Ban công nhà ở: Nên thiết kế thế nào và xây sao cho đẹp?

    10/12/2020 07:005.542 lượt xem

    Ban công là không gian giúp ngôi nhà hứng đón nguồn ánh sáng, gió tự nhiên và tăng tính thẩm mỹ. Để tận dụng tối đa những công năng đó, gia chủ nên thiết kế ban công như thế nào cho hợp lý? Hãy cùng Happynest tìm lời giải đáp qua bài viết dưới đây.

    Phân biệt ban công và lô gia

    Hiện nay khá nhiều người nhầm lẫn hai khái niệm ban công và lô gia, cho rằng 2 không gian này cùng bản chất, chỉ là cách gọi khác nhau mà thôi. Nhưng thực chất không phải vậy. Ban công là khu vực nhỏ nhô ra phía trước mặt tiền của nhà phố, biệt thự hoặc nhà vườn. Ban công được bao bọc bởi lan can. 3 mặt gồm phía trước, bên trái, bên phải của ban công có thể thông thoáng, không xây tường chắn. Nếu 1 bên bị xây tường chắn, vậy đó là ban công góc. Như vậy, ban công thường có hai hoặc ba hướng nhìn ra bên ngoài.

    Ban công thoáng rộng giúp tăng tính thẩm mỹ bên ngoài cho ngôi nhà

    Khác với ban công là phần nhô ra ngoài nhà thì lô gia là phần nằm bên trong nhà. Lô gia chỉ một hướng nhìn thẳng ra bên ngoài, hai hướng còn lại được xây kín tường. Logia thường được thiết kế cho các căn hộ chung cư và khách sạn. Ưu điểm của logia là giữ được sự riêng tư và độc lập cho gia chủ.

    Lô gia nằm bên trong ngôi nhà, cũng là nơi đón gió và ánh nắng cho căn hộ

    4 nguyên tắc thiết kế ban công đẹp và hợp lý

    Đảm bảo kích thước ban công tiêu chuẩn

    Trong Quyết định số 04/2008/QĐ-BTBXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, tại mục 2.8.10. Phần nhà được phép nhô quá chỉ giới đường đỏ trong trường hợp chỉ giới xây dựng trùng với chỉ giới đường đỏ, thì kích thước ban công phải đáp ứng các yêu cầu nhất định.

    Trước hết, gia chủ cần chú ý một số thuật ngữ, tránh để xảy ra sai sót trong thiết kế dẫn tới vi phạm quy định pháp luật:

    Chỉ giới đường đỏ: là đường ranh giới phân định giữa phần lô đất để xây dựng công trình và phần đất được dành cho đường giao thông hoặc các công trình kỹ thuật hạ tầng.

    Chỉ giới xây dựng: là đường giới hạn cho phép xây dựng nhà, công trình trên lô đất.

    Bản vẽ mô tả chỉ giới

    Những yêu cầu xây dựng ban công cần đảm bảo:

    - Trong khoảng không lấy từ mặt vỉa hè lên tới độ cao 3,5m, mọi bộ phận của nhà đều không được nhô ra quá chỉ giới đường chỉ đỏ, trừ các trường hợp: Từ độ cao 1m trở lên, tất cả các bậu cửa, gờ chỉ, phần trang trí được phép vượt đường đỏ không quá 0,2m.

    - Trong độ cao từ 3,5m (so với mặt vỉa hè) trở lên, các bộ phận cố định của ngôi nhà như ban công, ô-văng, sê-nô, mái đua… được vượt quá chỉ giới đường đỏ theo các điều kiện sau:

    • Độ vươn ra được đo từ chỉ giới đường đỏ tới mép ngoài cùng của phần nhô ra, phải được nhỏ hơn chiều rộng vỉa hè ít nhất 1,0m, phải đảm bảo các quy định về an toàn mạng lưới điện và tuân thủ quy định về quản lý xây dựng áp dụng cụ thể cho khu vực;
    • Vị trí độ cao và độ vươn ban công phải thống nhất hoặc tạo được nhịp điệu trong hình thức công trình kiến trúc.
    • Trên phần nhô ra chỉ được làm ban công, không được che chắn tạo thành lô-gia hay buồng ở.

