Phần 1: Không gian xúc cảm kết hợp từ những đường nét tinh giảm và ánh sáng tự nhiên
“Less is More” trở thành một câu nói nổi tiếng ngay khi thế giới biết đến khái niệm phong cách tối giản (minimalism) trong kiến trúc.
Đó là những tiết chế của đường nét, sự sắc cạnh của những khung dầm, xà tạo nên không gian của một ngôi nhà. Chúng thay thế hoàn toàn cho đường nét diêm dúa, nhiều họa tiết đắp nổi cùng kiểu dáng cồng kềnh của kiến trúc La Mã, cái mà một thời đã trở thành tiêu chuẩn đẹp của một ngôi nhà châu Âu.
Minimalism tạo nên bước đột phá mạnh mẽ trong bối cảnh kiến trúc cũ để tạo nên một “tương lai” kiến trúc như ngày nay. Ngay từ khi ra đời, minimalism đã trở thành một thách thức mới cho những người làm kiến trúc: không đơn thuần tạo nên những khoảng không gian đơn giản mà còn phải tối ưu hóa khoảng sống cho con người. Trên con đường phát triển của riêng mình, minimalism đã dần trở thành một phong cách thiết kế thân thiện được đông đảo người dùng yêu thích, trong đó có cả kiến trúc Việt.
Phong cách tối giản và người khởi xướng KTS Ludwig Mies van der Rohe
Cha đẻ của phong cách Tối giản được coi là KTS Kiến trúc sư người Đức Ludwig Mies van der Rohe (1886 – 1969), một trong những bậc thầy của kiến trúc hiện đại thế giới. Những công trình trong thời gian này của Mies van der Rohe đã đặt nền móng cho phong cách kiến trúc tối giản với những quan điểm mới về việc tổ chức không gian kiến trúc, với kết cấu, vật liệu mới là thép và kính.
KTS Mies van der Roher cha đẻ của phong cách tối giản - Ảnh chụp trên tạp chí Life năm 1957
Sau những biến động của chính trị, thời cuộc ở châu Âu, ông chuyển sang sinh sống và làm việc tại Mỹ vào năm 1937, tiếp tục theo đuổi trường phái kiến trúc của mình. Kiến trúc của Mies van der Rohe là những không gian trong sạch, đơn giản, tinh tế, trật tự: là những đường thẳng, những mặt phẳng, những góc vuông… bộc lộ rõ cấu trúc của hệ thống kết cấu.
Công trình Farnsworth House do ông thiết kế vào những năm 1945 – 1951 mang một tầm nhìn hoàn toàn mới so với kiến trúc “lụy La Mã” lúc bấy giờ
Tugendhat House, Brno, Tiệp Khắc cũ, thiết kế của ông từ những năm 1928 - 1930 được coi là 1 tuyệt phẩm kiến trúc và sớm trở thành hình tượng của nghệ thuật kiến trúc hiện đại. UNESCO đã đưa biệt thự Tugendhat vào danh sách Di sản thế giới năm 2001 trong khóa họp thứ 25.
Nếu ai đã từng đọc cuốn tiểu thuyết “Suối nguồn” của nữ nhà văn Ayn Rand sẽ dễ dàng nhận ra bối cảnh của câu chuyện được xây dựng trong thời kì “cách mạng kiến trúc” tại Mỹ. Thời điểm mà kiến trúc La Mã được coi là đỉnh cao, là vẻ đẹp tiêu chuẩn của mọi công trình. Khi ấy những người dám đấu tranh để loại bỏ sự rập khuôn, sáo rỗng trong kiến trúc cũ, hướng tới một kiến trúc mới với nhưng đường nét thiết kế mạnh mẽ, đơn giản, tinh tế hơn như nhân vật chính Howard Roark trở nên hiếm hoi. Họ trở thành những kẻ lập dị và bị “ghẻ lạnh” giữa những người làm nghề. Bị “đói khát” do sự bảo thủ trong lối suy nghĩ của khách hàng, bị đàm tiếu bởi miệng lưỡi thế gian. Khó khăn xâm lấn nhưng lý chí vững vàng đã giúp Howard Road nhân vật chính cũng là biểu tượng cho những người làm kiến trúc mới dần dần thay đổi được cái nhìn của xã hội, thay đổi được cả một nền kiến trúc đã cũ. Một phần nào đó trong câu chuyện đã cho ta thấy một góc thực tế về sự phát triển đầy khó khăn của phong cách tối gian khi mới manh nha hình thành.
