Giếng trời ngày càng trở thành một thiết kế phổ biến và được ưa chuộng trong các ngôi nhà hiện đại. Với thiết kế này, không gian sống thêm phần thông thoáng, sáng sủa. Đồng thời còn tạo được điểm nhấn ấn tượng, độc đáo. Lựa chọn cây trồng ở giếng trời trong nhà vì thế cũng dần trở thành điều được nhiều người quan tâm và tìm kiếm. Loại cây nào là phù hợp? Ý nghĩa của chúng trong phong thủy là gì? Trong bài viết ngày hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu tới các bạn các thông tin liên quan về vấn đề này nhé.
Vì sao nên trồng cây ở giếng trời trong nhà?
Giếng trời có vai trò đón nhận và phân bổ ánh sáng tới các khu vực trong nhà. Do đó, khu vực giếng cũng là nơi thích hợp nhất trong nhà để trồng cây xanh. Với phần tiểu cảnh sân vườn này, ngôi nhà cũng được kết nối gần gũi hơn với thiên nhiên.
Đặc biệt trong các mô hình nhà ống với đặc điểm hẹp ngang, sâu về sau, trồng cây như vậy sẽ giúp không khí trong nhà thoáng mát, tạo cảnh quan “xanh”.
Ngoài ra, phần lớn giếng trời trong nhà sẽ được bố trí ở vị trí trung tâm. Đây là khu vực mang đặc tính của hành Thổ. Theo phong thủy, nó cân bằng với các hành khác theo nguyên tắc: Mộc chuyển – Kim ẩn – Thổ trung dung hoặc Hỏa thăng – Thủy giáng – Thổ bình hòa.
Khi kết hợp giếng trời với tiểu cảnh cây xanh sẽ kích thích luồng sinh khí trong nhà. Nếu vị trí giếng đặt ở nơi phòng ăn thuộc hành Mộc, gia chủ có thể lắp đặt thêm hồ nước cùng với cây cảnh. Như vậy sẽ tạo ra Thủy – Mộc tương sinh, rất tốt cho vận khí.
Trồng cây xanh ở giếng trời giúp ngôi nhà được kết nối gần gũi với thiên nhiên hơn
Tùy diện tích giếng trời để bạn lựa chọn số lượng cây trồng phù hợp. Nếu giếng lớn thì cũng chỉ nên dành một phần đất để trồng cây, phần còn lại có thể lát đá hoặc sỏi. Bạn cũng cần chú ý, tuy giếng trời là nơi cung cấp ánh sáng và gió. Nhưng môi trường trong nhà vẫn sẽ gây những khó khăn nhất định cho việc sinh trưởng của cây. Do đó cần xem xét để chọn những cây có khả năng chịu hạn, sức sống tốt để trồng ở giếng trời.
Lưu ý khi chọn cây trồng ở giếng trời trong nhà
Khi bố trí cây ở giếng trời, lưu ý không nên sắp đặt quá phức tạp hay rậm rạp. Điều này có thể ảnh hưởng đến vai trò lấy sáng và thông gió của giếng trời. Cách thiết kế tiểu cảnh cây xanh phổ biến nhất là trồng cây theo 3 tầng. Một cây cao, thường chọn cây thân gỗ làm chủ đạo, các cây bên dưới thấp dần tạo thành tầng trung và tầng cây tô điểm.
Chúng có tác dụng phủ nền để khu vực đáy giếng trời trở thành mảng xanh mát. Các tầng cây như vậy cũng giúp tiểu cảnh trông tự nhiên, tăng vẻ thẩm mỹ.
Kích thước cây trồng ở giếng trời cũng phụ thuộc vào kích thước giếng. Bạn cũng cần phải lưu ý để có cách xử lý phù hợp mối quan hệ tương phản của quần thể cây. Ví dụ như giữa thưa và rậm, giữa cây to và cây nhỏ, giữa tranh giành và nhường nhịn,…Có như vậy mới cân bằng giữa yếu tố công năng và thẩm mỹ. Dưới đây là một số gợi ý về cây cảnh phù hợp trồng ở giếng trời.
