Mùa thu không chỉ mang chỉ mang đến những cơn mưa rào mà còn là mùa tựu trường của biết bao bạn nhỏ.
Trầm nhận thấy rằng, khi thiết kế nhà có trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh thường chỉ chú ý đến giường ngủ, hay góc vui chơi của con trẻ mà đôi khi bỏ ngỏ mất góc học tập của bé.
Việc thiết kế một góc học tập cho trẻ không chỉ là tạo ra một không gian học tập mà còn là cách để truyền cảm hứng cho các em trong việc học hành thêm phần thú vị hơn. Một góc học tập được thiết kế hợp lý sẽ giúp trẻ có động lực hơn, tăng khả năng tập trung và phát triển tư duy sáng tạo của các bé. Dưới đây là những tips hữu ích mà Trầm đã đúc kết để bạn có thể tạo dựng một không gian học tập lý tưởng cho bé.
1. Lựa Chọn Địa Điểm Thích Hợp: Địa điểm là yếu tố đầu tiên bạn cần chú ý đến khi thiết kế góc học tập cho trẻ. Một không gian yên tĩnh, ít bị phân tâm nhưng vẫn có đủ ánh sáng sẽ là lựa chọn lý tưởng. Bạn hãy xem xét khả năng tiếp cận nguồn điện và kết nối Internet nếu trẻ cần sử dụng máy tính. Và nếu có thể, tìm một góc trong nhà gần cửa sổ để đón ánh sáng tự nhiên nhé, điều này giúp cải thiện tâm trạng tích cực và còn giúp ích cho sức khỏe của bé nữa.
Toàn cảnh phòng ngủ nhỏ xinh cùng góc học tập chung của 2 chị em gái. Ghế công thái học vừa hỗ trợ cột sống lại vừa xinh xắn - hoà hợp với không gian chung
2. Đảm Bảo Ánh Sáng Hợp Lý: Ánh sáng đóng vai trò rất quan trọng trong việc học tập. Vì ánh sáng tự nhiên vừa đủ sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn, tránh mỏi mắt trong quá trình học tập. Nếu không thể có đủ ánh sáng tự nhiên, bạn hãy sử dụng đèn bàn có độ sáng điều chỉnh để linh hoạt trong việc chọn ánh sáng- ánh sáng ấm để tạo cảm giác dễ chịu , và khi cần tập trung hơn thì hãy dùng ánh sáng trắng nhé.
3. Thiết Kế Bàn Học Thoải Mái: Bàn học là điểm nhấn rất quan trọng trong góc học tập. Bạn nên lưu ý chọn một chiếc bàn có kích thước phù hợp với chiều cao của trẻ, giúp bé ngồi thẳng lưng và thoải mái trong quá trình học. Nên chọn những chiếc bàn có ngăn kéo hoặc kệ để lưu trữ đồ dùng học tập, tạo không gian gọn gàng. Không gian học tập gọn gàng thì tinh thần các bé sẽ ngăn nắp và thoải mái hơn, nhờ đó các bé sẽ tập trung học hơn và không bị xao lãng.
4. Ghế Ngồi Thoải Mái và Đúng Tư Thế: Một chiếc ghế ngồi thoải mái và có thể điều chỉnh chiều cao sẽ giúp trẻ duy trì tư thế ngồi đúng cách, tránh đau lưng và mỏi cổ. Bạn có thể tham khảo các loại ghế công thái học phù hợp với độ tuổi của bé, giúp hỗ trợ phát triển xương sống. Thị trường hiện nay cũng rất đa dạng về mẫu mã và màu sắc , một chiếc ghế vừa hỗ trợ tư thế lại vừa xinh cũng sẽ góp phần hữu ích cho việc học của các em .
