Hiểu rõ 6 điều về lập vi bằng mua bán đất để tránh bị lừa

    Cập nhật ngày 03/03/2023, lúc 15:58493 lượt xem

    Lập vi bằng mua bán đất là sự kiện diễn ra khá phổ biến trên thực tế. Nhưng vi bằng là gì? Pháp luật quy định như thế nào về việc lập vi bằng mua bán đất? Cùng tìm hiểu 6 điều về lập vi bằng mua bán đất sau đây để tránh rủi ro khi mua bán nhà đất nhé.

    Trải nghiệm bài viết và hình ảnh mượt mà hơn với ứng dụng Happynest tại đây

    1. Vi bằng là gì?

    Vi bằng là thuật ngữ được nhiều người dân biết đến, nhất là vi bằng liên quan đến nhà đất. Khoản 3 Điều 2 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định rõ về vi bằng như sau:

    “Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này.”.

    Vi bằng do Thừa phát lại lập để ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp không được lập vi bằng theo quy định tại Điều 37 Nghị định 08/2020/NĐ-CP.

    Cần hiểu rõ vi bằng là gì trước khi tiến hành giao dịch mua bán đất

    2. Vi bằng có thể thay thế được hợp đồng chuyển nhượng có công chứng không?

    Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng, giá trị pháp lý của vi bằng như sau:

    “1. Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp quy định tại Điều 37 của Nghị định này.

    2. Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.

    3. Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

    4. Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu thấy cần thiết, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân có thể triệu tập Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng. Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải có mặt khi được Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân triệu tập.”.

    Như vậy, vi bằng không thay thế hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán nhà ở được công chứng hoặc chứng thực.

    Giá trị của vi bằng chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà thừa phát lại trực tiếp chứng kiến nên không thể thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác

    >>> Xem thêm: 6 thủ đoạn lừa đảo phổ biến khi mua bán nhà, đất

    3. Có được lập vi bằng để chuyển nhượng nhà đất không có giấy tờ chứng minh không?

    Điều 37 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định các trường hợp không được lập vi bằng như sau:

    “…

    4. Xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực; xác nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; xác nhận chữ ký, bản sao đúng với bản chính.

    5. Ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.”.

    Căn cứ theo quy định trên, cấm Thừa phát lại lập vi bằng để: Ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng đất, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. 

    Lập vi bằng để chuyển nhượng nhà đất không có giấy tờ chứng minh là điều không được pháp luật cho phép

    4. Những sự kiện về nhà đất được lập vi bằng

    Mặc dù không được lập vi bằng để chuyển nhượng nhà đất không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định nhưng Thừa phát lại được lập vi bằng để ghi nhận sự kiện liên quan đến chuyển nhượng nhà đất như sau:

    - Xác nhận tình trạng nhà, đất.

    - Giao nhận tiền khi chuyển nhượng nhà đất hợp pháp, khi hợp đồng chuyển nhượng đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định.

    - Ghi nhận việc đặt cọc,…

    Người dân cần nắm rõ các trường hợp chuyển nhượng nhà đất được lập vi bằng để không bị lừa khi mua bán đất vi bằng

    >>> Xem thêm: Suýt bị lừa mua nhà, gia chủ miền Trung may mắn thoát bẫy và cái kết đẹp sau 10 năm nỗ lực

    5. Các bước tiến hành lập vi bằng

    Để lập vi bằng, người dân cần thực hiện các bước sau:

    Bước 1: Người có nhu cầu lập vi bằng đến Văn phòng thừa phát lại để yêu cầu lập vi bằng.

    Bước 2: Thỏa thuận lập vi bằng.

    Bước 3: Tiến hành lập vi bằng.

    Thừa phát lại phải trực tiếp chứng kiến, lập vi bằng và chịu trách nhiệm trước người yêu cầu và trước pháp luật về vi bằng do mình lập. Việc ghi nhận sự kiện, hành vi trong vi bằng phải khách quan, trung thực. Trong trường hợp cần thiết, Thừa phát lại có quyền mời người làm chứng chứng kiến việc lập vi bằng.

    Người yêu cầu phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến việc lập vi bằng (nếu có) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của các thông tin, tài liệu cung cấp.

    Khi lập vi bằng, Thừa phát lại phải giải thích rõ cho người yêu cầu về giá trị pháp lý của vi bằng. Người yêu cầu phải ký hoặc điểm chỉ vào vi bằng.

    Vi bằng phải được Thừa phát lại ký vào từng trang, đóng dấu Văn phòng thừa phát lại và ghi vào sổ vi bằng được lập theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.

    Vi bằng phải được gửi cho người yêu cầu và được lưu trữ tại Văn phòng thừa phát lại theo quy định của pháp luật về lưu trữ như đối với văn bản công chứng.

    Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc lập vi bằng, Văn phòng thừa phát lại phải gửi vi bằng, tài liệu chứng minh (nếu có) đến Sở Tư pháp nơi Văn phòng thừa phát lại đặt trụ sở để vào sổ đăng ký. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở Tư pháp phải vào sổ đăng ký vi bằng.

    Gia chủ cần lưu ý thực hiện đầy đủ, chính xác các thủ tục khi lập vi bằng

    6. Mua bán nhà đất bằng vi bằng có được sang tên không?

    Căn cứ khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 và Nghị định 08/2020/NĐ-CP, chuyển nhượng nhà đất bằng vi bằng sẽ không được sang tên vì:

    - Pháp luật đất đai quy định hợp đồng chuyển nhượng nhà đất phải công chứng hoặc chứng thực và hồ sơ sang tên phải có hợp đồng chuyển nhượng được công chứng hoặc chứng thực.

    - Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực mà chỉ ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

    Như vậy, với những quy định tại Nghị định 08/2020/NĐ-CP thì Văn phòng thừa phát không được lập vi bằng mua bán đất nếu không có giấy tờ theo quy định, vi bằng không có giá trị thay thế hợp đồng chuyển nhượng được công chứng hoặc chứng thực. Khi lập vi bằng, Thừa phát lại phải giải thích rõ cho người yêu cầu về giá trị pháp lý của vi bằng.

    >>> Xem thêm: Những lưu ý quan trọng người mua nhà đất cần biết để không bị lừa

    Trên đây là tổng hợp những thông tin về vi bằng là gì và những kiến thức cơ bản cần biết về lập vi bằng mua bán đất để tránh bị lừa. Các gia chủ hãy tìm hiểu thật kỹ về vi bằng cũng như đất vi bằng trước khi ứng dụng trong thực tiễn nhé.

    Nguồn: luatvietnam.vn

    Chia sẻ ngay câu chuyện của bạn tại đây để kết nối với cộng đồng yêu nhà đẹp trên nền tảng Happynest nhé. 

    Nếu đây là lần đầu bạn đăng bài, hãy tham khảo trước tài liệu này để hiểu rõ hơn về các thể loại bài đăng, tips giúp bài đăng được duyệt nhanh và thu hút sự chú ý nhất từ cộng đồng. 

    Mọi thắc mắc về việc đăng bài hoặc chỉnh sửa bài, xin vui lòng liên hệ địa chỉ email info@happynest.vn, hoặc phản hồi trực tiếp qua fanpage Happynest để được hỗ trợ và tư vấn kịp thời. 

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Đời sống

    Xem tất cả

    Xu hướng

    Xem tất cả

    Happynest Story

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0