Nhà ống là một trong những kiểu nhà phổ biến nhất hiện nay, đặc biệt là tại các đô thị hay thành phố lớn. Đặc điểm chính của nhà ống là chiều ngang khá hẹp nhưng lại dài và sâu. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc lắp đặt thang máy bởi gia chủ sẽ phải hy sinh 1 khoảng sàn. Vậy giải pháp lúc này là gì?
Lắp đặt thang máy trong nhà ống như thế nào đang là mối quan tâm của nhiều gia chủ
Gia chủ cần cân nhắc nhu cầu và diện tích nhà để quyết định lắp thang máy hay không
Về cơ bản, việc lắp đặt thang máy trong nhà mang đến rất nhiều lợi ích. Đặc biệt đối với những gia đình có trẻ nhỏ, người già hoặc người khuyết tật, khó đi lại. Điều này sẽ càng thuận lợi hơn khi áp dụng với nhà ống. Bởi cầu thang trong nhà ống thường hẹp, việc di chuyển trên cầu thang không phải là dễ dàng. Lắp thang máy sẽ giúp đảm bảo sự an toàn cho các thành viên trong gia đình.
Sử dụng thang máy đảm bảo an toàn và có nhiều lợi ích
Tuy nhiên, không phải ngôi nhà ống nào cũng nên lắp thang máy, cụ thể là những ngôi nhà quá hẹp và có 2 tầng trở xuống. Loại thang máy nhỏ nhất trên thị trường hiện nay là thang máy mini, chiếm diện tích chừng 1.95m2. Vì vậy, gia chủ cần phải cân đối để có những quyết định phù hợp.
Tại Việt Nam, loại thang máy mini nhỏ nhất chiếm diện tích chừng 1.95m2
Có thể lắp thang máy ở những vị trí nào trong nhà ống?
Lắp thang máy ở giữa lòng cầu thang bộ
Cách lắp đặt này phù hợp với những ngôi nhà đã được xây dựng từ trước và chưa có hố thang. Ưu điểm của vị trí này là tiết kiệm diện tích hiệu quả bởi vị trí lắp đặt thang máy là khoảng không gian chết, thường không có mục đích sử dụng. Cầu thang cũng không cần thiết phải có tay vịn nên cũng tiết kiệm được một khoản chi phí. Độ dốc của cầu thang cũng sẽ giảm bớt bởi cầu thang phải bao quanh thang máy, tối thiểu là 2m2.
Thang máy lắp ở giữa lòng cầu thang bộ giúp tiết kiệm diện tích
Đây là cách lắp cầu thang máy trong nhà ống được áp dụng phổ biến nhất
Nhưng cách này cũng tồn tại một số nhược điểm. Cầu thang thường không được trang trí mà xây dựng đơn giản. Khoảng không gian giữa lòng cầu thang bộ thường là giếng trời để lấy sáng. Khi lắp thang máy ở trong, đồng nghĩa với việc gia chủ sẽ phải hy sinh khoảng giếng trời này. Nhưng gia chủ đừng quá lo lắng, bởi giải pháp lúc này là lắp thang máy khung thép, vách kính cường lực.
Lựa chọn thang khung thép, kính cường lực để lấy sáng
Lắp thang máy ở bên cạnh cầu thang bộ
Cách lắp đặt này phù hợp với những ngôi nhà ống có chiều sâu lớn. Điểm đến của thang máy và thang bộ ở mỗi tầng sẽ nằm giữa 2 phòng, tạo được sự cân đối. Với cách này, giếng trời ở giữa lòng cầu thang sẽ được giữ nguyên, không gian trong nhà thoáng đãng và sáng sủa hơn. Cầu thang cũng sẽ được trang trí theo đúng sở thích của gia chủ, tăng tính thẩm mỹ cho không gian.
Với cách lắp đặt này, tính thẩm mỹ của cầu thang được đảm bảo nhưng chỉ áp dụng với những ngôi nhà ống rộng rãi hoặc có chiều dài lớn
Khác với cách lắp đặt đầu tiên, việc lắp thang máy bên cạnh cầu thang yêu cầu phải có hố thang. Mà không phải công trình nhà ở nào cũng có áp dụng, nhất là nhà cải tạo hoặc nhà được bàn giao thô. Độ dốc cầu thang tăng lên để tiết kiệm diện tích trong nhà khiến việc đi lại khó khăn. Diện tích cần bỏ ra để lắp thang máy cũng lớn hơn. Lưu ý: trong phương án này, giữa lòng cầu thang bộ sẽ bỏ trống nên cần phải lắp lưới an toàn ở giữa lòng cầu thang bộ để đảm bảo an toàn, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ.
Thang máy lắp ở cạnh cầu thang bộ tốn nhiều diện tích hơn
Dĩ nhiên, vẫn có rất nhiều phương án lắp đặt thang máy khác, tách biệt hẳn với cầu thang bộ. Nhưng như vậy, gia chủ sẽ phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng bởi phương án đó tốn nhiều diện tích sàn hơn, đòi hỏi phải có hố thang và một số yêu cầu khác.
Thang máy có thể lắp ở nhiều vị trí khác nhau trong nhà
Đôi khi có thể đặt ở góc nhà
Gia chủ nên lựa chọn vị trí lắp cầu thang máy sao cho hợp lý nhất
Như vậy, việc lắp cầu thang máy trong nhà ống là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, gia chủ sẽ cần lựa chọn giải pháp sao cho phù hợp nhất, cân bằng giữa yếu tố thẩm mỹ và mục đích sử dụng.
Bài viết: Thu Hằng