Các bước làm bể thủy sinh từ A đến Z cho người mới bắt đầu

    Cập nhật ngày 18/04/2019, lúc 06:5821.739 lượt xem

    Thú chơi thủy sinh khá đắt đỏ khi có bể lên đến hàng triệu đồng nhưng lại khiến nhiều người mê mẩn. Bạn muốn có một hồ thiên nhiên thu nhỏ ngay trong nhà với cây cối um tùm, cá tôm hay tép nhiều màu sắc nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu? Hãy cùng Happynest tìm hiểu và làm bể thủy sinh từ A đến Z trong bài viết dưới đây nhé!

    Theo các chuyên gia chơi thủy sinh cho biết, thú chơi thủy sinh được du nhập từ Nhật Bản, cái hay của thú chơi này là bạn có thể thu gọn không gian, mô phỏng thiên nhiên kỳ thú vào trong một chiếc bể nước bằng thực vật thủy sinh. Không chỉ mang đến ngôi nhà một thiên nhiên tươi mát, gần gũi với thiên nhiên mà đó còn là thú chơi giúp tinh thần thư thái hơn!


    Một tác phẩm bể thủy sinh đẹp mắt với hệ thống cây xanh đa dạng


    Thú chơi thủy sinh không chỉ đòi hỏi về khiếu thẩm mỹ, mà còn phải mất rất nhiều công phu, thời gian và tài chính.

    Bể thủy sinh khác với những bể cá thông thường ở chỗ có thêm những mảng xanh được trồng ngay bên trong bể, phiến đá, bố trí đèn, cung cấp dinh dưỡng cho cây, lọc nước… Ngoài những loài cá cảnh quen thuộc thì bể thủy sinh còn có những loài cá, tôm, tép lạ, đẹp mắt. Và điều đặc biệt là các cá thể cá hay tép thì chỉ là vật tô điểm cho bể thêm sinh động.

    Bể thủy sinh có rất nhiều loại, nhiều phong cách và cả cách chơi khác nhau. Khi đã thực sự đam mê, bạn sẽ tìm hiểu đến những cách chơi cũng như tìm được phong cách của riêng mình, bởi vốn dĩ hồ thủy sinh cũng chính là một tác phẩm nghệ thuật!


    Bể thủy sinh của nghệ nhân Takayuki Fukada đã đoạt giải đặc biệt trong cuộc thi trình diễn những bể thủy sinh đẹp nhất thế giới.

    Các bước đầu tiên định hình hồ thủy sinh

    Bước 1: Chọn phong cách

    Bước đầu tiên cũng là bước quan trọng nhất chính là chọn phong cách bể thủy sinh mà mình ưng ý nhất. Nếu không có cơ hội trò chuyện trực tiếp với các chuyên gia, hay những người chơi lâu để chọn phong cách, thì bạn hoàn toàn có thể lên Google tìm kiếm những phong cách thủy sinh mà mình thích nhất.

    Có rất nhiều phong cách để bạn lựa chọn, nhưng tựu chung lại có những phong cách chính sau:


    Hồ thảm là loại hồ được trải một đồng cỏ khắp đáy hồ, phía trên có thể trồng cây hay trang trí thêm đá nhỏ tùy thích


    Hồ chơi rêu, ráy, dương xỉ và lũa linh sam sẽ cho bạn cảm giác độc đáo như một ốc đảo giữa hoang mạc


    Hồ đá thường chủ yếu là sắp xếp đá thành núi, đồi hay hình dạng đẹp mắt bất kỳ.


    Phong cách tự do tùy theo sở thích, bạn có thể tùy ý cho đá, lũy hay rêu và sắp xếp sao cho đẹp mắt là được.

