Những kinh nghiệm thiết kế hệ thống chiếu sáng trong nhà (P.2)

    Cập nhật ngày 18/02/2022, lúc 13:323.397 lượt xem
    • Ngân sách xây thô
      0 đồng
    • Ngân sách hoàn thiện
      0 đồng
    • Kích thước
      0m ngang0m dọc
    • Diện tích mặt bằng
      0m2
    • Tổng diện tích
      0m2
    • Năm hoàn thành
      0

    Cám ơn các bạn đã nhiệt tình ủng hộ phần 1 của bài này! 

    Như đã hứa, mình viết tiếp phần 2 về phần kinh nghiệm chiếu sáng cho các không gian trong nhà
    Để chiếu sáng cho một không gian nội thất, chúng ta cần 3 lớp chiếu sáng cơ bản:
    - Ánh sáng chung: cung cấp ánh sáng tổng thể để chiếu sáng toàn bộ không gian một cách đồng đều. Có thể là ánh sáng tự nhiên, hoặc đèn chiếu sáng. Thường các gia chủ chỉ dừng ở lớp ánh sáng này, nhưng nó làm cho không gian không có điểm nhấn và chiều sâu cần thiết.
    - Ánh sáng trang trí: có mục đích thẩm mỹ nhiều hơn là chiếu sáng. Ánh sáng trang trí được dùng để tạo điểm nhấn và sức sống cho căn phòng, thu hút sự chú ý đến một đối tượng cụ thể như trong phòng như bức tranh, chiếc bình gốm…, nhằm làm nổi bật ý nghĩa, giá trị của đối tượng đó.
    - Ánh sáng chức năng: chỉ cung cấp nguồn sáng tới một khu vực cụ thể chứ không phải toàn bộ không gian như ánh sáng chung, nhằm đáp ứng nhu cầu người dùng, ví dụ như khu vực bàn ăn, khu đọc sách… Ánh sáng chức năng nếu được thiết kế tốt cũng góp phần trang trí cho không gian.
    Để có được 3 lớp chiếu sáng đó, bạn có thể có nhiều phương án chiếu sáng:
    - Ánh sáng trực tiếp: ánh sáng chiếu trực tiếp vào một bề mặt, khiến cường độ sáng cao, không hao hụt, nhưng đồng thời cũng dễ gây mệt mỏi về thị giác nếu cường độ quá mạnh. Đèn bàn ăn hoặc đèn bếp là một vài ví dụ.
    - Ánh sáng gián tiếp: là ánh sáng được phản xạ trở lại từ một bề mặt khác, do nguồn sáng chiếu vào bề mặt đó, ví dụ như đèn hắt âm trần. Ưu điểm của nguồn sáng này là dịu mắt, không bị chói do ánh sáng đã được hấp thụ một phần, vì vậy sẽ tạo được cảm giác ấm cúng, thư giãn.
    - Ánh sáng khuếch tán: nguồn sáng đi qua một bộ phận khuếch tán và tản theo nhiều hướng. Trần Barisol hay đèn downlight có tán xạ là một vài ví dụ.
    Tuy nhiên, dù dùng phương án chiếu sáng nào, bạn cũng cần phải tính toán đủ độ sáng cho mỗi không gian, tuỳ thuộc vào mục đích sử dụng khác nhau. Vì sức khoẻ thị lực của cả gia đình, bạn hãy làm thật cẩn thận bước này, vì thiếu sáng hoặc thừa sáng đều có hại cho mắt cả.
    Để xác định được độ sáng cho không gian, bạn phải căn cứ vào một chỉ số là độ rọi, đo bằng “lux”, thể hiện mật độ ánh sáng theo diện tích (lumens/m2). Bài trước mình đã giải thích về lumen rồi. Như vậy, khi đã có diện tích và độ rọi tiêu chuẩn cho mỗi không gian (theo bảng ở dưới), bạn chỉ cần lấy diện tích nhân với độ rọi tiêu chuẩn là ra số quang thông (lumen) cần thiết cho cả gian phòng, từ đó dễ dàng tính toán ra số lượng đèn cần thiết cho không gian đó. Cách tính này có thể có sai số nếu trần nhà quá cao hoặc quá thấp nhé.
    Bạn tham khảo bảng độ rọi tiêu chuẩn cho nhà ở như dưới đây:
    - Phòng khách: 300-500 lux
    - Phòng bếp: 200-300 lux
    - Phòng ăn: 150-200
    - Phòng ngủ: 100-300 lux
    - Phòng tắm: 150-300 lux
    - Phòng làm việc/học tập: khoảng 500 lux
    - Hành lang: 100-150 lux
    Khi bạn đã hiểu về các loại đèn, các lớp chiếu sáng, tiêu chuẩn chiếu sáng… rồi, thì hãy bắt tay vào thiết kế hệ thống chiếu sáng cho từng khu vực nhé.

