Sống trong không gian nhỏ chật hẹp, bí bách khiến cho nhiều người không cảm thấy thoải mái, tiện nghi. Vậy người Nhật đã có những bí kíp nào để luôn cảm thấy thoải mái, dễ chịu, vừa đủ với không gian sống nhỏ hẹp?
Trải nghiệm bài viết và hình ảnh mượt mà hơn với ứng dụng Happynest tại đây. |
1. Tạo cảm giác không gian với ngách
Được gọi là tokonoma hoặc đơn giản là toko ở Nhật Bản (hay được hiểu là hốc tường hoặc ngách), truyền thống có những không gian giống như “sân khấu nhỏ” đã có từ hàng trăm năm nay. Ở Nhật Bản, chúng thường được sử dụng để tạo ra cảm giác không gian rộng rãi hơn và để trưng bày tài sản cá nhân, chẳng hạn như cuộn giấy hoặc cây cảnh.
Nếu có thể, hãy lựa chọn không gian âm tường và hốc tường trong khu vực sinh hoạt và ăn uống, sử dụng chúng để trưng bày luân phiên các đồ vật quý giá đẹp mắt mà không xâm phạm vào căn phòng nhỏ. Hốc tường cũng nên sử dụng cho phòng tắm, phòng ngủ để lưu trữ đồ đạc. Trong không gian ngủ nhỏ, một ngách có thể là góc đầu giường hoàn hảo cho một cuốn sách và một cốc nước.
Không gian ngách rất phổ biến trong nhà Nhật (Nguồn ảnh: Nhà Nhật 2 tầng)
2. Tối đa hóa không gian tường
Cả tường dài và ngắn đều sẽ cần tận dụng làm nơi chứa đồ trong phòng ngủ. Người dân Nhật Bản không chỉ là những người chuyên nghiệp về trang phục, mà họ còn rất giỏi trong việc trang điểm phòng thay đồ và tủ quần áo của họ (cũng như sử dụng chúng cho nhiều thứ không chỉ là quần áo của họ). Người Nhật có truyền thống lưu trữ đồ từ sàn đến trần nhà nhằm tối ưu diện tích.
Tạo các cột giá hoặc chọn các đơn vị mô-đun cao để bạn có thể gấp các mảnh quần áo nhỏ hơn. Tận dụng tường để làm nơi chứa đồ sẽ giúp tối đa hoá không gian của bạn đến mức cao nhất. Thêm một số rèm nhỏ để che đi bất kỳ vật dụng nào mất thẩm mỹ hoặc cần riêng tư.
Hãy thử một hệ thống như thế này - không gian treo áo sơ mi, kệ khay xếp chồng áo phông và quần áo lót, giá sách và quần áo, và giày đặt vừa khít bên dưới tất cả. Đây rồi, bạn đã sử dụng toàn bộ bức tường.
3. Thay đổi cách gấp quần áo
Việc có những tủ chứa đồ cao và hẹp là một chuyện, nhưng làm thế nào để đựng đồ vừa với chúng. Câu trả lời là bạn hãy thử gấp quần áo thành những “gói nhỏ” thẳng đứng, một kỹ thuật được tác giả người Nhật Marie Kondo nổi tiếng, trong cuốn sách bán chạy nhất của bà về 'phép thuật' ngăn nắp. Gấp quần áo theo cách này không chỉ giúp cất giữ chúng dễ dàng hơn mà còn giúp ngăn xếp đồ đạc của bạn, chỉ cần nhìn thoáng qua là bạn có thể thấy được gì. Áo sơ mi và váy nên được treo lên, các kiểu quần áo còn lại nên được gấp lại.
Người Nhật rất biết cách sắp xếp quần áo ngăn nắp (Nguồn ảnh: Nhà Nhật 2 tầng)
4. Làm cho các phòng trở nên đa chức năng
Tại Nhật, phần lớn các phòng không chỉ đơn giản hoạt động trong một chức năng. Không gian sinh hoạt chung nhanh chóng thay đổi thành phòng ngủ, sau đó là không gian làm việc, thậm chí là khu vực thưởng trà. Đây là phương pháp thiết kế có thể dễ dàng áp dụng tại nhiều nơi.
Trong một không gian, người Nhật thường tích hợp nhiều chức năng (Nguồn ảnh: Nhà Nhật 2 tầng)
Thay vì tuân thủ các quy tắc phân chia phòng cho các mục đích cụ thể, hãy thử lắp đặt giường gấp gắn tường trong phòng khách để tạo phòng ngủ. Với hầu hết người dân Nhật Bản sinh sống trong các studio đơn lẻ, những căn phòng như thế này là điều bình thường và cần thiết cho cuộc sống thoải mái, thiết thực. Futon cuộn là một lựa chọn phổ biến cho cư dân sống trong các studio, vì chúng vừa có chức năng như 1 chiếc giường, vừa là đệm sàn thoải mái để dựa lưng. Nếu bạn không sống trong các studio, nhưng nếu ngôi nhà của bạn có diện tích nhỏ, bạn vẫn có thể sử dụng kiểu đệm này.
Nhà vệ sinh tích hợp khu vực giặt sấy của gia đình (Nguồn ảnh: Nhà Nhật 2 tầng)
5. Phân chia không gian
Cùng với việc tạo ra một không gian đa mục đích, nội thất Nhật Bản thường có các vách ngăn phòng kiểu truyền thống Shoji. Xu hướng hiện nay là dành cho các không gian mở, nhưng một vách ngăn mỏng như thế này có thể là một cách tốt để cung cấp cho căn phòng nhiều chức năng mà vẫn giữ được không gian rộng, thoáng hơn. Cửa trượt Shoji có chi phí thấp và trọng lượng nhẹ, vừa giảm tải trọng của tổng thể công trình, vừa giúp bạn tiết kiệm chi phí.
