Tóm tắt phần 1: Sự ra đời của phong cách tối giản trong kiến trúc được gắn liền với KTS tài năng mọi thời đai Luige Van de Rohe – cha đẻ của câu nói huyền thoại: Less is more. Phong cách tối giản được thiết lập trên 3 khía cạnh: Đường nét không gian, nội thất và ánh sáng. Chính sự đơn giản trong lối thiết kế kết hợp với lối chơi “ánh sáng” trong từng khoảng sống đã tạo nên màu sắc riêng cho phong cách minimalism. Khi ấy người ta nhận ra rằng: Không gian tạo nên xúc cảm chứ không phải bởi những chi tiết trang trí, đồ đạc hay điều gì khác.
Phong cách tối giản, sự không đơn điệu trong đường nét giản đơn
Nhưng phong cách tối giản cũng không đơn thuần là sự giản lược của các đường nét, các chi tiết đắp nổi mà nó còn phụ thuộc rất nhiều đến yếu tố văn hóa của thời đại.
Văn hóa, yếu tố gắn chặt đến sự khác biệt trong phong cách tối giản giữa các lục địa
Theo cách nhìn nhận của UNESCO: Văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội mà nó chứa đựng.
Không nằm ngoài sức ảnh hưởng của văn hóa, kiến trúc là một trong những lĩnh vực chịu sự tác động rõ nét nhất của sự khác biệt. Bởi kiến trúc sinh ra không chỉ để phục vụ nhu cầu sinh sống của con người mà còn phản ánh chính xác tư duy, hiểu biết của họ về thiên nhiên, môi trường sống. Chẳng thế mà người ta nói cứ nhìn vào tổng thể kiến trúc của một vùng có thể biết được nhiều điều về thói quen, cách sống cũng như sự phát triển kinh tế, sự cấp tiến của xã hội đó.
Văn hóa, yếu tố quyết định sự đa dạng của phong cách tối giản trong kiến trúc
Chính từ sự khác biệt này mà phong cách tối giản cũng được “bản địa hóa” theo nhiều cách thức khác nhau. Những yếu tố văn hóa đã tạo nên sự đa dạng cho cuộc sống nói chung và cho kiến trúc nói riêng mà cụ thể trong bài viết này là buộc sự tối gian cũng phải mang theo sự đa dạng bao hàm bên trong nó.
Yếu tố địa lý trong văn hóa tạo nên những bản thể khác nhau của phong cách tối giản
Phải khẳng định rằng yếu tố địa lý trong văn hóa là mấu chốt hàng đầu dẫn đến sự đa dạng trong kiến trúc. Nếu như các nước ôn đới, ít nắng nhiều mưa phùn thì các nước nhiệt đới lại nóng ẩm, đa dạng sắc màu của thực vật. Những điều này bản chất đã tạo nên cách thức sống khác biệt.
Người dân xứ ôn đới yêu thích những tông màu nhẹ nhàng và luôn giữ mọi thứ ngăn nắp tiện lợi cũng như quan tâm đến yếu tố đồng nhất của một không gian sống. Những ngôi nhà ở vùng ôn đới cũng kín đáo và cao lớn hơn do mùa đông tuyết rơi nhiệt độ xuống dưới 0 độ C. Những loại vật liệu xây dựng đặc trưng là đá, gỗ. Thiên nhiên không quá phong phú về tài nguyên và đất canh tác nên người dân vùng ôn đới từ thời xa xưa đã học cách chăn thả gia súc theo hệ tập trung, bày đàn lớn và tối ưu hóa công năng sản xuất giữa trồng trọt và chăn nuôi. Những điều này dần tạo nên thói quen và cách tư duy mạch lạc. Kiến trúc nhà của họ cũng vì thế mà khác biệt. Mọi thứ được tổ chức rõ ràng, mọi chức năng chính phụ trong nhà phải được tối ưu hóa và quan tâm để đảm bảo một cuộc sống tiện lợi, gọn nhẹ nhất. Những người xứ ôn đới cũng là những người yêu thích vẻ đẹp ấm áp của những bộ lông thú,len hay yêu thích những sắc màu nhẹ nhàng của khung cảnh đồng quê lúc vào thu. Tất cả những yếu tố ấy dần tạo nên một thứ gọi là gu thẩm mỹ riêng biệt của người dân xứ ôn đới.