5. Màu Sắc và Trang Trí: Màu sắc của góc học tập có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và hiệu suất học tập của trẻ nữa đấy. Bố mẹ nên chọn những màu sắc tươi sáng, vui tươi nhưng không quá rối mắt như xanh dương, vàng nhạt hoặc hồng phấn nhẹ nhàng để thêm sắc màu cho khu vực có vẻ “nghiêm túc” của các bạn nhỏ. Ngoài ra mình cũng có thể trang trí không gian bằng các bức tranh, hình ảnh yêu thích của bé để khơi gợi cảm hứng sáng tạo và trang trí thêm xinh cho góc học tập của các bé.
6. Bổ Sung Các Thiết Bị Học Tập: Để trẻ có động lực học tập, hãy bổ sung những thiết bị học tập cần thiết như sách vở, bút viết, bảng trắng, hay các vật liệu thí nghiệm ở những góc dễ thấy dễ dùng. Bạn cũng có thể tạo ra một góc sáng tạo với các dụng cụ như bút màu, giấy, băng dính… để trẻ có thể dễ dàng thể hiện khả năng sáng tạo của mình.
7. Tạo Không Gian Tổ Chức Hợp Lý: Một góc học tập gọn gàng sẽ giúp trẻ dễ dàng tìm kiếm công cụ học tập và tài liệu cần thiết. Hãy sử dụng hộp đựng, kệ sách hoặc giá treo tường để sắp xếp mọi thứ một cách ngăn nắp. Khuyến khích trẻ tham gia vào việc sắp xếp góc học tập của mình để bé cảm thấy có trách nhiệm và tự lập.
8. Khuyến Khích Kỹ Năng Tổ Chức: Hướng dẫn trẻ cách lập kế hoạch học tập sẽ giúp bé có thói quen tổ chức và quản lý thời gian tốt hơn. Bạn có thể tạo một bảng lịch học tập để trẻ có thể ghi chú nhiệm vụ cần làm hàng ngày - trên bàn hoặc đính tường đều được, những phải ở nơi dễ thấy nhé. Sự rõ ràng trong việc tổ chức sẽ giúp trẻ quản lý tốt những gì các bạn cần làm, nhờ đó các bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn khi học tập.
9. Cung Cấp Không Gian Thư Giãn: Trong một góc học tập, không chỉ có học mà còn cần không gian để thư giãn. Các bạn nhỏ rất thích những góc nhỏ xinh của riêng mình, nên các bố mẹ hãy tạo một góc nhỏ với những chiếc gối mềm, chăn mỏng nhẹ hoặc ghế sofa nhỏ xinh để trẻ có thể nghỉ ngơi khi cần thiết nếu được nhé. Điều này giúp trẻ tái tạo năng lượng nhanh chóng, duy trì sự tập trung lâu hơn trong việc học tập.
10. Khích Lệ Sự Sáng Tạo và Khám Phá: Kết hợp các hoạt động sáng tạo và khám phá vào trong không gian học tập sẽ kích thích trí tò mò của trẻ. Bạn có thể đặt một bộ dụng cụ học tập khoa học nhỏ, hoặc một hộp đựng đồ thủ công để bé có thể thử nghiệm và sáng tạo khi các bé muốn thư giãn.
11. Tạo Không Khí Học Tập Vui Vẻ
Cuối cùng, bạn hãy tạo ra một không khí học tập vui vẻ, thoải mái. Thỉnh thoảng, hãy tổ chức các buổi học nhóm với bạn bè của trẻ tại góc học tập riêng của bé nhé. Việc học tập cùng các bạn sẽ giúp trẻ cảm thấy thú vị hơn khi học.
Thiết kế một góc học tập không chỉ là việc trang trí không gian, mà còn là tạo ra một môi trường hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ, nên đừng bỏ qua góc nhỏ quan trọng này các bố mẹ nhé.
Trầm hy vọng những tips trên sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc xây dựng một nơi học tập lý tưởng cho bé. Và quan trọng nhất, hãy để trẻ tham gia vào quá trình cùng trang trí góc học của riêng mình cùng bố mẹ để thêm gắn kết với bố mẹ hơn , và để tăng thêm sự hứng khởi trong việc học của bé bạn nhé.