Những cách chống nóng mình đã áp dụng nhưng không thấy hiệu quả

    Cập nhật ngày 08/06/2023, lúc 12:006.681 lượt xem
    • Ngân sách xây thô
      0 đồng
    • Ngân sách hoàn thiện
      0 đồng
    • Kích thước
      0m ngang0m dọc
    • Diện tích mặt bằng
      0m2
    • Tổng diện tích
      0m2
    • Năm hoàn thành
      0

    Dưới đây là những cách mình đã áp dụng để chống nóng và làm mát trong những mùa hè trước nhưng mình cảm thấy không hiệu quả.

    1. Kéo kín rèm cửa

    Phương án chống nóng này chỉ có tác dụng nếu diện tích căn phòng rộng. Nhiều người khuyên mình là bật điều hòa cả đêm, kéo kín rèm cửa thì căn phòng sẽ luôn mát ít nhất là hết cả ngày hôm sau. Tuy nhiên, căn phòng của mình chỉ rộng khoảng chưa tới 15m2, kéo rèm cả ngày thì rất bí bách. Phòng đã hẹp mà còn thiếu sáng nữa thì cảm giác độ nóng tăng lên gấp đôi.

    => Cách xử lý của mình là: Dán film cách nhiệt cho cửa sổ kính và dùng rèm sáo, sau đó điều chỉnh rèm sáo hắt sáng phù hợp. Vừa đỡ nóng, mà vẫn sáng (nhưng hơi tốn kém xíu)

    2. Dùng sofa da

    Nhiều người mách dùng sofa da mùa hè không sợ nóng, nhưng mình đã test thử sofa nhà bạn mình khoảng 3 ngày. Vẫn nóng như đổ lửa. Mặc quần đùi ngồi lên sofa một lúc là thấy bề mặt da đổ mồ hôi ngay.

    => Phương án tốt nhất vẫn là nên dùng bàn ghế gỗ, nếu dùng sofa (kể cả da hoặc nỉ) thì đến lúc trời nóng lên, vẫn nên bật điều hòa, hoặc dùng sofa ở vị trí có gió thông thoáng là ok.

    3. Đóng cửa cả ngày

    Tương tự như kéo rèm, mình cũng thử đóng kín cửa nhà cả ngày nhưng thực sự không ăn thua và còn rất ngộp thở. Tốt nhất là khi thiết kế nhà, phải lưu ý trước các vấn đề thông gió tự nhiên, để mùa hè mở hết các cửa là căn nhà tự động thoáng gió mà bớt nóng.

    4. Lau nhà thường xuyên

    Nghe có vẻ đúng, vì các cụ ngày xưa thường bảo “nhà sạch thì mát”. Nhưng lau nhà trong cái thời tiết mùa hè đổ lửa thì mát chưa thấy đâu, đã thấy cả người đầy mồ hôi nhớp nháp. Lau nhà xong vẫn phải đi tắm cho mát, thì thà mỗi lần nóng quá, đi tắm luôn cho nhanh.

    5. Đặt âu đá trước quạt gió

    Nghe cũng có vẻ đúng, nhưng trừ khi đặt cả thùng đá trước quạt, thì may ra mát được khoảng 20 phút. 1 âu đá vẫn không ăn thua, 2 - 5 phút là lại phải đứng lên “tiếp đá” rồi. Chỉ tổ mệt người.

    6. Đặt túi gạo trong tủ đá

    Cách này mình hay thấy trên google. Họ bảo lấy gạo vào túi rồi buộc chặt, đặt vào ngăn đá 1 ngày. Hôm sau lấy cái túi đó ra đặt dưới lòng bàn chân cho mát. Mình cũng thử làm và chỉ thấy phí sức và phí gạo. 

    Được sự đồng ý của gia chủ, Happynest xin phép được bổ sung quan điểm của KTS Nguyễn Thái Thạch về vấn đề chống nóng như sau:

    "Nói về vấn đề này mình chia sẻ với Happynest bài phân tích của mình về góc độ khoa học, vật lý về nóng và chống nóng. Muốn chống nóng được cần phải hiểu rõ về nóng dưới góc độ khoa học.

