Kum và Kent là hai anh em trai nhỏ trong một gia đình trẻ bốn thành viên sống tại Sài Gòn. Từ khi có KumKent, ba mẹ muốn biến ngôi nhà vốn trước đây được xây dựng từ 2009 với mục đích cho thuê trở thành một ngôi nhà “phức hợp”. Nơi mà nhiều không gian được lồng ghép vào nhau như ở - chơi – làm việc để tạo thành một không gian sống trọn vẹn giữa các thành viên trong gia đình.
KumKent ngôi nhà ba tầng là nơi tích hợp các không gian đa năng trong một theo cách mới lạ, độc đáo
Ngôi nhà mới của KumKent sẽ vẫn có cả không gian cho thuê: văn phòng kiến trúc Tho. A và văn phòng Công ty phân phối dược phẩm Glandcore office. Thế giới nhỏ của KumKent giờ trở nên rộng lớn hơn và thoải mái hơn với cách phân chia mới.
Ý tưởng kết nối không gian trở thành một bài toán khó không tưởng khi KTS buộc phải tìm cách dung hòa hai yếu tố: không gian làm việc của cả hai văn phòng với không gian sinh hoạt thường nhật cho cả gia đình. Phải làm sao để kết hợp các yếu tố đặc thù của văn phòng kiến trúc – Thọ. A và công ty Glandcore office một cách mềm mại, tiện lợi, riêng tư nhưng không mất đi tính liên kết của một ngôi nhà. Cách xử lý không khéo léo có thể biến ngôi nhà của KumKent thành “một văn phòng office” cho thuê. Nơi mà người ta chia không gian thành các tầng riêng biệt.
Dùng ánh sáng và khoảng trống làm tính liên kết không gian
Ngôi nhà KumKent gồm ba tầng lầu và một khoảng sân nho nhỏ phía mặt tiền. Tầng trệt dành cho văn phòng kiến trúc sư Tho.A, tầng hai dành cho văn phòng Glandcore và tầng ba dành cho không gian sống của gia đình KumKent.
Để xử lý tính rời rạc của cả ba tầng không gian lớn, KTS đã tạo nên tính liên kết cho ngôi nhà bằng khoảng sân trước mặt. Toàn ngôi nhà được đón sáng bằng chính khoảng sân nhỏ nơi mà KTS thiết kế sẵn một không gian trống để trồng cỏ xanh tạo sự vui mắt cho ngôi nhà. Những bức tường đặc hay những bức tường lam chắn ở phía mặt tiền được gạt ra khỏi suy nghĩ của KTS. Thay vào đó là không gian mở hoàn toàn của cả hai tầng lầu: tầng trệt và tầng hai với cánh cửa khổng lồ bằng composite có thể mở ra vào ban sáng, đóng lại vào ban tối.
Khoảng sân nhỏ đón sáng và tạo tính liên kết cho toàn bộ ba tầng nhà
Sân cỏ nhỏ với những gốc cây được xếp đặt thành một khu vườn nhỏ để các thành viên của văn phòng kiến trúc có thể chuyện trò, bàn ý tưởng khi muốn
Một ban thờ thần linh nhỏ ngoài trời khác lạ
Toàn bộ bức tường mặt tiền được thay bằng khung cửa thép đan những tấm liếp bằng vật vật liệu composite để tạo thành bức tường chắn di động...
Vật liệu chính tạo nên những tấm chắn mặt tiền là composite carbon – một loại vật liệu xây dựng mới công nghệ cao, có khả năng hoạt động bền bỉ với độ bền và khả năng chịu lực tốt hơn các vật liệu truyền thống khác
Những cánh cửa có thể đóng và mở ra theo nhu cầu sử dụng
Cách thiết kế này khiến không gian bên trong căn nhà hoàn toàn đón sáng
Sự cởi mở của ngôi nhà KumKent còn được khẳng định một lần nữa tại thiết kế cổng chính của căn nhà. Những “tấm phên” đan bằng vật liệu composite hoàn toàn thay thế cho những hàng rào sắt, thép hay tường bao bằng gạch truyền thống đã tạo nên sự thông thoáng lý tưởng cho không gian. Cùng với đó là thiết kế xoay mở của những tấm “hàng rào” bao quanh ngôi nhà đã có phép KumKent House có một mặt tiền ấn tượng, cởi mở và phóng khoáng.
