Do chủ quan, thiếu kinh nghiệm, hoặc vì nhiều lý do “trời ơi đất hỡi”, nhiều gia chủ Việt đã vấp phải hoàn cảnh “đau thương” khi xây sửa nhà. Điển hình là 2 trường hợp trong bài viết dưới đây.
1. Tốn gấp 3 lần chi phí sửa nhà do không bàn bạc với người thân
-
-
-
-
-
Chị P.Đ.T (30 tuổi) hiện đang sống cùng bố mẹ và em trai trong căn nhà 1 tầng tại quận Gò Vấp (TP.HCM). Nhà chị T có vẻ ngoài rêu phong cổ kính, dù đã xây dựng cách đây mấy chục năm nhưng nhiều người đến thăm vẫn thường khen: giữa chốn nội thành lại có một căn nhà mang vẻ cổ điển, thơ mộng như vậy thực sự rất hiếm. Do chị T sắp kết hôn nên gia đình quyết định sơn phết lại căn nhà cho tươm tất và khang trang để tiện đón khách.
Nghĩ rằng sơn nhà cũng nhanh, khoảng 1 tuần là xong nên trước ngày cưới 2 tháng, gia đình chị T mới hẹn thợ đến sơn. Tuy nhiên sau khi bàn bạc với nhà thầu, bố chị T lại đột ngột báo với cả nhà sẽ nâng nền bên cạnh việc sơn nhà, vì nền nhà chị T làm thấp hơn mặt đường gần cả thước. Việc sửa sang nhà cửa từ 1 tuần kéo dài thành 2 tuần, và phải dọn dẹp di chuyển khá nhiều đồ đạc.
Nhưng việc chưa dừng ở đó. Vừa bắt tay sửa nhà chưa được bao lâu, bên thi công đến xem nhà chị T và phán: “Nhà này xây bị lỗi, giờ muốn nâng nền thì phải đập bỏ toàn bộ”. Tức là xây mới cả căn nhà. Chi phí vì thế cũng đội lên gấp 3, từ khoản tiền dự trù 40 - 50 triệu, nay đội lên tận 300 triệu. Thời gian thi công cũng kéo dài đến 2 tháng, chưa kể còn mất tới 2 tuần đi xin giấy phép xây nhà. E là không kịp hoàn thiện để làm đám cưới.
-
Xây sửa nhà cần dựa trên nhu cầu thực tế, chi phí và thời gian thi công phù hợp
-
-
-
-
Vì chuyện này mà chị T và bố tranh cãi suốt nhiều ngày, cả nhà ai cũng buồn bã. Thói quen sinh hoạt của cả gia đình cũng bị đảo lộn. Thời gian xây sửa nhà, chị T và mẹ phải qua nhà ngoại ở tạm, còn bố và em trai ở gian sau căn nhà để tiện bề trông nom thi công.
“Cũng may bên nhà thầu áy náy và là chỗ quen biết nên họ cũng bớt giá khá nhiều. Nhà xây bình thường chỉ cần 7 - 8 thợ, nhưng bên thầu đổ người về thêm, có lúc lên đến mười mấy người nên tiến độ thi công cũng nhanh hơn” - Chị T chia sẻ. Chồng chưa cưới của chị T cũng là người tinh ý, thường xuyên mua đồ ăn uống qua nhà thết đãi và động viên thợ. Sau hơn 1 tháng rưỡi, căn nhà mới của gia đình chị T cuối cùng hoàn thành.
“Nhìn căn nhà khang trang bây giờ mà lòng tôi vẫn hơi buồn, không phải vì tiếc tiền, mà là hoài niệm về căn nhà cổ kính, xinh xắn, từng được cả xóm xem như ‘di sản’. Hàng giậu không còn, khoảng sân phủ rêu cây cỏ um tùm cũng không còn. Trong một tháng rưỡi ‘chạy đua’ đó cũng có nhiều vấn đề khác, khi các quyết định xây sửa được đưa ra mà không có tiếng nói thống nhất giữa các thành viên trong gia đình. Ngôi nhà cũng không khỏi có nhiều chỗ chắp vá không thực sự như ý. Hơn nữa, việc xây hẳn một căn nhà rộng 100m2, có 1 tầng như thế này thường phải cần đến kiến trúc sư” - chị T tâm sự.
