Gác lửng là một khoảng không gian “lơ lửng” trong một căn phòng hay một tầng nhà. Nó có thể được thiết kế với nhiều ý tưởng sử dụng khác nhau. Điển hình nhất là phòng ngủ, phòng đọc sách và làm việc. 9 lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn có được bước chuẩn bị hoàn hảo để tạo nên không gian thú vị này.
Gác lửng ngày nay trở thành một thủ pháp kiến tạo không gian được yêu thích
Trước đây người ta sử dụng gác lửng cho những ngôi nhà diện tích hẹp, nhỏ. Nhưng trong nhiều thiết kế hiện đại ngày nay, gác lửng được coi là một không gian thú vị và được áp dụng như một thủ pháp tạo hình kiến trúc cho công trình.
Để chuẩn bị cho việc tạo riêng cho mình một căn gác lửng, bạn hãy lưu ý:
1. Chuẩn bị một kế hoạch hoàn hảo
Trước khi bạn bắt đầu xây dựng gác lửng của mình, bạn nên lập kế hoạch kĩ lưỡng về mọi thứ bạn cần. Nếu bạn không có kế hoạch tốt, tầng lửng của bạn có thể bất hợp lý, chiếm mất nhiều không gian và làm cho ngôi nhà trông nhỏ hơn, chật hẹp và tối tăm hơn. Vì vậy, bạn hãy suy nghĩ thật kĩ, tính toán và hỏi han những người xung quanh, chuyên gia trước khi quyết định tạo nên một gác lửng.
Gác lửng đáp ứng mọi nhu cầu về không gian và giúp liên kết các hoạt động sống hàng ngày của mọi thành viên.
2. Xác định vị trí của gác lửng
Kích thước căn gác lửng của bạn phụ thuộc vào không gian sẵn có. Nếu nhà của bạn không thể chứa một tầng lửng rộng, thì đừng khăng khăng đặt nó. Nếu căn nhà của bạn bé và bạn muốn có một tầng lửng thì tầng lửng cũng nhỏ và chỉ có thể được sử dụng cho thư viện hoặc một khu vực làm việc nhỏ.
Bạn cần xác định rõ vị trí đặt gác lửng để đảm bảo không làm hỏng không gian sống của mình.
3. Biết chính xác chức năng của gác lửng
Bạn cần phải xác định chức năng của căn gác lửng trước khi bàn giao cho đội thi công. Nó có thể là một phòng ngủ, một thư viện, một khu vực làm việc hoặc bất cứ điều gì bạn muốn. Nhưng bạn phải đảm bảo rằng không gian cho tầng lửng phù hợp với chức năng của nó. Nếu nó không đủ lớn để biến thành căn phòng bạn muốn, tốt hơn là bạn nên nghĩ về các chức năng khác cho nó.
Không bao giờ làm làm một gác lửng trước khi bạn nghĩ đến chức năng cho nó. Hãy nghĩ đến điều bạn muốn và không gian bạn có xem chúng có phù hợp hay không.
4. Sử dụng vật liệu thích hợp.
Hãy nhớ rằng không chỉ vẻ đẹp mà công trình của bạn cần có cả khả năng chịu lực. Hãy đảm bảo rằng tầng lửng của bạn chắc chắn bằng cách lựa chọn vật liệu phù hợp với chức năng, kết cấu của gác lửng. Bạn có thể sử dụng gỗ, kim loại nhẹ, thép nhẹ hoặc bê tông. Bạn cũng có thể sử dụng các vật liệu trong suốt để tạo ra một cảm giác cởi mở, khoáng đạt.
Có nhiều loại vật liệu để bạn lựa chọn, bạn cần cân nhắc đến vẻ ngoài và cả khả năng chịu lực của vật liệu trước khi xây dựng.
5. Tránh quá cao
Đừng làm tầng lửng quá cao. Bạn sẽ có một không gian an toàn hơn khi gác lửng của bạn không cao hơn 2,7-3,0 mét. Bằng cách này, bạn sẽ được đảm bảo rằng gác lửng sẽ vững chắc và an toàn.