Hàng rào xoay mở cũng là một đặc điểm độc đáo của căn nhà
Bên trong tầng trệt nơi làm việc của văn phòng kiến trúc Tho.A được tính toán kĩ lưỡng từng góc nhỏ. Một không gian làm việc rộng lớn chiếm trọn diện tích sàn. Một phần không gian tiếp khách nhỏ được đẩy lùi vào bên trong. Ở đó một khoảng giếng trời với ánh sáng tự nhiên được mở ra và biến thành một khu triển lãm “xinh xinh” với những mô hình thiết kế của Tho.A. Sự đồng nhất ánh sáng trước sau trong thiết kế đã tạo tính lặp lại cũng chính là tính dẫn dắt cho toàn bộ ngôi nhà. Không dừng lại ở đó, một cầu thang phụ bằng sắt đỏ được đặt ngay cạnh phòng tiếp khách của nối thông lên không gian bếp tại tầng hai. Lúc này văn phòng Glandcore cũng hiện ra với một khoảng không gian làm việc ngập tràn ánh nắng và sự thân thiện.
Không gian phòng đón khách của văn phòng Tho.A
Khoảng giếng trời đằng sau ngôi nhà tạo tính liên kết với không gian đón sáng phía trước và được tận dụng làm phòng trưng bày các mô hình thiết kế
Cầu thang chính được đặt khoảng giữa lệch về 1/3 bên trái ngôi nhà. Đó là không gian liên kết trên dưới giữa các tầng lầu. Không đơn thuần duy trì một kiểu dáng thiết kế, cầu thang chính tại tầng một dẫn lên tầng hai được uốn tròn bằng khung thép. Từng bậc thang được nghệ nhân đan lát tỉ mỉ bằng mây tre đan. Đến khi lên đến tầng hai nó lại được thiết kế chuyển dạng thành cầu thang vuông cạnh với những bậc bước bằng bê tông. Chính sự điểu chuyển nhẹ nhàng giữa vật liệu, kiểu dáng đã khiến cho ngôi nhà KumKent thú vị, không nhàm chán và đặc biệt là tính liên kết được nhấn mạnh tạo sự đồng nhất cho ngôi nhà.
Cầu thang là điểm nhấn tiếp theo làm tăng tính liên kết giữa các tầng không gian
Nó nối lên gian bếp tầng trên nơi không chỉ gia chủ mà còn các thành viên khác của ngôi nhà có thể sử dụng
Cầu thang chính từ tầng trệt lên tầng hai được thiết kế bằng thép với bậc thang đan bằng tre, một thiết kế vô cùng độc đáo, khác lạ trong các công trình Việt
Và khi lên tầng ba, cầu thang được thay đổi về hình dạng và vật liệu. Sự mới mẻ này tạo nên một thông điệp phân chia không gian ngầm
Đa dạng phong cách thiết kế nhấn mạnh tính riêng biệt của từng không gian
Sau khi tạo nên một khối không gian sống với đủ đầy tính liên kết để người ta biết nó là một ngôi nhà chứ không phải là một văn phòng cho thuê thì việc tính toán tạo nên cá tính riêng cho từng không gian là vô cùng quan trọng.
Tầng một được thiết kế với gam màu trầm, tối, sử dụng vật liệu thô mộc như tre, nứa, gỗ kết hợp với vật liệu đậm chất công nghiệp như, sắt, thép, xi măng để toát lên sự góc cạnh, hiện đại, mới mẻ trong định hướng phát triển của Tho. A. Đặc biệt là cách mở rộng không gian ra phía bên ngoài mặt tiền của căn nhà cũng là một điểm nhấn tạo nét riêng khác biệt.
Không gian làm việc của văn phòng kiến trúc mang tông trầm và trang trí hiện đại
Tầng hai dành cho công ty phân phối y dược nên cần một không gian nhẹ nhàng, tạo nên sự tin tưởng, chắc chắn. Chính vì vậy mà màu sắc tại tầng hai cũng được chuyển qua tông màu sáng. Kết hợp với đó là những món đồ nội thất như bàn ghề làm việc màu trắng hay bộ rèm cửa mỏng nhẹ mang gam màu trắng mướt. Những điểm nhấn họa tiết trên rèm cửa như những chiêc lá xanh nhẹ cùng chiêc đèn các chép đa màu sắc khiến không gian tầng hai trở nên nữ tính, tinh khiết hơn.