    Bước 2: tìm mua hồ hay tự dán kính làm hồ

    Điều này tùy thuộc vào sở thích, độ khéo léo, vị trí bạn chọn đặt hồ (tránh phòng ngủ và linh kiện điện tử) cũng như số tiền bạn có để làm hồ. Nếu bạn quyết định tự mình làm hồ thì có một số kích thước hồ thường thấy sau:

    • Hồ Cubic hình vuông với mỗi cạnh là 40cm: hồ sẽ cho tổng quan đẹp, dễ chơi và kích thước nhỏ gọn. Có thể chọn cả kính thường hoặc kính trong.
    • Hồ 50x30x30 (DxRxC): kích thước cân đối, dánh bằng kính 5 ly là được.
    • Hồ chuẩn size ADA 60x30x36 (DxRxC): cân đối, kính 5 ly trở lên, phù hợp chơi đá hay lũy.
    • Ngoài ra còn có những loại hồ lớn hơn như 60x40x40, 80x40x40, 90x40x40, 90x45x45, 100x50x50, 1m5x60x60

    Bước 3: Chân hồ, tủ kê

    Hiện nay phương pháp kê kệ sắt hay tủ gỗ cho bể thủy sinh là phương pháp tối ưu nhất vì độ chắc chắn. Có rất nhiều loại tủ và chân sắt từ nhiều chất liệu khác nhau, thậm chí có những loại tủ kê hỗ trợ lọc và bơm nước… bạn có thể tham khảo ở những cửa hàng thủy sinh.

    Sau đây là các bước đặt hồ kính lên tủ, kệ đúng cách:


    Lót tấm cao su /xốp mỏng ở vị trí đặt hồ với mục đích để đặt kính lên êm ái, hạn chế vỡ đáy khi thay nước.

    Các bước tạo hình, nuôi và trang trí hồ thủy sinh

    Bước 1: Phân nền thủy sinh

    Phân nền là phần quan trọng cho cả một bể thủy sinh, vì nhờ có nó mà thủy sinh mới sống và ổn định, mọi sinh vật đều khỏe mạnh và phát triển tốt trong môi trường do bạn tạo ra. Phân nền có 2 loại chính là:

    • Nền từ đất bùn, đất sét gọi là nền trộn. Loại này rất giàu dinh dưỡng, giá thành rẻ nhưng sẽ làm khó người mới vì dễ bẩn, làm không khéo sẽ bị xì lên làm đục hồ. Sau khi phủ nền trộn bạn phải phủ sỏi dày 3cm trở lên.
    • Nền công nghiệp phù hợp với người mới bắt đầu vì không sợ xì bùn đất, dễ sắp xếp, không cần lót sỏi nhưng giá thành khá cao.

    Nếu bạn sắp xếp nhiều loại đất nền có thể dùng bìa carton ngăn chia để dễ thao tác.

    Bước 2: Xếp đá, lũa, cây thủy sinh

    Đến đây bạn có thể tùy ý sắp xếp hồ theo phong cách của riêng mình từ đá, lũa, bonsai, thảm… tùy thích. Hãy xếp đá, lũa trước, sau đó mới đến cây cối, thảm thực vật sau.

    Khi sắp xếp bạn nên chú ý đến các thiết bị khác để hồ thủy sinh có thể hoạt động tốt như máy cung cấp CO2, máy lọc hay kệ lọc, đèn thủy sinh… nhé!

    Bước 3: Cho nước vào bể

    Cho nước nhẹ nhàng vào bể vì cây mới cắm, rễ còn yếu nên nếu bạn vội đổ nước mạnh tay thì cây sẽ bị trốc rễ.

    Bước cuối cùng để tạo nên một hồ thủy sinh hoàn hảo đó chính là nuôi thủy sinh (cá, tôm…). Nhưng trước khi thả nuôi tôm hay cá, bạn hãy để bể chạy lọc nước cho đến khi nước dần trong lên; lúc này bạn thả vài con tép mồi vào để chúng dọn sạch bụi vụn để làm sạch bể. Sau khi bể ổn định mới bắt đầu thả cá vào sau. Các bạn có thể thả nuôi nhiều loại cá, tôm vào cùng một hồ, nhưng hãy lưu ý chọn những loại cá có thể sống hòa hợp với nhau bạn nhé!

    Happynest mời các bạn tham gia bình luận và chia sẽ kinh nghiệm làm bể thủy sinh ở phần comment bên dưới. Chúc các bạn thành công!

    Bài viết: Lan Anh

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Đời sống

    Xem tất cả

    Xu hướng

    Xem tất cả

    Happynest Story

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0