860–880 Lake Shore Drive là công trình tòa tháp đôi được làm từ kính và thép dọc nằm cạnh con sông Michigan, Chicago, Mỹ. Công trình được xây dựng từ năm 1949 đến năm 1951. Trong hình người ta có thể dễ dàng nhận thấy sự táo bạo và khác biệt trong thiết kế của Mies với bối cảnh kiến trúc lúc đó.
Đây là hình ảnh thực tế của công trình cho đến ngày nay
Công trình tòa nhà chọc trời do KTS Mies thiết kế tại Berlin Đức vào năm 1921. Không ai nghĩ rằng cho đến tận ngày nay, kiểu dáng kiến trúc ấy đã trở thành “khuôn mẫu” cho nhiều công trình khác. Vào thời điểm đó, nó được coi là công trình của tương lai và đúng là như vậy!
Và phong cách tối giản không chỉ đơn thuần là một phong cách trong kiến trúc, nó đã nhanh chóng trở thành một xu hướng thiết kế được yêu thích, lặp lại trên thế giới bởi sự tiện lợi, tính ứng dụng cao vào đời sống “công nghiệp” của con người.
Minimalism – cách kể chuyện cuộc sống qua những đường nét thiết kế đơn thuần
Trở thành một phần của phong cách đương đại, các thiết kế tối giản được biết đến với những “tính cách” riêng biệt được thể hiện qua ba mặt: đường nét, nội thất và màu sắc. Phong cách tối giản hướng tới giá trị của không gian mà bản chất của kiến trúc là không gian. Ở đó, KTS tạo lập những khoảng không chặt chẽ, khúc chiết, cô đọng, thoáng đãng, tràn ngập ánh sáng.
Chính sự đơn giản của hình thức tổng thể, chi tiết kiến trúc, sự tiết chế trong sử dụng vật liệu, màu sắc sẽ tạo nên tính tập trung cho không gian và đưa không gian thành nội dung chủ đạo của công trình.
Đường nét tinh giản nhưng đầy ma lực
Cho đến thời điểm này, không ai có thể phủ nhận được vẻ đẹp ma mị của sự đơn giản, đặc biệt là trong không gian sống. Khi con người đã trải qua tất cả những sự hoa mĩ, đủ đầy của vật chất, sự bon chen, ganh đua trong cuộc sống, thì sự tối giản như mở ra một khoảng sống nhẹ nhàng, thanh bình, êm ái cho người sử dụng.
Two Barns House – Công trình theo phong cách tối giản hiện đại của văn phòng KTS RS+ Phần Lan
Không gian của kiến trúc tối giản có tính cân bằng, tĩnh tại, thuần khiết, được tạo nên bởi những mảng tường, mảng trần phẳng, đồng nhất, những đường thẳng, những hình khối đơn giản và những khoảng trống lớn.
Công trình concrete box house do văn phòng KT Robertson Design thiết kế tại Houston, Mỹ
Một trong những đặc điểm nổi bật nhất có thể thấy trong cách thiết kế tối giản là đối tượng mà chúng hướng tới chình là bản chất của không gian từ đó thể hiện bản ngã của gia chủ. Bản chất của kiến trúc không nằm ở cái vỏ bề ngoài. Và để cảm nhận được điều đó, ngoài đôi mắt để nhìn, phải cần có một tư duy rộng mở, khám phá. Một kiến trúc sẽ tối giản khi chủ nhân hiểu rõ được bản ngã của mình, và kiến trúc sư chuyển hoá bằng ngôn ngữ thiết kế. Và cũng chỉ khi hiểu rõ chính mình thì chủ nhân mới thực sự làm chủ và gắn bó được với ngôi nhà.
