Tổng thầu xây dựng là gì? Hiểu rõ trước khi xây sửa nhà để đảm bảo quyền lợi 

    Cập nhật ngày 06/02/2023, lúc 09:352.528 lượt xem

    Nếu bạn lần đầu xây sửa nhà, thì tổng thầu xây dựng là khái niệm quan trọng cần nắm rõ, để đảm bảo quá trình thi công diễn ra thuận lợi và ngôi nhà được hoàn thiện với chất lượng như ý. Hãy cùng Happynest tìm hiểu về tổng thầu xây dựng qua bài viết dưới đây.

    1. 1. Tổng thầu xây dựng là gì?

    Khái niệm tổng thầu xây dựng đã được nêu ra trong khoản 35, Điều 3 Luật xây dựng năm 2014: “Tổng thầu xây dựng là nhà thầu ký kết hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư để nhận thầu một, một số loại công việc hoặc toàn bộ công việc của dự án đầu tư xây dựng”.

    Tổng thầu xây dựng gồm 5 hình thức:

    - Tổng thầu thiết kế 

    - Tổng thầu thi công xây dựng (tổng thầu xây lắp)

    - Tổng thầu thiết kế và thi công 

    - Tổng thầu thiết kế, thi công và phân phối thiết bị công nghệ

    - Tổng thầu lập dự án đầu tư, thiết kế, phân phối thiết bị và thi công xây dựng công trình (tổng thầu chìa khóa trao tay)

    Liên quan đến khái niệm tổng thầu xây dựng, các chủ nhà cần phân biệt nhà thầu chính và nhà thầu phụ. Nhà thầu chính có nhiệm vụ thực hiện ký kết hợp đồng với nhà đầu tư chính trực tiếp, thông thường nhà thầu chính sẽ thầu thiết kế, cung cấp thiết bị và xây lắp. Nhà thầu phụ là đơn vị sẽ ký kết hợp đồng với nhà thầu chính hoặc tổng thầu thi công xây dựng, thực hiện một phần công việc cho thầu chính hoặc tổng thầu. 

    Để tránh những rủi ro, sự cố phát sinh trong quá trình thi công và hoàn thiện nhà, các chủ nhà nên tìm hiểu trước về tổng thầu xây dựng, vì đây là đơn vị rất quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng ngôi nhà của bạn (Ảnh minh họa)

    1. 2. Trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của tổng thầu xây dựng

    • 2.1. Trách nhiệm của tổng thầu xây dựng

    Tổng thầu xây dựng có 3 trách nhiệm chính đối với quá trình xây sửa nhà, đó là:

    - Có trách nhiệm với các phương tiện, biện pháp sử dụng trong quá trình thi công; 

    - Có trách nhiệm cung cấp cho các nhà thầu phụ toàn bộ vật liệu, nhân công và mọi dịch vụ cần thiết trong quá trình thi công, xây dựng;

    -  Có trách nhiệm ký kết hợp đồng với các nhà thầu phụ để hợp tác thi công trong điều kiện hợp đồng có giá trị lớn.

    • 2.2. Quyền của tổng thầu xây dựng

    Quyền của tổng thầu xây dựng được ghi rõ tại Khoản 1 Điều 28 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP như sau:

    - Tổng thầu xây dựng có quyền kiểm soát mọi phương tiện, biện pháp thi công công trình.

    -  Quyền bổ sung, thay thế nhà thầu phụ để đảm bảo tiến độ, chất lượng và chi phí khi có sự đồng ý của chủ đầu tư.

    - Quyền lựa chọn nhà thầu phụ qua việc đấu thầu, chỉ định nhà thầu phù hợp với tổng thầu và phù hợp với quy định pháp luật về đầu tư xây dựng công trình.

    Tổng thầu xây dựng trách nhiệm với các phương tiện, biện pháp sử dụng trong quá trình thi công

    • 2.3. Nghĩa vụ của tổng thầu xây dựng

    Tại Khoản 2 Điều 28 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, nghĩa vụ của tổng thầu xây dựng được quy định: 

    - Tổ chức điều hành công trường, điều phối nhà thầu phụ về việc sử dụng hợp lý các công trình thi công, để tránh lãng phí, bảo vệ mặt bằng, giữ an toàn, an ninh trật tự công trường. Các nhà thầu phụ phải thực hiện theo chỉ đạo của tổng thầu.

