Tứ hợp viện là gì? Tại sao Tứ hợp viện có giá đắt đỏ đến vậy?

    Cập nhật ngày 16/11/2023, lúc 15:1395.210 lượt xem

    Nhắc đến kiến trúc cổ truyền Trung Hoa xưa, không thể không nhắc đến Tứ hợp viện, một trong những loại hình kiến trúc nhà ở có bề dày lịch sử lâu đời nhất.

    Tham gia Group Cộng đồng gia dụng thông minh để nâng cấp chất lượng sống và trang bị những kiến thức hữu ích cho cả gia đình nhé.

    Dù Tứ hợp viện không còn phù hợp để xây dựng ở thời hiện tại, song các bất động sản dưới mô hình Tứ hợp viện lại không ngừng tăng giá và được giới thượng lưu ráo riết săn lùng. Vậy Tứ hợp viện là loại hình kiến trúc như nào và tại sao Tứ hợp viện lại có giá đắt đỏ đến vậy? Ở Việt Nam có Tứ hợp viện không? Hãy cùng mình tìm hiểu qua bài viết sau nhé.

    Cổng vào điển hình của Tứ hợp viện, lối vào không tiếp xúc trực tiếp với sân chính bên trong theo quan niệm phong thủy, được trấn bổ sung thêm cặp sư tử đá và bức bình phong ngay sau lớp cửa đầu tiên

    1. Tứ hợp viện là loại hình kiến trúc gì?

    “Tứ hợp viện” hay còn được gọi là “Tứ hợp phòng”, là một hình thức kiến trúc tổ hợp của nhà dân vùng Hoa Bắc Trung Quốc. Nhà Tứ hợp viện được xây bao quanh một sân vườn theo bốn hướng Đông Tây Nam Bắc. Thông thường gồm có nhà chính tọa Bắc hướng Nam, nhà ngang hai hướng Đông - Tây và nhà đối diện với nhà chính. Bốn nhà đều bao quanh sân vườn ở giữa, cho nên được gọi là Tứ hợp viện.

    “Tứ” chỉ số 4, “viện” là khoảng không gian như sân, vườn trong nhà. “Tứ hợp viện” chính là khoảng sân vườn được kết hợp lại từ 4 hướng đông, tây, nam, bắc. Đây chính là kiểu nhà truyền thống của những dân tộc Hán sống ở phía Bắc. Ngày nay chúng ta vẫn có thể nhìn thấy nhiều thiết kế nhà Tứ hợp viện tại các vùng nông thôn hay Bắc Kinh.

    Nhà tứ hợp viện Bắc Kinh là một loại kiến trúc hợp viện phổ biến, “tứ” chỉ tứ phía là “đông, tây, nam, bắc”, “hợp” tức là phòng ốc ở bốn phía bao quanh sân vườn ở giữa, hình thành nên một kết cấu hình chữ “khẩu” (“口”). Trải qua xây dựng hàng trăm năm, Tứ hợp viện Bắc Kinh từ bố cục tổng thể cho đến kết cấu bên trong và chi tiết thiết bị lắp đặt đều hình thành nên nét phong cách đặc sắc của kinh thành.

    2. Có phải nhà Tứ hợp viện chỉ có 1 sân? 

    Tứ hợp viện là khuôn viên hình vuông hoặc hình chữ nhật, tức là 3 tòa kiến trúc gồm nhà chính và nhà ngang hướng Đông- hướng Tây được khép kín bằng dãy nhà có cửa ở phía trước. Dù nhà có tên gọi “Tứ hợp viện” nhưng vẫn không hẳn thiết kế của nó chỉ có 1 sân. Trên thực tế, những gia đình giàu có ngày xưa, có thể sở hữu các “đại hợp viện” lên đến 7 hay 9 sân tùy theo khả năng tài chính và nhu cầu của chủ nhà, có những khu Tứ hợp viện nhỏ, khi đó khoảng sân giữa khá nhỏ nhưng có những khu Tứ hợp viện rất rộng và thiết kế tỉ mỉ, công phu.

