ECV là một ngôi nhà song lập nằm trong quần thể cách xa trung tâm thành phố và nhiều cây xanh. Ở đây, gia chủ như được cân bằng lại bởi cuộc sống hàng ngày ở đô thị với còi xe, khói bụi, tiếng ồn và đầy căng thẳng. Trẻ nhỏ được tự do phát triển, vui đùa và cùng nhau khám phá thiên nhiên kỳ thú.
Đưa không gian xanh vào sâu bên trong cấu trúc của ngôi nhà
Chủ nhân của căn biệt thự ECV là một cặp vợ chồng trẻ. Họ đã tìm đến các KTS văn phòng AHL Architects với một mong muốn thực sự nghiêm túc về ngôi nhà. Họ yêu thích sự lãng mạn và muốn ngôi nhà thể hiện điều đó nhưng không cần phô diễn hay giải thích nhiều.
ECV là một biệt thự song lập nằm trong quần thể cách xa trung tâm thành phố và có nhiều cây xanh
Dựa trên những mong muốn đó, KTS đã đưa ra phương án nối dài, mở rộng không gian sân vườn, đưa cây xanh hiện có của khu đô thị vào sâu bên trong cấu trúc nhà, biến khu vực này thành không gian sinh hoạt trung tâm của gia đình. Ở đây chính là khu vực ăn uống, KTS đặt một bộ bàn ăn vừa đủ cho sinh hoạt. Các không gian sinh hoạt chung như phòng khách, nhà bếp, lối đi được bố trí xung quanh khu vực này.
Khu vực bàn ăn chính là khu vực trung tâm với tầm nhìn hướng ra khu vườn xanh mát phía ngoài
Toàn bộ các không gian này đều có hướng nhìn trực tiếp ra sân vườn bên ngoài qua hệ cửa kính trục xoay cao 5.5m. Cách xử lý tài tình này còn biến không gian sử dụng thành nửa trong nhà, nửa ngoài trời đầy thú vị.
Hệ cửa trục xoay cao giúp ánh sáng, nắng gió dễ dàng lan tỏa vào từng không gian nhà
Gia chủ có thể dễ dàng điều chỉnh hệ cửa chỉ bằng vài thao tác đơn giản
Chỉ cần mở cửa, ranh giới giữa không gian bên trong và bên ngoài dường như bị xóa nhòa
Phòng khách được thiết kế mở giúp gia chủ dễ dàng di chuyển ra khu vực ăn uống
Bên trên là khối phòng ngủ master và khối nhà-trẻ-con. Khối phòng ngủ master của bố mẹ được thiết kế là một không gian tiêu chuẩn nhưng khối nhà-trẻ-con lại đầy phá cách và kích thích sự tìm tòi, khám phá và vận động của trẻ.
Khối nhà-trẻ-con giống như một ngôi nhà nhỏ trong 1 ngôi nhà lớn với 1 trệt và 1 lửng
Toàn bộ phần sàn bê tông hiện có bị phá bỏ, thay vào đó là khối nhà nhỏ với 1 trệt và 1 lửng gồm không gian ngủ, học, chơi, thư viện, vệ sinh của 2 bé. Khu vực này chủ yếu sử dụng khung kết cấu gỗ, bao phủ phía trên là vật liệu trong mờ. Tất cả các chức năng đều được phát triển quanh một chậu cây được tạo bởi 4 thớt bê tông không định hình. Ở đây, KTS cũng không quên đặt thêm một chiếc cầu thang để các bé có thể leo trèo, di chuyển lên không gian phía trên.
Không gian ngủ, học tập đều xoay quanh chậu cây được tạo thành bởi 4 thớt bê tông giống như ruộng bậc thang vậy
Những hạt nắng vàng xuyên qua tán cây và vương trên nền bê tông đầy lãng mạn
Chỉ cần leo lên cầu thang, các bé có thể tiếp cận khu vực gác lửng
Đâu đâu trong nhà cũng trở thành chỗ vui chơi và viết nên kí ức tuổi thơ của các bé
Bê tông, Gạch, Gỗ tạo nên nét mộc mạc, đơn giản mà nhẹ nhàng
Phải nói, trong ECV KTS đã tiết chế vật liệu, màu sắc vừa đủ và đầy tinh tế. Màu trầm của bê tông bao phủ hai khối nhà như vừa hòa quyện, vừa phân chia không gian. Nền nhà bằng gạch đỏ ở khu vực trung tâm khi kết hợp với nắng gió tự nhiên giống như một khoảng sân trong nhà vậy. Còn Gỗ được sử dụng làm chậu cây, làm hệ khung cho khối nhà trẻ em, làm đồ nội thất… đồng màu với màu của gạch.
Bê tông chẳng hề khô cứng hay lạnh lẽo mà cũng tình lắm khi có những vạt nắng vương trên mình
Khu vực trung tâm giống như một khoảng sân nhỏ trong nhà, đó có thể là nơi cả gia đình quây quần ăn uống, là nơi để trẻ nhỏ chơi đùa hay để mẹ đọc sách
Chẳng còn xô bồ, ào ã và căng thẳng ngoài kia. ECV thực sự là nơi bình yên để trở về
Không cần trồng cây lớn đắt tiền, không sử dụng đồ nội thất hiện đại, không nổi bật như nhiều ngôi nhà khác, ECV ẩn mình sau nhiều lớp cây xanh một cách nhẹ nhàng và bình yên vậy thôi.
Thông tin công trình:
Thiết kế: AHL Architects
KTS phụ trách: Lê Hoàng
Địa chỉ: Ecopark Hưng Yên
Hoàn thành năm: 2018
Nhà thầu: Gialong (gỗ tự nhiên), HPro (Polycabonate), Croted (Ánh sáng), Viet Beton Art (bê tông mài), Ngọc Trang (Thép), BTNaircon… và nhiều đơn vị khác
Hình ảnh: Triệu Chiến
Nguồn thông tin: AHL Architects
Bài viết: Khánh An