Nằm tại con phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội, Cồ Đàm Chay như tách biệt với sự náo nhiệt và ồn ào xung quanh. Nhà hàng là sự kết hợp khéo léo giữa kiến trúc Chăm Pa đầy bí ẩn và tinh thần Phật giáo, tạo nên nét đẹp an nhiên tự tại mà sâu lắng, hài hòa.
Cồ Đàm Chay kỳ bí, huyền ảo khi Hà Nội chạng vạng lên đèn
Văn minh Chăm Pa từng là một trong những nền văn minh phát triển rực rỡ bậc nhất ở khu vực Đông Nam Á. Từ sau thế kỷ XI, văn hóa Phật giáo đang ở giai đoạn cực thịnh, kết hợp với văn hóa bản địa đã tạo nên một diện mạo văn hóa Chăm Pa đặc sắc và đầy sức sống. Với mong muốn mang đến một không gian kiến trúc pha trộn giữa sự huyền bí của văn hóa Chăm Pa và sự yên bình, tĩnh lặng của Phật Giáo, Cồ Đàm Chay chính là nơi mà chủ nhân nhà hàng và kiến trúc lựa chọn gửi gắm thực hiện ước mơ này.
Kiến trúc Chăm Pa hiện lên rõ nét ngay từ mặt tiền của nhà hàng với gạch nung đỏ sẫm
Ý tưởng là vậy, tuy nhiên khi bắt tay vào thực hiện không hề dễ dàng. Cồ Đàm Chay được cải tạo trên hiện trạng là ngôi biệt thự cũ mang hơi hướng Pháp. Thiết kế cũ có sự chắp vá thêm các hệ sàn thép nhằm tăng diện tích sử dụng. Nhưng khi cải tạo, chủ nhà cho thuê không đồng ý với việc bỏ hẳn hệ sàn thép này. Do đó, KTS đã chọn phương án “cắt ghép - cân chỉnh” để xử lý tình huống này.
Cồ Đàm Chay là kết quả của dự án thiết kế - cải tạo đặc biệt
Sự mộc mạc của sắc đỏ gạch nung chính là chất liệu chủ đạo tạo nên các hệ vòm ấn tượng tại Cồ Đàm Chay. Cổng vào mô phỏng lối vào của ngôi đền Chăm Pa cao vút với toàn bộ gạch nung được xây theo kĩ thuật tính toán một cách tỉ mỉ.
Cổng vào dạng vòm cuốn tạo thành hiệu ứng thị giác độc đáo
Các chi tiết, đường nét uốn lượn cân đối, rất đúng tinh thần văn hóa Chăm Pa nhưng vẫn tươi xanh nhờ hệ cây lớn bao bọc xung quanh
Đất nung và thép rỉ tưởng chừng không hài hòa, nhưng thực chất lại mang đến 1 giai điệu nhẹ nhàng sâu lắng và làm công trình thêm nổi bật
Cánh cửa được vẽ tay thủ công luôn đóng kín càng làm tăng thêm sự tò mò của người qua đường
Khi mở cánh cửa đó ra, không gian thú vị bên trong sẽ càng khiến thực khách thêm ấn tượng
Ánh sáng ở khu vực ăn uống bên trong được làm ở mức tối nhất có thể, chỉ dùng những ngọn nến để thắp sáng không gian. Mọi chất liệu đất nung từ hoa văn cổ đến các bức phù điêu đều được đặt làm bởi những nghệ nhân đến từ Ninh Thuận - vùng đất của người Chăm còn sinh sống để đảm bảo vẫn giữ nguyên vẹn hơi thở của một nền văn hoá lâu đời.
Các chi tiết mộc mạc, bình dị mang đến một không gian tự tại, an nhiên
Kiến trúc vòm thon hình bông hoa được sử dụng từ không gian bên ngoài đến những không gian kết nối bên trong, tạo nên một tổng thể hài hòa, thống nhất
Các họa tiết điêu khắc cầu kỳ, sắc nét phản ánh rõ tinh thần văn hóa Chăm Pa trong thiết kế Cồ Đàm Chay
Không gian không dùng nhiều đèn để tạo độ sáng vừa phải. Hệ trần uốn lượn đẹp mắt cũng như tạo cảm giác không gian như mở rộng hơn
Cồ Đàm Chay có nhiều không gian mở để thực khách có thể ngắm nhìn hệ cây xanh mát phía bên ngoài
Tượng phật được đặt ở vị trí trang trọng tỏa ra ánh sáng dịu dàng, mang đến sự an yên, tĩnh lặng
Không chỉ là địa điểm để thực khách thưởng thức các món chay, Cồ Đàm Chay với lối kiến trúc đặc biệt còn gây ấn tượng bởi không gian văn hóa đặc sắc. Quan trọng hơn cả đó là sự an nhiên, tự tại, không giống bất cứ nơi đâu mà khách hàng có thể cảm nhận được khi đến Cồ Đàm Chay.
Một số hình ảnh khác của Cồ Đàm Chay:
Thông tin công trình:
Tên công trình: Cồ Đàm Chay
Địa điểm: Hà Nội
Diện tích: 680m2
Đơn vị thiết kế: Lê House
Năm dự án: 2020
Ảnh: Triệu Chiến Studio
Bài viết: Minh Trang