New Concrete House thiết kế của Wespi de Meuron
Ánh sáng tạo nên xúc cảm cho một không gian tối giản
Việc loại bỏ, hạn chế các chi tiết, màu sắc, những thứ không cần thiết nhằm hướng sự tập trung cho không gian kiến trúc tạo nên sự tối giản. Những gam màu thường được sử dụng trong phong cách tối giản thường là những tông màu đơn sắc, gam lạnh mang sắc độ tương phản yếu. Đôi khi để tăng sự góc cạnh, hiện đại cho công trình, KTS cũng sử dụng những tông màu trung tính với sắc độ tương phản mạnh để đưa đẩy cảm xúc của người dùng.
Màu sắc trong công trình nhà ở theo phong cách tối giản thường mang tông màu nhẹ nhàng, đơn thuần như trắng, đen, xanh ngọc nhạt…
Việc sử dụng các tông màu ra sao thực chất còn phụ thuộc rất nhiều vào bản ngã của gia chủ như đã đề cập ở bên trên. Một tâm hồn hiền dịu, thanh tịnh sẽ muốn có một không gian sống với gam màu pastel nhẹ nhàng như, trắng kem, vàng non của gỗ, một tâm hồn mộc mạc lại muốn một không gian tối giản mang sắc màu trắng kem, xám nhạt, nâu gụ, hay một tâm hồn cá tính, trẻ trung lại muốn sử dụng gam màu trắng – đen nổi bật.
Thêm nhiều sắc màu ấm như vàng đồng, nâu sẽ thêm cá tính, sự trẻ trung cho không gian sống tối giản của bạn
Màu sắc ở phong cách tối giản hạn chế nên ánh sáng là một thành phần chủ đạo để trang trí và tạo nên giá trị thẩm mỹ thông qua hiệu ứng thị giác. Yếu tố lấy sáng tự nhiên, cho phép ánh nắng trở thành một yếu tố cấu thành nghệ thuật kiến trúc.
Ánh sáng tự nhiên luôn biến đổi và làm thay đổi những cảm nhận, cảm xúc của người đứng trong không gian đó. Ánh sáng được chủ định trong thiết kế để nhấn mạnh những thành phần, những khu vực chính; làm nổi bật hình khối kiến trúc, nội thất; dùng để dẫn tuyến hoặc tạo nên những khối sáng, bóng đổ theo ý đồ.
K House, Văn phòng KT Architectstm, Ireland – một không gian ngập tràn ánh nắng
Ánh sáng cùng hiệu ứng bóng đổ được khai thác thông qua những ô cửa, những vách kính, mái, những khoảng trống, những cấu kiện của hệ kết cấu, qua hệ thống rèm hay cả những tán cây. Ánh sáng nhân tạo cũng được nghiên cứu rất kỹ, tính toán cẩn thận trong ý đồ diễn tả cấu trúc không gian và những thành phần nội thất.
Chính yếu tố ánh sáng tạo nên định nghĩa: không gian tạo nên xúc cảm chứ không phải bởi những chi tiết trang trí, đồ đạc hay điều gì khác.
Gọi là phong cách tối giản nhưng bản thân nó lại không hề đơn điệu một màu. Trong những môi trường văn hóa khác nhau, cách phối kết hợp với nội thất khác nhau sẽ tạo nên những phong cách tối giản mang những nét đặc trưng riêng. Phần 2 của serie “khám phá phong cách tối giản” sẽ giới thiệu đến màu sắc “cá biệt” của Minimalism giữa các vùng văn hóa.
Bài viết: Phạm Anh