Habitat 67 khởi nguồn từ một luận văn tốt nghiệp nhưng đã trở thành biểu tượng kiến trúc thế kỷ 20. Với thiết kế nhà module linh hoạt kết hợp tinh thần nhà vườn, Moshe Safdie đã tái định nghĩa không gian sống đô thị. Bài viết sẽ đưa bạn khám phá tư duy tiên phong và di sản bền vững của công trình độc đáo này.
Habitat 67 – Biểu tượng kiến trúc module làm thay đổi tư duy nhà ở đô thị
Habitat 67, do kiến trúc sư gốc Israel - Canada Moshe Safdie thiết kế, ban đầu được xây dựng để làm gian triển lãm của Canada tại Hội chợ Thế giới năm 1967 (Expo 67). Dự án này được hình thành như một giải pháp thử nghiệm cho bài toán nhà ở chất lượng cao trong môi trường đô thị mật độ cao. Safdie đã khai phá tiềm năng của việc sử dụng các module tiền chế nhằm giảm chi phí xây dựng và tạo ra một kiểu nhà ở mới có thể kết hợp những ưu điểm của nhà ở ngoại ô vào một tòa nhà cao tầng trong thành phố.
Dự án Habitat 67 thiết kế bởi kiến trúc sư gốc Israel - Canada Moshe Safdie
Thiết kế “hai trong một”: Tiền chế và tái định nghĩa chung cư
Trong bài viết “Nhìn lại Habitat '67”, Safdie từng nhận định: “Habitat '67 thực chất là sự kết hợp của hai ý tưởng trong một. Một là về tiền chế, hai là về việc tái định nghĩa thiết kế chung cư theo một mô hình hoàn toàn mới.”
Habitat 67 ra đời như một giải pháp thử nghiệm nhà ở đô thị mật độ cao.
Dự án khởi nguồn từ luận văn tốt nghiệp của Safdie tại Đại học McGill vào năm 1961, với tiêu đề “Một đề xuất cho cuộc sống thành thị”, mô tả một “hệ thống xây dựng module ba chiều”. Hai năm sau, khi mới 23 tuổi và đang thực tập tại văn phòng kiến trúc của Louis Kahn, Safdie đã được thầy hướng dẫn – Sandy Van Ginkel – khuyến khích nộp luận văn này tham dự Hội chợ Thế giới 1967. Safdie đã phát triển luận văn ban đầu thành một quy hoạch tổng thể hoàn chỉnh bao gồm trung tâm thương mại, trường học và 1000 đơn vị nhà ở. Dù còn rất trẻ, nhưng đề án của anh vẫn được thông qua, tuy nhiên về sau chính phủ Canada đã rút gọn quy mô xuống chỉ còn 158 căn hộ.
>>> Xem thêm: Những công trình kiến trúc đỉnh cao được đánh giá là “kỳ quan thế giới”
Habitat 67 được phát triển từ luận văn đại học của Safdie thành dự án quy mô lớn
Quy trình xây dựng module độc đáo ngay tại công trường
Habitat 67 được xây dựng từ 354 module giống hệt nhau, hoàn toàn tiền chế (Safdie gọi là “hộp”), được xếp chồng theo nhiều tổ hợp khác nhau và liên kết bằng các dây cáp thép. Mỗi căn hộ là tổ hợp của từ một đến bốn “hộp” diện tích 600 foot vuông (tương đương 56m2), với hình dạng và cách sắp xếp linh hoạt, tạo nên sự đa dạng trong không gian sống. Các căn hộ được tiếp cận qua hệ thống đường đi bộ và cầu nối, kết hợp ba lõi thang máy chính để dẫn lên các tầng cao. Khu dịch vụ và bãi đậu xe được tách biệt với tuyến di chuyển của cư dân, bố trí riêng tại tầng trệt.
