Mật độ xây dựng dày đặc, thiếu ánh sáng tự nhiên, không gian ngột ngạt và thiếu tính kết nối là đặc trưng dễ nhận thấy ở các công trình nhà phố tại Việt Nam.
Đặc trưng này cũng chính là hình thái cũ của ngôi nhà mà chủ nhà từng ở. Một điều gì đó cần phải thay đổi, đó là tiếng nói chung đầu tiên giữa chủ nhà và Kiến trúc sư. Gia chủ là 2 vợ chồng đã gần tuổi về hưu, thích sự yên tĩnh và gần gũi với thiên nhiên. Giải pháp đưa ra là việc kéo toàn bộ không gian sinh hoạt chung của gia đình ra phía trước để tăng tính kết nối của các thành viên và đưa ánh sáng tự nhiên vào từng ngóc ngách của các khu chức năng. Các giếng trời lấy sáng được tổ chức đan cài trước sau và giữa nhà khiến ngôi nhà tràn ngập ánh sáng nhưng vẫn tạo ra được chiều sâu cho không gian. Từ mọi vị trí trong nhà, thậm chí là phòng ngủ, đều có thể cảm nhận được sự thay đổi của ánh sáng, không khí và gió trời. Vật liệu sử dụng chính là gạch trần và gỗ tự nhiên. Hình dáng mái và vật liệu sử dụng gợi nhớ đến hình ảnh những ngôi nhà ở miền thôn quê Việt Nam. Đây cũng chính là cảm hứng chính xuyên suốt của thiết kế. Về đêm, thay vì sử dụng quá nhiều đèn với công suất cao, chúng tôi chủ đích dùng các loại đèn với công suất vừa phải và nhiệt độ màu phù hợp để không gian trở nên ấm cúng, gần gũi và tĩnh lặng hơn.
Thông tin công trình:
Thiết kế: Hinzstudio
Địa điểm: Đà Nẵng
Kiến trúc sư chủ trì: Phan Văn Trần Tuấn
Nhóm thiết kế : Phan Văn Trần Tuấn, Võ Đình Hiệp, Tượng Ngọc Thạch.
Diện tích: 6m x 20m
Hoàn thành năm: 2018
Hình ảnh: Quang Trần