Lập kế hoạch xây nhà là một bước rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thi công sau này. Vậy các bước lập kế hoạch xây nhà cụ thể như thế nào? Theo dõi ngay bài viết bên dưới để cập nhật những thông tin hữu ích nhé!
*Theo dõi Happynest thường xuyên để cập nhật những thông tin hữu ích về nhà ở nhé.
1. Xác định mục tiêu sử dụng của ngôi nhà
Đầu tiên, khi lên kế hoạch xây nhà, bạn cần nghiên cứu mục tiêu sử dụng của ngôi nhà là để ở, vừa ở vừa cho thuê, nhà ở kết hợp kinh doanh hay nhà nghỉ dưỡng… Trên cơ sở đó, bạn tiếp tục xác định số lượng phòng, diện tích mỗi phòng, vị trí đặt phòng, nội thất và các nhu cầu khác như hồ bơi, nhà kho, gara…
Bên cạnh đó, bạn cần tính toán phương án cho tương lai khi gia đình có thêm thành viên mới, lựa chọn kiểu nhà và phong cách thiết kế phù hợp.
Để làm tốt bước này, gia chủ nên tham khảo ý kiến của các thành viên trong gia đình, sắp xếp mục tiêu sử dụng theo thứ tự ưu tiên, đồng thời ghi lại những thông tin cần thiết để trao đổi với kiến trúc sư.
Xác định nhu cầu xây dựng nhà ở là bước đầu tiên gia chủ cần thực hiện khi lên kế hoạch xây nhà (Ảnh: The Hiding House)
2. Dự trù chi phí xây nhà
Dự trù chi phí là một trong các bước lập kế hoạch xây nhà quan trọng nhất, nhằm hạn chế tối đa rủi ro trong quá trình xây dựng và đảm bảo tiến độ thi công công trình. Chi phí xây nhà có hai loại, đó là chi phí xây dựng cơ bản và chi phí trang trí nội thất.
Về nguồn tiền xây nhà, bên cạnh số tiền tự tích góp, bạn có thể vay mượn thêm từ người thân, họ hàng, bạn bè hoặc ngân hàng.
Ngoài ra, bạn nên có một khoản dự phòng tương đương khoảng 10 - 30% chi phí xây nhà để dành cho các tình huống phát sinh, tránh rơi vào thế bị động khi đang thi công dang dở.
Dự trù chi phí là một bước không thể thiếu khi gia chủ lên kế hoạch xây nhà (Ảnh: Nhà 450m2 ở Đà Nẵng)
>>> Xem thêm: Giá xây nhà trọn gói 2023 (kèm ví dụ cụ thể)
3. Các bước chuẩn bị đầu tiên
Trước khi đến gặp kiến trúc sư, gia chủ cần tìm hiểu kỹ lưỡng những nội dung sau đây:
- Quyền sở hữu lô đất rõ ràng, hạn chế tối đa các tranh chấp có thể xảy ra trong tương lai.
- Quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất.
- Các vấn đề về quy hoạch của khu vực, thành phố liên quan.
- Một số vấn đề liên quan đến quy định của chính quyền về xây dựng như: khống chế về chiều cao, tầng sàn, lộ giới, diện tích xây dựng…
- Những vấn đề liên quan đến hàng xóm như: diện tích đất, vách chung, lối đi, cây xanh gần nhà hai bên, hệ thống cấp thoát nước…
- Tìm hiểu nhà cung cấp vật liệu xây dựng trên địa bàn, đảm bảo các sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả phải chăng, giao hàng đúng tiến độ, điều kiện thanh toán linh hoạt…
Trước khi bàn bạc với kiến trúc sư về kế hoạch xây nhà, gia chủ nên chủ động tìm hiểu một số thông tin liên quan đến vấn đề pháp lý của lô đất (Ảnh: Nhà của Bơ)
4. Làm việc với kiến trúc sư
Khi làm việc với kiến trúc sư, gia chủ sẽ mô tả ý tưởng thiết kế và nhu cầu sử dụng của gia đình, trao đổi những băn khoăn và thắc mắc để được tư vấn kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, bạn hãy bàn bạc trực tiếp với kiến trúc sư về hướng đất, hướng nhà, cách bố trí công năng sử dụng phù hợp.
