Bài toán các kiến trúc sư cần giải của công trình này là trên một mảnh đất hẹp, giữa những toà nhà cao tầng, làm sao để tạo nên một không gian thoải mái, sáng sủa?
Bất động sản ở các thành phố lớn ngày càng đắt đỏ, chính vì thế, nhiều gia đình ở Nhật đã chọn lựa việc dọn ra những khu vực ngoại ô để có không gian thoải mái hơn. Tuy nhiên, một số khác lại chọn việc cải tạo những mảnh đất nhỏ, với hình dạng đặc biệt, ở gần trung tâm thuận tiện cho giao thông hoặc tiện nghi. Những mảnh đất này thường khá rẻ.
Mountain House nằm trên một mảnh đất khá hẹp với chiều rộng khoảng 4.2m và chiều sâu lên đến 18m, giữa hai tòa nhà cao tầng. Phương án cải tạo mảnh đất này là một bài toán khó.
Sau khi khảo sát thực địa, các kiến trúc sư quyến định biến nơi đây trở thành một văn phòng làm việc với thiết kế mở, rộng rãi và đầy đủ tiện nghi. Tuy nhiên, gia chủ vẫn muốn nơi đây có không gian dành cho việc nghỉ ngơi như một căn hộ.
Các kiến trúc sư đã lên kế hoạch thiết kế hai lối vào nhà và văn phòng trên một bố cục hình chữ nhật để giảm thiểu các không gian hành lang có thể làm giảm diện tích sàn, vốn đã hẹp.
Trong thiết kế công trình này, cầu thang được đặt ở trung tâm, tạo nên vách ngăn khéo léo phân chia không gian thành khu văn phòng và không gian sống với các công năng: phòng tắm, phòng ngủ.
Cầu thang được đặt ở trung tâm ngôi nhà, phân chia hai phân khu chức năng.
Dù nằm giữa hai tòa nhà, dường như bị lấy hết ánh sáng mặt trời nhưng căn nhà Mountain House vẫn rất đầy đủ ảnh sáng, nhờ vào những tấm kính cửa sổ đặt ở các tầng trong ngôi nhà. Chất liệu gỗ màu vàng ấm áp sử dụng toàn công trình, từ sàn tới trần và tường tạo nên một không gian sáng sủa và ấm cúng.
Khu văn phòng được thiết kế hiện đại và thân thiện nhưng không mất đi sự chuyên nghiệp. Những giá sách lớn bằng gỗ dùng để lưu trữ tài liệu cùng không gian làm việc mở nhưng vẫn rất riêng tư cho từng cá nhân.
Các trang thiết bị của văn phòng như máy in, tủ tài liệu được trang bị đầy đủ và đáp ứng tốt nhất nhu cầu làm việc. Bên cạnh đó, nhân viên còn có thể treo xe đạp lên phần cửa giữa hai phòng, vô cùng tiện lợi.
Khu vực chuyển tiếp giữa văn phòng và không gian sinh hoạt được trang trí sinh động với một bức tranh chú chó dễ thương.
Do diện tích khá hạn chế nên bất cứ khu vực nào cũng có thể trở thành không gian lưu trữ. Ví dụ bức tường ở phía cầu thang được thiết kế thành một giá sách gọn gàng, ngăn nắp.
Không gian sống được thiết kế với nội thất tối giản và gam màu nâu trầm tạo nên không gian ấm áp mà vẫn hiện đại. Các phân khu chức năng hầu như đều được thiết kế mở trên một mặt sàn.
Thiết kế phòng bếp của căn Mountain House tuy nhỏ nhưng đầy đủ các chức năng lưu trữ, nấu nướng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh hoạt của gia chủ.
Căn bếp nhỏ nhưng rất đầy đủ chức năng như bàn bếp, tủ lạnh, bồn rửa.
Điểm nổi bật nhất của căn Mountain House là hệ thống đèn điện. Kiến trúc sư không sử dụng một đèn lớn cho từng khu vực mà sử dụng các bóng đèn nhỏ chiếu sáng bộ phận. Điều này làm Mountain House luôn có rất nhiều ánh sáng và không bị cảm giác tối.
Thiết kế của căn Mountain House khá đơn giản nhưng lại hiệu quả và phù hợp với những mảnh đất nhỏ. Đây cũng là một trong những xu hướng và phương án thiết kế trong thời đại mới.
Thông tin công trình
Tên công trình: Mountain House
Đơn vị thiết kế cấu trúc: Ladderup Architect
Đơn vị thi công: Gekko
Đơn vị hợp tác thiết kế: +Architects
Địa điểm: Osaka, Nhật Bản
Diện tích mặt bằng: 68.05m2
Tổng diện tích sản: 97.12m2
Số tầng: 2 tầng + 1 gác xép
Chất liệu: Gỗ
Thời gian thiết kế: 11/2017 – 04/2019
Thời gian thi công: 01 – 05/2019
Ảnh: Kaoru Yamada
Bài viết: Nga An