Dự án cải tạo nằm trong một khu phố cổ của Bắc Kinh với kiến trúc nhà ba sân truyền thống. Ngôi nhà hầu như đã hư hỏng nặng nhiều trước khi được cải tạo trở thành một công trình pha trộn chất hiện đại trong kiến trúc truyền thống.
Kết cấu của ngôi nhà đảm bảo cả tiêu chí phục hồi và làm mới
Công trình là kiểu nhà truyền thống của Trung Quốc với cấu trúc ba sân hay còn gọi là nhà Siheyuan. Ngôi nhà có chiều rộng là 15m, chiều dài là 42m và được xây từ thế kỷ trước với hầu hết mái nhà, tường, cửa và cửa sổ bị hư hỏng nặng hoặc biến mất.
Các bức tường tòa nhà cũ đã được khôi phục, bằng cách tái sử dụng những viên gạch màu xám từ các khu vực xuống cấp cần phá dỡ
Khi tiếp cận dự án, đơn vị thiết kế đặt ra hai mục tiêu: cải tạo cái cũ và biến tấu cái mới. Một mặt, đơn vị thiết kế tiến hành sửa chữa tất cả các bề mặt và gia cố cấu trúc nhà, nhằm tái tạo diện mạo của kiểu nhà Siheyuan truyền thống. Mặt khác, kiến trúc sư đã mang đến các tiện nghi sinh hoạt mới như phòng tắm, nhà bếp và nhà để xe, đặc biệt là khu vực hiên mới được bao phủ bởi kính. Kiến trúc truyền thống và tinh thần hiện đại giờ đây được tích hợp trong một tổng thể mới, mang đến không gian sống tiện nghi và thẩm mỹ hơn.
Kết hợp giữa kiến trúc cổ điển và yếu tố hiện đại, công trình mang đến không gian sống tiện nghi nhưng vẫn giữ được giá trị thời gian
Trong sự tương phản và hợp nhất giữa cái mới và cái cũ, đơn vị thiết kế giữ lại một số vật liệu truyền thống để giữ lại dấu ấn của thời gian, bên cạnh đó, gia tăng các vật liệu mới một cách phù hợp. Khung gỗ thông ban đầu được duy trì, những thành phần bị hư hỏng được thay thế bằng cùng một vật liệu.
Sàn của không gian ngoài trời được lát bằng cùng loại gạch, để đảm bảo sự thống nhất về thị giác
Mái hiên mới, cửa ra vào, cửa sổ và một số đồ nội thất sử dụng các tấm tre nhiều lớp (một vật liệu mới trông giống như gỗ và có cảm giác như thép). Mái hiên mới được xây dựng thông qua một cấu trúc khung và dầm trên trần nhà.
Mái hiên ấn tượng với phần khung gỗ được uốn cong
Đối với đồ nội thất, KTS mang đến sự kết hợp khác nhau của đồ nội thất làm từ gỗ cũ hoặc mới, cho thấy sự pha trộn hoàn hảo của các màu sắc và kết cấu khác nhau.
Bên cạnh đó, ngôi nhà cũng sử dụng chất liệu gỗ thông truyền thống
Đơn vị thiết kế đã khôi phục và bảo tồn nhiều yếu tố lịch sử có giá trị như cổng vào, họa tiết chạm khắc và thậm chí là cây cối trong sân nhà. Trong kết cấu ba sân của ngôi nhà thì sân trước được sử dụng chủ yếu làm nhà để xe. Khoảng sân giữa nhà là không gian sinh hoạt chung kết nối các khu vực chức năng như: phòng khách, phòng trà, bếp, phòng ăn,... Các không gian này được thiết kế theo kiến trúc đối xứng, kế thừa tinh thần chung của căn nhà truyền thống.
Cửa ra vào được chuyển sang bên cạnh để tạo không gian cho bãi đậu xe
Không gian sân giữa nhà kết nối phòng khách, phòng trà và bếp
Phòng ăn có một cửa gấp, có thể mở hoàn toàn nội thất ra không gian bên ngoài và mở rộng các hoạt động trong nhà ra sân
Khoảng sân phía sau là không gian nhà ở, bao gồm hai phòng ngủ, phòng trà và phòng học và cũng được sắp xếp theo bố cục đối xứng giống như sân giữa. Phòng ngủ được đặt ở khu vực phía sau, dựa lưng với sườn núi. Phòng tắm trong mỗi phòng ngủ liền kề với một sân nhỏ, đảm bảo nhiều ánh sáng và thông gió.
Khoảng sân sau nhà với những hàng cây cổ thụ được giữ nguyên
Phòng ngủ được thiết kế trang nhã, nhẹ nhàng với tông màu trắng kết hợp nâu gỗ
Nhà vệ sinh được xây mới theo kiến trúc hiện đại
Hiên nhà là linh hồn của ngôi nhà, bao quanh phần sân trong
Khu vực hiên nhà không chỉ được phủ một lớp kính, kiến trúc sư còn tạo một đường cong mềm mại vuốt theo độ dốc của mái nhà. Các vách kính cũng được tạo hình vòng cung, ôm lấy sân nhà, có chức năng như một tuyến đường lưu thông và kết nối các gian nhà với nhau.
Hiên nhà với vách kính tạo một vòng cung quanh ba gian nhà
Hiên nhà với độ cong của vòm mái kết hợp vách kính
Phòng khách được kết nối gần gũi với các khu vực xung quanh nhờ hiên nhà dựng vách kính
Từ phòng khách có thể ngắm nhìn ra sân trước và sân giữa nhà
Bên hông ngôi nhà còn trồng một vườn trúc nhỏ - một trong những loại cây truyền thống của người Trung Quốc
Mô hình ngôi nhà
Bản vẽ mặt bằng công trình
Với những đổi mới phù hợp, công trình đã mang đến một sự cải tạo đúng đắn và cần thiết cho những giá trị cổ truyền thống nhưng vẫn mang đến cuộc sống tiện nghi và hiện đại.
Thông tin công trình:
Tên công trình: Qishe Courtyard
Vị trí: Bắc Kinh, Trung Quốc
Diện tích: 500m2
Năm: 2020
Đơn vị thiết kế: ARCHSTUDIO
Ảnh: Qingshan Wu, Ninh Vương
Bài viết: Tùng Dương