Khi thực hiện giao dịch mua bán chung cư, đặt cọc là bước quan trọng để đảm bảo cam kết giữa các bên. Tuy nhiên, nếu không hiểu rõ quy định pháp lý và không chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, người mua có thể đối mặt với nhiều rủi ro. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp mẫu hợp đồng đặt cọc mua chung cư mới nhất và hướng dẫn chi tiết các thủ tục cần lưu ý.
Mẫu hợp đồng đặt cọc mua chung cư mới nhất
Hợp đồng đặt cọc là văn bản xác lập sự thỏa thuận giữa bên mua và bên bán về việc đặt trước một khoản tiền để đảm bảo việc ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán nhà ở trong tương lai. Trong hợp đồng cần ghi rõ thông tin các bên, đặc điểm căn hộ, số tiền đặt cọc, cam kết, trách nhiệm và phương án xử lý nếu vi phạm.
Thông thường, mẫu hợp đồng sẽ bao gồm các nội dung cơ bản:
- Thông tin người đặt cọc và người nhận cọc
- Mô tả chi tiết căn hộ chung cư
- Số tiền đặt cọc, phương thức thanh toán
- Thời hạn ký hợp đồng mua bán chính thức
- Trách nhiệm và cam kết của các bên
- Điều khoản xử lý vi phạm, hoàn cọc hoặc phạt cọc
Người mua nên yêu cầu bên bán cung cấp mẫu hợp đồng đặt cọc rõ ràng hoặc tải về mẫu có sẵn từ các nguồn uy tín, đồng thời cân nhắc nhờ luật sư hoặc công chứng viên kiểm tra lại trước khi ký.
Hợp đồng đặt cọc là cơ sở pháp lý quan trọng giúp đảm bảo quyền lợi của người mua trước khi ký hợp đồng mua bán chính thức.
Để hỗ trợ người mua nhà dễ dàng hơn trong quá trình giao dịch, bạn có thể tải mẫu hợp đồng đặt cọc mua chung cư chuẩn file Word tại đây.
Hợp đồng đặt cọc có bắt buộc công chứng không?
Theo quy định tại Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015, đặt cọc là hình thức đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thông qua việc giao trước một khoản tiền hoặc tài sản. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không bắt buộc hợp đồng đặt cọc phải được công chứng hoặc chứng thực.
Khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai 2024 chỉ yêu cầu công chứng đối với các hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn, cho thuê, thừa kế... có liên quan trực tiếp đến quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất.
Dù không bắt buộc, việc công chứng hợp đồng đặt cọc lại rất cần thiết, nhất là với giao dịch có giá trị lớn như mua chung cư. Công chứng giúp hợp thức hóa thỏa thuận giữa hai bên, đảm bảo giá trị pháp lý và dễ dàng giải quyết khi xảy ra tranh chấp.
Hợp đồng đặt cọc mua chung cư không bắt buộc công chứng, nhưng công chứng giúp tăng tính pháp lý và bảo vệ quyền lợi đôi bên.
Kinh nghiệm thực hiện thủ tục đặt cọc mua chung cư
Hồ sơ cần chuẩn bị
Khi thực hiện công chứng hợp đồng đặt cọc, các bên cần chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ sau:
- Phiếu yêu cầu công chứng (do tổ chức công chứng cung cấp)
- Dự thảo hợp đồng đặt cọc (nếu có)
- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu căn hộ như: Sổ hồng, hợp đồng mua bán từ chủ đầu tư, biên bản bàn giao nhà…
- Giấy tờ cá nhân của các bên: Căn cước công dân, sổ hộ khẩu, đăng ký kết hôn (nếu đã lập gia đình)
Bạn có thể thực hiện công chứng tại Phòng công chứng nhà nước hoặc Văn phòng công chứng tư nhân, tùy theo nơi thuận tiện.
Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ sẽ giúp quá trình công chứng diễn ra nhanh chóng, tránh sai sót trong hợp đồng.
Thời gian thực hiện công chứng
Theo Luật Công chứng 2014, thời gian công chứng hợp đồng không quá 02 ngày làm việc. Trong trường hợp hợp đồng phức tạp, cần xác minh thông tin, công chứng viên có thể gia hạn nhưng không quá 10 ngày.
Tuy nhiên, trong thực tế, nếu hồ sơ hợp lệ và hợp đồng rõ ràng, thủ tục công chứng có thể hoàn tất chỉ trong 1 - 2 giờ làm việc.
Thủ tục công chứng hợp đồng đặt cọc mua chung cư thường đơn giản và nhanh gọn nếu hồ sơ đã chuẩn bị đầy đủ.
Phí công chứng hợp đồng đặt cọc
Người yêu cầu công chứng hợp đồng đặt cọc sẽ phải chi trả hai khoản phí chính:
- Phí công chứng: Tính theo giá trị tài sản hoặc số tiền đặt cọc, căn cứ vào Thông tư 257/2016/TT-BTC.
- Thù lao công chứng: Bao gồm phí soạn thảo, sao y, công chứng bản dịch... Mức phí này được thỏa thuận nhưng không vượt quá mức do Hội đồng nhân dân tỉnh quy định.
Mức phí cụ thể sẽ khác nhau tùy theo giá trị tài sản và từng văn phòng công chứng, tuy nhiên thường dao động trong khoảng vài trăm ngàn đồng.
Chi phí công chứng hợp đồng đặt cọc không cao nhưng mang lại giá trị pháp lý rất lớn trong giao dịch mua bán nhà ở.
Vì sao cần cẩn trọng khi đặt cọc mua chung cư?
Trong nhiều trường hợp, người mua vì quá tin tưởng hoặc nóng vội mà ký kết đặt cọc bằng giấy viết tay, không công chứng, không kiểm tra kỹ pháp lý căn hộ… dẫn đến việc mất trắng khoản cọc nếu giao dịch không thành công.
Một số rủi ro thường gặp:
- Chủ nhà bán cho nhiều người cùng lúc
- Chủ đầu tư chưa đủ điều kiện pháp lý để bán căn hộ
- Bên nhận cọc không giao nhà đúng thời hạn
- Tranh chấp phát sinh nhưng không có căn cứ pháp lý rõ ràng để xử lý
Để hạn chế rủi ro, người mua cần:
- Kiểm tra pháp lý căn hộ trước khi đặt cọc
- Ký hợp đồng đặt cọc có công chứng
- Ghi rõ điều kiện hoàn cọc hoặc phạt cọc trong hợp đồng
- Tham khảo tư vấn luật sư hoặc chuyên viên pháp lý nếu cần
Việc đặt cọc tưởng đơn giản nhưng nếu thiếu cẩn trọng sẽ dễ biến thành tranh chấp kéo dài và thiệt hại tài chính không nhỏ.
Đặt cọc là bước đầu tiên nhưng cực kỳ quan trọng trong quy trình mua bán chung cư. Việc hiểu rõ quy định pháp luật, chuẩn bị hợp đồng đầy đủ và thực hiện công chứng sẽ giúp đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên. Hãy luôn tỉnh táo và cẩn trọng khi thực hiện giao dịch để tránh những rủi ro không đáng có.
Nguồn: Luật Việt Nam
*Để lại thông tin trong box dưới đây, Happynest sẽ giúp bạn kết nối đơn vị thiết kế - thi công phù hợp và nhanh chóng nhất.