất nóng. Vì thế dù bản thân trần thạch cao có thể chống nóng, chống ồn nhưng gia chủ vẫn nên làm thêm một lớp trung gian bằng xốp, bông thuỷ tinh,... để tăng cường 2 tính năng này. Nếu không làm lớp trung gian, khi thi công trần thạch cao gia chủ không nên để tấm quá sát với mái tôn, nên tạo khoảng cách giữa mái tôn và trần thạch cao. 

    Khoảng trống giữa trần và mái đảm nhận vai trò là lớp cách nhiệt cho không gian bên dưới  

    Để khắc phục tình trạng rung lắc nứt trần thạch cao, gia chủ nên làm trần có khung chịu lực chắc chắn. Có thể gia cố thêm bằng các thanh xà thay vì chỉ treo khung trần thạch cao vào khung mái tôn. Cách này thường tốn kém thêm chi phí nhưng giúp nâng cao độ bền và chất lượng của trần.

    Nếu không muốn chọn phương án gia cố thêm thanh xà, gia chủ có thể dán lưới chống nứt, dùng bột chuyên dụng khi bả matit mối nối tấm trần thạch cao để giảm tình trạng nứt mối nối tấm trần thạch cao sau này.

    Nếu phát hiện mái tôn bị dột trước khi làm trần thạch cao có thể xử lý ở nơi tiếp giáp như sau:

    - Nơi tiếp giáp hở nhưng không bị rỉ: Sử dụng keo silicon bắn trực tiếp vào 2 mặt của điểm tiếp giáp. Có thể sử dụng gạch để đè lên trong khoảng thời chờ keo dính hẳn

    - Nơi tiếp giáp hở và bị rỉ: Với lỗi này gia chủ cần lấy 1m tôn mới, đặt chồng lên vị trí tiếp giáp bị hở. Sau đó, dùng vít và keo để cố định giúp che đi phần tôn bị hở và bị han gỉ hiệu quả, an toàn

        >>> Xem thêm: Làm gì để trần nhà không bị dột thấm? Nguyên nhân và cách khắc phục khi trần nhà dột thấm

    Với những gợi ý được đề cập phía trên, mong rằng gia chủ sẽ có được thông tin hữu ích giải đáp thắc mắc nhà mái tôn có nên làm trần thạch cao hay không. Theo đó, chỉ cần áp dụng giải pháp phù hợp, việc thi công trần thạch cao cho nhà mái tôn hoàn toàn có thể thực hiện. Sau một thời gian, gia chủ nên chú ý quan sát, nhanh chóng khắc phục và xử lý vấn đề của trần ngay khi phát sinh để giảm thiểu chi phí và nâng cao tuổi thọ cũng như độ bền đẹp của trần thạch cao.

    Bài viết: Tổng hợp

    *Để lại thông tin trong box dưới đây nếu bạn có nhu cầu tìm kiếm đơn vị thiết kế - thi công nhà ở nhé.

    Ngân AnhTheo dõi

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0