    - Lập kế hoạch, thỏa thuận với chủ đầu tư theo từng giai đoạn, hạng mục trong quá trình thi công, bao gồm cả lập kế hoạch thanh toán hợp đồng.

    - Thực hiện mua, thiết kế, cung ứng vật tư, trang thiết bị theo yêu cầu để đảm bảo tiến độ hoàn thiện công trình theo hợp đồng. Thực hiện thỏa thuận, thống nhất hồ sơ mời thầu mua các thiết bị công nghệ với chủ đầu tư.

    - Quản lý và đảm bảo chất lượng công trình theo đúng pháp luật và quy định trong hợp đồng.

    - Tổ chức, điều phối, quản lý mọi hoạt động công trình. Đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn lao động, an ninh công trường, phòng cháy chữa cháy.

    - Chủ động phối hợp với nhà đầu tư khi cần đào tạo cán bộ quản lý, công nhân vận hành, chuyển giao công nghệ. Bàn giao bản vẽ thiết kế, tài liệu kỹ thuật, cách vận hành, sử dụng và bảo trì cho chủ đầu tư.

    - Thực hiện thử nghiệm, điều chỉnh, bàn giao công trình hoàn thành cho chủ đầu tư theo quy định pháp luật và hợp đồng.

    - Bảo hành công trình đã hoàn thiện theo đúng quy định.

    - Chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư về chất lượng công trình, tiến độ thực hiện công trình bao gồm cả những phần đã giao cho nhà thầu phụ. Bồi thường thiệt hại, bồi thường vật chất nếu có sự cố phát sinh xảy ra.

    1. 3. Điều kiện để trở thành tổng thầu xây dựng

    Tại Điều 5, quyết định số 19/2003/QĐ-BXD, điều kiện để trở thành tổng thầu xây dựng được quy định:

    - Có đủ nhân lực chuyên môn, nghiệp vụ, được đào tạo một cách chuyên sâu, bài bản về kỹ năng và nghiệp vụ, đáp ứng được các điều kiện khi tham gia và thi công.

    - Có đầy đủ các vật tư, trang thiết bị đảm bảo tiến độ thi công và chất lượng của công trình.

    - Có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp để thực hiện hoạt động tư vấn đầu tư xây dựng,

    - Phải thực hiện theo đúng pháp luật về các quy định về bảo hiểm trong quá trình tư vấn đầu tư xây dựng.

    Về điều kiện năng lực, mỗi hình thức tổng thầu phải đáp ứng điều kiện tương ứng được nêu rõ tại Điều 14 quyết định số 19/2003/QĐ-BXD:

    - Đối với tổng thầu thiết kế: Đã làm tổng thầu thiết kế 1 công trình tương tự hoặc thầu chính thiết kế 2 công trình tương tự.

    - Đối với tổng thầu thi công xây dựng (tổng thầu xây lắp): Đã làm tổng thầu xây lắp 1 công trình tương tự hoặc thầu chính xây lắp 2 công trình tương tự.

    - Đối với tổng thầu thiết kế và thi công: Đã làm tổng thầu thiết kế và xây lắp hoặc tổng thầu xây lắp 1 công trình tương tự.

    - Đối với tổng thầu thiết kế, thi công và phân phối thiết bị công nghệ: Đã làm tổng thầu thiết kế, thi công và phân phối thiết bị công nghệ hoặc tổng thầu thiết kế và xây lắp hoặc tổng thầu xây lắp 1 công trình tương tự hoặc thầu chính xây lắp 3 công trình tương tự.

    - Đối với tổng thầu chìa khoá trao tay: Đã làm tổng thầu chìa khoá trao tay 1 dự án tương tự hoặc tổng thầu thiết kế, thi công và phân phối thiết bị công nghệ hoặc tổng thầu thiết kế và xây lắp 1 công trình hoặc một dự án tương tự.