    Nóng tức là nhiệt. Ở trong nhà có 3 dạng:

    + Nhiệt do nhiệt độ không khí vốn có của môi trường.

    + Nhiệt nhận thêm do bức xạ từ mặt trời, cụ thể là nắng hoặc sự phản chiếu nắng qua các đám mây trắng.

    + Nhiệt nội sinh trong nhà: Từ các thiết bị tỏa nhiệt: Máy tính, Tủ lạnh, Tivi,..

    Trong đó thì Nhiệt độ của môi trường và đặc biệt là nhiệt bức xạ từ mặt trời là ảnh hưởng lớn nhất.

    Nhiệt bức xạ từ mặt trời tức chính là nắng, và nó làm tăng nhiệt cho mọi bề mặt và mọi thứ mà nó chiếu vào. Với nhà mà có cửa kính kín, không kéo rèm, thì nó gây ra hiệu ứng nhà kính. Tức là bức xạ chiếu vào trong nhà và làm nóng những nơi nó chiếu tới, Ví dụ tường, sàn, đồ nội thất. Và tới lượt những thứ này nóng lên lại truyền nhiệt lại cho không khí trong phòng và làm không khí trong phòng nóng lên. Vấn đề của hiệu ứng nhà kính chính là ở chỗ khối khí trong nhà nóng lên lại không thể truyền nhiệt ra ngoài do là phòng đóng kín, vì thế nhiệt độ cứ thế tăng lên theo thời gian nắng chiếu.

    Vậy từ đó bạn hiểu rằng nếu nhà bạn hướng tây mà bạn còn mở rèm để nắng vào nhà thì căn phòng của bạn sẽ bị bức xạ mặt trời làm tăng nhiệt. Ví dụ nhiệt độ không khí 28 độ, thì nếu nắng chiếu vào phòng, những nơi nó chiếu tới có thể tăng đến 35 40 độ thậm chí hơn tùy vào vật liệu, chỉ số hấp thụ nhiệt của chúng. Ngày trời nắng gắt bạn sờ vào đố cửa nhôm thậm chí bạn có thể bị bỏng tay. Và đương nhiên những sự nóng lên này sẽ truyền nhiệt cho không khí và tăng cường bức xạ hồng ngoại làm cho bạn ngồi trong phòng cũng cảm thấy nóng hơn. Kể cả là bạn có thông khí hay không.

    Nếu bạn thông thoáng không khí, bạn cũng vẫn sẽ cảm thấy nóng hơn do bạn nhận thêm các bức xạ từ đồ vật nóng lên trong không gian, cũng như bức xạ từ mặt trời bên ngoài chiếu vào. Còn nếu bạn đóng kín thì nó sẽ còn nóng lên nhanh hơn nữa đến mức 35 ~ 37 độ dù không khí bên ngoài chỉ 28 độ. Đó là hiệu ứng nhà kính như mình vừa phân tích bên trên.

    Vậy ứng xử trong trường hợp nhà bị nắng chiếu trực tiếp (hướng Đông hoặc Tây) như thế nào?

    Đó là bạn phải giải quyết từ gốc, từ chính cái bức xạ mặt trời. Làm sao cắt triệt để nó càng tốt. Bạn có thể dùng bạt che ở ngoài lô gia, như vậy tốt hơn là dùng rèm. Vì rèm vẫn nằm ở bên trong nhà và khi bức xạ làm rèm nóng lên, nó vẫn truyền nhiệt cho không khí trong phòng. Và bản thân rèm không phải là thứ cản bức xạ hồng ngoại hiệu quả. Bạt che ở bên ngoài lô gia thì hiệu quả hơn vì nếu nó có nóng lên, nó cũng truyền nhiệt ra không khí ở bên ngoài và dễ dàng giảm nhiệt, không bị ảnh hưởng bởi hiệu úng nhà kính và không truyền nhiệt vào trong phòng.

    Dán kính cũng là một biện pháp tốt, nhưng cần chú ý loại film dán. Đặc biệt chú ý vấn đề hiệu suất cản hồng ngoại, vì bạn cần hiểu rằng bức xạ gây nhiệt chủ yếu nằm ở vùng hồng ngoại. Đó là lý do vì sao đèn sợi đốt rất nóng còn đèn led thì không. Do vậy bạn cần chọn loại film có hiệu suất cản hồng ngoại càng cao càng tốt.

