Một mảnh đất nhỏ, góc cạnh ở ngoại ô Hà Nội, những tưởng sẽ chẳng ai có ý định xây nhà tại đây. Nhưng chẳng mấy chốc, trên mảnh đất này đã xuất hiện Bình House - một ngôi nhà mộc mạc, lấy cảm hứng từ miền quê Bắc Bộ.
Điểm khó nhất khi xây dựng ngôi nhà là mảnh đất nhỏ hẹp và công nhân xây dựng địa phương không chuyên nghiệp. Do đó, các bản vẽ kiến trúc không thể sử dụng được trong quá trình thiết kế bởi chúng quá nhiều chi tiết. Xuất phát từ điểm này, KTS và gia chủ đã cân nhắc nhiều giải pháp thiết kế để đưa ra một phương án thực tế và dễ dàng áp dụng nhất.
Bình House được xây dựng lấy cảm hứng từ miền quê Bắc Bộ
Giải bài toán mảnh đất xấu xí nhiều góc cạnh
Một khu đất vuông vức không chỉ dễ dàng cho việc thiết kế và xây dựng mà nó còn rất hợp phong thuỷ. Chính vì thế, những mảnh đất nhỏ hẹp, góc cạnh thường không được nhiều người chọn để xây nhà.
Giải pháp cho mảnh đất của Bình House là việc bố trí mặt bằng và cách để giải quyết những góc cạnh thừa thãi sao cho thật hợp lý. Một khu vườn nhỏ với bức tường gạch rỗng phía mặt trước được thiết kế ở phần tam giác thừa của khu đất, khéo léo che đi khuyết điểm và tạo nên điểm nhấn cho ngôi nhà.
Những cây dây leo xanh mướt được trồng phía bên trong tạo nên một bức tường cây khá mới lạ ở phần mặt tiền của Bình House
Thiết kế này cho phép ngôi nhà có sự tách biệt với đường phố nhưng vẫn đảm bảo thông gió và ánh sáng.
Khoảng còn lại của mảnh đất thừa, các KTS khéo léo tạo nên phần hiên nhỏ làm nơi để xe
Ở mặt sau của khu đất, một khoảng trống không vuông vức được tạo ra, KTS dựng một tấm bê tông treo cách mặt đất 70cm với một khu vườn gồm những cây treo nhỏ
Thiết kế này cho phép ánh sáng, thông gió và tạo chiều sâu cho nhà bếp và phòng ăn vốn khá bé và hẹp
Ở tầng 2, không gian được tối ưu cho phòng ngủ, tạo ra nhiều diện tích sử dụng hơn
Tầng 3 là không gian phơi đồ
Với thiết kế này, KTS đã giải quyết được bài toán về hình dạng mảnh đất mà không ảnh hưởng đến các chức năng cơ bản cần thiết của ngôi nhà
Nội thất thông minh cho ngôi nhà hẹp
Với diện tích không lớn, nội thất của Bình House được thiết kế thông minh và khéo léo để vẫn đủ các chức năng nhưng vẫn không quá chật chội, ngột ngạt.
Với diện tích nhỏ, màu sắc tổng thể của Bình House là màu trắng tạo nên hiệu ứng thị giác, giúp không gian dường như thoáng và rộng hơn
Bộ sofa xám giản dị cùng chiếc kệ gỗ cũ kỹ làm căn phòng vừa hiện đại, lại cổ điển
Điểm nhấn của phòng khách là bức tường sơn màu vàng mù tạt hiện đại, cùng những món nội thất như kệ, cửa cổ điển khá thú vị
Bức tường cây mang thiên nhiên gần hơn với không gian bên trong
Những chiếc mặt nạ trang trí, nội thất gỗ đơn giản hay bức tường gạch rỗng, tất cả đều mang hơi hướng của vùng quê Bắc Bộ
Không sử dụng vách ngăn cứng nhắc và nặng nề, KTS khéo léo thay đổi chất liệu từ tường sơn sang tường gạch nhám chính, tạo sự chuyển tiếp độc đáo giữa phòng khách và bếp ăn
Phòng bếp được thiết kế đơn giản với những tủ kệ gỗ ấm áp cùng bàn ăn kính giúp căn phòng trông thanh thoát và nhẹ nhàng hơn
Bộ bàn ghế với những chiếc ghế da màu sắc vui mắt tạo điểm nhấn cho căn phòng này, cũng thể hiện phần nào tính cách của gia chủ
Tại phòng ngủ trên tầng 2, để “khéo giấu” những góc cạnh của mảnh đất, các món nội thất đặt làm riêng đã được sử dụng để “lấp” vừa những cạnh này mà không làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Một chiếc tủ kệ kết hợp cùng chỗ ngồi nhìn ra cửa sổ vừa khít với góc cạnh không vuông vắn
Tủ quần áo cũng được thiết kế riêng để khắc phục khuyết điểm không vuông vức của ngôi nhà
Với sự sáng tạo không ngừng nghỉ, các KTS đã giúp gia chủ giải được bài toán khó trên mảnh đất đặc biệt này. Bình House mang sự mộc mạc rất phù hợp với không gian sống vùng ngoại ô, và là nơi dừng chân lý tưởng cho chủ nhà sau những bộn bề, căng thẳng trong cuộc sống.
Thông tin công trình:
Tên công trình: Bình House
Địa điểm: Hoà Lạc, Thạch Thất, Hà Nội
Đơn vị thiết kế: Landmak Architecture
Kiến trúc sư chủ trì: KTS. Tạ Tiến Vĩnh, KTS. Trương Tuấn Chung
Nhóm cộng sự: Lê Minh Hoàng, Ngô Hùng, Trần Việt Phú, Nguyễn Thị Thảo, Vũ Nam Sơn, Phạm Đình Hanh, Đặng Việt Anh
Nội thất: Lava Furni
Năm hoàn thiện: 2016
Ảnh: Lê Anh Đức
Bài viết: Nga An