Đặc sản của phố cổ Hà Nội là các căn nhà nhỏ và tồi tàn, thiếu hụt nguồn ánh sáng - nằm sâu trong những con ngõ nhỏ. Để “hồi sinh” một công trình nhà ở như thế, các kiến trúc sư đã cải tạo “Nhà Cầu Gỗ” thành một không gian sống đầy ấn tượng.
*Tham khảo Hướng dẫn đăng bài trên website Happynest tại đây để kết nối với cộng đồng Happynest nhé.
Phía sau vẻ hào nhoáng, ồn ã của đường phố, bên trong các ngõ hẻm là cuộc sống chật chội của người dân phố cổ Hà Nội. “Nhà Cầu Gỗ” cũng là một không gian sống nhỏ, hẹp - một điển hình cho những công trình trong phố cổ - diện tích chỉ khoảng 30m2. Trước đây, căn nhà có đến 3 thế hệ già - trẻ, lớn - bé cùng chung sống với nhau. Sau này, khi chủ nhà có điều kiện kinh tế khá giả hơn, họ đã di chuyển đến nơi khác sinh sống. Căn nhà được tiến hành cải tạo để thay đổi mục đích sử dụng từ nhà ở sang homestay.
Tổng quan công trình trước và sau khi cải tạo
“Nhà Cầu Gỗ” có ba tầng và được nối liền với nhau bằng các bậc thang gỗ đúng như tên gọi
Với mong muốn gìn giữ những nét đẹp của nhà gỗ cổ truyền Bắc Bộ, kiến trúc sư đã giữ nguyên hệ cột gỗ, xà ngang, xà ngưỡng, khung cửa. Mái ngói của công trình cũng chỉ được gia cố thêm chứ không phá bỏ nên căn nhà được cải tạo mà không mất đi các giá trị truyền thống.
“Nhà Cầu Gỗ” cải tạo để phù hợp với cuộc sống hiện đại nhưng vẫn bảo tồn các giá trị văn hóa
Bên cạnh việc tận dụng vật liệu có sẵn là gỗ thì gạch lát sàn, lát tường cũng được tái sử dụng
Bất lợi lớn nhất của công trình có lẽ là không gian nhỏ, bí bách và chật chội, thiếu hụt nguồn ánh sáng tự nhiên. Để khắc phục khó khăn đó, giải pháp thông tầng là hợp lý. Căn nhà được tổ chức lại thành 3 tầng với 3 khu vực chức năng riêng biệt: tầng 1 phòng bếp, phòng khách; tầng 2 là phòng tắm, tầng 3 là phòng ngủ.
Giữa các tầng là cầu thang gỗ rỗng, tạo cảm giác giản đơn, nhẹ nhàng, thông thoáng
Kính trong suốt góp phần liên kết không gian, giải phóng tầm nhìn
Thiết kế ban công nhỏ cùng giếng trời xuyên suốt khiến căn nhà đón nhận nhiều ánh sáng hơn, không khí cũng dễ lưu thông hơn
Phòng tắm tại tầng 2 được bố trí những vật dụng đơn giản, mộc mạc
Sắc xanh hiếm hoi là điểm nhấn trong căn nhà có diện tích khiêm tốn
Tại khu vực tầng 3. không gian được mở tối đa nhờ các hệ cửa gỗ lớn. Đồ đạc trong căn phòng được sắp xếp, bài trí gọn gàng, tinh giản, nhờ thế mà không gian trở nên rộng rãi hơn so với diện tích thực.
Khu vực tầng 3 là phòng ngủ khá rộng rãi
Tầm nhìn thông thoáng, ánh nắng và không khí dễ dàng lưu thông nhờ 3 cánh cửa gỗ lớn
Tấm kính dưới sàn là một thiết kế thông minh, tận dụng ánh sáng tự nhiên chiếu rọi xuống khu vực dưới
Công trình sau cải tạo đã thực sự thay đổi cả về diện mạo và công năng. Không gian sống trở nên hiện đại, đẹp đẽ, thông thoáng và gắn kết với tự nhiên hơn. “Nhà Cầu Gỗ” có thể là điểm đến lý tưởng cho khách du lịch thập phương muốn trải nghiệm nhà trong phố cổ tại Hà Nội, vừa đem lại giá trị tài chính cho gia chủ, vừa góp phần quảng bá các nét đẹp truyền thống của Việt Nam.
Thông tin công trình:
Tên công trình: Nhà Cầu Gỗ
Địa điểm: Phố cổ Hà Nội
Đơn vị thiết kế: 3gian
Ảnh: Triệu Chiến
*Để lại thông tin trong box dưới đây nếu bạn có nhu cầu tìm kiếm đơn vị thiết kế - thi công nhà ở nhé.