    Đối với nhà mặt phố có vỉa hè, ban công cần có độ cao so với vỉa hè là lớn hơn hoặc bằng 3,5m, cách mép vỉa hè tối thiểu 1m.

    Xác định phong cách trước khi thiết kế ban công

    Vì không gian ban công thường nhỏ nên bạn cần xác định rõ phong cách thiết kế trước khi thi công để khai thác hợp lý diện tích mà không làm mất tính thẩm mỹ của ngôi nhà. Nếu lựa chọn phong cách Á Đông, ban công được thiết kế tập trung với những đường nét mềm mại kết hợp các yếu tố cây xanh tự nhiên. Còn những đường thẳng hiện đại sẽ là chủ đạo nếu ban công theo phong cách Châu Âu. Phong cách thiết kế chi phối đến chi tiết nội thất bởi vậy việc xác định rõ phong cách thiết kế từ đầu sẽ giúp bạn có không gian ban công phù hợp.

    Vườn xanh mini tại ban công

    Thiết kế ban công phù hợp phong thủy

    Hướng xây ban công đẹp theo phong thủy là hướng Đông, tài vận trong nhà sẽ hanh thông, tình cảm gia đình tốt đẹp. Vì mặt trời mọc ở đằng Đông, ban công sẽ đưa ánh sáng trong lành buổi sáng vào nhà, giúp không gian bên trong ấm áp và có thêm nguồn năng lượng tích cực. Bên cạnh đó, hướng Nam cũng là hướng tốt để xây ban công vì mang đến không gian mát lành và dễ chịu.

    2 hướng Bắc và Tây nên tránh. Vì nếu xây ban công hướng Bắc ngôi nhà sẽ hứng những cơn gió lạnh, mưa bão của thời tiết thất thường, ảnh hưởng đến sức khỏe. Ban công hướng Tây bị ánh nắng mặt trời chiếu cả ngày, khó tản nhiệt, làm không khí trong nhà không tốt.

    Hướng đặt ban công quan trọng trong việc giúp vận khí trong nhà lưu thông tốt

    Thiết kế ban công mang tiện dụng

    Ban công là góc thư giãn ngoài trời lý tưởng của ngôi nhà, vì vậy bạn có thể thiết kế sao cho phù hợp với nhu cầu giải trí của mình. Một bộ bàn ghế nhỏ để đọc sách hoặc nhâm nhi tách cafe sau những giây phút mệt mỏi là một ý tưởng trang trí hợp lý. Ngoài ra bạn có thể tô điểm thêm không gian bằng những chậu cây hoa hoặc cây cảnh để ban công trở nên sắc màu và gần gũi thiên nhiên hơn.

    Ban công có thể trở thành góc làm việc linh động...

    ...hoặc một góc chill thư giãn cuối tuần cho gia đình

    Hy vọng bài viết giúp ích được cho các gia chủ trong việc thiết kế ban công sao cho vừa tinh tế, tiện dụng vừa đáp ứng tốt các yêu cầu về phong thủy để có một không gian sống hài hòa nhất.

    Bài viết: Trần Linh

    Xem thêm:

    1. 1. Sống tiện nghi trong căn chung cư mini với ban công thoáng mát
    1. 2. Ban công nhà chung cư, nhà cao tầng nên làm chuồng cọp hay lưới an toàn?
    2. 3. Ghé thăm Coastal House xanh mát, tầm nhìn ra biển Vũng Tàu đầy thơ mộng
    3. 4. Tổng hợp những công trình Việt có giải pháp xử lý nắng gắt hướng Tây hiệu quả
    4. 5. Căn hộ ở Hưng Yên có cách “giấu đồ” thú vị lấy cảm hứng từ thiết kế tối giản kiểu Nhật

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0