Quan điểm làm nghề của KTS Lê Quang Vinh: Muốn mọi người tin yêu, trước hết mình phải có sản phẩm tốt đã

    20/10/2018 10:304.986 lượt xem

    Chọn hướng đi hay giai đoạn bắt đầu lập nghiệp luôn là quyết định khó khăn nhất của người trẻ nói chung. Xoay quanh câu chuyện về con đường nghề của KTS trẻ, KTS Lê Quang Vinh đã có những chia sẻ rất thật, từ chính những trải nghiệm của bản thân. 

     

    Nhân dịp KTS Lê Quang Vinh ra Hà Nội, chúng tôi hẹn gặp anh ở một quán cafe nhỏ trong một buổi chiều Thu. Anh là người dễ gần, tính tình hào sảng nên buổi trò chuyện thêm phần thoải mái.

    Chọn học ngành Kiến Trúc tại Đại học Xây dựng vì… thần tượng một ban nhạc Việt

    Khi nghe câu này, chắc hẳn mọi người cũng rất muốn biết ban nhạc nào lại có sức hút mãnh liệt tới thế, khiến một cậu thanh niên 18 tuổi quyết định chọn nguyện vọng đại học vì hâm mộ thần tượng của mình. 

     

    Chọn trường Đại học vì thần tượng một ban nhạc chính là điểm khởi đầu cho sự nghiệp gắn với kiến trúc của KTS Lê Quang Vinh

    Với những ai thuộc thế hệ 8x - đầu 9x không thể không biết bài hát “Đường đến ngày vinh quang” được sử dụng trong các chương trình sinh viên trong đó có SV. Và chủ nhân ca khúc này chính là Bức Tường - Ban nhạc mà KTS Lê Quang Vinh vô cùng yêu thích.

    Anh Vinh kể, có lần tới nhà bạn chơi, thấy anh trai của bạn đang học vẽ tượng thì thấy tò mò rồi tìm hiểu học thử. Thời điểm đó anh cũng chưa xác định được bản thân sẽ thi ngành gì, sau này làm gì. Chỉ biết muốn học ngành liên quan tới vẽ, tới thiết kế. Khi biết Bức Tường được thành lập từ phong trào ca nhạc sinh viên của Đại học Xây dựng, anh đã không ngần ngại mà nộp đơn thi ngay. 

     

    Đam mê tuổi trẻ là cơ duyên dẫn KTS Quang Vinh đến với nghề

    Đến với kiến trúc vì mối duyên thú vị như thế nhưng để gắn bó với nghề cho tới tận bây giờ, KTS Lê Quang Vinh cũng đã rất chăm chỉ tìm hiểu và trau dồi kiến thức. Ngoài những giờ học trên lớp thì tạp chí kiến trúc là nguồn thứ hai anh Vinh lựa chọn để tìm hiểu thêm về ngành học của mình. Trong một lần xem tạp chí, anh đã bị hấp dẫn bởi thiết kế của KTS Đoàn Kỳ Thanh. Những ý tưởng, thiết kế độc đáo và tinh thần dám nghĩ dám làm của anh Thanh thể hiện qua từng công trình trở thành niềm cảm hứng, động lực cho anh Lê Quang Vinh, theo anh từ độ tuổi 20 nhiệt huyết cho tới mãi sau này. 

    Thời đó, khi hiểu sâu hơn về nghề, anh đã mạnh dạn thực hành những kiến thức bản thân có được vào thực tế cuộc sống. Sản phẩm đầu tay của anh là thiết kế một ngôi nhà cho bạn ở Hải Dương vào năm thứ 2 Đại học.

    Làm kiến trúc ở địa phương, được tự do bay bổng khó khăn cũng không ít

    Tốt nghiệp đi làm, KTS Lê Quang Vinh từng có thời gian công tác tại một công ty thiết kế nước ngoài, có trụ sở tại Hà Nội. Nhưng vốn là người thích tự do, công việc văn phòng cả ngày quây quanh 4 bức tường khiến chàng KTS trẻ thời đó thấy ngột ngạt. Và anh quyết định tìm cho mình hướng phát triển khác: Về quê.