Giá kệ dạng mở cũng là một cách khác để phân chia không gian mà tổng thể vẫn sáng thoáng.
6. Gác lửng
Việc tạo ra một không gian gác lửng sẽ cực kỳ phù hợp với những ngôi nhà không gian nhỏ hẹp. Ở Tokyo (Nhật Bản), không khó để bắt gặp các ngôi nhà có diện tích nhỏ hẹp, dạng nhà studio, họ thường ứng dụng không gian gác lửng để tạo ra chức năng như một phòng ngủ hay không gian lưu trữ.
Nếu chiều cao vừa phải và tuân thủ theo quy định xây dựng, bạn có thể cân nhắc đến việc tạo thêm một căn studio khác tại gác lửng. Bên cạnh đó, trang bị cầu thang xoắn ốc sẽ đẹp mắt hơn là cầu thang thường nếu ngân sách dư dả.
Không gian gác lửng rất phổ biến với nhà Nhật (Nguồn ảnh: Garden House)
7. Tạo một khoảng trống trong nhà
Đã đến lúc phải “chào tạm biệt” với sự lộn xộn. Không gian trống rỗng được đánh giá cao ở Nhật Bản, đến nỗi người dân coi nó như một nét đặc trưng, họ cho rằng đôi khi sự trống rỗng có thể trở nên đẹp đẽ.
Trong một không gian nhỏ, việc tạo ra một không gian trống như thế này có vẻ không được nhiều người hưởng ứng, nhưng nó sẽ tốt cho tinh thần. Vì vậy, bạn hãy để trống một góc hoặc một bức tường, tô điểm thêm bằng một vài vật trang trí tinh giản, giúp cho ngôi nhà không trở nên ngột ngạt, tinh thần yên tĩnh và bình lặng.
Không gian trống trải được người Nhật Bản coi là nét đẹp đặc biệt (Nguồn ảnh: Nhà Nhật 2 tầng)
8. Chọn vật liệu tự nhiên
Trong các ngôi nhà ở Tokyo (Nhật Bản), đặc biệt là những ngôi nhà nhỏ, gỗ vàng như hinoki và thông đỏ, tre là những vật liệu phổ biến cho đồ nội thất. Người ta cho rằng việc sử dụng vật liệu tự nhiên trong không gian nhỏ tạo ra mối quan hệ đôi bên cùng có lợi với thiên nhiên và khuyến khích chúng ta kết nối với bên ngoài thay vì những bức tường.
Các loại gỗ khác nhau trong nhà bếp kiểu Nhật này - trên sàn, bàn, ghế và cành cây trang trí - mang lại cảm giác mát mẻ, thư thái cho một không gian chật hẹp.
Thêm gỗ nhạt để thêm nét đặc trưng mà không tạo ra sự lộn xộn - và đừng quên cây cảnh hoặc tán lá trong nhà: gỗ, tường trắng và cây xanh là một cái nhìn cổ điển.
9. Suy nghĩ lại những điểm chưa hài lòng
Một số không gian nhỏ khiến bạn khó xử, bạn chưa thể quyết định sẽ làm gì với chúng ngay thì hãy thử suy nghĩ về những gợi ý của chúng tôi. Để trống không gian như đã đề cập ở trên là một tùy chọn đã được đề cập.
Đối với những khu vực khác, hãy nhìn nó với đôi mắt mới mẻ hơn. Biến hốc cửa sổ xinh xắn thành ban công trong nhà với việc bổ sung một chiếc ghế thư giãn, một vài chậu cây và đánh lừa thị giác với sàn hai tông màu.
Theo một cách tương tự, hành lang có thể biến thành phòng đọc tạm thời của bạn nếu bạn trang bị thêm một chiếc ghế nhỏ, giá sách và đèn đọc.
Ngoài ra, bức tường trống tại logia căn hộ có thể trở thành một “khu vườn” nhỏ. Đơn giản, bạn chỉ cần gắn hộp cửa sổ hoặc chậu lên tường, cố định một số loại dây dọc để cây leo có thể phát triển.
10. Chấp nhận diện tích nhỏ của ngôi nhà
Nhiều khi chúng ta mơ ước về một ngôi nhà lớn hơn, nhưng thực tế bạn chỉ có thể mua được ngôi nhà trong khả năng tốt nhất của mình. Người dân Nhật Bản nổi tiếng với niềm đam mê những thứ bé nhỏ, vì vậy hãy khơi dậy niềm vui đó và tôn vinh sự bé nhỏ của ngôi nhà chúng ta, chấp nhận nó đẹp như những ngôi nhà to lớn khác.
Nguồn: houzz
Bài viết: Khánh Linh
*Bài viết được biên tập bởi đội ngũ Happynest. Xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức.
Chia sẻ ngay câu chuyện của bạn tại đây để kết nối với cộng đồng yêu nhà đẹp trên nền tảng Happynest nhé. Nếu đây là lần đầu bạn đăng bài, hãy tham khảo trước tài liệu này để hiểu rõ hơn về các thể loại bài đăng, tips giúp bài đăng được duyệt nhanh và thu hút sự chú ý nhất từ cộng đồng. Mọi thắc mắc về việc đăng bài hoặc chỉnh sửa bài, xin vui lòng liên hệ địa chỉ email info@happynest.vn, hoặc phản hồi trực tiếp qua fanpage Happynest để được hỗ trợ và tư vấn kịp thời. |