Giải pháp khắc phục mái tôn kêu khi trời nắng

    Cập nhật ngày 14/01/2023, lúc 09:0012.935 lượt xem

    Nhiều gia chủ hoang mang trước hiện tượng mái tôn kêu khi trời nắng nóng. Trong bài viết này, hãy cùng Happynest tìm hiểu về các loại mái tôn, nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng mái tôn kêu khi trời nắng nhé.

    Trải nghiệm bài viết và hình ảnh mượt mà hơn với ứng dụng Happynest tại đây.

    1. Mái tôn là gì? Có những loại mái tôn nào?

    1.1. Mái tôn là gì?

    Tôn là một loại vật liệu xây dựng làm từ hợp kim của thép và 1 số kim loại khác, có tác dụng tương tự như ngói. Tôn thường được sử dụng để lợp mái nhà, mái công trình xây dựng… giúp bảo vệ phần mái khỏi những yếu tố tác động từ môi trường hay ngoại cảnh như nắng, mưa, gió, vật thể lạ… 

    Ngoài ra, một số loại tôn còn có tác dụng cách nhiệt, chống nóng, hạn chế khả năng hấp thụ nhiệt độ, ánh nắng mặt trời chiếu xuống ngôi nhà.

    Mái tôn là một trong các loại mái che được làm từ tôn lợp, ngày càng được sử dụng phổ biến và dần thay thế cho mái ngói, mái bê tông. Với đặc điểm là nhẹ, dễ dàng vận chuyển, có khả năng chống gỉ và độ bền cao, làm mái tôn là giải pháp thi công nhanh, dễ dàng, tiết kiệm thời gian và chi phí.

    Mái tôn ngày càng được ưa chuộng, thay thế mái ngói, mái bê tông nhờ nhiều ưu điểm vượt trội

    1.2. Có những loại mái tôn nào?

    Có thể phân loại mái tôn dựa trên các tiêu chí như màu sắc, kiểu dáng, cấu tạo, chất liệu. Nếu phân loại mái tôn theo cấu tạo thì có 3 loại chính là: tôn thường 1 lớp, tôn 2 lớp và tôn 3 lớp. Nếu phân loại mái tôn theo chất liệu thì có 3 loại: tôn nhôm, tôn inox và tôn thép (tôn mạ kẽm, tôn mạ hợp kim nhôm kẽm...). 

    Nhìn chung, trên thị trường hiện nay có 5 loại tôn lợp mái được sử dụng phổ biến nhất:

    Tôn lạnh

    Tôn lạnh là loại vật liệu có khả năng phản xạ tốt với tia nắng mặt trời nhờ cấu tạo đặc biệt của bề mặt tôn. Thường các công trình sử dụng loại tôn lạnh nhằm mục đích chống nóng, giảm lượng nhiệt hấp thụ từ các tia nắng vào nhà hay xưởng giúp cho không gian bên trong mát mẻ hơn.

    Tôn lạnh có cấu tạo với 2 lớp: 1 lớp tôn và 1 lớp mạ ở trên bề mặt. Điểm đặc biệt của tôn lạnh chính là ở lớp mạ gồm có 55% là nhôm, 43,5% là kẽm và còn lại là silicon. Nhôm có trong lớp mạ tạo nên 1 lớp màng ngăn cách cơ học với môi trường bên ngoài, giúp chống lại tác động của điều kiện khí hậu khác nhau. Thành phần kẽm bảo vệ điện hóa hy sinh cho kim loại nền, giúp bảo vệ những chỗ mép cắt hay các vết trầy xước không bị gỉ sắt khi tiếp xúc với nước, hơi ẩm. 

    Bởi những ưu điểm này mà tôn lạnh được đánh giá là loại tôn bền, có tuổi thọ cao gấp 4 lần so với tôn kẽm trong cùng 1 điều kiện môi trường. Loại tôn này được sử dụng khá nhiều cho các công trình (nhà dân dụng, nhà xưởng,..), là loại vật liệu kháng nhiệt tốt nhất hiện nay.

