Những kinh nghiệm thiết kế hệ thống chiếu sáng trong nhà (P.1)

    02/11/2023 10:184.817 lượt xem
    • Ngân sách xây thô
      0 đồng
    • Ngân sách hoàn thiện
      0 đồng
    • Kích thước
      0m ngang0m dọc
    • Diện tích mặt bằng
      144m2
    • Tổng diện tích
      0m2
    • Năm hoàn thành
      0
    Lần trước khi mình viết bài về kinh nghiệm thiết kế hệ thống điện trong nhà, đã có khá nhiều bạn quan tâm và inbox hỏi mình, đặc biệt là về hệ thống chiếu sáng. Vậy nên mình quyết định tổng hợp lại và chia sẻ cho các Happynester nhé.
    KINH NGHIỆM CHỌN ĐÈN CHIẾU SÁNG
    Mình tự đi chọn từng chiếc đèn cho căn nhà của mình, và mình thấy không phải người bán đèn nào cũng hiểu rõ hết ý nghĩa của các thông số kĩ thuật của thiết bị. Chính vì vậy mà rất có thể bạn sẽ tốn tiền mua những sản phẩm không phù hợp (đấy là chưa nói đến hàng giả nhé). Có vài điều mình đúc rút được:
    1. Đèn LED hay đèn Halogen?
    Câu hỏi này mình trả lời trong bài trước rồi: nên chọn đèn LED, vì độ bền của đèn cao hơn halogen rất nhiều, tiết kiệm điện hơn. Vì vậy dù chi phí ban đầu có thể cao, nhưng bạn có thể yên tâm dùng cả chục năm không phải lo thay thế. Hiện giờ từ các thương hiệu nước ngoài như Philips, Panasonic đến trong nước như Điện Quang, Rạng Đông đều có đèn LED cho bạn lựa chọn với tầm giá khác nhau.
    2. Làm thế nào để chọn được đèn tiết kiệm điện nhất?
    Bảng thông số kĩ thuật của đèn nào cũng có hai thông số cơ bản: độ sáng và công suất.
    Độ sáng, được đo bằng lumen (lm), thể hiện độ sáng của đèn. Công suất, thể hiện lượng điện năng cần để thắp sáng đèn, được đo bằng watt (W). Bạn lấy độ sáng chia cho công suất, đèn nào có kết quả lm/W càng cao thì càng tiết kiệm điện.
    3. Làm thế nào để chọn được đèn bền nhất?
    Một chip LED thường sẽ giảm dần độ sáng theo thời gian, chứ không tắt hẳn. Tính từ khi bắt đầu sử dụng đến khi độ sáng còn 10% thì tuổi thọ của chip LED là khoảng 30.000 – 50.000 giờ, một khoảng thời gian rất dài và rất ấn tượng. Nhưng khi người bán quảng cáo tuổi thọ của đèn là như thế, bạn có nên tin không? Câu trả lời là KHÔNG vì 2 lý do:
    - Đó là tuổi thọ của chip LED chứ không phải tuổi thọ của CẢ ĐÈN. Vì một chiếc đèn không chỉ có chip LED mà còn các bộ phận khác. Những nhà sản xuất kém uy tín thường “lập lờ đánh lận con đen”, dùng tuổi thọ của chip LED để gây hiểu nhầm bất lợi cho khách hàng. Chính mình cũng dính một lần với đèn Trung Quốc: bộ chấn lưu hỏng chỉ sau vài tháng sử dụng. Bạn nên lựa chọn các thương hiệu uy tín, cam kết tuổi thọ của CẢ CHIẾC ĐÈN chứ không chỉ của chip LED.
    - Đối với các hãng uy tín, bên cạnh việc cam kết tuổi thọ cả đèn, thì tuổi thọ họ đưa ra trên bao bì thường thấp hơn con số 50.000 giờ ở trên. Ví dụ như đèn Panasonic nhà mình dùng có tuổi thọ 20.000 giờ vì họ tính đến khi độ sáng chỉ còn 70% (L70), và vì vậy tuổi thọ đèn là 20.000 giờ, nhưng là quãng thời gian sử dụng tốt nhất của cả đèn. Sau khoảng thời gian này đèn vẫn sẽ sáng chứ không tắt hẳn, nhưng chất lượng ánh sáng không đạt tiêu chuẩn nữa. Hãy lưu ý thông số này, đừng để người bán đánh lừa bạn.
    4. Làm thế nào để chọn đèn chống nước?
    Ở căn nhà đầu tiên mình cũng từng mất “tiền ngu phí” khi mua nhầm đèn không chống nước cho phòng tắm. Những môi trường ẩm ướt, bạn nên chọn đèn có khả năng chống nước, thông qua chỉ số IP. Chỉ số IP luôn có 2 chữ số đi phía sau, ví dụ IP20, trong đó chữ số đầu tiên (2) thể hiện khả năng chống bụi, chữ số sau (0) thể hiện khả năng chống nước. Số càng lớn thì càng chống bụi, chống nước tốt. Với đèn phòng tắm hoặc ban công, IP64 là quá đủ: hoàn toàn ngăn bụi xâm nhập, và chống được tia nước bắn toé ở mọi góc độ.
    5. Có quá nhiều loại đèn màu, chọn màu đèn thế nào?
    Các nhà sản xuất có thông số Nhiệt độ màu, đo bằng Kelvin (K), thể hiện màu sắc hiển thị của ánh sáng. Nhiệt độ màu càng thấp thì ánh sáng phát ra càng ấm và ngược lại. Mỗi nhiệt độ màu khác nhau sẽ mang lại cảm giác khác nhau cho không gian:
    2700K ~ ấm cúng, riêng tư
    3000K ~ thư giãn
    3500K ~ thân thiện, thoải mái
    4100K ~ sạch sẽ
    5000K ~ làm việc, học tập
    6500K ~ tỉnh táo, tập trung cao
    Khi xây nhà, mình phối hợp rất cẩn thận các loại đèn với nhiệt độ màu khác nhau theo bảng này, và thực sự đó là quyết định đúng đắn, vì không gian sống của gia đình thay đổi rất nhiều sau mỗi lần bật công tắc đèn.
    6. Sao cùng là đèn rọi mà tranh ở nhà không đẹp bằng khi ở nơi bán?
    Vợ mình thích tranh, nhưng có lần mình mua đèn chiếu tranh mà màu sắc bức tranh kém hơn hẳn so với lúc mua. Hoá ra là có chỉ số mình không biết khi mua đèn, đó là chỉ số CRI (hoặc Ra) – chỉ số hoàn màu – thể hiện khả năng phản ánh màu sắc chân thật của vật thể được chiếu sáng dưới ánh đèn. CRI 100 tương đương với ánh sáng mặt trời, giúp mắt cảm nhận chân thật nhất. CRI càng thấp màu càng nhạt nhoà. Chiếc đèn mình mua có CRI tương đối thấp nên màu không chân thật lắm. Nhìn chung với các đèn trong nhà, CRI khoảng 80 trở lên là đủ đẹp. Riêng với các đèn chuyên dụng như đèn gương ở bàn trang điểm hay phòng tắm, CRI nên chọn cao hơn để cho màu sắc trung thực hơn.
    Bài đã dài nên mình dừng ở đây. Phần sau sẽ là Kinh nghiệm chiếu sáng các không gian trong nhà”, các bạn đón đọc nhé.

    Nguyen JohnnyTheo dõi

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Happynest Story

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0