     Mô tả thiết kế phòng ốc trong Tứ hợp viện

    Đặc điểm nổi bật nhất của Tứ hợp viện là hình thái khép kín đăng đối và mái nhà ngói đen kẻ sóng lớn che cả nhà và hành lang

    Để dễ hình dung về hình dáng và phân loại Tứ hợp viện, có thể tham khảo cấu trúc sau:

    - Tứ hợp viện 1 sân (cấu trúc giống hình chữ khẩu 口)

    - Tứ hợp viện 2 sân (cấu trúc giống hình chữ nhật 日)

    - Tứ hợp viện 3 sân (cấu trúc giống hình chữ mục 目)

    Thiết kế nhà tứ hợp viện 1 sân hình chữ "Khẩu" (口) được gọi là Nhị tiến Nhất viện; Tứ hợp viện 2 sân hình chữ "Nhật" (日) được gọi là Tam tiến Nhị viện; Tứ hợp viện 3 sân hình chữ "mục" (目) được gọi là Tứ tiến Tam viện. Nói chung, trong một sân vườn, nhất tiến là dãy nhà có cửa ra vào, nhị tiến là sảnh, tam tiến hoặc sau tam tiến là phòng ngủ hoặc nhà trong. Tứ hợp viện bao gồm rất nhiều kiểu ở các địa phương, nhưng tiêu biểu nhất là Tứ hợp viện của Bắc Kinh.

    Thiết kế nhà tứ hợp viện Bắc Kinh bởi vì có hình dạng vuông vắn, ngăn nắp nên nó cũng được gọi là Tứ hợp phòng. Ngôi nhà phía bắc được mệnh danh là “chính phòng”, nhằm khẳng định hướng chủ đạo của tứ hợp viện là từ bắc nhìn về nam, ngôi nhà phía nam được gọi là “đảo tọa”, hai bên đông tây mang tên “sương phòng”. Sương phòng là không gian hoạt động của phụ nữ và gia quyến, người thường không được tùy tiện bước vào.

    3. Kiến trúc Tứ hợp viện có từ bao giờ?

    Trung Hoa đã có Tứ hợp viện từ thời Tây Chu cách đây hơn 3000 năm. Bước sang đời Hán, kiến trúc Tứ hợp viện đã có bước phát triển mới và chịu nhiều ảnh hưởng của thuyết phong thủy, từ chọn địa điểm đến bố cục xây dựng… Tứ hợp viện khi đó đã có cả một cẩm nang về âm dương ngũ hành. Thiết kế nhà Tứ hợp viện của đời Đường kế thừa truyền thống của đời Đông Hán, Tây Hán và truyền sang đời Tống và đời Nguyên, với bố cục là trước hẹp, sau rộng. Đến đời Nguyên, Tứ hợp viện ngày càng hoàn chỉnh, chính Tứ hợp viện truyền thống của Bắc Kinh đã được xây dựng một cách quy mô trong thời kỳ này. Bước sang đời Minh-Thanh, Tứ hợp viện Bắc Kinh độc đáo, mà Tứ hợp viện của đời Thanh càng cầu kỳ hơn so với Tứ hợp viện đời Minh. Cho đến nay, dọc hai bên đường từ Đông Đơn đến Ung Hòa Cung, từ ngõ Nam La Cổ đến ngõ Bắc La Cổ, từ Tây Đơn đến Tân Nhai Khẩu Bắc Kinh vẫn bảo tồn được một số Tứ hợp viện khá cầu kỳ và tinh xảo.

    4. Tại sao Tứ hợp viện có giá cực kỳ đắt đỏ?

    - Giá trị phong thủy và ý nghĩa trong kiến trúc xây dựng

    Bố cục của Tứ hợp viện thể hiện trọn vẹn lý niệm “Trời tròn đất vuông” trong văn hóa truyền thống. Người ta dùng tường vây liên kết tất cả các chính phòng, đảo tọa và đông, tây sương phòng thành một cụm nhà, quen gọi là viện. Kiểu kiến trúc đóng kín này chỉ mở một lối ra duy nhất ở góc đông nam, và quan niệm đó là cửa cát tường, may mắn nằm đúng vị trí “tốn” trong bát quái.

    Qua nhiều năm, kiểu kiến trúc Tứ hợp viện vừa phân cắt vừa liên kết này được cải tiến hoàn thiện dần và cuối cùng trở thành bố cục truyền thống của các vương phủ, cung đình. Tùy cấp độ khác nhau mà trong Tứ hợp viện còn bố trí vườn hoa, hồ cá, hành lang, núi giả, thư phòng… xứng đáng là một giang sơn riêng biệt cho từng gia tộc.

    Tứ hợp viện truyền thống được xây dựng theo bố cục đối xứng, có trục đường chính rõ nét. Bố cục đối xứng nghiêm cẩn này đã tạo nên bầu không khí trang nghiêm, khiến nhà chính rộng lớn nằm trên trục chính trở nên uy nghiêm.

    Đi vào Tứ hợp viện, ngẩng đầu lên mái hiên thường sẽ nhìn thấy khắc bốn chữ “Bình an như ý”, trên cửa có khắc hai chữ “cát tường”, chỗ giữa bức tường xây làm bình phong ở cổng đối diện còn có chữ “phúc”. Những điều này đều hàm ý cầu phúc, cầu điềm lành cho gia chủ.