     

    KTS Lê Quang Vinh trở lại Hải Dương để xây dựng sự nghiệp với sự ra đời của V+ Studio

    Làm kiến trúc tại địa phương, thuận lợi lớn nhất có lẽ là diện tích công trình thường rộng rãi hơn so với đô thị, KTS có thêm nhiều mảng không gian để khai thác, gợi cảm hứng sáng tạo. Tuy nhiên vào thời điểm đó, Internet chưa phát triển như bây giờ, nguồn thông tin về xu hướng kiến trúc mới rất khó tiếp cận với người dân địa phương nên để thuyết phục khách hàng cũng là vấn đề trở ngại. 

    Anh Vinh chia sẻ, phần lớn người dân địa phương nhất là thế hệ lớn tuổi có thói quen tin vào “mắt thấy tai nghe”, mẫu nhà này nếu đã có nhiều nhà áp dụng và thấy đẹp thì họ sẽ ưng chứ không có suy nghĩ phải có một không gian sống cá tính của riêng nhà mình.

    Vậy nên anh tự rút ra cho bản thân suy nghĩ “có thực mới vực được đạo”, cứ phải có sản phẩm tốt trước đã thì lúc đó nói mọi người mới hình dung ra được cách mình làm, mới nghe và tin theo mình. Và anh sử dụng thiết kế 3D, ảnh chụp các công trình tương đương để khách hàng có sự tham khảo. 

     

    Khó khăn đầu tiên anh Vinh phải đối mặt là làm sao thuyết phục khách hàng địa phương tin mình

    Một thách thức không nhỏ cho những KTS địa phương nói chung đó là tìm đội thợ thi công.. Bởi không phải đội thợ nào cũng có tay nghề bài bản, có khả năng truyền tải được toàn bộ ý đồ KTS thông qua bản thiết kế. Đề cập tới vấn đề này, anh Vinh cũng hóm hỉnh chia sẻ: “Mỗi bản vẽ cũng giống như đứa con tinh thần của mình ấy. Làm gì có ông KTS nào muốn giao con mình cho người khác đâu. Sợ lắm nếu con mình không trưởng thành đúng ý”. Cách nói dân dã có phần thẳng thắn nhưng cũng không sai, khi mà số lượng đơn vị thiết kế kiêm luôn thi công ở Việt Nam chưa nhiều, nhất là ở địa phương. 

    Mảng vật liệu cũng là một vấn đề lớn. Theo chia sẻ của anh Vinh, có những loại vật liệu mà địa phương không sẵn có thì mình phải có phương án thay thế hợp lý. Mình cũng có thể tận dụng vật liệu đặc trưng của địa phương để tạo ấn tượng cho công trình.

     

    Đàm Lộc House được hoàn thiện vào 2017 với phần mặt tiền làm từ gạch hoa gió có sẵn ở địa phương

    Mảng vật liệu cũng ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề tài chính của khách hàng. Theo anh Vinh, ở địa phương không phải khách hàng nào cũng dư dả kinh tế. Để đảm bảo cho khách có không gian sống tiện ích, đúng nhất với mong muốn của họ, KTS phải tính toán sao cho thật khéo. Ví dụ như chúng ta có thể tận dụng lại nội thất từ nhà cũ. Hướng giải quyết này nên được đề cập trước khi thiết kế, có như vậy thì ngôi nhà sau khi hoàn thiện mới có sự hài hòa: “Muốn tận dụng đồ cũ thì mình nên có chuẩn bị đấy ngay từ ban đầu, muốn làm thì phải làm chỉn chu. Mình có thể lên kế hoạch mix đồ, biết đâu lại có sự hấp dẫn riêng.”

     

    Công trình Đàm Lộc House gây ấn tượng với người xem không chỉ nhờ cách xử lý không gian hiệu quả mà còn ở mức phí chỉ gói gọn trong 700 triệu đồng

    Cùng thời điểm khi Đàm Lộc House được giới thiệu rộng rãi trên các trang báo mạng, nhiều người biết tới V+ Studio hơn. Khách hàng hiện tại của văn phòng anh cũng dần trẻ hóa, đa phần là 8x hoặc thế hệ đầu 9x do được tiếp cận những xu hướng, thông tin kiến trúc từ Internet. Họ hiểu bản thân muốn gì nên rất dễ làm việc. 

