Ngày 06/04/2020, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (gọi tắt là Quyết định 13). Đây là quyết định được các nhà đầu tư điện mặt trời quy mô lớn lẫn các hộ gia đình, doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời trên mái nhà chờ đợi bởi quyết định cũ đã hết hiệu lực từ 01/07/2019, tức hơn 9 tháng tồn tại “khoảng trống” chính sách.
Giá điện mặt trời đồng loạt giảm sau quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ
Giá mua điện giảm, áp dụng cho cả 3 loại hình điện mặt trời
Theo quyết định này, giá mua điện với cả 3 loại hình gồm điện mặt trời mặt đất, điện nổi và điện trên mái nhà đều giảm so với mức giá ưu đãi cũ và cả 3 mức giá đều được Bộ Công thương trình Chính phủ trong các lần dự thảo quyết định trước đây.
Cụ thể:
- Giá mua điện với dự án điện mặt trời nổi 1.783 đồng/kWh, tương đương 7,69 cent/kWh.
- Giá mua điện dự án điện mặt trời mặt đất 1.644 đồng/kWh, tương đương 7,09 cent/kWh.
- Giá mua điện mặt trời trên mái nhà 1.943 đồng/kWh, tương đương 8,38 cent/kWh (giá mua điện trước đây 9,35 cent/kWh).
- Các mức giá này chưa bao gồm thuế VAT và sẽ được áp dụng trong vòng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Tuy nhiên, điều kiện để dự án điện mặt trời mặt đất được hưởng mức giá 7,09 cent/kWh (1.644 đồng/kWh) là có quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019, vận hành thương mại trước 31/12/2020. Các dự án khác được xác định giá mua điện thông qua cơ chế đấu thầu cạnh tranh.
Riêng các dự án tại tỉnh Ninh Thuận nằm trong quy hoạch, vận hành thương mại trước 01/01/2021 được hưởng mức giá 9,35 cent/kWh (2.086 đồng/kWh). Giá mua này cũng chưa gồm thuế VAT và kéo dài trong 20 năm.
Các dự án điện mặt trời mái nhà có điểm mới lợi thế hơn so với chính sách cũ
Với các dự án điện mặt trời mái nhà, để được hưởng mức giá 8,38 cent/ kWh (1.943 đồng/kWh), dự án phải vận hành phát điện, xác nhận chỉ số công tơ trong thời gian từ ngày 01/07/2019 - ngày 31/12/2020.
Điểm mới trong chính sách giá dành cho các dự án điện mặt trời mái nhà đó là: trường hợp bên mua điện không phải là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoặc đơn vị được ủy quyền, giá mua điện và hợp đồng mua điện sẽ được quyết định dựa trên thỏa thuận giữa các bên và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Như vậy, bên mua điện và bên bán điện có thể tự thỏa thuận về giá cả, cách thức để sử dụng điện trực tiếp từ hệ thống năng lượng mặt trời.
Theo các nhà đầu tư điện mặt trời, hình thức này phù hợp với mô hình đầu tư điện trên mái các nhà xưởng, các trung tâm thương mại hoặc các cao ốc để bán lại điện cho người sử dụng bên dưới.
Quyết định 13 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/05/2020.
Chính sách giá cho điện mặt trời trên mái nhà quá ngắn?
Giá mua bán điện mặt trời trên mái nhà (giá FIT) sẽ là 1.943 đồng/kWh (trong 20 năm) từ ngày 22/05/2020 theo Quyết định 13, song chỉ kéo dài cho các dự án hoàn thành trước 31/12/2020 khiến các doanh nghiệp cho rằng đây là khoảng thời gian quá ngắn.
Ông Nguyễn Đức Toàn, chủ tịch HĐQT Công ty CP Điện Sài Gòn Gia Định, cho rằng không nên gộp điện áp mái vào quyết định 13 (chung với điện nổi, điện trên mặt đất), nên gia hạn giá FIT cho điện áp mái hoặc có ngay giá mua mới sau 31/12 để thị trường điện áp mái ở Việt Nam phát triển.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng chính sách giá cho điện mặt trời trên mái nhà quá ngắn
Ông Phạm Nam Phong, tổng giám đốc Công ty CP điện mặt trời Vũ Phong, cũng cho rằng nên kéo dài giá mua bán điện áp mái tối thiểu đến cuối năm 2021 để người dân và DN kịp đầu tư.
Ngoài ra, ông Phong cũng cho hay sau khi quyết định 13 hết hiệu lực, cần có ngay giá mới theo hướng ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà phân tán, ưu tiên giá cao cho những suất đầu tư nhỏ dưới 100kWp và những vùng bức xạ thấp như miền Bắc, thay vì đồng nhất như hiện nay.
Đối với giới hạn các dự án điện áp mái dưới 1MW, ông Nguyễn Tùy Anh, giám đốc Quỹ Blue Leaf Energy/Macquarie Capital, nhận định không nên giới hạn công suất lắp đặt điện mặt trời áp mái, mà nên giới hạn sản lượng điện phát lên lưới không được quá 1MW để thúc đẩy tự dùng và cần có thông tư riêng cho điện mặt trời áp mái.
Ông Đào Du Dương, phó trưởng đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tại TP.HCM, cho rằng từ nay đến cuối năm là quá ngắn để kịp tiến độ thi công trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, điều kiện lắp trên cao khó khăn và miền Nam lại bước vào mùa mưa.
"Không những gia hạn thời gian cho điện mặt trời áp mái, cần có chính sách lâu dài hơn hoặc có thời gian nhất định, rõ ràng hơn cho phát triển điện mặt trời áp mái này 6 tháng trước khi giá theo quyết định 13 hết hiệu lực", ông Dương nói.
Hệ thống điện mặt trời trên mái nhà tại Hà Nội
Theo Green ID, các DN, nhà đầu tư đều đề xuất Chính phủ cần xây dựng lộ trình chính sách phát triển ngành điện mặt trời lâu dài, bền vững và có lộ trình rõ ràng, minh bạch để tạo được sự tin tưởng của các nhà đầu tư và sự phát triển lành mạnh của thị trường.
Riêng với điện mặt trời áp mái, cần kéo dài chính sách hỗ trợ giá theo quyết định 13 ít nhất thêm 1 năm và có chính sách riêng, bền vững và giá mới phải ban hành 6 tháng trước giá cũ hết hiệu lực.
Nguồn: evn.com.vn; tuoitre.vn