Nhà khung thép sở hữu nhiều ưu điểm rất được người Việt quan tâm. Nhưng bên cạnh đó vẫn có nhiều câu hỏi và thắc mắc xoay quanh nhà khung thép, nổi bật là cách bảo dưỡng nhà khung thép có khó không? Bảo dưỡng nhà khung thép thế nào để nhà bền đẹp lâu dài?
Trải nghiệm bài viết và hình ảnh mượt mà hơn với ứng dụng Happynest tại đây. |
Nhà khung thép vẫn có thể tiện nghi không kém gì nhà ở truyền thống. Ảnh: Nhà khung thép 60m2
Câu hỏi đặt ra là: Có khó để bảo dưỡng nhà khung thép không? Và bảo dưỡng nhà khung thép như thế nào?. Ảnh: Nhà khung thép 60m2
1. Nhà khung thép là gì?
Nhà khung thép (hay còn gọi nhà tiền chế) là loại nhà làm bằng các cấu kiện bằng thép, được chế tạo và lắp đặt theo bản vẽ kiến trúc và kỹ thuật đã chỉ định sẵn. Nhà thép tiền chế lắp ghép có khả năng tháo ra sau một quá trình sử dụng và lắp đặt ở vị trí mới một cách nhanh chóng, dễ dàng.
Trước đây, nhà khung thép tiền chế thường được sử dụng để làm nhà xưởng, nhà kho, văn phòng, siêu thị,... Hiện nay, nhà khung thép đã được ứng dụng nhiều cho nhà ở dân dụng.
Nhà khung thép đạt chuẩn phải đảm bảo các yếu tố sau:
- Tính thẩm mỹ cao
- Khả năng chịu lực tốt
- Tiết kiệm vật liệu, chi phí xây dựng
2. Ưu điểm của nhà khung thép
- Tiết kiệm chi phí: Thi công nhà khung thép tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều so với nhà bê tông cốt thép nhờ vào việc tiết kiệm chi phí vật liệu và chi phí nhân công.
- Thời gian thi công nhanh: Do một số công đoạn thi công được tiến hành đồng thời nên việc tiến hành lắp ráp nhanh hơn so với việc phải tiến hành lần lượt từng bước như nhà bê tông cốt thép.
- Linh hoạt và tiện lợi: Do khung thép được sản xuất đồng bộ tại xưởng sau đó mới được trở tới để lắp ráp do đó ngôi nhà khung thép tiền chế có thể linh hoạt tháo rời.
- Khả năng tạo hình không giới hạn: Với vật liệu là bê tông hoặc gỗ thì việc tạo hình không gian sẽ bị hạn chế vì phải đảm bảo kết cấu chịu lực. Nhưng với khung thép việc này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
- Kết cấu gọn nhẹ: Không chiếm nhiều không gian như bê tông cốt thép, việc sử dụng khung thép đã tiết kiệm không gian nhà bạn giúp giảm trọng lực và mang lại cảm giác thông thoáng, nhẹ nhàng hơn.
- Khả năng chống ẩm mốc cao: Nhà khung thép có khả năng cách nước tốt do sử dụng hệ thống mái mối đứng, thành phần thoát nước và diềm mái.
3. Nhược điểm của nhà khung thép
- Dễ bị ăn mòn với thời tiết nóng ẩm: Khí hậu nhiệt đới gió mùa như ở Việt Nam thì việc kết cấu công trình bị ăn mòn là điều khó tránh khỏi.Vì thế bạn nên kiểm tra thường xuyên để xử lý kịp thời.
- Khả năng chịu lửa thấp: Thép không cháy nhưng ở nhiệt độ 500 - 600 độ C nó sẽ chuyển sang trạng thái dẻo làm mất đi kết cấu chịu lực.
- Độ bền tương đối: Mặc dù khá nhiều ưu điểm về thời gian thi công cũng như chi phí, nhưng so với tuổi thọ sử dụng thì nhà khung thép vẫn kém hơn nhà bê tông cốt thép.
- Chi phí bảo dưỡng tương đối cao
Một trong những nhược điểm khi bảo dưỡng nhà khung thép là chi phí khá cao. Ảnh: Nhà khung thép MCC House
4. Các bước bảo dưỡng nhà khung thép
Nói chung, nhà khung thép cũng giống như nhà ở truyền thống, đều cần thực hiện các bước bảo dưỡng, chăm sóc định kỳ để giữ gìn căn nhà luôn bền đẹp. Tuy nhiên, nhà khung thép có quy trình bảo dưỡng riêng. Các gia chủ có thể tham khảo các bước bảo dưỡng nhà khung thép cụ thể như sau:
- Kiểm tra lớp sơn, mạ kẽm của các chi tiết thép, nếu thấy bung tróc cần sơn phủ lại ngay.
