Đến với nghề kiến trúc, có người vì đam mê, có người vì thu nhập và cũng có người vì mối duyên phận rất đỗi lạ lùng, ví như KTS Lê Viết Hội. Chưa từng nghĩ mình sẽ học và theo kiến trúc lâu tới thế nhưng càng hiểu thêm về nghề, chàng KTS trẻ càng nhận ra kiến trúc vốn đã là một phần con người anh từ rất lâu rồi.
Chúng tôi trò chuyện cùng KTS Lê Viết Hội trong một buổi chiều hè. Ấn tượng đầu tiên về anh, đó là chàng trai miền Trung có nụ cười dễ mến và đôi mắt sáng mỗi khi kể về cái duyên đưa anh đến với nghề: “Từ nhỏ mình đã thích vẽ. Tới khi học phổ thông, thấy mình học tốt mấy môn tự nhiên nên bạn mình đã rủ đi học vẽ bài bản hơn để thi kiến trúc. Ban đầu chỉ nghĩ kiến trúc là một ngành danh giá, mình vừa có thể vẽ mà sau này cũng kiếm được tiền nên đã chọn theo. Chứ lúc đó, nhà mình không có ai theo nghề cả và mình chưa hình dung được cụ thể nghề này là gì”.
Anh chia sẻ thêm, sau này khi đã va vấp nhiều, trưởng thành hơn trong suy nghĩ anh mới dần nhận ra hình như kiến trúc đã có trong anh từ lâu rồi, có lẽ là từ khoảnh khắc anh cầm bút vẽ.
Tính chân thật là yếu tố quan trọng nhất để tạo nên một công trình bền vững
Khi được đề nghị tìm một tính từ để miêu tả về kiến trúc, KTS Lê Viết Hội cho rằng đó chính là chân thật. Theo anh, kiến trúc chính là sự phản ánh đúng nhu cầu của chủ đầu tư. Từ không gian, màu sắc, ánh sáng, vật liệu hay tính logic đều phải toát lên tính cách người dùng và chất riêng của công trình.
Ngay khi quyết định theo nghề, mỗi công trình do anh thiết kế đều được định hướng rất rõ về tính ứng dụng: đơn giản nhưng hiệu quả, là sự kết hợp thuần thục giữa tính “mỹ” với tính “thật”. Vì theo anh, một công trình dù đẹp nhưng xa rời nhu cầu sinh hoạt của gia chủ hay khó ứng dụng trong đời sống thực nghĩa là nó đã mất đi giá trị cốt lõi một công trình nên có.
Hồ Chương House với diện mạo độc đáo, những khoảng xanh mở sáng tạo nhưng hiệu quả trong quá trình thông gió, lấy sáng
Bản thân người KTS cũng phải giữ vững tính chân thật trong phong cách thiết kế. Với KTS Lê Viết Hội, tính chân thật không chỉ là phong cách thiết kế của anh, đó còn là cách anh thấu hiểu khách hàng. Vì suy cho cùng, vai trò của KTS chính là hiểu nhu cầu người dùng và hiện thực hóa nó một cách trọn vẹn và giá trị nhất cho khách hàng.
Không gian sống thoáng đãng, trong lành và tiện nghi đúng ý chủ đầu tư
Trải nghiệm nhiều, không ngừng học hỏi chính là chìa khóa để anh mài dũa kinh nghiệm bản thân
Quãng thời gian theo học tại trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh (từ 2003 – 2008) chính là bước đệm đầu tiên để KTS Lê Viết Hội tiến gần hơn với nghề và hiểu thêm về lựa chọn của bản thân. Không bó buộc vào một lĩnh vực cố định, anh luôn thử thách bản thân ở những công việc khác nhau từ thiết kế cảnh quan, nội thất cho tới công trình hay nhận dự án theo nhóm. Sự đa dạng trong công việc giúp anh có thêm nhiều người bạn trong nghề. Anh học được từ họ rất nhiều bài học về thiết kế, về tư duy. Đó chính là những trải nghiệm và kinh nghiệm quý giá đối với người làm kiến trúc.
Sự vận dụng đường cong kết hợp việc khai thác ánh sáng tự nhiên tạo Hồ Lô house sự mềm mại và cá tính .
Mặt tiền của Hồ Lô house
Và sau hơn 10 năm “chinh chiến” với nghề, anh quyết định thành lập văn phòng 6717 Studio vào năm 2017, đánh dấu quyết tâm gắn bó với nghề của chàng KTS trẻ.
Phong cách thiết kế của 6717 Studio chính là đơn giản, tiết kiệm, thực sự đi vào đời sống của chủ nhà và xã hội
Là người thích khám phá, mê du lịch nên với KTS Lê Viết Hội, mỗi chuyến đi lại là dịp trải nghiệm nét kiến trúc mới, bản sắc văn hóa của miền đất anh đặt chân đến. Anh thích quan sát công trình khi được đưa vào sử dụng thực tế vì theo anh “Từ bản vẽ ra cuộc sống thực nó khác lắm, cảm nhận cũng sẽ khác”. Quan sát đời sống hàng ngày của người địa phương, anh cảm được văn hóa của họ để từ đó hiểu được công thức chung trong kiến trúc của địa phương đó.
Mỗi chuyến đi làm một dịp KTS Lê Viết Hội “làm dày” thêm sổ tay kinh nghiệm của bản thân
Khánh House là sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc hiện đại với nét đặc sắc của kiến trúc Hội An
Khi được hỏi về động lực nào khiến anh gắn bó với nghề, anh đã trả lời chúng tôi bằng thái độ hết sức chân thành: “ Khi sản phẩm được hoàn thiện và nhận được sự hài lòng từ gia đình chủ đầu tư, mình cảm thấy bản thân đã đem tới một giá trị tích cực, cảm thấy tâm huyết, chất xám và thời gian làm việc đã bỏ ra thực sự xứng đáng. Mình nhận thấy việc thực hành kiến trúc đối với KTS tụi mình, không chỉ đem lại cơ hội kiếm tiền mà còn là dịp để rèn dũa, thay đổi bản thân để góp thêm giá trị tốt đẹp cho cuộc sống”.
Người chọn nghề hay nghề chọn người, có lẽ với KTS Lê Viết Hội đã không còn quan trọng. Bởi từ chính thái độ và quan điểm về nghề của anh, chúng ta đã sớm cảm nhận được lòng nhiệt huyết và sự nỗ lực không ngừng của chàng KTS trẻ để khẳng định bản thân và đóng góp nhiều thêm những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống. Không chỉ anh mà nhiều KTS trẻ khác cũng vậy, chỉ cần nhiệt huyết với nghề và tìm được hướng đi phù hợp với bản thân thì thành công không còn xa.
Bài viết: Thu Thủy