    Mỗi hình thức tổng thầu phải đáp ứng điều kiện năng lực tương ứng, các gia chủ cần lưu ý điều này khi tìm hiểu về các tổng thầu xây dựng

    1. 4. Các tiêu chí để đánh giá tổng thầu xây dựng uy tín

    Có 5 tiêu chí giúp các chủ nhà có thể nhận biết và lựa chọn được tổng thầu xây dựng uy tín, đó là:

    Tiêu chí 1, hình ảnh và thương hiệu của tổng thầu xây dựng. Tiêu chí này các chủ nhà có thể đánh giá bằng việc tìm hiểu thông tin giới thiệu, quá trình hình thành, phát triển và các công trình thực tế được chia sẻ bởi đơn vị qua các kênh truyền thông như website đơn vị, phương tiện đại chúng, hoặc thông qua chính những người đã có kinh nghiệm từng xây sửa nhà xung quanh. Bởi nếu một đơn vị có thương hiệu tốt, được xác nhận bởi nhiều người, nhiều phương tiện thì mức độ uy tín của tổng thầu đó đã được khẳng định phần nào.

    Tiêu chí 2, chính sách giá cả hợp lý. Chúng ta đều biết “tiền nào của nấy”, giá cả đi đôi với chất lượng bởi vậy các chủ nhà đừng vội vàng mừng rỡ khi thấy báo giá chi phí thấp. Khi nhìn vào báo giá công trình, các chủ nhà nên đánh giá nó hợp lý hay chưa, không nên nghĩ theo hướng đắt hay rẻ. Bởi đôi khi, rẻ quá cũng không tốt mà cao quá chưa chắc đã ổn. Một tổng thầu xây dựng uy tín sẽ đưa được chính sách giá cả hợp lý, hiểu rõ muốn hoàn thiện công trình theo yêu cầu của bạn cần gì và mức độ đầu tư cho từng phần ra sao.

    Làm việc với tổng thầu uy tín sẽ giúp bạn an tâm cả về quá trình thi công và chất lượng công trình

    Tiêu chí 3, quá trình làm việc chuyên nghiệp. Điều này các chủ nhà sẽ dễ nhận biết được phần nào thì liên hệ tư vấn, hay tìm hiểu về quy trình làm việc của tổng thầu xây dựng. Quá trình làm việc rõ ràng, minh bạch sẽ giúp việc thi công hoàn thiện công trình tránh gặp rủi ro và bạn cũng sẽ thấy yên tâm hơn khi giao phó ngôi nhà của mình cho họ.

    Tiêu chí 4, hồ sơ năng lực. Phần này bạn có thể đánh giá trong quá trình tìm hiểu tiêu chí 1. Kinh nghiệm của tổng thầu xây dựng như thế nào sẽ được thể hiện rõ qua hồ sơ năng lực.

    Tiêu chí 5, đảm bảo vấn đề pháp lý.  Một nhà thầu xây dựng uy tín cần có giấy tờ pháp lý rõ ràng, có tư cách pháp nhân để đảm bảo cho ngôi nhà của bạn. Ngược lại, nếu là một nhà thầu tay ngang thì họ sẽ khó đáp ứng được tiêu chí này.

    Nếu tổng thầu xây dựng đáp ứng cả 5 tiêu chí trên thì các chủ nhà có thể an tâm ký kết hợp đồng và làm việc với nhà thầu đó.

    Trên đây là những thông tin cơ bản được tổng hợp về tổng thầu xây dựng. Hy vọng giúp ích được cho các chủ nhà đang có kế hoạch xây sửa nhà trong tương lai.

    Nguồn: Tổng hợp

    Cẩm nang sửa nhà được bảo trợ nội dung bởi HAPPYNEST, đồng hành cùng LÀ NHÀ trên những chuyến chu du "Gõ cửa - Sửa nhà" và được truyền thông trên hệ thống các kênh VCCorp.

    Là Nhà - Chương trình truyền hình thực tế "làm mới" căn nhà thân quen của khán giả, biến từng khoảng không gian sống thành chốn nghỉ ngơi, vỗ về xúc cảm và chứa đựng câu chuyện ý nghĩa của chính gia chủ. Không chỉ là một chương trình về kiến trúc thông thường, Là Nhà lồng ghép kiến thức chuyên môn với câu chuyện cá nhân của mỗi chủ nhà để tạo nên chương trình đầy xúc cảm và nhân văn.

    Là Nhà sẽ phát sóng lúc 15 giờ Chủ Nhật hàng tuần trên VTV3; 20 giờ cùng ngày trên Megalivestream của VCCorp, và Fanpage & Website Happynest.

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Đời sống

    Xem tất cả

    Xu hướng

    Xem tất cả

    Happynest Story

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0