Trong phong cách thiết kế châu Âu, phong cách tối giản được chú trọng vào bố cục sắp xếp của không gian
Yếu tố màu sắc cũng được đồng nhất với môt – hai gam màu mang sắc độ tương phản mạnh
Đường nét thiết kế sắc cạnh và vật liệu xây dựng mang sắc màu ấm áp làm điểm nhấn
Càng sử dụng nhiều nét thiết kế cơ bản như đường thẳng vuông góc, không gian càng trở nên có tổ chức và cá tính
Ngược lại với người dân ôn đới, những người sống tại vùng nhiệt đới quanh năm đầy nắng và mật ngọt của hoa trái lại yêu sắc màu, thích cuộc sống gắn liền với thực vật và những chế phẩm từ nó. Vùng đất nhiệt đới kích thích sự sinh trưởng không chỉ của con người mà còn dồi dào tài nguyên, thiên nhiên. Con người xứ nhiệt đới cũng vì thế mà “tuy hứng” hơn khi cuộc sống của họ dễ dàng và thuận tiện hơn. Cũng chính sự ưu ái của đất mẹ mà con người vùng nhiệt đới luôn tìm cách tận dụng tự nhiên để làm nhà như tre, nứa, gỗ, lá cây... Một phần do thời tiết nóng ẩm, nên kiến trúc vùng nhiệt đới cũng đơn giản, mộc mạc hơn so với vùng ôn đới.
Phong cách thiết kế tối giản của châu Á mang màu sắc của thiên nhiên với thói quen thiết lập cuộc sống sinh hoạt gắn với cây xanh
Những khoảng thông tầng đón sáng được tận dụng làm sân vườn ngay giữa ngôi nhà
Yếu tố gần gũi với thiên nhiên đặc biệt là tận dụng ánh sáng vẫn luôn là điểm mạnh của người “nhiệt đới”
Tôn giáo luôn ảnh hưởng đến cách người ta thiết kế một ngôi nhà
Khi nhắc đến yếu tố văn hóa và sự đa dạng màu sắc của nó, yếu tố tôn giáo chưa bao giờ đóng vai phụ. Thậm chí trong nhiều lĩnh vực, tôn giáo là bản thể đầu tiên được nhắc đến, phân tích và xem xét. Kiến trúc cũng vậy, nó cũng bị chi phối bởi tôn giáo. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng đến đâu sẽ còn phải xem xét cẩn thận.
Nhìn một cách tổng quát, những tôn giáo lớn trên thế giới có thể đề cập đến là Phật giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Ấn độ giáo, Do Thái giáo đều có những yêu cầu riêng của mình. Trong mỗi một tôn giáo lại có những cách thờ cùng khác nhau và nó ảnh hưởng ít nhiều đến cách tổ chức không gian trong một ngôi nhà.
Nếu như người thiên chúa giáo có bàn thờ Đức Mẹ Maria, một cây thánh giá nhỏ và nến tuy nhiên không bắt buộc thì Phật giáo có bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên trong nhà. Những điều này khiến cho kts khi thiết kế nhà ở cho những người theo đạo Phật hay thiên chúa giáo phải tính toán đến vị trí đặt ban thờ sao cho trang nghiêm, yên tĩnh, thẩm mỹ và thuận phong thủy.
Phong tục thờ cúng tổ tiên đối với người châu Á là một phần tâm linh không thể thiếu luôn gắn với ngôi nhà
Những ban thờ Phật được đặt trang trọng trong một không gian yên tĩnh
Thiết kế tối giản trong kiến trúc cũng phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề văn hóa, tôn giáo
Những không gian tưởng nhớ đức Jesu trong thiết kế nhà phương Tây tuy không bắt buộc nhưng cũng là yếu tố cần lưu tâm
Với người Do Thái giáo, Hồi giáo các buổi cầu nguyện trong ngày vô cùng quan trọng nhưng họ lại không bắt buộc phải có bàn thờ trong nhà. Thay vào đó là những khoảng sân giữa nhà, khoảng thở của không gian để họ cầu nguyện giao tiếp với đất trời phải được thiết lập. Những đặc điểm riêng của tôn giáo dù ít hay nhiều cũng ảnh hưởng đến phong cách thiết kế chung của kiến trúc, trong đó có cả phong cách tối giản.
