Hiện nay, phong trào bảo vệ môi trường được cả thế giới ủng hộ. Việc sử dụng các loại vật liệu để sản xuất đồ nội thất cũng đã có những thay đổi tích cực. Các nhà thiết kế thường phải đau đầu với bài toán sử dụng gỗ tự nhiên hay gỗ công nghiệp. Gỗ tự nhiên đẹp, bền, sang trọng nhưng giá thành cao và dẫn đến tình trạng khai thác quá mức. Trong khi đó, gỗ công nghiệp thường không sang trọng bằng và có tuổi thọ thấp. Giải quyết bài toán này, gỗ ghép thanh ra đời, cân bằng tất cả các vấn đề đó.
Gỗ ghép thanh đã dần phổ biến trong thiết kế nội thất
Tìm hiểu về gỗ ghép thanh
Gỗ ghép thanh là loại vật liệu rất đa năng đang rất được ưa chuộng trong thiết kế nội thất. Để hiểu rõ hơn về gỗ ghép thanh, chúng ta cần điểm qua một vài thông tin sau:
Gỗ ghép thanh – Sự kết hợp của tự nhiên và công nghiệp
Gỗ ghép thanh không phải là loại vật liệu mới được phát minh gần đây. Chúng đã xuất hiện từ khá lâu trên thị trường. Nhưng chỉ từ những năm 60 của thế kỷ trước, vấn đề môi trường được quan tâm hơn, chúng mới thực sự phổ biến.
Sử dụng gỗ ghép thanh giúp giảm thiểu khai thác gỗ tự nhiên
Gỗ ghép thanh chính là những ván gỗ được ghép từ những thanh gỗ nhỏ với nhau. Những thanh gỗ nhỏ này có nguồn gốc từ rừng trồng hoặc nông trường. Sau khi qua xử lý công nghiệp, những thanh gỗ nhỏ sẽ kết lại tạo nên tấm gỗ lớn. Ở gỗ ghép thanh, ta có thể tìm thấy chất lượng, độ đặc và các vân đẹp mắt như gỗ tự nhiên. Hơn nữa, quá trình gia công cũng giúp cho tấm gỗ không bị cong vênh, mối mọt. Sự kết này không chỉ đáp ứng được yêu cầu trong xây dựng mà còn góp phần bảo vệ những cánh rừng tự nhiên.
Cấu tạo và quy trình sản xuất gỗ ghép thanh
Để sản xuất gỗ ghép thanh, các loại gỗ thường được sử dụng là gỗ cao su, thông, tràm, quế,… Để gắn kết những thanh gỗ nhỏ thành ván lớn, người ta cần sử dụng thêm một vài loại keo. Việc chọn keo sẽ phụ thuộc vào mục đích sử dụng của tấm gỗ. Ví dụ nếu dùng làm đồ nội thất thì sẽ sử dụng keo UF. Đối với ván gỗ ghép thanh dùng để làm vật liệu ngoại thất thì sẽ dùng tới keo PE.
Gỗ rừng trồng được sử dụng làm gỗ ghép thanh
Muốn tìm hiểu về gỗ ghép thanh, hãy tham khảo quy trình sản xuất dưới đây:
- Chia các thanh gỗ thành kích thước tiêu chuẩn và sơ chế
- Xử lý mối mọt, nấm mốc
- Đưa vào dây chuyền tạo các mộng âm dương để ghép lại với nhau. Xử lý keo tăng độ kết dính
- Chà nhám, sơn phủ
- Hoàn thiện và lưu kho
Có rất nhiều cách thức ghép gỗ cho nhiều điều kiện gỗ khác nhau. Với các thanh gỗ có kích thước tương đồng, cách ghép song song là thông dụng nhất. Ngoài ra còn có thể ghép mặt, ghép giác hoặc ghép cạnh.
Phân loại gỗ ghép thanh
Trên thị trường hiện nay, gỗ ghép thanh được chia thành 3 loại theo chất lượng sản phẩm.
Phân loại gỗ ghép thanh
Chất lượng A (2 mặt A)
Đây là loại gỗ ghép có chất lượng cao nhất. Gỗ ghép thanh loại 2 mặt A có 2 mặt ván gỗ và những phần cạnh đều, đẹp. Những ván gỗ ghép này sẽ cần tuyển chọn thanh gỗ nguyên liệu kĩ càng nên giá thành khá cao.
Chất lượng B (1 mặt A, 1 mặt B)
Loại gỗ ghép này có một mặt đẹp, không có ghép mắt chết. Mặt còn lại chất lượng tương đối. Loại gỗ ghép AB này có giá thành rẻ hơn loại A, phù hợp để làm tủ, mặt bàn,…
Chất lượng C (1 mặt B, 1 mặt C)
Ván gỗ ghép BC có hình thức kém hơn 2 loại trên. Mặt C có thể có nhiều mắt đen hoặc đường chỉ. Loại gỗ ghép chất lượng C thường dùng để ốp tường hoặc lót sàn.
Đánh giá gỗ ghép thanh
Sau một thời gian dài sử dụng gỗ ghép thanh, các nhà kiến trúc sư đúc kết được những đánh giá sau đây:
Gỗ ghép thanh hội tụ nhiều ưu điểm của gỗ tự nhiên
Ưu điểm
- Khả năng chịu lực khá tốt, ít cong vênh
- Mẫu mã phong phú, chịu xước, va đập tốt
- Nếu sử dụng keo dán tốt thì độ bền không kém cạnh gì gỗ tự nhiên
- Giá thành rẻ hơn gỗ tự nhiên
- Giảm thiểu khai thác gỗ tự nhiên
Hạn chế
Do gỗ ghép được hình thành từ nhiều thanh gỗ nhỏ nên khó có được sự đồng nhất về màu sắc. Chất lượng gỗ ghép phụ thuộc khá nhiều vào loại keo được sử dụng và quá trình gia công. Ngoài ra, gỗ ghép thanh cũng chỉ dùng được để chế tạo đồ dùng hoặc ốp, lát các mặt phẳng.
Một trong những nhược điểm lớn nhất của gỗ ghép thanh là sự đồng nhất về màu sắc
Gỗ ghép thanh sử dụng trên các mặt phẳng
Ứng dụng trong thực tế
Gỗ ghép thanh là một vật liệu tuyệt vời để thay thế gỗ tự nhiên trong chế tạo nội thất. Dưới đây là một vài ứng dụng phổ biến nhất của gỗ ghép thanh trong đời sống. Ví dụ như chế tạo đồ nội thất như bàn, ghế, tủ, giường, lát sàn, lát cầu thang, ốp tường hay chế tạo kệ, đồ trang trí….
Bàn ghế làm bằng gỗ ghép thanh
Kệ tủ bằng gỗ ghép thanh
Sàn ốp gỗ sang trọng
Tường ốp gỗ ghép thanh
Trong bối cảnh ý thức người tiêu dùng ngày một cao, vật liệu thân thiện với môi trường được quan tâm nhiều hơn. Gỗ ép thanh vừa hay giúp bảo vệ môi trường, lại có tính thẩm mỹ cao, chất lượng tốt. Với những đặc tính vượt trội, gỗ ép thanh đang dần chiếm vị trí quan trọng trong ngành xây dựng và được sử dụng ngày càng rộng rãi.
Bài viết: Thu Hằng