Mặc dù các món ngọt thường được xem là “thủ phạm” chính gây tăng đường huyết, nhưng nhiều thực phẩm phổ biến khác trong bữa ăn hằng ngày như ngũ cốc, nước ép trái cây hay thực phẩm chiên rán cũng có thể khiến chỉ số đường huyết tăng nhanh mà ít người để ý.
1. Ngũ cốc ăn sáng chứa nhiều đường
Nhiều người lựa chọn ngũ cốc ăn sáng như một bữa ăn tiện lợi, nhanh gọn. Tuy nhiên, không phải loại ngũ cốc nào cũng lành mạnh. Một số loại ngũ cốc ăn sáng, đặc biệt là ngũ cốc có vị ngọt, chứa nhiều đường bổ sung và tinh bột tinh chế – những thành phần có thể làm tăng đường huyết một cách nhanh chóng sau khi ăn.
Các loại ngũ cốc có vị chocolate, mật ong, hay trái cây sấy khô thường là những “thủ phạm” làm tăng insulin trong máu cao hơn mức bình thường. Để bảo vệ sức khỏe, nên ưu tiên các loại ngũ cốc nguyên cám như diêm mạch, yến mạch nguyên hạt, gạo lứt, lúa mạch… giúp kiểm soát lượng đường trong máu ổn định hơn.
Ngũ cốc nhiều đường có thể khiến đường huyết tăng nhanh, đặc biệt khi ăn vào buổi sáng
2. Món tráng miệng nhiều đường
Các món tráng miệng như bánh kem, bánh quy, chè ngọt... đều chứa lượng lớn đường tinh luyện và tinh bột đơn – những chất có chỉ số đường huyết cao, dễ dàng được hấp thụ nhanh vào máu.
Khi ăn thường xuyên, các loại thực phẩm này có thể gây tăng đột biến lượng đường trong máu, đặc biệt đối với người có nguy cơ tiền tiểu đường hoặc tiểu đường tuýp 2. Về lâu dài, nó cũng có thể góp phần làm giảm độ nhạy insulin, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa.
Đồ ngọt không chỉ làm tăng đường huyết mà còn ảnh hưởng lâu dài đến chức năng insulin
3. Nước ép trái cây
Trái cây nguyên quả rất tốt nhờ chứa nhiều chất xơ và vitamin. Tuy nhiên, khi ép thành nước, lượng chất xơ bị loại bỏ gần như hoàn toàn, khiến lượng đường tự nhiên (fructose) dễ dàng đi vào máu một cách nhanh chóng.
Đặc biệt, nước ép đóng chai thường chứa thêm đường, siro hoặc chất tạo ngọt, làm tăng lượng đường trong máu gấp nhiều lần so với trái cây tươi. Vì vậy, nếu cần bổ sung trái cây, nên ăn nguyên quả để kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Nước ép trái cây, đặc biệt là loại đóng chai, là một trong những “bẫy đường” khó nhận ra nhất
4. Thực phẩm chiên rán
Các món ăn quen thuộc như khoai tây chiên, gà rán, bánh chiên đều giàu chất béo chuyển hóa, tinh bột tinh chế và có chỉ số đường huyết cao. Quá trình chiên rán ở nhiệt độ cao cũng làm biến đổi cấu trúc thực phẩm, tăng nguy cơ gây viêm và rối loạn chuyển hóa glucose.
Ngoài ra, chất béo không lành mạnh trong dầu chiên cũng có thể gây kháng insulin, khiến việc kiểm soát đường huyết trở nên khó khăn hơn. Người bị tiểu đường hoặc tiền tiểu đường nên hạn chế thực phẩm chiên rán và thay thế bằng cách chế biến hấp, luộc, nướng không dầu.
Thực phẩm chiên không chỉ gây tăng đường huyết mà còn làm giảm hiệu quả của insulin trong cơ thể
5. Đồ uống có cồn
Bia, rượu vang ngọt, cocktail… đều là những loại đồ uống chứa nhiều carbohydrate và đường bổ sung, đặc biệt khi kết hợp với các chất pha như soda, nước ngọt có gas. Khi tiêu thụ, những loại đồ uống này dễ làm tăng glucose máu, gây mất cân bằng đường huyết, nhất là khi uống lúc đói.
Rượu cũng ảnh hưởng đến chức năng giải phóng glucose của gan, làm gián đoạn quá trình chuyển hóa đường trong cơ thể. Vì vậy, nếu cần uống rượu, nên ăn no trước đó và hạn chế các loại cocktail pha chế nhiều đường hoặc bia ngọt.
Đồ uống có cồn không chỉ ảnh hưởng đến gan mà còn làm rối loạn đường huyết theo nhiều cách khác nhau
Kiểm soát đường huyết không chỉ nằm ở việc tránh đồ ngọt, mà còn phải chú ý đến các món quen thuộc như ngũ cốc, nước ép, món chiên rán hay đồ uống có cồn. Duy trì chế độ ăn lành mạnh, hạn chế đường bổ sung, kết hợp với vận động hợp lý là cách tốt nhất để bảo vệ cơ thể trước nguy cơ rối loạn đường huyết và các bệnh chuyển hóa.
Nguồn: VNE
*Để lại thông tin trong box dưới đây, Happynest sẽ giúp bạn kết nối đơn vị thiết kế - thi công phù hợp và nhanh chóng nhất.