Căn nhà vốn được xây trên khu đất có chiều rộng khá eo hẹp, hơn thế gia chủ còn phải đối diện với yêu cầu quy hoạch ngặt nghèo. Những tưởng KTS sẽ phải tranh thủ từng m2 đất để thiết kế không gian sống cho kịp tiến độ, nhưng với tư duy bỏ cái ít để có được điều lợi ích hơn, KTS và gia chủ đã có hướng đi mà ít ai ngờ đến.
*Tham khảo Hướng dẫn đăng bài trên website Happynest tại đây để kết nối với cộng đồng Happynest nhé.
Bài toán quy hoạch ngặt nghèo và phương án “bỏ ít, được nhiều”
Trên con phố đông dân cư tại Nhật Bản, để nới giãn mật độ nhà ở, Luật Dân sự ở Nhật Bản đã yêu cầu khoảng cách giữa vách tường của 2 ngôi nhà liền kề tối thiểu là 0,5m. Như vậy, mỗi ngôi nhà chuẩn bị xây dựng đã phải xác định sẽ bị mất ít nhất là 1m chiều rộng đất để đáp ứng quy hoạch.
>>> Xem thêm: Tổng hợp 5 nhà phố dưới 50m2 sáng thoáng bất ngờ, vẫn đủ rộng rãi cho gia đình 4 người
Để nới lỏng mật độ xây dựng trong khu dân cư đông đúc, gia chủ cũng phải tuân theo yêu cầu về khoảng cách giữa 2 ngôi nhà liền kề
Tuy nhiên, với House in Itami - ngôi nhà được xây trên khu đất khá hẹp - thì đây là 1 bài toán nan giải đặt ra cho đội ngũ thiết kế. Nan giải ở đây không chỉ bố trí không gian sống trong một diện tích hẹp. Mà còn phải làm sao để tận dụng được những khoảng trống này hiệu quả hơn, thay vì để nó như một khoảng thừa thãi bên cạnh ngôi nhà.
Bỏ phí khoảng trống hay tận dụng để có không gian lợi ích hơn là câu hỏi mà KTS định hướng cho gia chủ
Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, KTS cùng gia chủ đã mạnh dạn quyết định ngoài 1m chiều rộng đất chia cho 2 bên nhà, họ sẽ bớt thêm 0,4m đất nữa để tạo thành khoảng hành lang ngoài trời ở hông nhà bên phải. Thật may mắn, gia đình hàng xóm cũng tán đồng với phương án “bỏ ít, lợi nhiều” này. Sau đó, gia chủ nhà bên cũng chủ động đề xuất sáp nhập khoảng trống quy hoạch của nhà họ vào phần hành lang này và biến nó thành không gian ngoài trời chung rộng đến 1,4m. Đây không chỉ là khoảng thở đáng giá giữa đô thị đông đúc mà còn là nơi hàng xóm láng giềng ngồi trò chuyện mỗi tối mát trời, hay nơi tụi trẻ con vui đùa, sẻ chia những gia tài đồ chơi với nhau.
Sự ra đời của khoảng hành lang chung ngoài trời rộng đến 1,4m này mang lại khoảng thở đáng giá cho 2 gia đình
Lựa chọn phát triển không gian về chiều cao và phân bổ về chiều dài
Sau khi giải quyết vấn đề quy hoạch, đội ngũ KTS phải đương đầu với bài toán về bố trí không gian sống với chiều rộng vỏn vẹn 3,4m. Nhận thấy tiềm năng từ chiều dài 9,6m của ngôi nhà, KTS lựa chọn phương án phát triển House in Itami về chiều cao qua 3 tầng nhà.
>>> Xem thêm: Nhà phố 2 tầng công năng 4 phòng ngủ, thiết kế hiện đại xen lẫn các chất liệu truyền thống
Không gian được phân bổ theo chiều dài ở 3 tầng nhà trải dọc theo chiều dài 3,4m
Bố trí không gian sống khoa học và luôn tôn trọng mong muốn của gia chủ là điều KTS luôn đặt lên hàng đầu
Cửa chính của House in Itami được chuyển sang hông nhà, cho phép tiếp cận ngôi nhà từ vị trí trung gian để tạo ra cảm giác không bị choáng ngợp bởi sự bất cân xứng dài - rộng
Ngoài ra, KTS còn phân chia độ cao mỗi tầng với sự khác nhau rõ rệt. Cụ thể, tầng 1 dành cho không gian sinh hoạt chung như: bếp, phòng ăn, phòng khách có độ cao trần lên đến 3,3m giúp tạo ra cảm giác cao rộng và thông thoáng hơn. Còn độ cao trần tầng trệt và tầng 2 chỉ là 2,4m và 2,5m, đủ cho không gian sống riêng tư của gia chủ. Ngoài ra KTS còn sử dụng sàn nâng cho không gian phòng khách, phảng phất nét gì đó mang nét truyền thống Nhật Bản.