Dừng tạo nên một gác lửng quá cao. Hãy để độ cao tối đa là 2,7 – 3m là vừa đủ.
6. Xem xét các khoảng trống ở trên và dưới
Hãy quan sát các khoảng không gian phía trên và phía dưới tầng lửng của bạn đã hợp lý hay chưa. Không gian bên dưới phải đủ để bạn đứng mà không phải cúi. Đặc biệt không gian bên dưới có đủ chiều cao, sự thông thoáng để cải tạo thành một không gian khác như bếp, phòng ăn hay phòng thay đồ... Tuy nhiên nếu khoảng không bên dưới gác lửng nhỏ, thấp, bạn có thể biến chúng thành một không gian lưu trữ như tủ nhà kho, tủ quần áo…
Bạn phải cân nhắc cả khoảng trống bên dưới và đảm bảo nó đủ chỗ để bạn di chuyển.
7. Đặt cầu thang dễ tiếp cận
Khi thiết kế một tầng lửng, điều quan trọng là tìm cách đặt cầu thang cho thuận tiện, không vướng víu. Ngoài ra, bạn cũng cần đảm bảo rằng cầu thang đặt ở vị trí an toàn. Bạn cũng có thể sáng tạo trong thiết kế cầu thang của bạn chỉ cần chắc chắn rằng nó sẽ không lấy mất quá nhiều không gian bên dưới.
Cầu thang lên gác lửng là câu chuyện cần chú ý. Đừng để chúng chiếm quá nhiều diện tích bên dưới. Nếu tận dụng chúng làm kệ tủ được, bạn hãy làm ngay nhé.
8. Chú ý đến vấn đề sưởi ấm và lưu thông không khí
Hãy chú ý đến bản thiết kế tầng lửng của mình, bạn phải xem xét hai vấn đề: nhiệt độ và lưu thông không khí. Khi nhiệt độ ngoài trời tăng lên, không khí trong gác lửng có thể trở nên nóng hơn, ngột ngạt hơn. Vì vậy, hãy thử đặt một chất cách nhiệt để nó không hấp thụ nhiệt. Ngoài ra hệ thống lưu thông gió hay trổ cửa sổ cũng cần được cân nhắc để đảm bảo không khí lưu thông trên tầng gác lửng.
Lưu ý đến thông gió và giảm nhiệt cho tầng gác lửng nếu bạn không muốn biến thành một “con gà quay”.
9. Thiết kế ánh sáng phù hợp
Bạn cần chọn đèn phù hợp với chức năng của gác lửng. Hãy chú ý đến cách lắp đặt sao cho bạn có thể kiểm soát nguồn sáng ở cả trên gác lửng lẫn bên dưới. Việc này cho phép bạn bật và tắt đèn ngay cả khi bạn không ở trên gác lửng.
Tính toán lắp đặt công tắc đèn phù hợp để có thể kiểm soát ánh sáng dù bạn ở trên gác lửng hay ở dưới.
Nội thất sẽ phụ thuộc vào chức năng của gác lửng. Nhưng dù là chức năng gì thì nội thất phải được đảm bảo sự thỏai mái, dễ dàng sử dụng, cất gọn. Những món đồ nội thất nhẹ được khuyến khích sử dụng để không gặp khó khăn khi di chuyển chúng lên gác lửng và đảm bảo gác lửng không phải chịu quá nhiều trọng tải.
Những gì bạn cần nhớ chính là bạn nên chắc chắn rằng căn phòng của mình có đủ điều kiện để chứa một tầng lửng. Nó có nghĩa là trần nhà của bạn cần phải cao, có đủ không gian để tạo thêm một gác lửng. Nếu căn phòng không đáp ứng được điều này, thì bạn đừng khăng khẳng việc mình phải có một gác lửng, trừ khi bạn quyết định xây mới lại hoàn toàn.
(Theo homedesignlover)