- Các thanh thép được lắp ghép với nhau bởi các đinh, ốc vít… kiểm tra nếu thấy bị bung ra cần hàn, gắn lại.
- Trong quá trình sản xuất, nhiệt độ sẽ ảnh hưởng tới các chi tiết nâng đỡ cho công trình, các cấu kiện thép sẽ bị cong, uốn dẻo ảnh hưởng tới nâng đỡ công trình. Việc kiểm tra và sửa chữa phải được tiến hành hàng tháng đảm bảo an toàn cho công trình.
- Ngoài ra, bạn cần kiểm tra tất cả thành phần bên trong và bên ngoài của công trình, nếu thấy hư hỏng phải lập tức báo cáo và đưa ra giải pháp khắc phục ngay. Tránh tình trạng nguy hiểm xảy ra, ảnh hưởng đến tính mạng con người.
5. Bảo dưỡng nhà khung thép có khó không?
Nếu biết cách và bảo dưỡng đúng quy trình, thì nhà khung thép vẫn có thể bền đẹp và không quá khó để bảo dưỡng, chăm sóc.
Tuy nhiên, điểm bất lợi nhất trong quá trình bảo dưỡng nhà khung thép đó là chi phí bảo dưỡng khá cao. Để đảm bảo độ bền cho nhà khung thép thì cần bảo dưỡng thường xuyên để tăng khả năng chống gỉ, khả năng chịu lửa, mà chi phí này tương đối cao. Đây cũng là trở ngại lớn hạn chế ứng dụng của kết cấu thép tiền chế trong các công trình nhà ở dân dụng.
May mắn là những nhược điểm trên đều đã được khắc phục nhờ công nghệ tiên tiến hiện nay. Đối với khung thép dễ ăn mòn, giải pháp khắc phục là tăng độ chống ăn mòn cho thép bằng cách mạ gang, mạ nhôm. Giải pháp này cũng góp phần làm giảm chi phí bảo dưỡng cho nhà khung thép. Khả năng chịu lửa của thép sẽ gia tăng đáng kể khi được bọc lớp chịu lửa như tấm gốm, sơn chống lửa, bê tông. Bên cạnh đó, công trình nhà khung thép tiền chế cũng cần được trang bị đầy đủ các thiết bị phòng cháy, chữa cháy.
6. Vậy có nên làm nhà khung thép không?
Nhà khung thép tiền chế khắc phục được nhiều nhược điểm của loại hình nhà bê tông cốt thép truyền thống như giảm chi phí, thời gian thi công và tải trọng công trình. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, nhà khung thép tiền chế có độ vững chắc, độ bền kém hơn so với nhà bê tông. Do đó, việc lựa chọn làm nhà khung thép hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhu nhu cầu, sở thích, khả năng tài chính của gia chủ.
Nhà thép tiền chế có độ bền cao khi được thi công đúng kỹ thuật và được bảo dưỡng thường xuyên. Vì thế, các công trình nhà ở dân dụng thường khó đáp ứng được.
Hơn nữa, nhà lắp ghép tiền chế được lắp đặt cơ giới hóa, chủ yếu sử dụng máy móc, thiết bị. Vì thế, nếu muốn ứng dụng giải pháp này, bạn phải có khoảng không đủ rộng để chuyên chở vật liệu và cho phép máy móc dễ dàng thao tác. Do vậy, những ngôi nhà phố gần như không thể thi công kiểu nhà lắp ghép này.
Tuy tồn tại một số nhược điểm nhưng nhà khung thép vẫn là được coi là một lựa chọn thú vị và kinh tế trong xây dựng nhà ở hiện nay. Tại các khu vực có thời tiết ôn hòa, ít nắng nóng, việc làm nhà khung thép sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Trong suốt quá trình sử dụng, chủ nhà cần bảo dưỡng định kỳ và tính toán phương án thoát hiểm, trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy nhằm tăng độ an toàn cho công trình.
Hoài Nam (tổng hợp)
Chia sẻ ngay câu chuyện của bạn tại đây để kết nối với cộng đồng yêu nhà đẹp trên nền tảng Happynest nhé. Nếu đây là lần đầu bạn đăng bài, hãy tham khảo trước tài liệu này để hiểu rõ hơn về các thể loại bài đăng, tips giúp bài đăng được duyệt nhanh và thu hút sự chú ý nhất từ cộng đồng. Mọi thắc mắc về việc đăng bài hoặc chỉnh sửa bài, xin vui lòng liên hệ địa chỉ email info@happynest.vn, hoặc phản hồi trực tiếp qua fanpage Happynest để được hỗ trợ và tư vấn kịp thời. |