Với chất liệu thiết kế được làm chủ yếu từ gạch đất nung, Brick House trở nên nổi bật và khác lạ so với những căn nhà phố liền kề ở Mysore, Ấn Độ.
Bài liên quan:
1. Ngôi nhà gạch nung thiết kế mở tất cả các mặt, không gian sống mát mẻ và tiện nghi
2. Nhà ngoại ô sử dụng gạch nung tái chế giúp gia chủ tiết kiệm đáng kể chi phí xây dựng
Được xây dựng dựa trên tiêu chí về một không gian sống riêng tư, thân mật nhưng vẫn thoải mái, KTS đã lựa chọn gạch đất nung là chất liệu chủ đạo cho toàn bộ công trình. Công trình có chiều cao 2 tầng, trong đó tầng một sử dụng tường bao xây kín để đảm bảo an ninh và sự yên tĩnh cho không gian sống. Còn mặt tiền tầng hai có được độ thông thoáng và cởi mở nhất định khi sử dụng giàn thép lưới kết hợp hoa văn gạch đất nung.
Bằng lối tạo hình sáng tạo, Brick House vẫn có cho riêng mình một mặt tiền ấn tượng, độc đáo từ những viên gạch đất nung giản đơn, bình dị
Về tổng thể, công trình có cấu trúc hình chữ L với một gian nhà sinh hoạt chính có chiều cao 2 tầng. Gian nhà 1 tầng kế bên được sử dụng như phòng khách và là mỏ neo kết nối giữa không gian sinh sống với bãi đỗ xe trước nhà và vườn cây xanh sau nhà.
Sân trước nhà với khuôn viên nhẹ nhàng, bình yên nhưng không kém phần thơ mộng
Sự sáng tạo khi kết hợp giữa gạch đất nung kết hợp thép lưới mang tới một diện mạo độc đáo, vừa có được sự riêng tư, vừa đảm bảo sự thông thoáng cho ngôi nhà
Sân sau là một thảm cỏ xanh mướt kết hợp nhiều loại cây cảnh và một hồ nước nhỏ dẫn lối vào gian nhà chính
Brick House mang lại cảm giác thân mật và kết nối thông qua sự thay đổi tinh tế của quy mô không gian. Bên cạnh sự xuất hiện chủ đạo của gạch đất nung, KTS cũng đan xen sử dụng bê tông, gỗ và kính để kiến tạo một không gian sống hiện đại, công năng nhưng mộc mạc và gần gũi.
Sảnh chính dẫn vào nhà với tầm nhìn thẳng thoáng đạt ra cảnh quan sau nhà, bên phải là gian nhà 1 tầng cho phòng khách và bên trái là dãy nhà sinh hoạt 2 tầng
Để giảm thiểu cảm giác thô cứng mà gạch đất nung và bê tông mang lại, KTS đã khéo léo làm mềm không gian với trần nhà hình vòm cung. Bên cạnh đó, cây xanh trồng trong nhà cũng đóng góp một phần không nhỏ để mang đến cảm giác an lạc, tràn đầy sức sống. Để tạo điều kiện cho cây xanh trồng trong nhà có đủ không khí và ánh sáng để phát triển, KTS tối ưu khu vực giữa nhà trở thành khoảng thông tầng cùng với nguồn ánh sáng dồi dào đến từ cửa ra vào, cửa sổ và giếng trời.
Phòng sinh hoạt gia đình và phòng ăn được đặt ở khoảng thông tầng, nơi mọi thành viên trong gia đình có thể dễ dàng kết nối với nhau dù ở trong nhà hay ngoài vườn, ở tầng một hay tầng hai
Cầu thang được đặt ở hông nhà với giếng trời thông sáng ngay ở phía trên. KTS sử dụng cầu thang bay chất liệu gỗ cho cầu thang ở tầng một và cầu thang bay chất liệu thép kết hợp kính cho tầng hai. Nhờ thiết kế bán mở này mà không gian các tầng luôn được chiếu sáng tự nhiên, đảm bảo sự thông thoáng cho cuộc sống sinh hoạt.
Khu vực cầu thang luôn ngập tràn ánh nắng và oxy tươi nhờ hệ cây xanh trồng ven tường
Cầu thang dẫn lên sân thượng được thiết kế như một giếng trời
Phòng sinh hoạt gia đình trên tầng hai được đặt cạnh khoảng thông tầng
Là một ngôi nhà có diện tích 325m2, Brick House có đủ không gian rộng rãi cho ba phòng ngủ với đầy đủ tiện nghi khép kín bao gồm phòng vệ sinh và phòng thay đồ. Đặc biệt, mỗi căn phòng đều có một khoảng hiên hoặc ban công thoáng đãng để mỗi thành viên trong gia đình có sự kết nối gần gũi với thiên nhiên ngoài trời.
Thiết kế phòng ngủ ở Brick House mang đậm chất thiền
Khoảng hiên đệm trước phòng ngủ với cây xanh và ánh sáng nhẹ dịu
Bản vẽ thiết kế mặt bằng tầng một của công trình
Bản vẽ thiết kế mặt bằng tầng hai của công trình
Với kết cấu gạch đất nung chủ đạo, Brick House đã mang đến một không gian sống bình yên, gần gũi và thân mật cho những gia đình yêu thích sự riêng tư và trầm tĩnh trong phong cách sống. Sự sáng tạo trong cách tạo hình và quy hoạch không gian cũng là một điểm nhấn để ngôi nhà có được sự cân bằng giữa không gian trong nhà và yếu tố tự nhiên ngoài trời.
Thông tin công trình:
Tên công trình: Brick House
Địa điểm: Ấn Độ
Diện tích: 325m2
Năm: 2016
Đơn vị thiết kế: Architecture Paradigm
Ảnh: Anand Jaju
Bài viết: Tùng Dương
Xem thêm:
- 1. Nhà phố 2 tầng 1 tum thiết kế tối giản, chi phí hoàn thành 500 triệu đồng
- 2. Nhà 3 tầng thay đổi hệ thống cột móng để có không gian 'trồng rau, nuôi cá' giữa phố thị tấp nập
- 3. Nhà vườn Khang Linh - Chốn bình yên giữa lòng thành phố tấp nập
- 4. Cải tạo nhà 2 tầng cũ kỹ thành không gian mang phong cách Muji tối giản, tinh tế
- 5. Nhà nghỉ dưỡng mang phong cách Nhật Bản, để cảm nhận cuộc sống thư thái, chậm rãi giữa thành phố nhộn nhịp