Rau xanh là nguồn thực phẩm thiết yếu trong chế độ ăn uống hằng ngày. Tuy nhiên, với sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác nông nghiệp hiện nay, không ít loại rau quen thuộc đang trở thành “ổ chứa” hóa chất nếu không được xử lý đúng cách trước khi ăn.
Rau muống – loại rau quen mặt nhưng ẩn chứa nhiều nguy cơ
Rau muống là món ăn phổ biến trong mọi gia đình Việt, từ bữa cơm bình dân đến bữa tiệc sang trọng. Với đặc tính dễ trồng và cho thu hoạch nhanh, loại rau này gần như có mặt quanh năm. Tuy nhiên, chính vì sinh trưởng trong môi trường bùn nước nên khi người trồng sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc rất dễ tồn dư lâu trong đất và nước, từ đó thẩm thấu lên thân và lá.
Điều đáng lo ngại là dù rửa kỹ bao nhiêu lần, thuốc trừ sâu vẫn khó có thể loại bỏ hoàn toàn khỏi rau muống. Do đó, rau muống là loại rau thường xuyên bị xếp vào danh sách có nguy cơ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao nhất.
Rau muống dễ ngấm thuốc từ đất và nước, là loại rau có nguy cơ tồn dư hóa chất rất cao nếu trồng không kiểm soát.
>>> Xem thêm: 9 mẹo bếp núc hữu ích giúp nấu ăn ngon và nhanh hơn
Rau cần – rau sạch hay rau hóa chất?
Rau cần có hai loại chính: cần cạn và cần nước. Trong đó, loại cần nước thường được trồng ở ao hồ, ruộng ngập, dễ nhiễm vi sinh vật và trứng giun sán hơn. Để rau không bị sâu hại, người trồng thường phun nhiều hóa chất, đặc biệt là trong giai đoạn gần thu hoạch.
Dấu hiệu nhận biết rau cần dùng nhiều hóa chất là thân trắng bất thường, ngó phình to, và lá xanh mướt bất thường. Nếu để ý kỹ, bạn có thể thấy rau cần sạch sẽ có độ héo nhẹ nếu không được nhúng nước thường xuyên, còn rau phun thuốc thì luôn tươi bóng dù không tưới.
Rau cần, nhất là cần nước, thường được phun hóa chất để giữ độ tươi, dễ ngấm thuốc nếu không rửa kỹ.
Súp lơ – rau “kín đáo” nhưng không an toàn
Cấu trúc đặc biệt của súp lơ, dù trắng hay xanh, khiến nó trở thành loại rau “dễ mắc kẹt” thuốc trừ sâu nhất. Với các lớp bông xếp khít nhau, thuốc bảo vệ thực vật, trứng côn trùng và bụi bẩn dễ bị giữ lại trong các khe hở, rất khó rửa sạch nếu chỉ dùng nước lạnh thông thường.
Không những vậy, để đảm bảo bông cải không bị sâu bệnh trong thời gian gần thu hoạch – thời điểm nhạy cảm với chất lượng sản phẩm – người trồng thường tăng cường lượng thuốc bảo vệ thực vật, khiến súp lơ càng trở nên “đáng lo ngại” hơn.
Súp lơ với kết cấu bông dày dễ giữ lại dư lượng thuốc trừ sâu, cần sơ chế kỹ trước khi sử dụng.
>>> Xem thêm: 9 loại rau củ không nên bảo quản cùng nhau để giữ tươi lâu và tránh nhanh hỏng
Cách rửa rau củ để giảm dư lượng thuốc trừ sâu
Dưới đây là một số phương pháp hiệu quả để rửa rau củ, loại bỏ tối đa hóa chất, vi khuẩn và bụi bẩn:
- Rửa dưới vòi nước lạnh: Rửa trực tiếp và chà nhẹ bằng tay hoặc bàn chải mềm, giúp loại bỏ lớp bẩn bên ngoài.
- Ngâm nước muối: Pha 1-2 thìa muối vào 1 lít nước, ngâm 10–15 phút rồi rửa lại bằng nước sạch.
- Ngâm nước giấm: Pha loãng giấm trắng với nước theo tỷ lệ 1:3, ngâm khoảng 10–15 phút để loại bỏ vi khuẩn và thuốc trừ sâu.
- Dùng baking soda: Pha 1–2 thìa baking soda vào 1 lít nước, ngâm rau củ 10–15 phút trước khi rửa sạch lại.
- Sử dụng nước rửa chuyên dụng: Trên thị trường có nhiều sản phẩm chuyên biệt để làm sạch rau củ, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn và chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.
Rau xanh rất tốt cho sức khỏe, nhưng nếu không được sơ chế đúng cách, một số loại rau dễ “ngậm” thuốc trừ sâu lại có thể trở thành tác nhân gây hại. Hãy lựa chọn rau sạch từ nguồn uy tín, đồng thời kết hợp các cách rửa rau phù hợp để bảo vệ sức khỏe cả gia đình.
Nguồn: CafeBiz
*Để lại thông tin trong box dưới đây, Happynest sẽ giúp bạn kết nối đơn vị thiết kế - thi công phù hợp và nhanh chóng nhất.