Nên thiết kế tiểu cảnh cây xanh phổ biến nhất là trồng cây theo 3 tầng
Lựa chọn loại cây chủ đạo
Lựa chọn cây trồng ở giếng trời trong nhà luôn cần một cây chủ đạo. Nó giữ vị trí trung tâm, có kích thước lớn nhất và tán lá sẽ bao trùm cả không gian đáy giếng. Theo các kiến trúc sư, chiều cao lý tưởng của cây chủ đạo nên trung bình từ 1 – 2.5m. Đặc điểm của loại cây này nên có khả năng thích nghi tốt, sống khỏe. Như vậy mới tạo được khoảng không gian xanh tươi trong nhà. Một số loại cây thường được chọn làm cây chủ đạo trồng ở giếng trời như:
Cây khế
Cây khế là loại cây gỗ nhỏ, cao từ 3 – 7m, tiết diện tròn. Nó chia ra thành hai loại: Cây khế ngọt và khế chua. Tùy vào nhu cầu và sở thích để bạn chọn giống cây khế trồng tại giếng trời trong nhà. Chúng đều rất dễ trồng và dễ chăm, có sức sống cao và thích nghi tốt với bóng râm.
Do đó dù bạn bận rộn, không có thời gian chăm bón cây thường xuyên thì nó cũng không dễ bị héo hay chết. Chúng chỉ có một vài điểm khác biệt như khế chua có tán lá rộng hơn so với khế ngọt. Hoa của cây khế chua thì có màu đỏ sẫm bắt mắt, còn khế ngọt cho những bông hoa mang sắc hồng tím mộng mơ.
Cây khế rất dễ trồng và dễ chăm, có sức sống cao và thích nghi tốt với bóng râm
Chỉ với một gốc khế trồng giữa giếng trời cũng tạo nên sự tinh tế, vẻ đẹp bình yên cho không gian. Hơn nữa, cây khế trong phong thủy cũng có nhiều ý nghĩa tốt lành. Theo đó, nó giúp cân bằng âm dương, mang đến sự tài lộc, phát triển thịnh vượng. Bởi quả khế khi chín mang hình ngôi sao năm cánh may mắn.
Câu chuyện cổ tích về sự tích “ăn khế trả vàng” cũng nói đến sự hưng thịnh của loài cây này. Ngoài ra theo quan niệm dân gian, cây khế là cây “chánh pháp” thường gắn với người hiền hậu, phúc đức. Do đó lựa chọn cây khế trồng tại giếng trời được rất nhiều người ưa chuộng.
Cây lộc vừng
Cây lộc vừng thuộc bộ tứ cây phong thủy “sanh, sung, tùng lộc” rất được người Việt Nam yêu thích. Đúng như cái tên của mình, khi trồng lộc vừng người ta mong muốn đem lại nhiều may mắn, tài lộc dồi dào, hưng thịnh cho gia chủ.
Giống cây này là cây thân gỗ sống lâu năm, có chiều cao trung binh từ 2 – 5m. Có loại có thể lên đến 10m. Cây có thân thẳng, lá dày, hoa mọc thành từng chuỗi dài và rủ xuống, mùi hương dịu nhẹ.
Thông thường ta sẽ bắt gặp lộc vừng đỏ với sắc hoa rực tựa như những đốm lửa trong không gian. Bên cạnh đó cũng có lộc vừng trắng mang đến cảm giác thanh thuần được nhiều người ưa chuộng. Lộc vừng cũng là một loại cây dễ trồng. Trong điều kiện đủ nắng và đủ gió, cây dễ dàng ra hoa tự nhiên. Thời gian hoa khoe sắc cũng kéo dài.
Vào mùa thay lá thì lá cây sẽ chuyển màu vàng, đỏ nhìn rất quyến rũ. Thời gian thay lá không lâu, vậy nên bạn không cần quá lo lắng về vấn đề quét dọn.
Cây đào tiên
Cây đào tiên thuộc dòng thân gỗ, còn có tên gọi khác là cây trường sinh (hoặc trường thọ). Trong Đông y, loại cây này được coi là cây thuốc quý chữa nhiều bệnh. Dáng cây thẳng, đẹp, chia thành nhiều nhánh nhỏ và dài nhưng không quá cao nên rất thích hợp để trồng ở khu vực giếng trời.
Tán lá rộng, chiều cao trung bình từ 5 – 7m, đường kính trung bình khoảng 3 – 6cm. Lá cây đào tiên mọc dọc theo thân, thuôn dài, nhẵn bóng và có màu xanh đậm. Loại cây này còn gây thu hút bởi hoa nở có độ xòe to rất đẹp, màu trắng nhẹ nhàng.