    Tôn lạnh có đặc điểm là nhẹ, bền, chống nóng, chống ăn mòn tốt

    Tôn cách nhiệt (tôn mát)

    Tôn cách nhiệt không chỉ tác dụng cách nhiệt, chống nóng giống như tôn lạnh mà còn có khả năng chống ồn.

    Tôn cách nhiệt được cấu tạo bởi 3 lớp: lớp tôn bề mặt, lớp PU và lớp PP/PVC. Hoặc một số loại có cấu tạo là tôn, xốp và màng PVC.

    - Lớp tôn bề mặt được tráng 1 lớp polyester để tạo độ bóng và bảo vệ màu sơn của tấm tôn lợp trông luôn như mới.

    - Lớp PU có tác dụng chống ồn, cách âm, cách nhiệt tốt hơn so với các sản phẩm cùng loại. Đây là tập hợp dày đặc các polyurethane tạo nên liên kết bền vững giúp tăng hiệu quả của các tính năng hơn.

    - Lớp PVC dưới cùng giúp hạn chế khả năng cháy và mang lại giá trị về thẩm mỹ cao.

    Cấu tạo 3 lớp của tôn PU cách nhiệt

    >>> Xem thêm: Gợi ý TOP vật liệu chống nóng cho nhà ở vừa rẻ, vừa hiệu quả

    Tôn mạ kẽm

    Tôn mạ kẽm còn được gọi là tôn kẽm, tôn mạ màu, là vật liệu được làm bằng các tấm thép mạ hợp kim có chứa 100% kẽm, độ dày lớp kẽm đạt từ 0,12 micro đến 0,18 micro, bề mặt tôn nhẵn, có độ bóng.

    Có 2 loại tôn mạ kẽm là loại cứng và loại mềm, tùy theo nhu cầu sử dụng mà người tiêu dùng có thể lựa chọn tôn mạ kẽm khác nhau.

    Tôn mạ kẽm có nhiều ưu điểm nổi bật như: nhẹ, dễ dàng di chuyển, có tính thẩm mỹ, dễ tháo dỡ, dễ sử dụng,…

    Nhược điểm của loại tôn này là trên bề mặt chỉ có một lớp sơn mỏng khiến tôn dễ bị oxi hóa trong quá trình sử dụng nên tuổi thọ khá ngắn.

    Tôn mạ kẽm thường chỉ có 1 lớp sơn mỏng không màu bao phủ bên ngoài lớp mạ kẽm

    Tôn mạ kẽm được ứng dụng nhiều trong các ngành điện tử, gia dụng, quảng cáo,... Vật liệu này thường được dùng để chế tạo vỏ tủ lạnh, máy giặt, máy vi tính, hệ thống thoát nước, thông gió, chế tạo các chi tiết phụ tùng xe máy, ô tô, hoặc dùng làm bảng hiệu, biển quảng cáo ngoài trời. 

    Trong xây dựng, tôn mạ kẽm thích hợp cho việc chế tạo vách ngăn, tấm chắn, các loại cửa cuốn, cửa kéo, mái nhà tạm, nhà tiền chế,...

    Tôn cán sóng

    Tôn cán sóng còn có tên gọi là tôn đổ sàn, được sản xuất theo công nghệ NOP, sử dụng nguồn nguyên liệu chính là tôn kẽm. Tôn cán sóng có bề mặt nhẵn mịn, khả năng chống được sự ăn mòn của kim loại.

    Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại tôn cán sóng phù hợp với nhu cầu xây dựng khác nhau của các gia chủ như: tôn 5 sóng, 7 sóng, 9 sóng, 11 sóng, tôn cliplock, tôn seamlock, tôn cán sóng vuông, tôn sóng tròn, tôn sóng ngói, tôn cán sóng ngói.