2. Suýt mất tiền oan vì không ký nhận rõ ràng
Gia đình chị N.T.N (37 tuổi) mới sinh thêm em bé thứ 3. Do nhu cầu về không gian sinh hoạt ngày càng lớn, hai vợ chồng chị N quyết định dùng tiền tiết kiệm và vay thêm từ ngân hàng để xây nhà mới tại quận Đống Đa (Hà Nội). Vì cả 2 vợ chồng đều công tác theo giờ hành chính, nên việc trông coi thi công hàng ngày, chị N phải nhờ ông chú họ tên K ở quê lên thành phố hỗ trợ.
Do bận đi làm, nhiều gia chủ sẽ cần sự giúp đỡ của người thân để trông coi tiến độ thi công
Các công đoạn liên hệ, đặt nhà cung ứng vật liệu… đều do vợ chồng chị N kiểm soát, ông K chỉ cần có mặt và nhận bàn giao vật liệu, sau đó báo lại số lượng để chị N thanh toán. Đúng ngày chị N hẹn nhân viên chở đến 4 xe cát, ông K lại có việc phải về quê gấp. Ông K chỉ kịp nhận 2 xe chở cát vào buổi sáng rồi về quê luôn, 2 xe còn lại mãi cuối giờ chiều, bên cung ứng vật liệu mới chở đến. Chị N đã nắm được thông tin nhưng do chủ quan, không hề ký xác nhận lại bằng văn bản hoặc tin nhắn với bên cung ứng mà tiếp tục đặt thêm 2 xe cát vào ngày hôm sau.
Kết quả, đến khi thanh toán, bên cung ứng báo số lượng xe cát cần thanh toán là 7 xe, trong khi thực tế chỉ chở đến 6 xe. Do là chỗ quen biết và cũng đã hợp tác được một thời gian nên chị N rất bực, quyết tâm tranh luận đến cùng. Sau cùng, bên cung ứng cũng chấp nhận chỉ thanh toán 6 xe cát, nhưng kèm theo đó là sự lạnh nhạt và các mối quan hệ sứt mẻ.
“Vấn đề ở đây không chỉ là tiền thanh toán của 1 xe cát, mà là sự cam kết, xác nhận rõ ràng giữa 2 bên khi làm việc. Chủ nhà mà không tỉnh táo và cẩn thận là mất tiền như chơi. Dù chỉ là chút chuyện nhỏ nhưng cũng là kinh nghiệm xương máu để tôi áp dụng với tất cả những việc khác trong cuộc sống” - Chị N nói.
Nên tham khảo kỹ kinh nghiệm của những người đi trước để rút kinh nghiệm khi xây sửa nhà của riêng mình
Bỏ tiền xây sửa nhà mà được việc thì ai cũng đồng ý, nhưng vì một vài lý do nhỏ không đáng có mà khiến gia chủ “tiền mất tật mang” khi xây sửa nhà thì không nên. Trên đây là những ví dụ thực tế và tiêu biểu để các gia chủ Việt tham khảo và rút kinh nghiệm khi áp dụng với trường hợp của riêng mình.
(Còn tiếp…)
Bài viết: Phương Thảo
Thân mời bạn tham gia chuỗi sự kiện offline đầu tiên của group Happynest (Cộng đồng yêu nhà đẹp) sau gần 4 năm hoạt động. 4 năm - một hành trình chưa quá dài nhưng đầy kỷ niệm và ý nghĩa. Trong suốt thời gian này, Happynest may mắn nhận được sự yêu mến, đồng hành và sự trợ giúp của những người bạn trên khắp mọi miền tổ quốc. Đó cũng là động lực to lớn để admin Cao Tuyết Minh quyết định thực hiện chuỗi sự kiện offline đầu tiên dành cho những người bạn yêu nhà. Sự kiện sẽ diễn ra tại một số tỉnh thành trên toàn quốc, là cơ hội để các thành viên gặp gỡ và giao lưu cùng các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nhà ở. Cùng với đó là cơ hội được tư vấn miễn phí, “gỡ rối” chuyện xây, sửa, hoàn thiện nhà… Đặc biệt, khi tham gia sự kiện, các thành viên có cơ hội nhận được rất nhiều ưu đãi và những phần quà hấp dẫn với tổng giá trị giải thưởng lên tới 100 triệu đồng. Tìm hiểu toàn bộ thông tin về sự kiện tại đây, và đăng ký tham gia ngay tại đây để không bỏ lỡ chuỗi hoạt động cực kỳ ý nghĩa của Happynest bạn nhé! |