Tận dụng tối đa ánh sáng và gió, Fabric House đã trở thành chốn về thông thoáng, mát mẻ cho cả gia đình. Sự kết hợp hài hòa các giải pháp kiến trúc sáng tạo, bền vững đã giúp ngôi nhà khắc phục nhược điểm vị trí và mặt tiền hướng chính Tây.
*Theo dõi Happynest thường xuyên để cập nhật những thông tin hữu ích về nhà ở nhé.
Fabric House nằm trong một khu dân cư khép kín ở TP.HCM, với mặt tiền hướng Tây thường đón gió mùa và nắng gắt quanh năm. Khi lên ý tưởng thiết kế ngôi nhà, thách thức của nhóm KTS không chỉ là sự sáng tạo trong không gian kiến trúc mà còn phải tiếp cận thân thiện đối với môi trường tự nhiên.
Để giảm tác động của nắng hướng Tây, thiết kế của Fabric House có sự kéo dài về không gian phía trước theo từng tầng. Cụ thể, tầng trên sẽ vươn ra so với tầng dưới khoảng 2,5m, tạo thành một hình dạng phễu ngược.
Không chỉ tạo ấn tượng thị giác, thiết kế hình phễu ngược còn giúp giảm tác động của nắng nóng hướng Tây vào không gian sống trong Fabric House
>>> Xem thêm: Lantern House - Nghệ thuật làm dịu nắng hướng Tây của ngôi nhà đèn lồng tại Sài Gòn
Bên cạnh đó, nhóm KTS cũng áp dụng một chuỗi giải pháp được gọi là “lớp layer chống nóng”.
Lớp đầu tiên với tên gọi “green layer” chính là lớp “rèm xanh” che chắn cho mặt tiền. Hệ cây xanh rủ xuống phía trước như một lớp rào chắn cản bớt ánh nắng trực tiếp và tạo cảm giác gần gũi thiên nhiên. Kết hợp với các mảng xanh xen lẫn ở sân trước, sân trong giúp làm dịu không gian sinh hoạt và giữ cho ngôi nhà luôn mát mẻ.
Lớp “green layer” mang đến diện mạo sinh động, tươi tắn cho Fabric House
Hàng cây leo rủ giúp giảm nhiệt và bảo vệ sự riêng tư cho gia đình
Lớp thứ hai “fabric layer” là hệ thống lam gỗ được thiết kế đan xen thông minh trên bề mặt ngôi nhà. Lựa chọn lam gỗ không chỉ mang lại vẻ đẹp tự nhiên mà còn giúp giảm tới 50% lượng nắng trực tiếp vào nhà, đồng thời giữ cho không khí được lưu thông, duy trì sự thoáng mát xuyên suốt ngôi nhà.
Đối với vật liệu xây dựng, Fabric House chú trọng sử dụng các thành phần tự nhiên như đá sa thạch, gỗ tự nhiên và cây xanh để tạo ra một không gian sống gần gũi và ấm cúng.
Mặt tiền Fabric House sử dụng bằng các vật liệu địa phương, như đá sa thạch, gỗ tự nhiên
Cửa kéo lam gỗ mang đến cảm giác mộc mạc, gần gũi
Khu tiểu cảnh nhỏ trồng các loại cây mà gia chủ yêu thích
Gỗ tự nhiên và cây xanh không chỉ là phần của “green layer” mà còn làm điểm nhấn nghệ thuật, tạo nên không gian sống giao thoa với thiên nhiên
Đối lập với diện mạo ấn tượng ở mặt tiền, bên trong Fabric House lại mang đến cảm giác tĩnh lặng, yên bình. Mỗi không gian sống đều được bố trí sao cho tận dụng tối đa được ánh sáng và khí trời. Đồ nội thất cũng được tinh giản, xếp đặt một cách khéo léo để vừa tối ưu công năng, vừa kết nối với môi trường xanh bên ngoài.
>>> Xem thêm: Nhà 3 tầng hướng Tây có 4 cách xử lý không gian đáng tham khảo, vừa làm mát nhà, vừa tối ưu công năng
Các không gian sống được bố trí sao cho có thể tận dụng tối đa được gió và nắng, tạo ra sự kết nối tuyệt vời giữa ngoại thất và nội thất
Lớp vỏ làm gỗ vừa đảm bảo sự riêng tư nhưng vẫn lưu thông ánh sáng cho phòng khách
Bộ sofa da màu xanh gợi nhắc đến hình ảnh cây lá
Cầu thang màu bê tông đơn giản, gần gũi
Lên đến tầng trên, thiết kế bậc hở không chỉ tăng tính thẩm mỹ mà còn hỗ trợ thông khí cho ngôi nhà
Giếng trời mái kính đặt ngay trên cầu thang, đóng vai trò trục lấy sáng cho toàn nhà
Kết hợp với tường kính giúp ánh sáng được khuếch tán rộng hơn
Tầng thượng lát sàn gỗ, ngập tràn ánh sáng và những khoảng xanh
Gạch hoa gió tạo ra những khung nhìn xinh xắn
Lấy ý tưởng từ các giải pháp đơn giản, hình khối vuông, Fabric House đề cao việc cân bằng không gian sống thích nghi cho người sử dụng, cảm nhận thiên nhiên qua ánh sáng và gió. Ngôi nhà không chỉ là nơi ở, mà là một không gian sống tinh tế và thân thiện với môi trường, nơi gia chủ có thể tận hưởng và hòa mình với tự nhiên.
>>> Xem thêm: TOP 10 nhà hướng Tây thiết kế khoảng lùi để chắn nắng cho nhà phố
Các bản vẽ thiết kế của Fabric House
Thông tin công trình:
Tên công trình: Fabric House
Địa điểm: TP.HCM, Việt Nam
Diện tích: 120m2
Đơn vị thiết kế: 90odesign, Lam Nin Architects
Kiến trúc sư chủ trì: Hà Huy Thạch, Trần Đức Huy
Nhóm thiết kế: Trịnh Quang Giáp, Tưởng Ngọc Thạch
Thi công hoàn thiện: 379 Gallery
Quản lý dự án: Nguyễn Tấn Đạt
Năm hoàn thành: 2022
Ảnh: Đạt Bướm
*Để lại thông tin trong box dưới đây nếu bạn có nhu cầu tìm kiếm đơn vị thiết kế - thi công nhà ở nhé.