    Tôn 5 sóng vuông có thiết kế chắc chắn, các đường cán sóng giúp tăng tính thẩm mỹ cho công trình

    Tôn cán sóng chuyên dùng để lợp mái nhà, lợp mái công trình, các kho bãi hay các xí nghiệp… Đây là loại tôn mạ kẽm được phủ một lớp sơn trên bề mặt nên rất đảm bảo về tính thẩm mỹ cho mái nhà và các công trình xây dựng.

    Tôn giả ngói

    Tôn giả ngói, tên gọi khác là tôn sóng ngói, là loại tôn được thiết kế với bề mặt giống y như ngói thật, có các kích thước, kiểu dáng, màu sắc và khối lượng không khác gì ngói thật.

    Mẫu tôn giả ngói với phần sóng mô phỏng ngói thật

    Tôn giả ngói được cấu tạo bởi các lớp sau: 

    - Lớp tôn bề mặt: là lớp có độ dẻo tốt, bề mặt có độ bóng và độ bền màu cao.

    - Lớp PU: đây là lớp có khả năng cách nhiệt, được làm từ Polyurethane, lớp PU này còn dùng để cách âm và cách nhiệt ở đồ gia dụng khác như lò vi sóng, bình nước nóng, tủ lạnh…

    - Lớp lụa PP/PVC: đây là lớp nằm dưới bề mặt của tôn, giúp bảo vệ tôn khỏi các tác nhân gây cháy, đồng thời làm cho lớp tôn giả ngói trở nên đẹp mắt hơn.

    Tôn giả ngói dùng để lợp mái cho các nhà nhiều mái, các khu biệt thự, hay các ngôi nhà có mái dốc để tạo nên cấu trúc bề ngoài cảm tưởng giống như dùng ngói thật cho mái nhà. So với các loại tôn thông thường thì tôn thường thì tôn giả ngói tạo ra sự sang trọng cho ngôi nhà và mang tính thẩm mỹ cao hơn.

    2. Ưu - nhược điểm của mái tôn

    2.1. Ưu điểm của mái tôn

    Độ bền cao

    Mái tôn có tuổi thọ khá lớn. Nếu thi công đúng kỹ thuật, tuổi thọ của chúng có thể đạt từ 20-40 năm, gần bằng tuổi đời của một ngôi nhà. Do vậy, sử dụng tôn làm mái cũng là một cách đầu tư tiết kiệm chi phí cho ngôi nhà của bạn.

    Kháng nhiệt, chống nóng hiệu quả

    Từ lâu, tôn đã dần thay thế cho tấm lợp Fibro - Xi măng nhờ vào khả năng làm mát và độ bền cao. Tôn, đặc biệt là tôn lạnh có khả năng phản xạ ánh sáng rất tốt, hạn chế tối đa việc hấp thụ nhiệt. Điều này giúp cho lượng nhiệt bị truyền vào nhà càng ít, khiến không gian bên trong luôn mát mẻ, đặc biệt cần thiết với nhà phố, nhà ống, nhất là vào mùa hè. Vào ban đêm, lượng nhiệt giữ lại trong tôn cũng bị tiêu biến khá nhanh, nhờ đó mà việc làm mát lại cho ngôi nhà cũng nhanh hơn những vật liệu khác.

    Khả năng chống ăn mòn cao

    Lớp mạ phun sơn ở bề mặt tôn không chỉ có tác dụng làm đẹp, giúp tăng tính thẩm mỹ cho ngôi nhà mà còn là một màng bọc bảo vệ, bao phủ giúp hạn chế tác động của thời tiết, chống hoen gỉ cho mái tôn. Khi trời mưa hay tôn bị ướt, thành phần kẽm trong lớp mạ sẽ tạo ra hợp chất điện hóa, bảo vệ phần mép bị cắt hay chỗ trầy xước của tôn.