    Xét về bố cục bên ngoài, Tứ hợp viện chú trọng đối xứng, phân biệt trong ngoài, tôn ti trật tự, tự thành thiên địa. Xét về tinh thần cơ bản của kiến trúc, Tứ hợp viện theo đuổi sự an nhàn yên tĩnh, thanh bình thoải mái, ôm ấp đất mẹ và tận hưởng niềm vui cá nhân. Sống trong một khuôn viên Tứ hợp viện thanh bình ấm áp có lợi cho dưỡng khí, an thân lập mệnh, khiến cuộc sống và tinh thần có được điểm tựa.

    - Giá trị trường tồn và không thể tái xây dựng

    Những năm gần đây, giới siêu giàu Trung Quốc nhắm đến những khu nhà xây theo phong cách Trung Hoa cổ trị giá hàng triệu USD, và Tứ hợp viện chính là loại hình kiến trúc nhà ở được săn lùng ráo tiết nhất. Sở hữu khu nhà theo phong cách Trung Hoa truyền thống giúp người mua cao cấp tạo dấu ấn riêng đối với tầng lớp trung lưu - những người ưa chuộng kiến trúc phương Tây sang trọng. Xu hướng này xuất phát một phần do chi phí xây dựng đắt đỏ - vật liệu và các chi tiết đều được làm thủ công nên nhà xây theo kiến trúc Trung Hoa cổ thường có giá trị hơn so với các thiết kế phương Tây. 

    Theo CNN, chi phí xây dựng một ngôi nhà theo kiến trúc cổ có thể lên tới 6 - 7,5 triệu USD. 

    Một khu nhà theo kiến trúc Tứ Hợp Viện tại khu Đông Thành, Bắc Kinh có giá từ vài trăm nghìn USD đến hàng triệu USD trên thị trường

    Các chuyên gia cho hay, khi thị trường Trung Quốc trở nên rắc rối hơn và người dân có thể di chuyển tới toàn cầu, họ nhanh chóng hiểu rằng kiến trúc phương Tây không thể trường tồn trong thiết kế và đầu tư. Đó là lý do tại sao xu hướng gần đây hướng đến kiến trúc Trung Hoa truyền thống như Tứ hợp viện. 

    5. Ở Việt Nam có xây được Tứ hợp viện không?

    Ở Việt Nam, kiến trúc truyền thống có sự tương đồng với Tứ hợp viện đó là cũng xây một quần thể gồm các dãy nhà ngang hình chữ nhất liền kề nhau nhưng nó có dạng hình chữ L hoặc chữ U, không bịt kín như Tứ hợp viện mà có sự thông thoáng hơn. Khu nhà truyền thống ở Việt Nam gồm 1 nhà chính, 1 nhà bếp ăn có nhà kho và 1 giường ngủ cho con gái trong nhà. Mặc dù cũng thể hiện tôn ti trật tự trong cách bố trí cấu trúc nhà ở nhưng đối với nhà truyền thống Việt Nam không quá riêng tư và khắt khe như gia đình Trung Quốc xưa. 

    Tuy nhiên, vì đặc điểm cấu trúc khép kín của Tứ hợp viện nên thiết kế Tứ hợp viện sẽ chỉ phù hợp với vùng phương Bắc lạnh lẽo như Trung Quốc, không phù hợp với khí hậu bí và nóng ở Việt Nam.

    Tứ hợp viện không thích hợp để xây dựng và làm nhà ở, nhưng có thể chuyển sang hình thức dùng Tứ hợp viện làm homestay hoặc quán cafe

    Hiện nay với sự phát triển của dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng ở Việt Nam, chúng ta có thể áp dụng mô hình kiến trúc tứ hợp viện cải biến để kinh doanh phát triển du lịch, có thể thiết kế nhà tứ hợp viện hiện đại và xây dựng thành một trong các kiểu thiết kế homestay ấn tượng. Để giảm chi phí xây dựng, nên tập trung trang trí cho khu sân vườn, bằng những hình ảnh đẹp như đèn lồng, cây cối… tạo nên không gian xanh mát hữu tình đậm chất Trung Hoa nhưng sử dụng vật liệu mộc mạc để xây dựng các khu nhà tạo thành những homestay, resort giá rẻ theo phong cách tứ hợp viện. Tuy nhiên hình thức này chỉ phù hợp với những vùng có khí hậu lạnh ở nước ta như Sapa, Hà Giang… và nhiều vùng núi cao khác.

    Tổng hợp

    *Theo dõi Happynest thường xuyên để cập nhật những thông tin hữu ích về nhà ở nhé.

    Minh KhangTheo dõi

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Đời sống

    Xem tất cả

    Xu hướng

    Xem tất cả

    Happynest Story

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0