Gợi ý thiết kế giúp nhà mát mẻ vào mùa hè mà vẫn hợp phong thủy

    30/05/2020 09:005.444 lượt xem

    Ngày nay ai cũng biết chút ít về xây tường dày, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường hay sơn cách nhiệt để tránh nóng cho ngôi nhà. Tuy nhiên, những cách giảm “bốc hỏa” giúp nhà mát mẻ vào mùa hè mà vẫn đảm bảo hợp phong thủy không phải ai cũng biết cách vận dụng linh hoạt trong xây dựng.

    Nhà giảm nóng nhờ khai thác tính đặc, tính rỗng

    Mức độ lồi lõm, đặc rỗng, dày mỏng, nhiều khoảng thoát nhiệt gắn liền với tính âm dương trong phong thủy. Nhà làm quá thuần dương (khối đặc, phẳng) sẽ gây cảm giác bí bách, nặng nề, tù hãm nội khí và tích tụ nhiệt trong kết cấu. Ngược lại, quá thuần âm (khối rỗng, thủng lỗ) thì tạo nhiều khoảng trống trải, gió lùa tán khí và cảm giác bất an.


    Nhà truyền thống của Việt Nam như nhà rường Huế, nhà lá mái Bình Định có sự cân bằng rất tốt giữa mảng đặc và khoảng rỗng


    Sơ đồ ngôi nhà truyền thống với bố cục, cấu trúc cân bằng âm dương, đặc rỗng trước sau

    Khoảng đặc rỗng trên các bề mặt liên quan đến ngũ hành của chất liệu làm nên bề mặt đó và cách vận dụng ngũ hành trong tạo hình sao cho phát huy lợi điểm, hạn chế khuyết điểm. Phong thủy chia các chất liệu sử dụng trong xây dựng theo nhóm thổ, kim và mộc (các hành thủy hay hỏa chủ yếu biểu hiện qua màu sắc, nước và nhiệt độ).


    Khu vực tiểu cảnh kết hợp ăn ý giữa nhóm vật liệu thổ và mộc, điểm thêm thủy, hỏa giúp nhà hiện đại dịu mát hơn

    Với nhóm thổ, về cơ bản gạch xây có bề mặt và cấu tạo bên trong xốp rỗng cách nhiệt tốt. Nếu xây theo dạng khối gạch có khe hở, có xếp xoay tạo bóng đổ thì càng làm giảm tích tụ nhiệt trong kết cấu. Hiện nay, gạch không nung chưng áp là vật liệu khá phổ biến, khả năng cách nhiệt cao với hệ số dẫn nhiệt rất thấp giúp giảm tới 40% lượng điện năng tiêu thụ hằng tháng.


    Lớp gạch thô nổi bật giữa không gian nhà rộng thoáng


    Lớp hoàn thiện bằng chất liệu gạch, vữa gai tạo độ xốp và bóng đổ là cách kiến trúc nhiệt đới nóng ẩm hay sử dụng


    Thay vì bê tông hóa lối đi nên sân xếp gạch hình xương cá sẽ thoát nước và giảm nhiệt tốt

    Nhóm mộc tuy có độ rỗng cao hơn so với thổ nhưng có một vài điểm hạn chế như nhanh xuống cấp, gỗ quý thì giá thành cao, tre trúc dễ bị mối mọt. Do đó có thể linh động, điểm xuyết cho hệ thổ hoặc sử dụng các loại tre trúc làm vật liệu bao che, giảm nóng. Cách xử lý khuôn viên bao quanh áp dụng “trong đặc có rỗng” với hàng rào bằng cây xanh, thảm cỏ xen lẫn rải sỏi, lát gạch đá đi lại chứ không bê tông hóa toàn bộ sân và thêm mặt nước kiểu hồ cảnh góp phần giảm đáng kể lượng nhiệt vào nhà.