    Trọng lượng nhẹ, lắp đặt nhanh chóng, dễ dàng

    Mái tôn thường có trọng lượng nhẹ, chỉ bằng khoảng 1/10 so với các loại ngói. Vì có trọng lượng nhẹ và cấu tạo khá đơn giản nên tiết kiệm được rất nhiều trong việc xây dựng kết cấu thép và các cấu trúc hỗ trợ khác.

    Dễ dàng thoát nước và không bị ngấm nước

    Do có bề mặt trơn cứng nên mái tôn sẽ không bị ngấm nước và còn thoát nước rất nhanh chóng.

    >>> Xem thêm: Điểm qua một số nguyên nhân và giải pháp chống dột mái tôn hiệu quả

    Mẫu mã đa dạng với nhiều công dụng

    Hiện nay trên thị trường, tôn được chia ra thành rất nhiều loại, đa dạng cả về giá cả, màu sắc, công dụng. So với chất lượng và tuổi đời của mái tôn thì giá thành như vậy sẽ giúp chủ đầu tư tiết kiệm được chi phí. Tốn ít vật tư đi kèm, dễ dàng lắp đặt.

    2.2. Nhược điểm của mái tôn

    Dễ gây tiếng ồn

    Đây là nhược điểm lớn nhất của loại vật liệu này. Đặc biệt là ở Việt Nam - nơi có lượng mưa lớn, những cơn mưa lớn trút xuống mái tôn gây ra tiếng ồn rất lớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình, đặc biệt là trong thời gian nghỉ ngơi. Tuy nhiên, bạn cũng đừng lo lắng quá vì vấn đề này có thể được khắc phục bằng việc sử dụng thêm các vật liệu cách âm như bông thủy tinh Glasswool, bông khoáng Rockwool.

    Dễ bị móp

    Khi gặp điều kiện thời tiết xấu như xuất hiện mưa đá to, hạt lớn, mái tôn dễ có khả năng bị móp khi đá rơi vào và gây tiếng ồn lớn.

    Có thể bị tốc mái đối với những vùng có thiên tai

    Thiên tai cụ thể như gió to, mưa bão, lốc… có thể khiến mái tôn bị tốc nhưng chủ yếu thường xuất hiện ở khu vực mái che sân, hiên và hiện tượng thời tiết này cũng không thường xuyên xuất hiện.

    3. Cấu tạo của mái tôn

    Chi tiết cấu tạo của mái tôn bao gồm:

    - Hệ thống khung: Đây là phần có tác dụng chống đỡ, chịu lực cho toàn bộ hệ thống mái tôn. Vì vậy, muốn mái tôn được chắc chắn thì phần khung phải được thi công thật cẩn thận. Hệ thống khung này thường được làm bằng sắt, thép.

    - Hệ thống kèo: Đây là các vỉ sắt (thép) có nhiều kích thước khác nhau, có tác dụng để nâng đỡ, định hình phần mái che.

    - Tôn lợp: Đây là phần che ở phía trên mái, thường sử dụng các loại tôn lợp như tôn giả ngói, tôn chống nóng, tôn cán sóng, …

    - Ốc vít: Ốc vít thường được dùng để gắn phần tôn lợp với hệ thống khung. Yêu cầu đối với các ốc vít này phải có khả năng chống rỉ, có gioăng cao su để đảm bảo được chất lượng, tránh xảy ra tình trạng gặp mưa sẽ bị dột. Để đảm bảo độ chắc chắn thì có thể sử dụng thêm keo giúp tôn chống chịu được gió bão tốt hơn.

    Chi tiết cấu tạo của mái tôn

    4. Nguyên nhân hiện tượng mái tôn kêu khi trời nắng

    Trong quá trình sử dụng, nhiều gia chủ phản ánh rằng khi trời nắng to, mái tôn thường phát ra những âm thanh lạ, tưởng như có vật gì rơi từ trên cao rơi xuống hoặc như có ai giậm chân trên nóc nhà.

