Nội thất bằng gỗ tự nhiên mang một vẻ đẹp sang trọng và ngày càng trở nên thịnh hành trong những gia đình yêu thích vẻ đẹp mộc mạc của vật liệu.
Trong hàng trăm loại gỗ được sự dụng để đóng đồ nội thất, một vài loại gỗ tự nhiên được yêu thích và phổ biến như: lim, hương, táu, gụ… Những loại gỗ này quý hiếm nên rất dễ bị làm giả và nếu không sành về gỗ có thể bạn khó lòng phân biệt được chúng.
Một số nhận biết dưới đây sẽ giúp bạn có thêm kiến thức để lựa chọn đồ gỗ chính xác.
1. Gỗ Gụ
– Là loại gỗ quý, bền, dễ đánh bóng, không bị mối mọt, ít cong vênh. Gỗ hay được dùng để đóng hàng mộc.
– Gỗ gụ có thớ thẳng, vân đẹp, mịn, màu vàng trắng, để lâu chuyển màu nâu sẫm rồi chuyển thành màu cánh gián, lâu năm đen như sừng.
– Gỗ có mùi chua nhưng không hăng.
Vân gỗ gụ
2. Gỗ Hương
– Là loại gỗ quý, có mùi thơm trong quá trình sử dụng. Gỗ có màu nâu hồng khi đã được đưa vào sử dụng theo thời gian: vân đẹp, thớ gỗ lại rất nhỏ. Bản chất của gỗ Hương là rất cứng, rắn, chắc.
– Gỗ Hương có nhiều tên gọi khác nhau dựa vào tính chất của vùng miền như: hương đá , hương nghệ , hương vàng , hương xoan , hương vườn…
– Cầm thanh gỗ Hương ta thấy thanh gỗ rất khô và cứng cáp chắc và nặng, khi ngửi có mùi thơm đặc trưng rất dễ chịu.
– Một cách nữa thường dùng để nhận biết gỗ Hương là ngâm vào nước, vì khi ngâm gỗ Hương vào nước thì nước ngâm sẽ chuyển dần từ màu trắng sang màu xanh nước chè.
3. Gỗ Mun
– Gỗ nặng, thớ gỗ rất mịn, có màu đen tuyền hoặc màu đen sọc trắng, khi dùng lâu sẽ bong như sừng.
– Thường được dùng để đóng bàn ghế, tạc tượng, điêu khắc tranh.
– Khi ướt thì mềm dễ xử lý, gia công, nhưng khi khô thì rất cứng
– Gỗ rất bền, chắc không bị mối mọt, ít cong vênh, hay nứt chân chim.
4. Gỗ Sưa
– Gỗ Sưa hay còn gọi là trắc thối (quả có mùi thối), huê mộc vàng, huỳnh đàn. Có ba loại gỗ sưa là sưa trắng, sưa đỏ và sưa đen. Sưa trắng có giá trị thấp nhất, sau đó là Sưa đỏ, Sưa màu đen được gọi là tuyệt gỗ, loài này rất hiếm.
– Gỗ Sưa có màu đỏ, màu vàng, có vân rất đẹp. Gỗ Sưa vừa cứng lại vừa dẻo, chịu được mưa nắng, có mùi thơm mát thoảng hương trầm, khi đốt tàn có màu trắng đục.
– Gỗ Sưa có vân gỗ 4 mặt chứ không phải như những loại gỗ khác chỉ có vân gỗ 2 mặt. Vân gỗ nổi lên từng lớp từng lớp rất đẹp, thớ gỗ mịn, nhỏ, màu hồng hoặc đỏ sẫm, thi thoảng có thớ màu đen.
– Sắc gỗ màu đỏ giống màu đỏ bã trầu, gỗ để lâu phủ bụi có thể xuống màu song dùng dao hoặc giấy ráp đánh nhẹ có thể thấy màu lại sáng đỏ.
5. Gỗ Trắc
– Thuộc cây gỗ lớn, gỗ rất cứng, nặng, thớ gỗ mịn có mùi chua nhưng không hăng, gỗ rất bền không bị mối mọt, cong vênh.
– Có ba loài gỗ trắc là trắc vàng, trắc đỏ, trắc đen. Giá trị lần lượt từ trắc vàng, trắc đỏ, trắc đen.
– Thường dùng để đóng bàn ghế, giường tủ cao cấp, tạc tượng khắc tranh.
– Khi quay giấy ráp thì rất bóng bởi trong gỗ có sẵn tinh dầu.
6. Gỗ Pơ mu
– Gỗ Pơ mu có màu vàng, thớ mịn, vân đẹp, gỗ tương đối nhẹ, không cong vênh. Gỗ Pơ mu có mùi thơm đặc trưng.
– Gỗ Pơ mu là loại gỗ quý, không bị mối mọt, dùng đồ nội thất làm bằng gỗ Pơ mu ở trong nhà có thể chống được các loại côn trùng như muỗi, kiến, gián.
7. Gỗ Xoan Đào
– Xoan đào là cây xoan rừng, mọc hoang, gỗ lớn, màu hồng sẫm mới xẻ. Gỗ xoan đào cứng, chắc, thớ gỗ mịn, vân đẹp, màu hồng đào
– Gỗ xoan đào chịu nhiệt, chịu nén, chịu nước, chịu lực tốt. Chống được mối mọt, ít bị cong vênh, nứt nẻ.
8. Gỗ Tần bì
– Giác gỗ màu từ nhạt đến gần như trắng, tâm gỗ có màu sắc đa dạng, từ nâu xám đến nâu nhạt hoặc vàng nhạt sọc nâu. Nhìn chung vân gỗ thẳng, to, mặt gỗ thô đều.
– Gỗ Tần bì có khả năng chịu lực tốt và dễ uốn cong.
9. Gỗ Lim
– Gỗ lim là loài gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt. Gỗ có màu hơi nâu đến nâu thẫm, có khả năng chịu lực tốt. Vân gỗ dạng xoắn khá đẹp, nếu để lâu hay ngâm dưới bùn thì mặt gỗ có màu đen.
– Gỗ lim không bị cong vênh, nứt nẻ, biến dạng do thời tiết.
10. Gỗ Chò Chỉ
– Gỗ chò chỉ thường có màu vàng nhạt hoặc hơi hồng, có nhựa và có mùi thơm nhẹ. Gỗ chò chỉ rất bền, chịu nước, chịu chôn vùi tốt.
– Gỗ chò chỉ có giác màu vàng, lõi màu nâu sẫm, nứt dăm dọc (đây là đặc điểm thường thấy ở các loại gỗ chò chỉ)
Bài viết: Nguyễn Ngọc Hà