Không gian sống đầy khoảng sáng của người Do Thái
Những khoảng trống giúp họ cảm nhận sự giao cảm với trời đất, một trong những yếu tố tôn giáo của người Do Thái
Thế giới phẳng tưởng như là thời kì tạo nên những phiên bản rập khuôn nhưng hóa ra lại tạo nên nhiều hơn sự khác biệt
Từ khi thế giới phát triển nên môt giai đoạn mới với sức mạnh công nghệ kết nối hàng tỉ người trên trái đất, xóa nhà ranh giới giữa các nền văn hóa cái mà Thomas Friedman - một biên tập viên chuyên mục ngoại giao và kinh tế của tạp chí New York Times – gọi là thế giới phẳng thì người ta bắt đầu lo lắng về sự hòa trộn văn hóa, đánh mất đi màu sắc riêng.
Thế giới phẳng sẽ đưa mọi ý tưởng thiết kế đến với bất kì ai muốn nó trên thế giới. Phong cách tối giản là phong cách được ưa chuộng nhất hiện nay
Ở một khía cạnh nào đó thì đúng là như vậy. Tất cả chúng ta đang sống trong một cái làng và cái làng thế giới ấy cho phép chúng ta nhìn ngó và bắt trước lẫn nhau. Điều này thì những ai đã từng sinh sống trong làng xã thì đều rõ. Và một thế giới phẳng đang biến cả thế giới này trở về “một cái làng” theo dúng nghĩa.
Bạn có thể bắt gặp phong cách tối giản như thế này ở bất cứ đâu...
Nhiều công trình nhà ở tại vùng nhiệt đới bây giờ cũng chẳng khác mấy những ngôi nhà ôn đới và ngược lại. Đặc biệt khi công nghệ xây dựng tiên tiến cùng vật liệu xây dựng mới được phổ biến thì ở đâu cũng có thể tạo nên được những công trình giống nhau như đúc.
Sự quen mắt giữa nhiều công trình tối giản khiến bạn nghi ngờ sự riêng biệt không còn tồn tại
Nhưng ngược lại với suy đoán về một thế giới “giống nhau” như hai giọt nước thì hóa ra thế giới phẳng lại tạo nên nhiều hơn sự khác biệt trong kiến trúc. Người ta chọn lọc những yếu tố giống nhau để áp dụng vào các công trình nhưng lại sử dụng vật liệu bản địa cũng như tính toán riêng đến yếu tố địa lý, khí hậu, tôn giáo, bản thể con người để tạo nên những công trình vừa lạ vừa quen. Kiến trúc thế giới sẽ không chỉ có sự đa dạng theo một chiều nghĩa là châu Âu theo phong cách châu Âu, châu Á theo phong cách châu Á... mà còn có sự đa dạng không thể tính toán trước được khi đan xen nhiều chiều văn hóa.
Nhưng tính riêng lại ngày càng mạnh mẽ hơn trong những cái chung
Thời đại của sự đơn giản trong thiết kế...
Nhưng lại dựa trên bản ngã của từng cá thể...
Không chỉ tạo nên những không gian kết hợp đa chiều văn hóa Đông – Tây mà còn là không gian của màu sắc cá nhân đậm nét
Điều này càng rõ ràng hơn khi thế giới người ta sống không còn là thế giới kết nối con người với con người mà giờ đã là thế giới khám phá bản ngã của từng cá thế. Sự đơn điệu và lặp lại không có chỗ dừng chân thay vào đó là sự khác biệt đến từng chi tiết, sự tinh tế ngày càng được nâng cao trong mỗi công trình kiến trúc.
Phần 3 của series “Khám phá phong cách tối giản” sẽ được bắt đầu bằng câu chuyện về đặc điểm nội thất trong phong cách tối giản châu Âu và Nhật Bản.
Bài viết: Phạm Anh