    Hiện tượng này khá phổ biến bởi tôn là vật liệu dẫn nhiệt cũng như hấp thụ nhiệt tốt. Khi nhiệt độ nóng lên làm tôn giãn nở, các tấm tôn bị đè ép lên nhau. Phần áp lực do tôn nở tác động lên những phần lượn sóng (hình dạng mái tôn) làm chúng phát ra tiếng động. Hiện tượng này diễn ra lâu ngày sẽ làm bung các mối đinh liên kết tấm tôn. 

    Mái tôn kêu khi trời nắng là hiện tượng thường xảy ra và không quá nghiêm trọng, nhưng cũng dễ làm người dùng lo lắng nếu không am hiểu về vật liệu này. 

    Nhiệt độ cao khiến tôn giãn nở, gây ra hiện tượng mái tôn kêu khi trời nắng

    Hiện tượng tôn giãn nở cũng là lý do khiến các mái tôn thường được thiết kế theo dạng lượn sóng. Thiết kế này nhằm mục đích:

    - Theo cơ học: Nhờ hình dạng lượn sóng, mái tôn có thể chịu lực tốt hơn các loại tôn thẳng. Ngoài ra, thiết kế uốn lượn còn giúp chống ồn, đồng thời hạn chế những ảnh hưởng đến không gian sống trong căn nhà từ môi trường bên ngoài, đặc biệt khi trời mưa to, gió bão.

    - Theo nhiệt học: Nắng nóng, nhiệt độ tăng cao sẽ dẫn đến mái tôn bị giãn nở. Khi tôn thẳng giãn nở, nếu diện tích không đủ thì các tấm tôn sẽ đứt gãy, thậm chí các đinh vít cố định còn có thể bị bung ra. Trong khi tôn lượn sóng sẽ có đủ không gian để tôn giãn nở tốt hơn, giảm thiểu các ảnh hưởng xấu lên kết cấu mái tôn và không làm bung ốc vít.

    5. Giải pháp khắc phục hiện tượng mái tôn kêu khi trời nắng

    Hiện tượng mái tôn kêu khi trời nắng nếu xuất hiện nhiều lần có thể gây khó chịu cho gia chủ. Để khắc phục hiện tượng này, gia chủ có thể tham khảo những giải pháp sau:

    5.1. Sử dụng sơn chống nóng dành cho mái tôn

    Cách làm này không quá phức tạp, không tốn nhiều thời gian, song lại khá hiệu quả trong việc khắc phục hiện tượng mái tôn kêu khi trời nắng nóng. Nhờ sơn chống nóng, mái tôn sẽ không bị tác động bởi ánh nắng quá nhiều, nhiệt lượng hấp thụ vào trong tấm tôn cũng sẽ giảm. Trên thị trường hiện nay có đa dạng các loại sơn chống nóng, chống hấp thụ nhiệt hiệu quả, có thể giảm nhiệt độ mái tôn xuống từ 10-15 độ C (phụ thuộc vào độ dày của sơn phủ cách nhiệt).

    Sơn chống nóng, cách nhiệt được đánh giá là giải pháp đơn giản mà hiệu quả để khắc phục tình trạng mái tôn kêu khi trời nắng

    Bạn có thể tự mình thực hiện phương pháp này hoặc thuê thợ thi công nếu muốn đảm bảo sự an toàn và tính chuyên nghiệp. Tuy nhiên lưu ý là cần làm sạch bề mặt tôn trước khi quét sơn. Nên quét hai lớp sơn chống nóng, nhờ đó sẽ đạt hiệu quả tốt nhất. Sau đó, hãy phủ thêm một lớp sơn chống rỉ sét nhằm giúp tôn bền hơn.

    5.2. Lắp đặt hệ thống phun nước làm mát mái tôn

    Đây là giải pháp phù hợp với các gia đình ở khu vực nông thôn, nơi nguồn nước ngầm luôn dồi dào và việc dội nước từ mái không ảnh hưởng tới các gia đình kế cận. Nước bơm trực tiếp lên mái tôn có thể giúp giảm nhiệt tức thì. Gia chủ có thể tạo ra một hệ thống bơm nước cho mái tôn để nhanh chóng làm giảm nhiệt và loại bỏ hiện tượng mái tôn kêu.