    Sử dụng gỗ làm vật liệu chính cần quan tâm đến khâu xử lý bề mặt gỗ để tạo độ bền mới, chống mối mọt


    Nhà dùng tre làm vách ngăn thậm chí là nội thất tôn vẻ tinh tế và xanh, sạch

    Nhóm kim thoát nước nhanh, dẫn nhiệt và tỏa nhiệt mạnh nên dùng hạn chế hoặc có thể kết hợp nhựa, gỗ làm hệ lam. Các công trình hiện đại dùng tấm hợp kim hiện nay ít làm kiểu “trơ trọi” mà tạo khối, xếp lớp vảy cá hay cắt CNC lồi lõm tạo khoảng đặc rỗng, bóng đổ để giảm tích tụ và phản xạ nhiệt.


    Công trình bắt buộc dùng nhôm kính nhưng vẫn áp dụng tính đặc rỗng để giảm tích tụ và phản xạ nhiệt


    Công trình sử dụng vật liệu có khoảng hở tinh tế giúp thoát khí dễ dàng

    Muốn nhà mát mẻ hãy chú ý tới mặt cắt

    Xu hướng nhà ở nhiều tầng, san sát khiến cho việc luân chuyển luồng khí trong ngôi nhà bị hạn chế, do đó, khi áp dụng phong thủy theo vi khí hậu, muốn biết nhà có luân chuyển thí tốt, mát mẻ hay không hãy nhìn vào mặt cắt. Trong đó, bố trí sàn tầng, giếng trời + cầu thang và mái nhà là ba yếu tố không thể bỏ qua.


    Những ngôi nhà ống cổ ở Hội An và Hà Nội dù san sát, hai bên bịt kín nhưng vẫn biết cách mở lên trên và mở bên trong để tìm khoảng rỗng, giảm nóng

    Bố trí sàn và phân chia tầng, phòng quyết định lớn đến khoảng đặc rỗng trên mặt bằng của nhà. Việc thay đổi độ cao giữa các sàn với kiểu không gian thông tầng, lệch tầng giúp không khí được luân chuyển theo dạng chéo. Mặt cắt nhà phân bố hợp lý là cửa thông gió trên cao, cửa lấy gió vào dưới thấp sẽ tạo luân chuyển khí tốt.


    Từ bản vẽ mặt cách thấy rằng ngôi nhà phố này khai thác tốt các vùng thông tầng, giếng trời, lệch tầng khu thang, khoảng thoát khí dưới giúp luân chuyển không khí trong - ngoài ổn định và cân bằng

    Giếng trời được xem là lá phổi hô hấp, điều hòa không khí cho toàn nhà. Phần trống dưới cầu thang và kiểu thang hở thoáng cũng giúp cân bằng âm dương, làm nên dòng đối lưu tạo sự thông thoáng. Xu hướng thiết kế cầu thang ngày càng nhẹ và thoáng để thông gió theo chiều đứng, lan can giản dị mà đảm bảo an toàn.


    Giếng trời lấy sáng và gió thiên nhiên hiệu quả


    Cầu thang gỗ với tay vịn inox thiết kế hiện đại mang lại vẻ sang trọng

    Dù làm sàn thẳng tầng chạy suốt, ít khoảng thông gió xiên hay thiếu giếng trời thì mái nhà cấu tạo đủ lớp cần thiết, thậm chí có tầng hầm mái vẫn giúp giảm nhiệt đáng kể cho ngôi nhà. Mái nhà tiếp xúc trực tiếp nhiều nhất nên nếu xử lý tốt phần mái thì “công cuộc” chống nóng thành công 50%. Vật liệu chống nóng như tấm lợp, mái ngói cách nhiệt sẽ mang lại hiệu quả chống nóng trong mùa hè.


    Mái nhà với khoảng thông gió, lấy sáng thông minh


    Hệ lam chắn mặt tiền vừa làm giảm ánh sáng chói chang từ bên ngoài vừa là khoảng thở cho ngôi nhà

    Mùa hè với nắng nóng lại cộng thêm sự tác động của biến đổi khí hậu đòi hỏi chúng ta có cách xử lý linh hoạt giúp cho không gian sống để thích ứng với điều kiện sống. Bởi vậy, các kinh nghiệm phong thủy và khoa học hiện đại cần được vận dụng một cách khéo léo, hợp lý và bền vững.

    Bài viết: Hiền Ngôn

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Đời sống

    Xem tất cả

    Xu hướng

    Xem tất cả

    Happynest Story

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0