    “Bọn mình hướng tới tâm lý, chất lượng sử dụng của khách hàng. Cái gì mới cũng vì sợ mà không áp dụng thì không bao giờ làm được”

    Đó là câu trả lời từ KTS Lê Quang Vinh khi được hỏi về những sáng tạo trong công trình của V+ Studio. Với anh, trong kiến trúc điều đầu tiên KTS quan tâm phải là làm sao để giải quyết được các nhu cầu của khách hàng. Sau đó mới tư duy, tìm ra những giải pháp để không gian sống của người dùng trở nên thú vị hơn bằng cách kết hợp thật khéo các không gian với“ngôn ngữ” kiến trúc đơn giản nhất. 

    Anh tâm sự, thời điểm cầu thang lan can kính còn chưa phổ biến, anh đã áp dụng cho công trình mình phụ trách. Ban đầu người dùng còn e ngại vì nó có vẻ nguy hiểm. Hay gần nhất là khi anh thiết kế bể các không có rào bảo vệ cho Đàm Lộc House, vấn đề an toàn cũng được đề cập một lần nữa. Anh Vinh đã lý giải điều này: Một công trình trước khi được đánh giá là đẹp, nó phải an toàn đã. Công trình cũng là tâm huyết của anh, anh chưa bao giờ có ý định làm qua loa cả. Chưa kể, ý tưởng trước khi thực hiện đều thông qua sự nhất trí của cả nhà. Người sử dụng các không gian này là toàn bộ thành viên trong nhà nên khi dùng lâu sẽ quen với cách bày trí không gian, vận hành ngôi nhà của mình một cách an toàn. 


    Cầu thang kính từng có thời gian khiến nhiều người e ngại về độ an toàn

     

    Hồ cá nhỏ trong Đàm Lộc House được tính toán tỉ mỉ về độ an toàn, thẩm mỹ trước khi xây dựng để gia chủ có những trải nghiệm đúng ý

    Thuộc lớp KTS trẻ, nhưng khi đã theo nghề được một thời gian, KTS Lê Quang Vinh cũng có những chia sẻ chân thành về kinh nghiệm nghề của mình. Anh luôn khuyến khích các thành viên trong công ty nên ra ngoài để nhìn nhiều, nghe nhiều đặc biệt là ra thăm công trình thường xuyên. Bởi theo anh, thiết kế suy cho cùng vẫn chỉ dừng lại trên mặt giấy, khi áp dụng thực tế sẽ có sự khác biệt. Chưa kể, tiếp xúc thực tế nhiều vừa tạo cảm hứng sáng tạo, vừa là dịp mọi người thư giãn đầu óc thay vì mãi nhốt mình trong văn phòng.

    Ngoài tình yêu với kiến trúc, anh Vinh còn có một niềm đam mê lớn nữa là chơi motor. Những khi có thời gian rảnh, anh lại chạy xe cùng bạn bè, thỏa đam mê tốc độ và tâm hồn tự do của mình trên các cung đường của mảnh đất hình chữ S. Mỗi một địa phương đi qua, anh lại thấm thêm nét đặc trưng của kiến trúc địa phương mà mình đang theo đuổi. Kinh nghiệm thực tế tích cóp trên mỗi chặng đường đó giúp ích không nhỏ cho quá trình thiết kế của anh.

     

    KTS Lê Quang Vinh đề cao sự trải nghiệm, tính thực tế khi thiết kế công trình

    Khi được hỏi về kế hoạch sắp tới của anh nói riêng và V+ Studio nói chung, anh cười vui chia sẻ: “Mình mải chơi, cái gì hợp với mình thì mình làm, cái gì không hợp thì mình cũng không quá ôm đồm làm gì cả. Một năm làm vài công trình, thời gian còn lại đi café, đi chơi bạn bè.” Tự nhận mình là người mải chơi như thế, nhưng nhìn vào những gì KTS Lê Quang Vinh làm được ít nhiều ta cũng có thêm kinh nghiệm cho bản thân. Chúc cho anh Lê Quang Vinh và V+ Studio ngày càng thành công hơn nữa.

    Bài viết: Thu Thủy

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Happynest Story

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0