    Và cũng cần chú ý vì film cách nhiệt, nhiều loại quá tối, hoặc bị ám màu xanh nặng, gây ra ám màu vào không gian sinh hoạt và ảnh hưởng đến tâm sinh lý của chủ nhà. Nó cũng không thay đổi được như bạt hay rèm. Vì rèm không thích thì kéo vào kéo ra, bạt không thích thì kéo lên, trời râm thì kéo lên, chứ dán kính rồi thì bạn không thể bóc ra dán vào theo ý thích thường xuyên được.

    Việc bật điều hòa, đương nhiên làm cho không khí trong phòng mát mẻ dễ chịu hơn, vì điều hòa không chỉ làm mát phòng, mà còn làm không khí khô thoáng. Chính sự khô thoáng đó làm cho con người cảm nhận sự mát mẻ hơn nữa, do không khí khô làm cho da bề mặt dễ bay hơi, người sử dụng luôn cảm thấy mát mẻ dễ chịu.

    Vào những ngày mà trời quá nóng, ví dụ hiệu ứng Phơn ở ngoài bắc, nhiệt độ không khí 39 40 độ, thì bạn hình dung là càng thông thoáng khí, bạn càng nóng. Vì nhiệt độ cơ thể bạn chỉ 37 độ thôi. Lúc đó thay vì cần thoáng thì lại cần bịt kín lại, chắn tối đa bức xạ mới là biện pháp đúng.

    Hoặc như những ngày trời độ ẩm quá cao, gây bức bối vì da không thể bay hơi được, thì bạn cũng không nên để thông thoáng khí, vì nhà sẽ nồm, không khí ngột, trường hợp đó bạn nên bật điều hòa, hoặc chạy máy hút ẩm để độ ẩm trong phòng về <60% sau đó bật quạt, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.

    Thông gió, thoáng khí sẽ có tác dụng trong trường hợp bạn không thể giảm được bức xạ nhiệt vào không gian. Ví dụ tầng thượng thường là nơi nóng nhất nhà vì nó nhận bức xạ mặt trời cả ngày. Lúc này tầng thượng cần được thông gió trước sau để không khí bên trong có thể trao đổi nhiệt với bên ngoài.

    Ngoài ra một kinh nghiệm nữa sau đây:

    + Sử dụng sơn cản hồng ngoại để sơn bề mặt hứng bức xạ trực tiếp, ví dụ sơn sân thượng, nóc nhà. Người ta thường gọi là sơn chống nóng. Có lớp cản hồng ngoại, màu trắng, phản xạ bức xạ tối đa.

    + Sử dụng nhiều vật liệu phản xạ bức xạ và cản nhiệt tốt, ví dụ Gạch ceramic bóng. (nhưng chú ý trơn trượt) Thay vì các bề mặt sần nhám tối màu.

    + Nước và cây là 2 thứ nhận nhiệt nhưng tăng nhiệt độ rất ít. Do nước nhiệt dung cao, và nước có thể bay hơi để giảm nhiêt, còn cây cũng có thể bay hơi để giảm nhiệt và biến 1 phần bức xạ của mặt trời thành quang năng nên cây tăng nhiệt ít. Vì vậy bạn có thể dùng cây và nước làm lá chặn nhiệt tự nhiên. Nước còn có công dụng thần kì khác đó là khi nó bay hơi, nó làm giảm nhiệt cho khu vực chứa nó. Cho nên khi trời nắng rát quá, các bạn có thể tưới nước cho tường và nó sẽ giúp giảm nhiệt cho bức tường của bạn. Nhưng cần nhớ rằng khi nước bay hơi nó lấy nhiệt từ nơi chứa nó để mang theo hơi nước. Cho nên hơi nước bốc lên lúc này nóng và ngột ngạt cho nên chỉ tưới nước mặt ngoài chứ đừng bao giờ phun nước ở bên trong nhà."

    Nguyễn Thái Thạch

    Minh VươngTheo dõi

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Đời sống

    Xem tất cả

    Xu hướng

    Xem tất cả

    Happynest Story

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0