Không gian làm việc của Gandcore Office nhẹ nhàng và tươi sáng
Nội thất đồng màu cùng những tấm rèm mỏng nhẹ tạo cảm giác tươi trẻ cho không gian
Những điểm nhấn về mảng màu sắc và đèn cá chép khiến không gian sống thêm cá tính
Nếu như ở tầng trệt và tầng 2 không gian được thiết kế đơn giản là mở rộng thuần túy, loại bỏ vách ngăn thì tầng ba được đa dạng với những cách phân chia không gian vừa lạ, vừa quen. Tông màu chính cho không gian sống nhà KumKent là màu trắng và xanh dương. Hai gam màu có mức độ tương phản cao khiến không gian thêm điểm nhấn sắc sảo, đồng thời cũng là không gian tổng hòa của cả hai tầng bên dưới.
Toàn bộ tầng ba được nhấn nhá bằng hai tông màu trắng - xanh dương
Tầng ba được thiết kế với mái nhọn thay vì mái bằng nên có cảm giác rộng lớn, thoáng đãng hơn về không gian. Tuy hướng mặt tiền bị che chắn bằng những ô cửa nhỏ nhưng vẫn hoàn toàn thoáng đãng và đón sáng. Phòng khách được bài trí giản đơn với bộ ghế sofa gỗ kiểu cũ. Đối diện với nó là phòng nhỏ cho hai bạn Kum và Ket. Vì là con trai khá tinh nghịch, thích leo trèo nên căn phòng của hai bé cũng khá độc đáo. KTS đã đục một phần tường để tạo nên một phần hành lang lơ lửng nơi mà hai câu bé có thể leo trèo, vui đùa.
Không gian ban công ở phía phòng khách được làm bằng kính và xi măng mở ra một khoảng sáng với cây xanh tươi mát
Cách che chắn phần mặt tiền kín đáo nhưng cũng không kém phần thông thoáng cho tầng ba
Phòng ngủ dành cho Kum và Kent là một căn phòng “kì lạ” có thêm gác lửng để trèo leo
Đó đúng là một không gian dành cho những cậu bé tinh nghịch
Phòng ngủ master lại khá đơn giản với tông màu xanh dương. Đó là không gian thư giãn dành riêng cho hai vợ chồng gia chủ sau một ngày làm việc mỏi mệt. Toàn bộ không gian chính phụ, riêng – chung được phân tách theo những nhu cầu sử dụng riêng biệt nhưng vẫn cứ liên kết chặt chẽ với nhau thông qua ngôn ngữ thiết kế vững chắc của KTS.
Phòng ngủ master đơn giản cho một giấc ngủ tuyệt vời
KumKent House là môt công trình khiến người thiết kế cảm thấy thú vị với nhiều không gian chức năng được lồng ghép vào nhau (ở - chơi - làm việc), nhiều xung đột trong tính cách không gian (chung - riêng; sáng - tối;...), nhiều kịch bản có thể diễn ra cùng một thời điểm ở nhiều nơi và cùng một nơi ở nhiều thời điểm khác nhau trong ngày. Có nhiều giải pháp, song KTS đã chọn cách làm phong phú nhất có thể, để từng chức năng vẫn giữ được cá tính riêng của nó trong tổng thể chung của công trình và công trình theo đó duy trì được nhiều suy tưởng nhất có thể, cho Atelier Tho.A, cho Glandcore và đặc biệt, cho hai em nhỏ Kum Kent.
Thông tin dự án:
Văn phòng kiến trúc: Atelier tho.A
Năm hoàn thành: 2016 - 2017
Nhóm thiết kế: Phạm Nhân Thọ, Phạm Phương Thoa, Huỳnh Thư Hoàn, Nguyễn Vinh Huy
Khách hàng: Ms. Phương & Mr. Hiếu
Xây dựng: Nguyễn Việt Hải +...
Hình ảnh: Quangdam