    1. Phòng khách:
    Là nơi bạn cần đầu tư nhiều nhất về ánh sáng, vì đó là nơi sinh hoạt gia đình, tụ tập bạn bè hay các sự kiện quan trọng. Để tạo ánh sáng chung, bạn nên phối hợp giữa ánh sáng trực tiếp (đèn trần, đèn downlight, đèn chùm) và gián tiếp (đèn hắt âm trần, đèn hắt tường). Với đèn trần, đèn downlight, hãy chọn loại có ánh sáng êm dịu, hạn chế chói mắt. Sẽ tuyệt hơn nữa nếu bạn kết hợp các nhiệt độ màu khác nhau: 3000K cho không gian ấm cúng, 4100K cho cảm giác sạch sẽ tươi mới… Nếu đèn trần, đèn chùm có chức năng điều chỉnh độ sáng, bạn càng có nhiều lựa chọn cho không gian thêm thú vị.
    Một chút ánh sáng trang trí như đèn rọi tranh, hay đèn gắn tường, hay bổ sung ánh sáng chức năng như đèn đứng cạnh sofa hay đèn bàn trang trí sẽ làm không gian phòng khách thêm ấn tượng và nhiều màu sắc.

    2. Phòng ăn:
    Ngoài ánh sáng chung, hãy đầu tư lớp ánh sáng chức năng để tạo không khí ấm cúng, gần gũi trên bàn ăn. Đèn thả là loại đèn bạn nên chọn. Nhiệt độ màu khoảng 2700K – 3000K là phù hợp nhất. Các nhà khoa học đã chứng mình ánh sáng vàng giúp con người vui vẻ hơn, bữa ăn trông ngon hơn và giúp tiêu hoá tốt hơn. Chọn loại đèn có CRI cao để tăng màu sắc hấp dẫn của các món ăn (riêng bộ đèn thả ở bàn ăn mình chọn bóng halogen để có CRI 100%). Chiều cao đèn khoảng 2,1 – 2,4m từ sàn, và khoảng 70-90cm từ mặt bàn ăn là vừa đủ để tạo ánh sáng tập trung cho bàn ăn.

    3. Phòng bếp:
    Với những người ưa nấu nướng, phòng bếp cũng là nơi thư giãn ưa thích, cũng như là nơi cả gia đình cùng vào bếp chuẩn bị bữa ăn với nhau. Vì vậy, đầu tư ánh sáng cho căn bếp cũng là một cách để tạo thêm cảm xúc mỗi ngày.
    Với phòng bếp, điều làm nên vẻ đẹp của không gian chính là ánh sáng chức năng.
    Khu bếp nấu cần được tập trung thêm ánh sáng chức năng để bạn chế biến món ăn. Có thể dùng luôn đèn của máy hút mùi hoặc hệ đèn dưới tủ bếp với CRI tối thiểu 80 để màu sắc thực phẩm được chuẩn xác hơn.
    Đảo bếp vừa là nơi bạn chuẩn bị thức ăn, vừa là nơi trò chuyện và thưởng thức một bữa tối đơn giản cho 2 người, hay trở thành quầy bar tại nhà để bạn nhâm nhi một ly cocktail tự làm. Hãy trang trí bằng đèn thả tương tự như bàn ăn, sẽ làm cho khu vực này nổi bật lên.
    Nhiệt độ màu cho khu bếp vào khoảng 3000K-4000K là phù hợp.

    4. Phòng ngủ:
    Bố trí nguồn sáng êm dịu, ấm áp, tạo cảm giác thư giãn với nhiệt độ màu dưới 3000K. Nên hạn chế đèn downlight, thay vào đó là đèn hắt âm trần, đèn bàn, đèn chiếu tường, tức là ưu tiên phương án chiếu sáng gián tiếp.
    Nếu bạn thích đọc sách trước khi ngủ, hãy bố trí đèn đọc sách đầu giường để tránh ảnh hưởng tới người bên cạnh khi bạn đọc sách.
    Tốt nhất là có chức năng điều chỉnh độ sáng để phù hợp với các mức cảm xúc khác nhau.

    5. Phòng làm việc/bàn học:
    Ánh sáng chung: Nhiệt độ màu khoảng 5000K – 6500K tạo cảm giác tỉnh táo, tập trung cao.
    Ánh sáng chức năng (đèn bàn): chú ý cung cấp vừa đủ ánh sáng (quá sáng hay thiếu sáng đều không tốt). Hãy lưu ý đến ánh sáng xanh (nguyên nhân gây mỏi mắt, đau đầu, giảm khả năng tập trung) và lựa chọn loại đèn bàn có thể loại bỏ ánh sáng gây hại này. Hiện trên thị trường Việt Nam đã có loại đèn LED của Panasonic với chip LED RG0 loại bỏ hoàn toàn ánh sáng xanh.

    6. Hành lang, lối đi, cầu thang:
    Hãy dùng đèn cảm ứng chuyển động (tự bật sáng khi mình lại gần) để tránh phải dò dẫm vị trí công tắc. Nếu không dùng đèn cảm ứng, hãy chú ý lắp công tắc đảo chiều ở hai đầu hành lang.
    Bạn cũng có thể bố trí đèn tường hoặc đèn dưới bậc cầu thang ở các khu vực này với màu sắc ấm, ánh sáng dịu nhẹ, tạo chiều sâu không gian, nhất là về đêm.

    Các cụ có câu “người đẹp vì lụa…”, còn mình thì thấy “nhà đẹp vì đèn” 😃
    Chúc các bạn có một không gian nội thất thật đẹp và lung linh nhé!

    Nguyen JohnnyTheo dõi

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Đời sống

    Xem tất cả

    Xu hướng

    Xem tất cả

    Happynest Story

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0