Chiều cao tầng có sự khác biệt rõ rệt là dụng ý của KTS
Chiều cao trần đến 3,3m mang đến cảm giác rộng rãi thông thoáng không ngờ cho tầng 2
Kết cấu sàn nâng được áp dụng ở các tầng nhà giúp không gian ngôi thoáng hơn đáng kể và in dấu nét gì đó rất Nhật Bản
Không gian đa năng trên tầng 3 với cánh cửa trượt kính
Sự tỉ mỉ khi gài gắm nội thất vào không gian kiến trúc ngôi nhà
“Khi được chiêm ngưỡng một công trình do các kiến trúc sư thiết kế, tôi cảm thấy như thể cách sắp xếp nội thất đang nói lên thông điệp gì đó.” Đó là chia sẻ đến từ một trong những KTS đến từ Tato Architects.
Các KTS không muốn vội vàng lấp đầy không gian của những “đứa con tinh thần” của mình bằng những món đồ nội thất cho có. Do vậy đội ngũ thiết kế rất quan tâm, dành nhiều tâm huyết trong khâu lựa chọn và hoàn thiện nội thất. Và trong ngôi nhà này, các yếu tố kiến trúc như cầu thang, không gian giặt ủi, tủ quần áo, tay vịn và nhà vệ sinh được khéo léo ngụy trang lồng ghép vào những món đồ nội thất như tủ, kệ.
>>> Xem thêm: Nhà phố ở Bến Tre với thiết kế 2 khoảng thông tầng và các không gian mở thoáng sáng
Với 3,4x9,6m, việc sắp xếp nội thất cũng được tính toán kỹ sao cho vừa đủ và thừa tinh tế cho từng khu vực chức năng
Phòng vệ sinh được ngụy trang thành một chiếc tủ nhã nhặn vừa lạ mắt vừa thú vị
Nhìn qua chỉ là kệ gỗ nhỏ nhắn, nhìn kỹ hóa ra là sự kết hợp thú vị giữa kệ và cầu thang
Bạn nghĩ đây chỉ là một chiếc tủ gỗ đặt giữa nhà?
Nhưng thực ra đó là cầu thang dẫn từ tầng trệt lên tầng 1 được “ngụy trang” khéo léo
Nội thất màu gỗ sáng hòa trong không gian tông màu trắng tinh khôi mang đến cảm giác nhẹ nhàng thảnh thơi
Khu vực vệ sinh với bồn rửa tay màu trắng mờ rất ấn tượng
Không gian phòng đa năng sử dụng gỗ nhựa, với tính chất bền chắc nên không bị ảnh hưởng nhiều từ nắng mưa từ khung cửa sổ trời trên mái
Trọn vẹn vẻ đẹp của khu dân cư Nhật Bản từ tầng cao nhất của House in Itami
Bản vẽ mặt bằng tầng trệt
Mặt bằng tầng 1
Mặt bằng tầng 2
Mặt cắt ngôi nhà
Vài phác thảo ý tưởng về House in Itami
Bản vẽ 3D nội thất ngôi nhà
Những ngôi nhà có diện tích siêu bé hay có hình dáng lạ lùng không phải là điều hiếm ở nơi tấc đất tấc vàng như tại các đô thị Nhật Bản. Nhưng với House in Itami, chiều rộng 3,4m không phải là quá nhỏ so với nhiều ngôi nhà trước đó. Nhưng đáng nói ở đây là cách KTS và gia chủ cùng chấp nhận sự “bỏ ít, lợi nhiều” để mang lại giá trị an vui trong 1 không gian sống vừa đủ và ấm áp đậm chất Nhật Bản.
Thông tin công trình:
Thiết kế: Tato Architects - KTS phụ trách: Yo Shimada
Vị trí: Itami, Nhật - Diện tích: 95.0 m2 - Năm dự án: 2012
Ảnh: Koichi Torimura
*Để lại thông tin trong box dưới đây nếu bạn có nhu cầu tìm kiếm đơn vị thiết kế - thi công nhà ở nhé.