Có một kiểu kiến trúc vừa giúp ngôi nhà của bạn đón được nhiều ánh nắng nhưng lại không nóng, đồng thời hứng được nhiều gió và giúp giảm tiêu thụ điện năng sử dụng máy lạnh.
Trải nghiệm bài viết và hình ảnh mượt mà hơn với ứng dụng Happynest tại đây. |
Theo kiến trúc sư người Pháp Charles Gallavardin, việc thông gió tự nhiên và hạn chế ánh nắng mặt trời là 2 trong số những tiêu chí cơ bản của kiến trúc sinh khí hậu, loại kiến trúc có khả năng giúp cắt giảm máy lạnh đáng kể.
Kiến trúc này cung cấp các thiết kế dựa trên nghiên cứu tác động của điều kiện khí hậu lên con người, ví dụ như thiết kế nhà ở theo hướng gió chính, hướng nắng nhằm chống nóng, chống ẩm…
“Có một vòng tròn luẩn quẩn là bạn càng sử dụng máy lạnh nhiều, khí hậu lại càng nóng bức, khí hậu càng nóng bức thì bạn lại phải xài máy lạnh nhiều”, Charles chia sẻ về thực trạng thành phố Hồ Chí Minh - “Dẹp hẳn máy lạnh là một hành trình lâu dài, tuy nhiên, với những ngôi nhà được thiết kế thông gió tự nhiên, bạn sẽ chỉ phải bật điều hòa vào buổi chiều lúc trời nóng, hoặc là bật 24-25 độ, thay vì 18 độ, là cũng đủ mát rồi”.
Một trong những công trình nổi bật của Charles là khu chung cư tái định cư Lò Gốm ở quận 6. Khu chung cư Lò Gốm được đài CNN giới thiệu như là một điển hình trong “cuộc chiến” nhằm giảm tiêu thụ máy lạnh ở thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Ngọc Đông (Tuổi trẻ)
Theo KTS Charles Gallavardin, lối kiến trúc sinh khí hậu đã được người Việt Nam áp dụng từ lâu, đặc biệt là ở các vùng quê và Hội An, với mái ngói xếp lớp giúp hơi nóng lưu thông lên trên, mái hiên rộng, cùng sân trước và sân sau giúp không khí đối lưu dễ dàng.
>>> Xem thêm: Tại sao không nên xây nhà hết diện tích đất? Tư vấn chi tiết từ 3 kiến trúc sư
Ngoài ra, kiểu kiến trúc này cũng có thể được nhìn thấy ở nhiều tòa nhà xây dựng từ thập niên 1970 tại Sài Gòn.
Hiện nay, ở các thành phố, do mật độ dân cư cao cùng đất đai đắt đỏ, người dân có xu hướng xây nhà san sát và dính lưng vào nhau để tận dụng hết diện tích đất của mình.
Điều này vô tình chặn đứng đường lưu thông của không khí, làm ngôi nhà trở nên bức bách, theo KTS Charles Gallavardin.
Theo quan điểm của anh, không cần phải tận dụng hết diện tích đất đai, mà quan trọng là xây dựng sao cho hợp lý và khoa học, đủ không gian sống và mát mẻ, ví dụ có thể chừa một khoảng nhỏ sau nhà.
“Ở Châu Âu, các ngôi nhà không xây dính lưng nhau mà chừa một khoảng sân sau cho gió lùa từ trước ra sau nhà”, KTS Charles giải thích.
Thiết kế thông gió và chống nắng của chung cư Lò Gốm - Ảnh: T3 Architecture Asia
KTS Charles Gallavardin - Ảnh: Ngọc Đông (Tuổi trẻ)
“Với khí hậu nhiệt đới như ở Sài Gòn, việc xây hành lang và ban công rất quan trọng, đó là cách tốt nhất bảo vệ căn hộ ở tầng cao của bạn dưới ánh nắng mặt trời”, anh nói thêm.
Charles Gallavardin cho biết anh rất lấy làm khó hiểu khi rất nhiều tòa nhà cao tầng ở thành phố Hồ Chí Minh ốp kính hết các mặt, một điều anh cho là rất “kinh khủng” trong khí hậu nhiệt đới ở đây.
>>> Xem thêm: Thiết kế lối đi dọc nhà - bí quyết giúp 10 căn nhà Việt thoáng mát hơn hẳn trong những ngày hè
Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng, Hội Kiến trúc sư TP.HCM, cũng nhận định đây không phải là lối kiến trúc mới ở Việt Nam, chỉ là khuynh hướng mới trong thời điểm hiện tại.
“Trước năm 1975, ở khu Thanh Đa người ta cũng làm hàng loạt chung cư như vậy, cao nhất là 5 tầng, có hành lang bao quanh nhà, ở giữa hai khối nhà còn có khe giếng trời”, KTS Ngọc Dũng chỉ ra.
Tuy nhiên, lý do lớn khiến thành phố hiện nay khó áp dụng lối thiết kế này là do đất đai quá đắt.
“Ai cũng muốn hành lang bao xung quanh để thông thoáng, nhưng mà đất đắt quá thì làm sao, nên thường người ta phải tiết kiệm”, ông Dũng giải thích. “Khoảng 40 năm trở lại đây, nhà phố tràn ngập vì lí do tiết kiệm là chính, người ta tận dụng buôn bán mặt tiền, tận dụng chỗ ở, chính vì vậy mà làm thành phố càng ngày càng nóng bức lên”.
“Thêm nữa là khí hậu nóng phải làm tường dày để chống nhiệt, trước đây tường nhà thường được xây dày từ 2 đến 3 tấc, bây giờ vì tiết kiệm nên người ta chỉ xây tường dày 1 tấc, tấc đất tấc vàng mà, chính điều đó khiến cho ngôi nhà bị ẩm thấp và nóng”.
Theo Ngọc Đông (Tuổi trẻ)
Quan điểm của bạn về vấn đề trên như thế nào? Chia sẻ ngay ý kiến của bạn tại đây để kết nối với cộng đồng yêu nhà đẹp trên nền tảng Happynest nhé. Nếu đây là lần đầu bạn đăng bài, hãy tham khảo trước tài liệu này để hiểu rõ hơn về các thể loại bài đăng, tips giúp bài đăng được duyệt nhanh và thu hút sự chú ý nhất từ cộng đồng. Mọi thắc mắc về việc đăng bài hoặc chỉnh sửa bài, xin vui lòng liên hệ địa chỉ email info@happynest.vn, hoặc phản hồi trực tiếp qua fanpage Happynest để được hỗ trợ và tư vấn kịp thời. |