Hệ thống tiếp cận các căn hộ được tổ chức thông qua các lối đi bộ và cầu nối trên cao, liên kết với ba lõi thang máy chính đưa cư dân lên các tầng. Khu vực dịch vụ và bãi đỗ xe được bố trí riêng biệt tại tầng trệt
Quá trình tiền chế các khối bê tông nặng 90 tấn này được thực hiện ngay tại công trường. Mỗi “hộp” được đúc trong một khuôn thép gia cường, có kích thước 38 x 17 feet. Sau khi khô, các khối bê tông được đưa qua dây chuyền lắp ráp để tích hợp hệ thống điện nước, cách nhiệt và lắp đặt cửa sổ. Cuối cùng, các module bếp và nhà vệ sinh được thêm vào trước khi cần cẩu đưa từng “hộp” vào đúng vị trí trong tổ hợp công trình.
Hệ thống tiền chế ngay tại công trường lẽ ra đã giúp giảm chi phí sản xuất – một phần quan trọng trong tầm nhìn của Safdie về nhà ở giá rẻ. Tuy nhiên, do quy mô dự án bị thu hẹp đáng kể, chi phí thực tế lại cao hơn dự kiến. Dù không khởi đầu được làn sóng nhà ở tiền chế như mong muốn, Habitat 67 vẫn thành công trong việc khai sinh một mô hình nhà ở mới, vừa hiệu quả, vừa có khả năng thích ứng với địa hình.
Các căn hộ trong Habitat được tạo nên từ các module tiền chế ghép lại theo tổ hợp khác nhau
Sự kết hợp giữa nhà vườn và nhà cao tầng – Tư duy đột phá
Bằng cách xếp chồng các “hộp bê tông” theo dạng hình học biến thể, Safdie đã phá vỡ mô-típ truyền thống của những tòa chung cư vuông vức, tuyến tính. Mỗi “hộp” được lùi lại một chút so với hộp bên dưới, tạo ra ban công và sân vườn trên mái cho từng căn hộ, giúp luồng không khí lưu thông liên tục và ánh sáng tự nhiên tràn ngập bên trong – những yếu tố hiếm thấy trong một công trình cao tầng 12 tầng. Habitat 67 vì vậy đã tiên phong trong việc kết hợp hai loại hình nhà ở: nhà vườn ngoại ô và chung cư tiết kiệm trong thành phố.
Trong những năm sau Hội chợ Thế giới, nhiều công trình Habitat đã mọc lên tại các nơi khác như New York (1967), Puerto Rico (1968), Israel (1969), Rochester (1971) và Tehran (1976). Khác với hầu hết các gian triển lãm thường bị tháo dỡ sau khi hội chợ kết thúc, Habitat 67 vẫn được giữ lại đúng với mục đích ban đầu, và đến nay vẫn tiếp tục là khu dân cư hoạt động hiệu quả. Giống như Cung pha lê (The Crystal Palace) hay tháp Eiffel, Habitat 67 đã vượt qua giới hạn “tuổi thọ sự kiện” để trở thành biểu tượng kiến trúc của thời đại mình.
Sau Expo 67, nhiều phiên bản Habitat đã được xây dựng trên thế giới và Habitat 67 vẫn tiếp tục là khu dân cư hoạt động tốt
>>> Xem thêm: Khám phá những công trình kiến trúc nổi tiếng ở Việt Nam
Habitat 67 – Nguồn cảm hứng cho những công trình hậu hiện đại
Không chỉ mang tính cách mạng trong thời điểm ra đời, Habitat 67 còn tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng đến giới kiến trúc trong nhiều thập kỷ sau. Có thể thấy mô hình không gian tương tự trong công trình Lâu đài Kafka (1968) của Ricardo Bofill – dù việc ai ảnh hưởng ai vẫn là đề tài gây tranh cãi. Kỹ thuật tiền chế của Habitat cũng được ứng dụng vào tháp Nakagin Capsule Tower của Kisho Kurokawa (1972). Và gần đây hơn, công trình Mountain Dwellings của nhóm kiến trúc BIG được cho là lấy cảm hứng trực tiếp từ chiến lược thiết kế của Safdie.
Nguồn: Archdaily
*Để lại thông tin trong box dưới đây, Happynest sẽ giúp bạn kết nối đơn vị thiết kế - thi công phù hợp và nhanh chóng nhất.