Cây đào tiên trồng tại giếng trời
Vào giai đoạn trưởng thành, cây đào tiên không đòi hỏi sự chăm sóc quá cầu kỳ. Nó khá dễ trồng, ưa sáng và không có nhu cầu nước lớn. Khả năng sinh trưởng mạnh mẽ dưới mọi điều kiện thời tiết là một trong những lý do giống cây này phù hợp để trồng ở giếng trời trong nhà.
Chỉ cần chừa khoảng trống đất lớn, có độ tơi xốp để cây có điều kiện sinh trưởng tốt nhất. Trong phong thủy, cây đào tiên tượng trưng cho sự sung túc, làm ăn phát đạt. Điều này là bởi cây có quả mọc sum suê kín từ gốc đến đầu cành ngọn. Với ý nghĩa này, gia chủ hy vọng về tài lộc, công việc ăn nên làm ra và hưng thịnh.
Cây phát tài núi
Cây phát tài núi còn được biết đến qua nhiều tên gọi khác như cây đại lộc, cây huyết rồng,…Cái tên “phát tài núi” được cho là bởi loại cây này có nguồn gốc sinh trưởng từ những vùng núi cao rồi mới được đem về dưới xuôi. Đây cũng là một giống cây thân gốc với nhiều phân cành, thân cây mọc ra nhiều rễ phụ.
Cây có chiều cao trung bình khoảng 1 – 1,7m. Chúng cũng có thể bị hạn chế ở mức 1,5m nếu được trồng trong chậu cảnh. Vì vậy phát tài núi rất thích hợp để trồng ở những giếng trời có diện tích không lớn. Mà vẫn đảm bảo mang lại màu xanh tươi mát, tạo thành điểm nhấn trong không gian bởi hình dạng cây đẹp uyển chuyển.
Cây phát tài núi phù hợp trồng tại những giếng trời có diện tích nhỏ
Phát tài núi là loại cây ưa sáng, có khả năng chịu hạn tốt và tốc độ sinh trưởng nhanh. Sức sống bền bỉ và mạnh mẽ, thích nghi với mọi điều kiện thời tiết. Giống như cái tên của mình, phát tài núi thể hiện mong muốn về cuộc sống thuận lợi, suôn sẻ và nhiều tài lộc của gia chủ. Cây đem lại nguồn sinh khí dồi dào, tinh thần tích cực và may mắn cho mọi người.
Cây kim ngân
Cây kim ngân thường trồng làm cảnh để trang trí bàn làm việc. Tuy nhiên nó cũng hợp để trồng ở giếng trời. Nhất là ở những nhà có không gian giếng trời không quá lớn nhưng vẫn muốn tạo tiểu cảnh cây xanh. Khi đó, cây có thể cao trên 1m.
Cây kim ngân là cây bóng râm, có thể chịu nước tốt, thích nghi ở nơi ánh sáng yếu nên vẫn sinh trưởng khỏe mạnh ở điều kiện trong nhà. Vẻ đẹp nhẹ nhàng, giản dị mà tinh tế là điều khiến loại cây này chinh phục nhiều người.
Cây kim ngân nhỏ gọn, nhẹ nhàng mà tinh tế
Trong tiếng Hán, “kim” và “ngân” đều chỉ về hiện kim, ngân lượng, tiền của. Khi đi với nhau, chúng bổ sung ý nghĩa, ngụ ý tiền lúc nào cũng nhiều, dồi dào. Vì thế nó được xem là một trong những loại cây đem lại nhiều may mắn, tài lộc cho gia chủ.
Trong phong thủy, kim ngân cũng có ý nghĩa đặc biệt. Cây có 5 lá, tượng trưng đủ cho 5 yếu tố ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Theo các chuyên gia phong thủy, điều này thể hiện cây giúp cân bằng các nguồn năng lượng. Sự ổn định, hòa hợp giữa các yếu tố góp phần mang lại tiền tài, thịnh vượng cho gia chủ. Bên cạnh đó, kim ngân còn là biểu tượng cho bậc trượng phu kiên cường, cho sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau.