    Ở nông thôn, các gia đình có thể làm mát mái bằng hệ thống bơm nước với dạng tia nước mạnh. Ở đô thị, nếu vẫn muốn làm mát mái bằng hệ thống bơm nước, các gia đình nên chọn dạng phun sương

    5.3. Sử dụng tấm lợp cách nhiệt, chống nóng

    Giải pháp tiếp theo là dùng tấm lợp chống nóng, cách nhiệt có bề mặt tráng bạc, ở giữa là các lớp bọt khí. Tấm lợp chống nóng trông giống với tôn truyền thống, tuy nhiên có thiết kế nhẹ hơn, hầu như không bị gỉ sét, thấm nước, mốc rêu, đồng thời khả năng cách nhiệt và chống tiếng ồn khá ổn định.

    Thi công tấm lợp cách nhiệt chống nóng cho mái tôn

    Vật liệu này tuy giá thành hơi cao, nhưng hiệu quả đạt được rất khả quan. Nếu gia chủ muốn dùng tôn thông thường thì có thể đặt thêm một tấm nhựa cách nhiệt giữa lớp tôn thường và lớp trần giả.

    >>> Xem thêm: Tấm dán chống dột mái tôn là gì? Ưu - Nhược điểm và Giá thành của tấm dán chống dột mái tôn

    5.4. Trồng cây leo trên mái

    Biện pháp này vừa giúp làm mát mái tôn ngay cả trong những ngày nóng bức, vừa tạo nên không gian xanh, tăng tính thẩm mỹ cho khu vực mái nhà. Gia chủ nên chọn các loài cây thân leo chịu nhiệt tốt, không cần tốn công chăm sóc nhiều.

    Tuy vậy, cũng cần lưu ý tránh để cành lá tiếp xúc trực tiếp với mái. Bởi khi vào hè, tôn có mức nhiệt dao động từ 45-60 độ C, nếu cây chạm vào mái tôn nóng như vậy sẽ héo úa hoặc chết cây. Gia chủ nên tạo giàn leo hoặc khung đan lưới sao cho cách mặt tôn khoảng 20cm nhằm đảm bảo độ thoáng để tránh tình trạng này.

    Một thảm thực vật trên mái không chỉ giúp chống nóng, làm mát mà còn đem đến không gian xanh với diện mạo đặc sắc cho ngôi nhà

    Trên đây là những kiến thức cơ bản về mái tôn, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mái tôn kêu khi trời nắng và các giải pháp khắc phục. Hy vọng rằng qua bài viết này, các gia chủ đang gặp tình trạng mái tôn kêu khi trời nắng sẽ có thêm thông tin và phương hướng giải quyết phù hợp.

    Tổng hợp và viết bài: Ngọc Linh

    *Bài viết được biên tập bởi đội ngũ Happynest. Xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức.

    Chia sẻ ngay câu chuyện của bạn tại đây để kết nối với cộng đồng yêu nhà đẹp trên nền tảng Happynest nhé. 

    Nếu đây là lần đầu bạn đăng bài, hãy tham khảo trước tài liệu này để hiểu rõ hơn về các thể loại bài đăng, tips giúp bài đăng được duyệt nhanh và thu hút sự chú ý nhất từ cộng đồng. 

    Mọi thắc mắc về việc đăng bài hoặc chỉnh sửa bài, xin vui lòng liên hệ địa chỉ email info@happynest.vn, hoặc phản hồi trực tiếp qua fanpage Happynest để được hỗ trợ và tư vấn kịp thời. 

     

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Đời sống

    Xem tất cả

    Xu hướng

    Xem tất cả

    Happynest Story

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0