Ngôi nhà được xây dựng như một món quà dành cho gia đình người anh, người bạn của KTS Trần Cảnh – Cố họa sĩ, nghệ sĩ sắp đặt Lê Huy Hoàng.
Chúng tôi đã từng yêu thích những công trình của Adrei Studio dù chưa một lần được gặp mặt kiến trúc sư Trần Cảnh–Adrei studio. Tất cả những công trình anh làm đều toát lên sự lạ một cách rõ rệt. Không chỉ công năng công trình được tối ưu hóa thông minh mà tính thẩm mỹ cũng thật sự độc đáo khác biệt với nhiều công trình hiện có.
Ngôi nhà Cúc cu là một công trình gần nhất Andrei vừa hoàn thành. KTS Trần Cảnh đã chắp bút cho ý tưởng của ngôi nhà này như một hình tượng hóa về tổ ấm. Với anh, đây là công trình Adrei studio thực hiện với một thứ tình cảm đặc biệt. Và ngôi nhà Cúc Cu được KTS Trần Cảnh hoàn thành dành cho người vợ và những đứa con của họa sĩ Huy Hoàng sau đúng 3 năm ngày anh mất.
Ngôi nhà “tổ chim” ấm áp được thiết kế độc đáo, khác lạ
Họ đều mang trong mình hai dòng máu Campuchia - Việt Nam và đều có quá khứ khá lận đận vất vả. Trước sự thiếu vắng của người đàn ông trụ cột, ngôi nhà chính là điểm tựa để che chở và bao bọc cho người phụ nữ và những người con.
Chính điều này đã khiến anh phác thảo nên ý tưởng “tổ chim” mang đến sự ấm áp, bình yên và cảm giác được ôm ấp cho mọi thành viên trong gia đình.
Cổng nhà, hàng rào chỉ mang tính ngăn cách ước lệ như thể tính cách phóng khoáng của người chủ nhà đã khuất.
Ngôi nhà hướng chính nam được xây dựng trên một mảnh đất có diện tích 96m2, phía trước nhà là một khoảng sân nhỏ như một điểm dừng chân trút bụi đường trước khi đặt chân vào bên trong ngôi nhà.
Tầng một được thiết kế làm nơi kinh doanh trà đá, café giải khát cùng một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ nên được ưu tiên thiết kế rộng thoáng nhất có thể. Những không gian chức năng khác như nhà WC, bếp, phòng khách nhỏ được đẩy lùi về phía sau của căn nhà và thiết kế thu gọn nhưng không mất đi tính tiện ích.
Nét nhà phố những năm 70 – 80 được tái hiện quán nước hiên nhà
Chất liệu sử dụng trong công trình là xi măng đá rửa granito, gỗ, gạch trần và thép chịu lực
Toàn bộ không gian tầng một được thiết kế rộng thoáng để gia chủ sử dụng làm nơi kinh doanh nhỏ
Góc bếp rất đơn giản, mộc mạc
Khoảng thông gió và khu vực phụ tại tầng một
Hiên nhà là điểm chuyển tiếp giữa không gian sân vườn và không gian phía trong căn nhà. Nó mang hình ảnh của một ngôi nhà phố Việt Nam những năm thập niên 70 – 80 với hệ thống cửa lùa bằng gỗ và một quán nước nhỏ.
Nắng chiếu bên thềm
Tầng hai được thiết kế khác lạ với ý tưởng từ những “tổ chim”. Thay vì sử dụng phương pháp đổ trần bê tông thông thường, KTS Trần Cảnh cho sử dụng khung thép chịu lực để làm tầng hai. “3 cabin” với chức năng tối thiểu cho nhu cầu ngủ, nghỉ được anh tạo nên cùng với một góc bàn học của cô con gái đang học cấp 2.
Tầng hai được thiết kế thành 3 cabin riêng biệt độc đáo
Bàn học bên khung cửa nhỏ dành cho cô con gái đang học cấp hai
Cabin cạnh bàn học dành cho cô gái nhỏ
Phần hành lang rộng với mục đích làm nơi sinh hoạt chung cho cả gia đình
Giữa các cabin có những khoảng trống tạo sự thông thoáng
Trong thiết kế này, nhà về sinh tầng hai cùng được tiết chế về mặt diện tích nhằm tạo nên một hành lang rộng. Với không gian này, gia chủ có thể sử dụng như một không gian sinh hoạt chung cho cả ba mẹ con.
Phòng vệ sinh được tiết chế để tạo nhiều diện tích hơn cho ngôi nhà
Phần diện tích còn lại là các khoảng trống thông tầng được bố trí xen kẽ giữa các cabin để tạo sự thông thoáng. Bên trong từng cabin, anh thiết kế phần trần mở với những ô thủng lấy sáng và thông gió.
Trong mỗi cabin, phía trần trên cao đều được thiết kế mở đón sáng.
Cây xanh không thể thiếu và được điểm xuyết tại một số vị trí trong căn nhà để làm mềm thêm không gian sống.
Ngôi nhà được thực hiện với sự trân trọng của KTS Trần Cảnh tới người họa sĩ quá cố. Anh đã gọi nó là “Ngôi nhà Cúc Cu” .Và anh muốn ngôi nhà sẽ thực sự là tổ ấm, là nơi cư trú ấm áp như chính trên quê hương Campuchia của họ.
Đơn vị thiết kế: Adrei Studio
Chụp Ảnh: Quang Dam
Bài viết: Phạm Anh