Chiều đi của cầu thang xoắn ốc

    08/08/2024 11:372.081 lượt xem
    Trước đây khi được học ở trường kiến trúc, mình được các thầy dạy là, cầu thang xoắn ốc nên xoay ngược chiều kim đồng hồ khi đi lên. Các thầy nói đó là theo nguyên tắc phong thủy khoa học, nhưng không giải thích rõ. Vậy cơ sở khoa học của việc quy định này là như thế nào. Chúng ta cùng phân tích.
    Đầu tiên chúng ta sẽ khởi nguồn từ 2 điều cơ bản sau. Một là: chúng ta đa phần thuận tay và chân phải. Hai là: hầu hết chúng ta được quy định đi theo chiều bên phải.
    Ai cũng biết theo sự tiến hóa và chọn lọc tự nhiên thì đến hôm nay, gần 90% dân số thế giới đều thuận chân hay tay phải. Và chính điều này dẫn đến những quy định thú vị về quy tắc giao thông theo dòng lịch sử như sau:
    .
    Ngược dòng lịch sử, trở về thời xa xưa khi ngựa là phương tiện di chuyển ưu việt trên bộ, các nền văn minh cổ đại như Hy lạp, La Mã đều chọn đi bên trái để thuận tiện cho việc chiến đấu và trao đổi thông tin trên yên ngựa. Khi đó tay trái họ cầm cương, tay phải (tay thuận) sẽ cầm vũ khí chiến đấu hoặc trao đổi thư tín. Từ đó hình thành quy định như sau: giới cai trị thường mang theo vũ khí nên sẽ đi bên trái và thứ dân không được mang vũ khí sẽ phải đi bên phải (hình minh họa). Điều này kéo dài cho đến cuộc cách mạng Pháp 1789, lật đổ chế độ quân chủ, mở ra thời kỳ khai sáng, thì mọi người mọi tầng lớp đều được quy định đi giống nhau là đi bên tay phải (theo mình suy đoán là để gây khó khăn trong việc dùng vũ khí gây sát thương cho nhau khi người này di chuyển ngược hướng với tay cầm kiếm của người kia). Sau đó cùng với sự ảnh hưởng của Napoleon trên toàn châu Âu thì phương thức di chuyển bên phải càng được phổ biến rộng rãi hơn.
    .
    Và không sai khi nhận định rằng, nền văn minh con người hình thành phát triển trên lưng ngựa. Có 1 câu nói khuyết danh nổi tiếng như sau: Con chó có thể được xem là người bạn tốt nhất của con người, nhưng con ngựa mới là kẻ viết nên lịch sử.
    Bởi ở phía bờ bên kia đại dương là châu Mỹ những năm đầu thế kỷ 18, người Mỹ thường dùng những cỗ xe nhiều ngựa kéo khi vận chuyển hàng hóa, và các vasquero sống bằng nghề chăn bò đã tạo ra thói quen di chuyển theo lề phải (phân tích kĩ trong video clip minh họa). Sau đó làn sóng di cư từ châu Âu, mang theo thói quen lưu thông bên tay phải càng làm cho điều này phổ biến cho đến tận ngày nay. Bởi trong khoảng 240 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện nay, thì có đến 69% chọn đi bên phải.
    Như vậy trở lại với chủ đề, việc lưu thông theo cầu thang xoắn ốc gắn mật thiết với 2 vấn đề trên, đó là thuận - nghịch và lề phải - trái.
    Cùng phân tích 1 hình ảnh 2 người đi theo 2 chiều khác nhau cùng trên 1 thang xoắn ốc xoay theo chiều trái (ngược chiều kim đồng hồ) theo hướng đi lên. Người đi lên ở bên thuận (tay phải), và người đi xuống ở bên nghịch (tay trái). Chúng ta nhận thấy các vấn đề sau:
    1- Trái phải - thuận nghịch:
    - Đa phần các nước quy định di chuyển lề phải (chiều đi lên), nên thang xoắn ốc xoay ngược chiều kim đồng hồ (xoay trái) để ưu tiên phía bậc thang mở rộng cho người di chuyển hướng lên.
    - Người di chuyển hướng lên (bên phải) sẽ khó khăn hơn người đi xuống (bên trái), bước nặng hơn, nhất là khi mang vác. Nên phần bậc mở rộng (thang xoay trái) được ưu tiên cho người đi lên (phía phải).
    - Theo nguyên tắc tránh nhau, thì người đi xuống (bên trái) sẽ nhường cho người đi lên (bên phải). Người đi lên cần bước nhanh qua đoạn tránh. Nên phần thang cho người đi lên (bên phải) được thiết kế sao cho ưu tiên hơn, bằng cách mở rộng mặt bậc hơn phần mặt bậc của người đi xuống (bên trái). Điều đó cũng dẫn đến kết quả là thang xoay sang trái.
    - Trong cầu thang thẳng, độ dốc của người đi lên và xuống như nhau. Nhưng trong cầu thang cong, 1 bên bắt buộc sẽ dốc hơn và 1 bên sẽ thoải hơn. Và để giảm độ dốc của người đi lên (bên phải), người thiết kế sẽ uốn cong thang về bên trái, để mặt bật dành cho người đi lên lớn hơn. Cùng với chiều cao bậc không đổi sẽ dẫn đến độ dốc đi lên nhỏ hơn. Người đi lên sẽ thấy thoải mái.
    Cảm giác này ngược lại nếu thang xoay về bên phải (theo chiều kim đồng hồ).
    Như vậy, từ các phân tích trên, thang xoắn ốc xoay nghịch chiều kim đồng hồ khi đi lên là hợp lý theo phong thủy khoa học. Và cũng chính vì thế, đối với các công trình quân sự dạng phòng thủ như các tháp canh trong các lâu đài cổ điển, cầu thang được thiết kế ngược lại, để gây khó khăn hơn cho đối phương khi muốn tấn công. Các cầu thang này được xây dựng nhỏ hẹp, chỉ vừa đủ 1 luồng người đi, các bậc thang không đồng đều và buộc phải xoay theo chiều kim đồng hồ . Mục đích của việc này là gây khó khăn cho kẻ tấn công, đồng thời bên phòng thủ cũng có thể giáng trả các đòn phản công bằng gươm với tay thuận mà bên tấn công không thể do bị cản trở do vách cong của cầu thang theo chiều kim đồng hồ.
    .
    Tuy nhiên, cần nhấn mạnh là, mặc dù nguyên lý là như vậy, nhưng việc thiết kế cầu thang cong theo chiều nào, còn quan hệ mật thiết đến vị trí của cầu thang trong không gian tổng thể, và công năng nó liên kết bên trên. Người thiết kế sẽ phải cân đối các yếu tố để có giải pháp thiết kế phù hợp (phân tích trên bảng vẽ).

    Đỗ Đăng KhoaTheo dõi

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Happynest Story

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0