Đan xen cây tầng trung bên dưới tán cây chủ đạo
Khi đã lựa chọn được cây trồng chủ đạo ở giếng trời, việc trồng thêm các cây có độ cao tầm trung là cần thiết. Điều này sẽ giúp tạo điểm nối trung gian giữa tầng cây chủ đạo và cây tô điểm. Tiểu cảnh cây xanh ở giếng trời gắn kết với nhau cũng sẽ giúp khu vực này có vẻ thẩm mỹ ấn tượng hơn.
Một số loại cây phổ biến thường được ứng dụng tại đây như các cây trầu bà: Trầu bà thanh xuân, trầu bà đế vương, trầu bà chân vịt, trầu bà khía…Các loại này đều rất đa dạng về chiều cao, bạn có thể dễ dàng tìm được kích cỡ cây phù hợp với giếng trời của mình.
Ngoài ra còn một số cây khác cũng rất được ưa chuộng: Cây cau tiểu trâm, ngũ gia bì, ráng ổ phụng, chuối rẻ quạt, chuối hoa, đinh lăng, bạch mã hoàng tử, saphia,…Bạn cũng có thể kết hợp nhiều loại với nhau, miễn chúng không tương khắc với nhau là được.
Chọn cây tô điểm xung quanh
Để khu vực giếng trời thực sự trở thành một “lõi xanh” thư thái và bình yên, đừng quên chọn thêm các loại cây nhỏ xung quanh ở tầng thấp nhất. Chúng góp phần tô điểm cho không gian, không để phần đất lộ ra trơ trọi. Bạn có thể cân nhắc đến những loại cây tán rộng để cho vẻ đẹp hấp dẫn hơn. Đồng thời nó cũng phải dễ trồng, dễ thích nghi, nhất là với điều kiện sống trong nhà. Một số loại cây phổ biến như: Cây lan tim, lan ý, lan hạt dưa, nhền nhện, sen đá, hồng môn,…
Chăm sóc cây trồng ở giếng trời trong nhà như thế nào?
Tưới cây thường xuyên với lượng nước phù hợp
Tưới cây thường xuyên là một trong những điều quan trọng để giữ cho cây luôn tươi tốt. Tuy vậy cần lưu ý để điều chỉnh lượng nước tưới phù hợp. Quá nhiều hay quá ít đều không tốt. Hầu hết các loại cây trồng ở giếng trời trong nhà là cây thân gỗ, rễ thường ăn sâu xuống.
Nếu chỉ tưới đủ ẩm mặt trên thì phần rễ bên dưới sẽ khô khiến cây mục héo và chết. Thế nhưng bạn cũng không nên tưới quá đâm. Bởi khi trồng trong nhà việc thoát hơi nước sẽ ít hơn so với trồng ngoài trồng. Hãy kiểm tra độ ẩm của đất bằng que hoặc dùng tay để quyết định lượng nước tưới phù hợp.
Cắt tỉa cành cho cây
Các cây thân gỗ thông thường sẽ có nhánh cây lan rộng, tán lá sum suê. Nhất là khi đặt ở nơi có vị trí nhiều ánh sáng như giếng trời sẽ tạo điều kiện để cây phát triển tốt. Do đó cây xanh càng sinh trưởng mạnh, cành lá um tùm. Để đảm bảo việc sinh hoạt không bị gây cản trở thì bạn nên cắt tỉa cành, lá thừa cho cây. Chỉ giữ lại các cành chính và số lượng lá nhất định. Như vậy cũng không ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ.
Bón phân hữu cơ cho cây
Để cây có điều kiện sinh trưởng tốt nhất thì bạn nên bón phân cho cây. Tùy thuộc vào loại đất và cây trồng để xem xét thời gian bón phù hợp. Thông thường sẽ là 3 – 4 tháng một lần để cây được cung cấp chất dinh dưỡng. Bạn nên sử dụng phân hữu cơ thay vì phân hóa học. Bởi loại phân này có thành phần bao gồm các yếu tố tự nhiên, đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Phân hóa học có thể khiến cây phát triển nhanh hơn nhưng có thể khiến đất trồng bị chai. Chưa kể, thành phần của nó có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe gia đình bạn.
Trên đây là những chia sẻ về cây trồng ở giếng trời trong nhà. Việc trồng cây tại khu vực giếng trời là một cách tô điểm cho không gian, tạo nên những dấu ấn cá nhân của gia chủ. Chọn đúng loại cây phù hợp còn mang đến nhiều ý nghĩa về phong thủy, hút tài lộc, may mắn đến với gia đình