Ngoài ra, gia chủ cũng cần lắng nghe lời khuyên của nhóm thiết kế về độ an toàn và tính thẩm mỹ của công trình.
Đặc biệt, gia chủ và kiến trúc sư cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ bản vẽ, công đoạn này sẽ giúp quá trình thi công nhà ở diễn ra nhanh chóng và đạt hiệu quả cao. Một số bản vẽ cơ bảnbao gồm: Phần phối cảnh minh họa, bản vẽ kỹ thuật, hồ sơ xin phép xây dựng, hồ sơ thiết kế sơ bộ, hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công…
Kiến trúc sư sẽ hỗ trợ gia chủ xây dựng kế hoạch xây nhà chi tiết, mang lại hiệu quả cao (Ảnh: C&TH House)
>>> Xem thêm: Cách phối hợp giữa chủ nhà và KTS để đạt hiệu quả tốt nhất khi xây nhà
5. Xin giấy phép xây dựng
Sau khi có bản vẽ của kiến trúc sư, gia chủ liên hệ với Phòng Quản lý Đô thị hoặc Ủy ban nhân dân phường để được hướng dẫn các bước thực hiện chi tiết. Về cơ bản, hồ sơ xin giấy phép xây dựng gồm có: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản sao có công chứng) và bản vẽ thiết kế.
Trong đó, bản vẽ thiết kế cần thể hiện được vị trí mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng, mặt bằng móng, sơ đồ vị trí hoặc tuyến công trình, sơ đồ hệ thống và điểm đấu nối kỹ thuật cấp điện, cấp nước và thoát nước.
Khi lập kế hoạch xây nhà, gia chủ cần tìm hiểu kỹ lưỡng thủ tục xin giấy phép xây dựng để không tốn nhiều thời gian chuẩn bị (Ảnh: House at Shelford Road)
6. Lựa chọn nhà thầu xây dựng
Sau khi đã hoàn thành bản vẽ và xin được giấy phép xây dựng, gia chủ tiến hành bước tiếp theo trong kế hoạch xây nhà đó là tìm nhà thầu xây dựng. Để lựa chọn được nhà thầu uy tín, bạn có thể tham khảo kinh nghiệm từ bạn bè, người thân, những kiến trúc sư có kinh nghiệm hoặc quan sát công trình thực tế mà nhà thầu đã thực hiện.
Bên cạnh đó, gia chủ nên căn cứ thêm vào những nội dung sau đây để tìm kiếm được nhà thầu ưng ý:
- Nhà thầu không sử dụng một đội thợ để hoàn thành công trình từ A đến Z mà mỗi đội sẽ hoàn thành những công việc riêng biệt nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất.
- Nhà thầu phải công khai minh bạch về vật liệu sử dụng trong công trình, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, giá thành…
- Những cam kết về tiến độ và chất lượng thi công được thể hiện rõ ràng trong hợp đồng, vừa đảm bảo chất lượng công trình vừa đảm bảo quyền lợi hợp pháp của cả hai bên.
- Đội thợ nhiệt tình, giàu kinh nghiệm, tay nghề cao, sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ gia chủ trong suốt quá trình xây nhà.
- Sau khi đã đạt được các thỏa thuận cơ bản, gia chủ cùng nhà thầu sẽ ký kết hợp đồng và bắt tay vào thi công nhà ở.
Lựa chọn nhà thầu xây dựng là một trong các bước lập kế hoạch xây nhà mà gia chủ nên chú trọng (Ảnh: TT House)
>>> Xem thêm: Nên giao thầu xây nhà trọn gói hay chỉ khoán phần thô? Phân tích 2 mặt lợi - hại của xây nhà trọn gói
Vậy là chúng ta đã vừa cùng nhau tìm hiểu về các bước lập kế hoạch xây nhà chi tiết. Hi vọng những thông tin mình vừa cung cấp trong bài viết sẽ giúp bạn lên kế hoạch xây nhà nhanh hơn, qua đó sớm sở hữu một không gian sống ưng ý, phù hợp cả về sở thích và điều kiện tài chính.
Tổng hợp
*Để lại thông tin trong box dưới đây nếu bạn có nhu cầu tìm kiếm đơn vị thiết kế - thi công nhà ở nhé.