>>> Xem vấn đề cụ thể tại đây.
-
1. Sơn sửa lại nhà có cần xin giấy phép không?
Trước khi bắt tay vào sơn sửa lại nhà, các gia chủ cần xác định loại hình nhà của mình để nắm được những quy định liên quan.
Đối với nhà chung cư
Căn cứ Điều 6 Luật Nhà ở năm 2014, một số hành vi sau bị nghiêm cấm đối với căn hộ chung cư như:
- Nghiêm cấm hành vi chiếm dụng diện tích nhà ở trái pháp luật;
- Nghiêm cấm các hành vi lấn chiếm không gian và các phần sở hữu chung, hoặc của các chủ sở hữu khác dưới mọi hình thức
- Nghiêm cấm hành vi tự thay đổi kết cấu chịu lực, hoặc hành vi tự thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng trong kết cấu nhà chung cư...
Theo đó, khi chủ sở hữu tiến hành cải tạo, lắp đặt nội thất bên trong công trình mà không làm thay đổi kết cấu chịu lực và không làm ảnh hưởng đến môi trường và an toàn công trình thì có thể tùy ý sửa chữa mà không cần xin giấy phép.
Đối với nhà đất
Điều 89 Luật Xây dựng 2014 sửa đổi năm 2020 quy định các trường hợp sau được miễn giấy phép xây dựng:
- Công trình sửa chữa, cải tạo bên trong công trình;
- Công trình sửa chữa, cải tạo mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nội dung sửa chữa, cải tạo không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của công trình, phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, yêu cầu về an toàn phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường.
Như vậy, nếu việc sơn bên trong ngôi nhà hoặc sơn bên ngoài nhà mà không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình thì được miễn giấy phép xây dựng.
-
2. Làm gì khi hàng xóm không cho bắc giàn giáo sang sơn lại nhà?
Tuy hiện nay pháp luật dân sự có quy định về hạn chế bất động sản liền kề như được quyền yêu cầu hàng xóm cho mình sử dụng lối đi, đặt ống dẫn nước… nhưng không quy định trường hợp được bắc giáo sang nhà hàng xóm để sơn tường nhà mình.
Điều 245 Bộ luật Dân sự 2015 chỉ quy định chung chung rằng, quyền đối với bất động sản liền kề là quyền được thực hiện trên một bất động sản (gọi là bất động sản chịu hưởng quyền) nhằm phục vụ cho việc khai thác một bất động sản khác thuộc quyền sở hữu của người khác (gọi là bất động sản hưởng quyền).
Quyền đối với bất động sản liền kề được xác lập do địa thế tự nhiên, theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc.
Việc thực hiện quyền này không phải tùy tiện mà phải tuân theo một số nguyên tắc như:
- Bảo đảm nhu cầu hợp lý của việc khai thác bất động sản hưởng quyền phù hợp với mục đích sử dụng của cả bất động sản hưởng quyền và bất động sản chịu hưởng quyền.
- Khi được hưởng quyền không được lạm dụng quyền đối với bất động sản chịu hưởng quyền.
- Không được thực hiện hành vi ngăn cản hoặc làm cho việc thực hiện quyền đối với bất động sản hưởng quyền trở nên khó khăn.
Có thể thấy, quy định chưa thật sự rõ ràng về việc cho hàng xóm sơn tường. Nếu gặp trường hợp hàng xóm không cho gia đình bạn bắc giàn giáo sang để sơn sửa nhà thì hai bên nên cố gắng thỏa thuận để thống nhất phương án giải quyết phù hợp.
Nguồn: hieuluat.vn
Quan điểm của bạn về vấn đề trên như thế nào? Chia sẻ ngay ý kiến của bạn tại đây để kết nối với cộng đồng yêu nhà đẹp trên nền tảng Happynest nhé. Nếu đây là lần đầu bạn đăng bài, hãy tham khảo trước tài liệu này để hiểu rõ hơn về các thể loại bài đăng, tips giúp bài đăng được duyệt nhanh và thu hút sự chú ý nhất từ cộng đồng. Mọi thắc mắc về việc đăng bài hoặc chỉnh sửa bài, xin vui lòng liên hệ địa chỉ email info@happynest.vn, hoặc phản hồi trực tiếp qua fanpage Happynest để được hỗ trợ và tư vấn kịp thời. |